Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Lịch Sử Đức Phật Thích Ca - Phần III

"Trong bài kinh này, Đức Phật mở đầu bằng lời khuyên các Tu sĩ không nên mắc vào hai cực đoan: một cực đoan là đam mê thú vui nhục dục thế gian, thực ra chỉ là những cái tầm thường, nhất thời, ngăn cản mọi tiến bộ tâm linh. Một cực đoan thứ hai là khổ hạnh, ép xác vì nó làm mệt mỏi tinh thần, mê mờ Trí tuệ, do đó cũng có hại, vô ích..."

 

 

 10. Đức Phật Giảng Pháp Đầu Tiên Tại Vườn Nai, Gần Thành Ba La Nại (Benares)

Như đã nói trên, năm Tu sĩ, bạn đồng tu của Thái tử, ở Uruvela, nay vẫn tiếp tục tu khổ hạnh ở vườn Nai gần Thành phố Benares. Họ rời bỏ Thái tử, vì họ tưởng rằng Thái tử đã thoái chí, giữa đường bỏ cuộc. Nhưng thực ra, sau 6 năm tu khổ hạnh, Thái tử đã thực nghiệm và thấy rõ tất cả sự vô ích và vô lý của lối tu khổ hạnh, ép xác chỉ làm con người suy yếu về thân xác, mệt mỏi về tinh thần. Và Thái tử ở lại một mình, kiên trì, phấn đấu và cuối cùng đã Giác ngộ, thành Phật dưới gốc cây Bồ đề.
Sau khi đã quyết định truyền bá đạo lý cứu khổ cho thế gian, vì lòng thương xót loài Người và loài Trời, Đức Phật nghĩ ngay tới 2 vị Thầy cũ của mình là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta, nhưng cả 2 ông này đều đã qua đời cách đây không lâu. Với Phật nhãn, Đức Phật thấy năm người bạn đồng tu xưa kia của mình đang ở tại vườn Nai gần Benarès và quyết định họ sẽ là những người đầu tiên được nghe Giáo pháp của Ngài.
Rồi Đức Phật lên đường đi Benarès. Tại đây, ở vườn Nai gần Benarès, Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên cho 5 người bạn đồng tu ngày trước của mình. Sự kiện đáng ghi nhớ này diễn ra vào một ngày trăng rằm, đúng hai tháng sau Đức Phật Thành đạo. Sau này, nó được biểu trưng một cái bánh xe, có 2 con nai nâng đỡ hai bên.
Hai con nai biểu trưng cho địa điểm thuyết pháp, Vườn Nai, cũng gọi là Lộc Uyển. Bánh xe - Dhammacakka - tức là bánh xe Pháp, sách Hán dịch là Pháp luân. Cả đầu đề bài kinh là Dhammacakkappavattana, có nghĩa là "Chuyển Bánh Xe Pháp.”

11. Nội Dung Kinh Chuyển Bánh Xe Pháp

Trong bài kinh này, Đức Phật mở đầu bằng lời khuyên các Tu sĩ không nên mắc vào hai cực đoan: một cực đoan là đam mê thú vui nhục dục thế gian, thực ra chỉ là những cái tầm thường, nhất thời, ngăn cản mọi tiến bộ tâm linh. Một cực đoan thứ hai là khổ hạnh, ép xác vì nó làm mệt mỏi tinh thần, mê mờ Trí tuệ, do đó cũng có hại, vô ích. Đức Phật khuyến cáo nên rời bỏ hai cực đoan trên, và theo con đường Trung đạo dẫn tới cuộc sống thanh tịnh, Trí tuệ sáng suốt và Giải thoát tối hậu. Đó là con đường đạo tám nhánh nổi tiếng, sách Hán thường dịch là Bát chánh đạo:
1. Chánh tri kiến: Thấy biết chân chánh.
2. Chánh tư duy: Suy nghĩ chân chánh, ý chí chân chánh.
3. Chánh ngữ: Nói năng chân chánh, tức là không nói dối, không nói ác, không nói chia rẽ, không nói lời vô nghĩa.
4. Chánh nghiệp: Hành động chân chánh, tức là không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh, không rượu chè.
5. Chánh mạng: Sinh sống bằng nghề chân chánh, không phải bằng nghề bất lương, như buôn bán lừa đảo, buôn vũ khí và thuốc độc, buôn bán nô tỳ...
6. Chánh Tinh tấn: Siêng năng chân chánh, diệt bỏ mọi điều bất thiện, làm mọi điều tốt lành.
7. Chánh niệm: Nghĩ nhớ chân chánh, không nghĩ nhớ điều tà vạy, ác xấu, mê lầm.
8. Chánh định: Tập trung tư tưởng chân chánh, không để tư tưởng tán loạn, chạy theo dục vọng.
Con đường tám nhánh là con đường đạo chân chánh, dẫn tới chấm dứt mọi đau khổ, phát khởi Trí tuệ, đưa đến Niết bàn, là sự Giải thoát vĩnh viễn khỏi vòng sống chết luân hồi, là sự thanh tịnh tuyệt đối và an lạc tuyệt đối.
Trong bài thuyết pháp đầu tiên này, Đức Phật giảng về bốn Chân lý cao cả, cũng gọi là bốn Chân lý Thánh, bởi vì chúng được phát hiện và tuyên thuyết bởi bậc Thánh vĩ đại nhất là Đức Phật. Đó là Chân lý về sự khổ (sách Hán gọi là Khổ đế), Chân lý về nguyên nhân của khổ (Tập đế), Chân lý về diệt khổ (Diệt đế), Chân lý về con đường đạo diệt khổ (Đạo đế).
Nghe xong bài thuyết pháp này, và một bài thứ hai có đầu đề "Anttalakkhana sutta", bàn về thuyết Vô ngã (không có cái Ta), năm vị Tu sĩ ở vườn Lộc Uyển được Giác ngộ và không bao lâu trở thành A la hán.

12. Đức Phật Giác Ngộ Cho Yasa Và Những Người Bạn Của Yasa

Gần Benares, có con trai người triệu phú tên là Yasa, tuy sống cuộc đời đầy đủ xa hoa, nhưng lại sớm chán cảnh sống thế gian tầm thường vô vị. Yasa tìm đến Đức Phật, bộc lộ với Đức Phật tâm trạng chán chường của mình, và được Đức Phật thuyết pháp về hạnh Bố thí, về nếp sống đạo đức, về các cõi Trời, về nguy hại của dục lạc thế gian, về hạnh phúc của nếp sống Thánh, hỷ xả, không tham trước. Và sau đó, Đức Phật giảng cho Yasa vế bốn Chân lý cao cả: sự khổ, nguyên nhân của khổ, cảnh giới Niết bàn an lạc và con đường đạo tám nhánh dẫn tới Niết bàn.
Cha của Yasa, trên đường đi tìm con trai, cũng đến Vườn Nai và được nghe Phật thuyết pháp, ông xin Phật cho quy y và trở thành người đệ tử tại gia đầu tiên của Phật. Còn Yasa thì xin Phật cho xuất gia và không bao lâu chứng quả A la hán. Như vậy, với Yasa, bên cạnh đức Phật, đã có sáu vị A la hán. Khi Đức Phật đến thăm nhà cha của Yasa theo lời thỉnh cầu của ông này, thì cả người mẹ và người vợ cũ của Yasa cũng xin quy y làm đệ tử tại gia của Đức Phật. Bốn người bạn của Yasa là Vimala, Subaha, Tunnaji và Barampati, noi gương Yasa cũng xin xuất gia, và không bao lâu đều chứng quả A la hán.
Ngoài ra, hơn năm mươi người bạn khác của Yasa, từ các gia đình và địa phương khác nhau, nghe tin Yasa chứng được Thánh quả, cũng đều tụ tập về đây xin xuất gia theo Đức Phật, và sau một thời gian, tất cả đều chứng quả A la hán.

13. Đoàn Tăng Sĩ Thuyết Pháp Đầu Tiên

Bấy giờ, Đức Phật có sáu mươi đệ tử đều là A la hán. Ngày quyết định phái họ đi khắp nơi để truyền bá Chánh pháp. Trước khi họ lên đường, Đức Phật đã động viên họ với lời lẽ như sau:
"Hỡi các Tỳ kheo, Ta đã được Giải thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian và xuất thế gian.”
"Các ngươi cũng vậy, hỡi các Tỳ kheo, cũng đã được Giải thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian và xuất thế gian.”
"Hãy đi! Hỡi các Tỳ kheo, vì lợi lạc của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của loài Trời và loài Người. Các người hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng. Hãy truyền bá đạo pháp, hỡi các Tỳ kheo. Đạo pháp toàn thiện, ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý tứ và lời văn, hãy tuyên bố về cuộc sống Thánh, toàn thiện và thanh tịnh..." (Mahavagga 19).
Tỳ kheo, dịch âm từ chữ Pali "Bhikkhu", nghĩa là "Người khất thực.” Đức Phật, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, với 60 người học trò đã chứng quả A la hán, tổ chức thành một Tăng đoàn những Tu sĩ khất thực, không có nhà ở cố định, không có của cải vật chất nào khác ngoài tấm áo vàng che thân và bình bát để xin ăn... Thuyết giảng về đạo lý cứu khổ và cuộc sống Thánh hạnh, tự mình nêu gương sáng về cuộc sống Thánh hạnh và Giải thoát, đó là sự nghiệp, là nội dung công tác chủ yếu của Tăng đoàn đầu tiên, do Đức Phật đích thân thành lập và chỉ đạo.

14. Giác ngộ Cho Ba Mươi Thanh Niên

Sau khi Đức Phật phái các đệ tử mỗi người đi một ngã để truyền bá Chánh pháp, Ngài cũng lên đường đến Uruvela. Dọc đường, Ngài ngồi nghỉ ở một gốc cây, trong một khu rừng nhỏ. Lúc bấy giờ, có ba muơi thanh niên nhà giàu, đem vợ theo đến vui chơi giải trí trong chính khu rừng đó. Trong số này, có một thanh niên chưa vợ, đem theo một kỹ nữ. Trong khi họ đang vui đùa, thì người kỹ nữ lẫn trốn với nhiều của cải và đồ trang sức của họ. Các thanh niên lùng bắt người kỹ nữ trong khu rừng, gặp Đức Phật và hỏi Ngài có thấy người phụ nữ trẻ qua đây không?
Đức Phật hỏi: "Hỡi các thanh niên, tìm người kỹ nữ tốt, hay là tìm thấy bản thân mình tốt hơn?"
Họ đều trả lời là tìm thấy bản thân mình tốt hơn.
Đức Phật nói: "Thế thì được! Các bạn trẻ, hãy ngồi lại đây, Ta sẽ thuyết pháp cho.”
Các thanh niên kính lễ Phật với thái độ trân trọng rồi ngồi xuống nghe Phật giảng pháp. Nhờ nghe pháp, họ được Giác ngộ và xin Phật cho xuất gia làm Tỳ kheo.

15. Ba Anh Em Ông Kassapa (Ca Diếp) Được Giác ngộ

Gần Uruvela, có ba Tu sĩ khổ hạnh là ba anh em ông Kassapa: Uruvela Kassapa, Nadi Kassapa, và Gaya Kassapa. Người anh lớn, Uruvela Kassapa có 500 đệ tử, hai người em có 300 và 200 đệ tử. Ba anh em ông Kassapa đều là những Đạo sĩ có danh vọng lớn ở xứ Magadha, đặc biệt là người anh cả Uruvela Kassapa, ông này thờ thần lửa, và tự cho mình đã chứng quả A la hán. Đức Phật lại gặp ông đầu tiên và xin được phép ngủ qua đêm tại phòng riêng của ông này, ở đây có thờ một con rắn thiêng rất độc. Ông Kassapa tưởng rằng Đức Phật thế nào cũng bị con rắn thiêng cắn chết, nào ngờ chính con rắn bị Đức Phật hàng phục bằng sức thần thông của Ngài (8). Cả ba anh em với số học trò đông đảo đều xin xuất gia theo Đức Phật.
Sau đó, cả đoàn người cùng đi với Đức Phật đến một nơi gọi là Gaya Sisa, không cách xa Uruvela mấy. Ở đây, Phật giảng kinh Adittapariyaya Sutta (9). Nghe xong kinh này, tất cả các Tỳ kheo có mặt đều chứng quả A la hán.

16. Sariputta (Xá Lợi Phất) Và Moggalana (Mục Kiền Liên) Trở Thành Hai Đệ Tử Hàng Đầu Của Đức Phật

Gần thành Vương Xá (Rajagaha), tại làng Upatissa, có một thanh niên rất thông minh tên là Sariputla. Gia đình ông thuộc loại giàu có và danh tiếng nhất làng, cho nên ông cũng có tên là Upatissa. Tuy sống trong cảng giàu sang quyền quí, nhưng ông sớm cảm thấy tính trống rỗng, vô vị của cuộc sống thế tục. Ông cùng với người bạn thân là Moggalana, ở Kokita thường xuyên khi khắp nơi, tìm Thầy học đạo.
Đấy cũng là thời điểm, Đức Phật phái các đệ tử đi truyền giáo. Sariputta được gặp A la hán Assaji đang đi khất thực trong thành Vương Xá và xúc động mạnh mẽ trước dung mạo trang nghiêm và khí sắc Giải thoát của vị A la hán trẻ tuổi này. Sariputta đến gần và hỏi:
"Thưa Ngài tôn kính! Các căn của Ngài thật an tịnh, màu da của Ngài thật trong sáng. Được sự chỉ đạo của bậc Đạo sư nào mà Ngài xuất gia? Bậc Đạo sư của Ngài là ai? Ngài theo giáo lý nào?"
A la hán Assaji trả lời với thái độ khiêm tốn:
"Tôi còn rất trẻ trong Tăng đoàn, thưa Ngài, và tôi không có khả năng thuyết pháp được nhiều cho Ngài.”
Nhưng vì Tôn giả Xá Lợi Phất khẩn khoản yêu cầu, cho nên A la hán Assaji đọc câu kệ:
"Sự vật bắt nguồn từ nhân duyên
Đức Như Lai nói rõ nhân duyên đó
Và bậc Đạo sư cũng nói rõ
Sự vật đó tiêu diệt như thế nào?”
Ngài Sariputta rất thông minh, chỉ mới nghe 2 câu kệ đầu đã chứng ngay Sơ quả (10). Sau đó, Ngài về báo tin cho người bạn thân Moggalana, và cả hai người cùng đến yết kiến Đức Phật ở Tu viện Veluvana. Đức Phật thâu nhận hai ông vào Tăng chúng với câu nói đơn giản: "Etha Bhikkhave!" (Hãy đến đây! Các Tỳ kheo).
Mười lăm ngày sau đó, Sariputta chứng quả A la hán, khi nghe Đức Phật giảng kinh Vedana Pariggha cho du sĩ ngoại đạo Dighanakha, còn Mục Kiền Liên thì chứng quả A la hán trước đó một tuần. Ngay chiều hôm Ngài Sariputta chứng quả A la hán, Đức Phật triệu tập Tăng chúng lại và tuyên bố hai Ngài là hai vị thượng thủ của Tăng đoàn.

17. Đức Phật Về Thăm Gia Đình

Thân phụ Đức Phật, vua Suddhodana bây giờ đã già yếu, nghe tin Đức Phật Thành đạo và đang thuyết pháp ở thành Rajagaha (Vương Xá), vua rất nóng lòng được gặp lại con. Vua liền phái sứ giả đến Rajagaha (Vương Xá), thỉnh cầu Đức Phật trở về thăm cố đô và gia đình. Nhưng các sứ giả của Vua, đến Vương Xá, đuợc nghe Phật thuyết pháp, đều xin xuất gia làm Tỳ kheo và chứng quả A la hán.
Vị sứ giả thứ mười là Kaludayi, vốn là người bạn thân cũ của Đức Phật, lúc Ngài còn là Thái tử. Ông này đến Vương Xá, nghe Phật nói pháp, cũng xin xuất gia và không bao lâu chứng quả A la hán như chín vị sứ giả trước, Kaludayi không quên chuyển tới Đức Phật lời phụ vương mời Đức Phật về thăm gia đình. Đức Phật nhận lời, lên đường cùng với đông đảo đệ tử.

18. Đức Phật Và Phụ Vương Suddhodana

Đức Phật và các đệ tử của Ngài được vua Suddhodana, quần thần và dân chúng đón tiếp rất long trọng. Được nghe Đức Phật thuyết pháp, vua chứng ngay Sơ quả (Tư đà hoàn). Khi nghe bài thuyết pháp thứ hai, nhà vua chứng quả Thánh thứ hai, Sakkadagami (Tư đà hàm), còn bà dì Pajapati Gotami thì chứng Sơ quả (Sotapana - Tu đà hoàn). Lần thứ ba, Đức Phật giảng kinh Dhammapala Jàtaka cho vua cha, và vua cha chứng quả Thánh thứ ba (Anagami - A na hàm). Sách kể rằng, sau này, trên giường bệnh, vua cha lại được Đức Phật về thăm và giảng pháp. Lần nghe pháp cuối cùng này, vua chứng quả A la hán. Và sau bảy ngày tận hưởng lạc thú Giải thoát, vua qua đời vào năm Đức Phật tròn 40 tuổi.

19. Đức Phật Và Công chúa Yasodhara (Da Du Đà La)

Công chúa Yasodhara (Da Du Đà La) vốn là con gái vua Suppahuddha (Thiện Giác), đứng đầu dòng họ Koliya. Sau khi Thái tử rời bỏ Hoàng cung, xuất gia cầu đạo, Công chúa cũng bỏ hết đồ trang sức, mặc áo vàng của người nữ Tu sĩ, và tận tình nuôi người con trai là La Hầu La đến tuổi khôn lớn.
Ngày thứ hai Đức Phật đến thành Kapilavastu, Đức Phật cùng với đông đảo đệ tử đến dùng bữa ăn trưa tại Hoàng cung, theo lời mời của vua cha. Sau bữa tiệc, Đức Phật cùng với vua cha và hai người đệ tử thân cận, Sariputta và Moggalana đến phòng Công chúa. Sau khi Đức Phật vào phòng và ngồi vào chỗ xếp sẵn, Công chúa đảnh lễ Phật với thái độ vô cùng cung kính. Đức Phật giảng truyện bổn sanh Candakinnara và nói: "Thưa phụ vương, không phải chỉ trong kiếp này, mà trong một kiếp sống trước, Công chúa cũng đã từng bảo vệ tôi và thủy chung với tôi.” Sau khi nhắc lại chuyện kiếp trước, Đức Phật an ủi Công chúa và từ giã Hoàng cung.
Sau khi vua Suddhodana qua đời, bà dì là Pajapati xuất gia làm Tỳ kheo ni. Công chúa cũng xuất gia và không bao lâu chứng quả A la hán. Trong số các Tỳ kheo ni, Công chúa là người giỏi phép thần thông nhất. Năm 78 tuổi, Công chúa nhập Niết bàn.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét