Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Ba Đời


http://nguoiphattu.com/Upload/CKFinder/images/lap%20tdoannguoiphattu.jpgHán dịch: Sa-môn An Thế Cao đời Hậu Hán
Việt dịch: Tại gia Bồ-Tát giới Ưu-bà-tắc Nguyên Thuận


Lúc bấy giờ, Tôn giả A-Nan ở trên Hội Linh Sơn và cùng hội hợp với 1.250 vị Tỳ-kheo. Khi ấy ngài A-Nan chắp tay đảnh lễ. Sau đó ngài đi nhiễu Phật ba vòng, gối phải quỳ, chắp tay, và thưa hỏi Đức Bổn Sư Thích-ca-mâu-ni Phật:


"Bạch Thế Tôn! Vào thời Mạt Pháp, tất cả chúng sanh ở Nam Diêm-phù-đề sẽ khởi sanh rất nhiều nghiệp chẳng lành. Họ không tôn kính Tam Bảo, không kính trọng cha mẹ, và không có mối quan hễ giữa quân thần, cha con, hay vợ chồng. Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín sẽ rối ren và hỗn loạn. Họ bần cùng hạ tiện, sáu căn không đầy đủ, suốt ngày chỉ sát sanh hại mạng. Tầng lớp cũng không bình đẳng, có người thì giàu sang, có kẻ thì nghèo khốn. Nhân duyên gì đã dẫn đến những quả báo này? Ngưỡng mong Thế Tôn hãy từ bi giảng giải tường tận cho chúng đệ tử."

Phật bảo ngài A-Nan và các vị đại đệ tử:

"Lành thay, lành thay! Các ông hãy lắng nghe. Bây giờ Ta sẽ nói rõ cho các ông. Hết thảy nam nữ già trẻ trong thế gian, có kẻ bần tiện, có người phú quý, có kẻ thọ khổ cùng cực, có người hưởng phước bất tận, tất cả việc này đều là do quả báo của đời trước.

Muốn được quả báo lành thời phải nên làm gì? Trước tiên là hiếu kính cha mẹ. Kế đến là kính tin Tam Bảo. Thứ ba là đừng giết hại và hãy phóng sanh. Thứ tư là ăn chay và bố thí. Những việc như thế mới có thể gieo trồng ruộng phước cho đời sau."

Khi ấy Đức Phật nói bài kệ nhân quả rằng:

"Giàu sang đều do mạng
Đời trước tu nhân lành
Ai thọ trì lời này
Đời đời phước lộc thâm

Thiện nam tín nữ nghe cội nhân
Nghe nhớ Tam Thế Nhân Quả Kinh
Nhân quả ba đời chẳng phải nhỏ
Phật nói lời thật chớ xem thường

Đời này làm quan là nhân gì?
Đời trước lấy vàng tô tượng Phật
Đời trước tu tạo đời này hưởng
Gấm bào nịt vàng cầu trước Phật
Lấy vàng đắp Phật tức cho mình
Phủ áo cho Phật là cho ta
Chớ nói làm quan rất dễ dàng
Đời trước không tu sao nó đến

Cưỡi ngựa ngồi kiệu là nhân gì?
Đời trước xây cầu sửa đường sá

Áo gấm lụa đào là nhân gì?
Đời trước lấy áo cho kẻ bần

Ăn mặc dư giả là nhân gì?
Đời trước cơm nước thí người nghèo

Ăn mặc thiếu thốn là nhân gì?
Đời trước nửa đồng chẳng hề cho

Nhà lớn lầu cao là nhân gì?
Đời trước lấy gạo cho chùa chiền

Phước lộc dồi dào là nhân gì?
Đời trước xây chùa dựng miếu đình

Tướng mạo đoan trang là nhân gì?
Đời trước hoa tươi dâng cúng Phật

Thông minh trí tuệ là nhân gì?
Đời trước tụng Kinh siêng niệm Phật

Vợ hiền đẹp xinh là nhân gì?
Đời trước Phật môn kết thiện duyên

Vợ chồng hạnh phúc là nhân gì?
Đời trước tràng phan cúng dường Phật

Cha mẹ đầy đủ là nhân gì?
Đời trước kính trọng người đơn côi

Mồ côi cha mẹ là nhân gì?
Đời trước do bởi thích bắn chim

Con cháu đầy đàng là nhân gì?
Đời trước mở lồng thả chim muông

Nuôi con không lớn là nhân gì?
Đời trước do bởi oán hận người

Đời này không con là nhân gì?
Đời trước oán ghét con cháu người

Đời này sống lâu là nhân gì?
Đời trước thú vật mua phóng sanh

Đời này chết yểu là nhân gì?
Đời trước xẻo thịt giết chúng sanh

Đời này không vợ là nhân gì?
Đời trước thông gian vợ người ta

Đời này ở góa là nhân gì?
Đời trước khinh rẻ chồng của mình

Đời này tôi tớ là nhân gì?
Đời trước vong ân phụ nghĩa tình

Đời này mắt sáng là nhân gì?
Đời trước lấy dầu thắp đèn Phật

Đời này mù lòa là nhân gì?
Đời trước khoái xem sách khiêu dâm

Đời này sứt miệng là nhân gì?
Đời trước ưa thích nói thị phi

Đời này câm điếc là nhân gì?
Đời trước chửi rủa mắng song thân

Đời này gù lưng là nhân gì?
Đời trước chê cười ai lạy Phật

Đời này tay cong là nhân gì?
Đời trước đánh đập cha mẹ người

Đời này chân khiễng là nhân gì?
Đời trước phá ai sửa cầu đường

Đời này trâu ngựa là nhân gì?
Đời trước thiếu nợ không chịu trả

Đời này heo chó là nhân gì?
Đời trước rủ rê chuyên lừa đảo

Đời này lắm bệnh là nhân gì?
Đời trước mong người bị tai ương

Đời này khỏe mạnh là nhân gì?
Đời trước cho thuốc cứu bệnh nhân

Đời này ngồi tù là nhân gì?
Đời trước thấy nguy mà không cứu

Đời này chết đói là nhân gì?
Đời trước cười mắng kẻ xin ăn

Bị người thuốc chết là nhân gì?
Đời trước ngăn sông độc chết cá

Côi cút lẻ loi là nhân gì?
Đời trước ác tâm xâm chiếm lời

Đời này lùn chủn là nhân gì?
Đời trước khinh bỉ kẻ làm công

Đời này hộc máu là nhân gì?
Đời trước khêu chọc gây chia rẽ

Đời này tai điếc là nhân gì?
Đời trước nghe Pháp chẳng tin thật

Đời này ghẻ lở là nhân gì?
Đời trước ngược đãi với súc sanh

Thân thể hôi hám là nhân gì?
Đời trước đố kỵ người giàu sang

Đời này chết treo là nhân gì?
Đời trước hại người lợi cho mình

Quan quả cô độc là nhân gì?
Đời trước vợ con chẳng thương yêu

Sét đánh lửa thiêu là nhân gì?
Đời trước hủy báng người tu hành

Hổ vồ rắn cắn là nhân gì?
Đời trước kết tạo nhiều oán thù

Muôn nghiệp mình làm tự gánh lấy
Địa ngục thọ khổ oán trách ai
Chớ cho nhân quả không ai thấy
Xa thì con cháu gần là ta

Không tin Tam Bảo làm bố thí
Hãy nhìn trước mắt người thọ phước
Đời trước tu trồng đời này hưởng
Đời này tích đức hậu thế nhờ

Nếu ai hủy báng Kinh Nhân Quả
Đời sau đọa lạc mất thân người

Nếu ai tín thọ Kinh Nhân Quả
Sao phước lộc thọ chiếu đến nhà

Nếu ai biên chép Kinh Nhân Quả
Đời đời gia đạo luôn hưng thịnh

Nếu ai đội mang Kinh Nhân Quả
Hung tai hoạnh họa chẳng đến thân

Nếu ai giảng giải Kinh Nhân Quả
Đời đời kiếp kiếp được thông minh

Nếu ai đọc tụng Kinh Nhân Quả
Nơi nào sanh ra người cung kính

Nếu ai ấn tống Kinh Nhân Quả
Đời sau sẽ được làm đế vương

Nếu hỏi nhân quả chuyện đời trước
Ca-diếp bố thí thân sắc vàng

Nếu hỏi nhân quả chuyện đời sau
Thiện Tinh báng Pháp đọa địa ngục

Nếu cho nhân quả không báo ứng
Mục-Liên cứu mẹ là nhân gì?

Nếu ai tin sâu Kinh Nhân Quả
Đồng sanh Tây Phương Cực Lạc Quốc
Nhân quả ba đời nói bất tận
Trời rồng chẳng xa người hiền lương

Trong cửa Tam Bảo tu phước lành
Một đồng vui cho vạn đồng thu
Phước ấy giữ tại kho kiên cố
Đời đời kiếp kiếp phước chẳng cùng

Nếu ai muốn biết việc đời trước
Hãy xem đời này thọ quả gì
Nếu ai muốn hỏi việc đời sau
Hãy xem đời này gieo nhân gì"

Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Ba Đời

Bản dịch: 15/3/2012, hiệu đính: 3/4/2012

(Nguồn: http://buddha-dharma.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét