Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Lược sử 13 vị Tổ Tịnh Độ Tông



In Email

Lời Khai Thị Của Ấn Quang Đại Sư



Sư thường dạy: Vì pháp môn Tịnh độ chính là pháp môn Viên đốn đệ nhất, trên thành Phật đạo, dưới cứu độ chúng sanh của mười phương ba đời chư Phật, nên phải hết lòng tán thán hoằng truyền.

Lại trong tập Hoài Hạnh Thư, sư viết: Pháp môn Tịnh độ chính là pháp môn cực khó mà cũng cực dễ. Nói nó khó chính là chỗ người đại triệt đại ngộ, thâm nhập kinh tạng còn không tin nỗi. Nói nó dễ chính là chỗ kẻ tầm thường ngu dốt cũng thực hành được, nếu chí thành nổ lực niệm thì khi lâm chung liền thấy các tướng tốt đẹp xuất hiện, có khả năng vãng sanh Tây phương. Đối với pháp môn này, người đại triệt đại ngộ, thông hiểu kinh luận sâu xa còn chối bỏ, không hướng tâm đến. Vì một bên chuyên nương vào tự lực, bỏ đi Phật lực. Còn một bên chuyên nương vào Phật lực, nhờ Phật lực để phát huy tự lực. Vì biết khế hợp ba pháp: Phật lực, pháp lực và lực sẵn có của tự tâm nên có khả năng siêu phàm nhập Thánh, liễu thoát sanh tử. Tối trọng yếu của pháp môn này chính là Có tín, nguyện thì chắc chắn đó là người tu hành chơn chánh. Đã tu trì thì nhất định được vãng sanh.
Lại trong Ấn thí cực lạc viên tự đã tán thán sự thù thắng của pháp môn Tịnh độ: Ôi, thật kì diệu! Giáo của pháp môn Tịnh độ chỉ thẳng tâm người, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Vậy mà còn không khoa trương sự thù thắng của nó.
Người niệm Phật, niệm niệm không gián đoạn, trải qua số kiếp, tu chứng cần phải phát huy tính cao siêu của nó. Pháp môn này phổ cập cho mọi căn cơ cao thấp, thu nhiếp tất cả các tông như Luật, Thiền, Giáo… Như khi trời mưa, tất cả vạn vật đều được thắm nhuần, như trăm sông cùng chảy ra đại dương. Pháp môn này cũng lại như vậy, trùm khắp hết thảy các pháp đốn, tiệm, không một pháp nào mà không lưu xuất từ pháp giới này. Tất cả các hạnh quyền thật của Đại, Tiểu thừa, không có một pháp nào mà không qui về pháp giới này. Không đoạn hoặc nghiệp mà được dự vào hàng Bổ xứ, tức ngay đời này viên mãn Bồ đề. Chín cõi chúng sanh lìa pháp môn này thì không thể viên thành phật đạo. Mười phương chư Phật bỏ pháp môn này thì không thể lấy gì làm lợi ích cho quần sanh. Vì vậy, hải chúng của Hoa nghiêm hết lòng tuân theo vua mười đại nguyện. Một khi xưng niệm Pháp hoa thì liền chứng được thật tướng các pháp. Hạnh phương tiện tối thắng, ngài Mã Minh nêu bày trong Khởi tín. Đạo dễ hành và mau thành, Long Thọ diễn bày trong Tì bà sa. Bậc đại trí Long Thọ được xem là hậu thân của đức Thích Ca, nói Thập Nghi Luận, mà ý chuyên hướng về Tây phương. Vĩnh Minh được xem là Di Đà thị hiện, trước tác Tứ liệu giản, trọn đời niệm Phật. Hết thảy năm tánh, ba thừa đều chứng chơn thường. Trên thánh dưới phàm đều qua bờ giác. Nên được chín cõi quay về, mười phương chư phật tán thán. Ngàn kinh đồng nêu bày, vạn luận đều tuyên dương.
ĐẠI SƯ ẤN QUANG
Tổ Liên tông thứ mười ba – Dân Quốc
Trích từ: Ngôn Hạnh Cao Đẹp Của 13 Vị Tổ Liên Tông
Nguyên tác: Lương Vĩnh Khang
Việt dịch: Thích Nguyên An
Downloads: 1292
Đại sư Huệ Viễn (334-416) người Nhạn Môn, Sơn Tây. Thuở nhỏ tinh thông Nho, Lão cùng Bách gia chư tử. Trưởng thành xuất gia với Pháp sư Đạo An, chùa Nghiệp Trung, Hằng Sơn.


1 - Huệ Viễn Đại sư 

Năm Thái Nguyên thứ 6 (nhà Tấn) Đại sư du hóa đến Tầm Dương, Giang Tây, thấy cảnh Lô Sơn rộng rãi đến lập tịnh xá tu trì. Sau ngài đến phía Đông Lô Sơn lập chùa tên Đông Lâm Thần Vận tự.
Tại chùa Đông Lâm, Đại sư Huệ Viễn đã lập Bạch Liên xã, xiển dương pháp môn niệm Phật, trước tác kinh luận hoằng dương Phật pháp như các bộ: Đại trí luận yếu lược, Pháp tánh luận, Sa môn bất bái vương giả luận… cho đến ngày vãng sanh.


2 - Thiện Đạo Đại sư

Đại sư Thiện Đạo (613-681), người đời Đường. Năm Trinh Quán, nhân đọc Tịnh độ Cửu phẩm đạo tràng của Thiền sư Đạo Xước, ngài nhận ra: “Đây mới thật là cửa mầu đi vào cảnh Phật”.
Từ đó ngài tinh cần niệm Phật và truyền bá pháp môn Tịnh độ. Hơn ba mươi năm, Đại sư vừa hóa đạo, vừa chuyên tu, chưa từng ngủ nghỉ. Có đến hàng vạn người theo ngài tu tập niệm Phật.

3 - Thừa Viễn Đại sư
Đại sư Thừa Viễn (712-802), người đời Đường. Lúc mới xuất gia, Đại sư theo học với Đường thiền sư ở Thành Đô, sau đến Kinh Châu tham học với Chân thiền sư ở chùa Ngọc Tuyền.
Sau khi ngộ đạo, Đại sư Thừa Viễn đến Hoành Sơn hoằng hóa. Ngài lập nguyện khổ hạnh, tùy theo căn cơ chúng sanh mà chỉ dạy Thiền hoặc Tịnh. Về sau ngài dựng chùa Di Đà, khuyến hóa mọi người niệm Phật đông đến hàng vạn.


4 - Pháp Chiếu Đại sư
Đại sư Pháp Chiếu (747-821) người đời Đường, tu tập ở chùa Vân Phong tại Hoành Châu.
Năm Đại Lịch thứ năm, Đại sư đến chùa Phật Quang ở huyện Ngũ Đài. Tại đây, Đại sư được Bồ tát Văn Thù khai thị pháp môn niệm Phật, cầu vãng sanh Tây phương.
Từ đó về sau, Đại sư chuyên tâm niệm Phật và mở nhiều đạo tràng niệm Phật từ dân gian cho đến hoàng cung, hóa độ cho vô số người.

5 - Thiếu Khang Đại sư

Đại sư Thiếu Khang (?-805) họ Châu, người đời Đường. Tuổi nhỏ đã xuất gia, căn tánh lanh lợi, 15 tuổi đã thông suốt được năm bộ kinh.
Sau Đại sư đến viếng chùa Bạch Mã ở Lạc Dương. Nhân đọc Tây Phương Hóa Đạo của Đại sư Thiện Đạo nên phát nguyện hoằng truyền pháp môn niệm Phật.
Về sau, Đại sư thành lập Tịnh độ đạo tràng ở Ô Long Sơn. Tín chúng phát tâm niệm Phật rất đông.

6 - Diên Thọ Đại sư

Đại sư Diên Thọ (904-975), tự Xung Huyền, người đời Tống. Lúc thiếu thời, thích tụng kinh Pháp Hoa. Sau xuất gia với Thiền sư Thúy Nham, tham học với Thiều Quốc sư ở Thiên Thai, tỏ ngộ tâm yếu. Năm Kiến Long thứ hai, trụ trì chùa Vĩnh Minh, trước tác Tông cảnh lục, Vạn thiện đồng quy… mỗi ngày đêm tụng một bộ kinh Pháp Hoa, niệm 10.000 câu Phật hiệu. Người đương thời tôn xưng Diên Thọ Đại sư là Phật A Di Đà ứng hóa.


7 - Tỉnh Thường Đại sư
 
Đại sư Tỉnh Thường (959-1020), tự Thứu Vi, người đời Tống. Bảy tuổi xuất gia, sau trụ trì chùa Chiêu Khánh, thành lập Liên xã. Nhân việc trích máu chép phẩm Tịnh Hạnh của kinh Hoa Nghiêm nên đổi tên Liên xã thành Tịnh Hạnh xã. Đại sư hóa độ hàng vạn người đều tu tập theo pháp môn niệm Phật.


8 - Châu Hoằng Đại sư
Đại sư Châu Hoằng (1532-1612), hiệu Liên Trì, người đời Minh. Tuổi trẻ thông minh học rộng, có căn duyên với pháp môn Niệm Phật. Năm 32 tuổi, Đại sư xuất gia, học đạo với Tiếu Nham thiền sư, tham cứu câu “Niệm Phật là ai?” đạt ngộ. Niên hiệu Long Khánh thứ năm, Đại sư trú tại núi Vân Thê, trước tác bộ Phật thuyết A Di Đà kinh sớ sao, tận lực xiển dương pháp môn Tịnh độ.

9 - Trí Húc Đại sư

Đại sư Trí Húc (1599-1655), tự Ngẫu Ích, người đời Thanh. Thuở niên thiếu học Nho, sau nhân xem bộ Trúc song tùy bút của Đại sư Liên Trì và đọc kinh Địa Tạng phát ý xuất trần, phát tâm niệm Phật.
Về sau, Đại sư trụ trì trải qua các nơi: Ôn Lăng, Chương Châu, Thạch Thành, Thánh Khê, Trường Thủy và Tân An, rộng truyền giáo pháp Thiên Thai và pháp môn niệm Phật.


10- Hành sách Đại sư

Đại sư Hành Sách (1628-1682), tự là Triệt Lưu, người đời nhà Thanh. Năm 23 tuổi, xuất gia với Hòa thượng Nhược Am ở chùa Lý An.
Niên hiệu Khang Hy thứ hai, Đại sư cất am ở núi Pháp Hoa, tại Hàng Châu, chuyên tu Tịnh độ. Sau Đại sư trụ trì chùa Phổ Nhân ở Ngư Sơn, đề xướng thành lập Liên xã. Học giả các nơi hưởng ứng tu tập niệm Phật rất đông.


11- Thật Hiền Đại sư
Đại sư Thật Hiền (1686-1734), hiệu Tĩnh Am, người đời Thanh. Khi xuất gia, tham cứu câu “Niệm Phật là ai?” được tỏ ngộ. Kế tiếp, Đại sư nhập thất ba năm ở chùa Chân Tịch, ngày đọc kinh, đêm chuyên trì danh hiệu Phật.
Đại sư lập Liên xã, soạn văn “Khuyên phát lòng Bồ đề” để khuyến khích tứ chúng, trọn đời tinh tấn tu tịnh nghiệp.


12- Tế Tỉnh Đại sư

Đại sư Tế Tỉnh (1741-1810), tự Triệt Ngộ, hiệu Nạp Đường, người đời Thanh.
Thuở bé ngài đã thông thuộc kinh sử. Sau khi xuất gia, tham học với Tụy Như Thuần thiền sư ở Quảng Thông, tỏ ngộ thấu suốt, được truyền tâm ấn.
Đại sư trụ trì chùa Giác Sanh, kế đến là chùa Tư Phước ở Hồng Loa Sơn. Tăng chúng về nương ngày càng đông, khiến nơi đây trở thành đại tòng lâm. Đại sư chuyên tu tịnh nghiệp, chủ trương Liên tông, hàng ngày chuyên tâm lễ sám, niệm Phật. Vì pháp lợi sanh, Đại sư hoằng hóa không mệt mỏi, tất cả đều dùng Tịnh độ làm chỗ quy thú.

13- Ấn Quang Đại sư

Đại sư Ấn Quang (1862-1940), hiệu Thường Tàm. Thuở bé Ngài học Nho, 21 tuổi xuất gia với Hòa thượng Đạo Thuần tại chùa Liên Hoa Động ở núi Chung Nam. Nhờ xem bộ Long Thơ Tịnh Độ, biết rõ công đức niệm Phật, nên quy hướng Tịnh độ, và khuyên người niệm Phật. Từ đó, Đại sư tiến bước trên đường tu học trải qua các danh lam như  chùa Từ Phước, Long Tuyền, Viên Quảng và sau cùng đến chùa Pháp Võ ở Phổ Đà Sơn.
Đại sư khuyến hóa đồ chúng giữ trọn luân thường, tin chắc nhân quả, lánh dữ làm lành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây phương.
Sau Đại sư thành lập Tịnh Độ đạo tràng tại chùa Linh Nham, rộng truyền pháp môn niệm Phật.
(Nguồn: Giác Ngộ Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét