Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

LĂNG NGHIÊM CHÚ SỚ LƯỢC GIẢNG - Phần II

浙水慈雲寺顯密教觀沙門續法集
Triết thủy Từ Vân Tự Hiển Mật Giáo Quán Sa Môn Tục Pháp Tập
 Giảng thuật: Hòa Thượng Tuyên Hóa, Vạn Phật Thánh Thành Hoa Kỳ



Nguyên văn:

舜若多性可銷亡 爍迦囉心無動轉
Âm Hán Việt :
Thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong,
Thước-ca-ra tâm vô động chuyển.
Dịch :
Hư không kia còn có thể tiêu mất,
Bổn tâm kiên cố không hề lay động.

 
Thích :
Sớ rằng: Hai câu này lược nói tâm không thối chuyển. “Thuấn nhã đa” có nghĩa là hư không, “thước ca ra” có nghĩa là kiên cố, cũng gọi là Kim Cang. Nói tánh hư không không thể tiêu vong, tuy hư không còn có thể tiêu mất nhưng nay phát tâm thệ nguyện kiên cố, đồng với Tạng tánh, rốt không động chuyển, không giống như hư không có thể tiêu tan. Mười tám câu này xuất xứ từ cuối quyển ba của bộ kinh này (kinh Lăng Nghiêm).
Giải :
Thế nào là “thuấn-nhã-đa” (Shunyata) ? “Thước-ca-ra” (Vajra) lại là cái gì ? Thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong : là nói tánh hư không cũng có thể không còn. Quý vị nói hư không không còn chăng ? Không bao giờ. Vì nó là không, còn tiêu mất cái gì ? Nó vốn không có thứ gì, thì có thứ gì có thể tiêu mất ? Nhưng A Nan lại nói hư không có thể tiêu vong, đây chỉ là lời giả thiết. Hư không không thể tiêu vong cũng có thể tiêu vong, nhưng tâm Kim cang bất hoại của con, tâm kiên cố của con thì không thể động chuyển, vĩnh viễn không bao giờ thay đổi.
 
Nguyên văn :
南無常住十方佛。南無常住十方法。南無常住十方僧。南無本師釋迦牟尼佛。南無佛頂首楞嚴。南無觀世音菩薩。南無金剛藏菩薩。
Âm Hán Việt :
Nam mô thường trụ thập phương Phật.
Nam mô thường trụ thập phương Pháp.
Nam mô thường trụ thập phương Tăng.
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô Phật đảnh Thủ Lăng Nghiêm.
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát.
Nam mô Kim Cang Tạng Bồ tát.
Dịch :
Kính lạy thường trụ thập phương Phật, kính lạy thường trụ thập phương Pháp, kính lạy thường trụ thập phương Tăng, kính lạy Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, kính lạy Phật đảnh Thủ Lăng Nghiêm, kính lạy Bồ tát Quán Thế Âm, kính lạy Bồ tát Kim Cang Tạng.
 
Thích :
Sớ rằng : Ba câu trước là quy y chung Tam bảo. Nam mô là tiếng Phạn, dịch là quy mạng. Phật Ðà dịch là giác giả, có ba nghĩa tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Pháp có nghĩa là “nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải”, tức là có thể nắm giữ được tự tánh của nó, không khiến ta lầm với các vật khác, cũng tức Tam tạng Mười hai bộ loại. Tăng dịch là hòa hợp chúng, có hai nghĩa. Một là lý hòa, đồng chứng trạch diệt vô vi. Hai là sự hòa, là giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân, thân hòa đồng trú, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyt. Bốn câu sau là quy y riêng Tam bảo của bộ kinh này. Thích Ca Mâu Ni dịch là Năng Nhân Tịch Mặc, là Phật bảo của pháp hội này. Thủ Lăng Nghiêm xem giải thích ở trên. Chú Lăng Nghiêm do hóa thân Phật trong hào quang trên đỉnh đầu của Phật thuyết ra, nên lấy Phật đỉnh đặt tên, là Pháp bảo của hội. Pháp môn của Ngài Bồ tát Quán Thế Âm được chọn là pháp môn viên thông nhất trong kinh này, cùng với cõi này có duyên rất sâu dày, cho nên người tụng chú cũng nên quay lại tánh nghe nghe âm thanh của mình. Kim Cang Tạng là chủ của mật bộ, có thể hộ trì chú, thành tựu công đức vậy, vì thế nên cung kính quy y, để cầu gia bị.
Giải :
Nam mô thường trụ thập phương Phật. Nam mô thường trụ thập phương Pháp. Nam mô thường trụ thập phương Tăng : Ðây là quy y Tam bảo. Chúng ta quy y mười phương chư Phật, lại quy y Pháp mà chư Phật thuyết ra, lại quy y Hiền thánh tăng trong ba đời mười phương. Hiền thánh tăng tức là đại Bồ tát, đại A la hán cũng đều bao gồm ở trong. Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật : Sau khi quy y thập phương Tam bảo, lại quy y bổn tôn Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni là tiếng Phạn, dịch là Năng Nhân, Tịch Mặc. Năng Nhân tức là phổ độ chúng sanh, Tịch Mặc tức là tịch nhiên bất động. Năng nhân cũng tức là cảm ứng quán thông với tất cả. Năng lấy lòng nhân từ ban cho chúng sanh. Ðây tức là động tĩnh không hai. Năng nhân là động, Tịch mặc là tĩnh, động tĩnh nhất như. Trong động tức là tĩnh, trong tĩnh tức là động, động không làm chướng ngại tĩnh, tĩnh không làm chướng ngại động. Khi chúng ta tu đạo, tu đến lúc động tĩnh nhất như thì sẽ tìm được bản thể, không còn vọng niệm nữa.
Nam mô Phật đảnh Thủ Lăng Nghiêm : lại quy y đại định Phật đỉnh Thủ Lăng Nghiêm này. Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát : lại quy y Bồ tát Quán Thế Âm. Nam mô Kim Cang Tạng Bồ tát : lại quy y tám vạn bốn ngàn Kim Cang Tạng Bồ tát. Niệm chú Lăng Nghiêm có tám vạn bốn ngàn Kim cang tạng Bồ tát thường theo bên mình bảo hộ. Vì thế nay có thể trì được chú Lăng Nghiêm không phải căn lành gieo trồng trong một đời một kiếp, mà là căn lành đã gieo trồng trong vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp về trước, mới có thể học tập chú Lăng Nghiêm và tụng trì thọ trì chú Lăng Nghiêm. Không phải ở một chỗ Ðức Phật, hai Ðức Phật, ba bốn năm Ðức Phật gieo trồng căn lành, mà đã ở vô lượng ngàn vạn chỗ Phật gieo trồng các căn lành, mới có thể gặp được chú Lăng Nghiêm, mới có thể nghe giảng chú Lăng Nghiêm.
Có người nghĩ rằng : “Sư phụ hôm qua nói không hiểu chính là huyền diệu. Vậy thì tại sao Sư phụ lại giảng cho chúng con nghe”. Vậy thì quý vị có thể bịt lỗ tai lại không nên nghe ! Tôi giảng là việc của tôi, quý vị không nghe là việc của quý vị. Quý vị có thể ngủ ở đó, thì càng vi diệu hơn. Nhập vào tam ma địa ngủ, vừa ngủ thì gặp Châu Công. Châu Công nói : “Mừng ông đến đây ! Tôi sẽ cùng chơi với ông một bàn cờ”, nơi đó bày bàn cờ đánh với quý vị. Khi chú Lăng Nghiêm giảng xong, thì cờ quý vị cũng chơi xong, nói : “Ô ! cái gì ?”. Tôi cũng không biết.
Quý vị tu Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn cần phải thành tâm một chút, nỗ lực tu pháp này. Tu pháp này thì mai sau đều có thể trên trời dưới đất được ngàn tay ngàn mắt, như Bồ tát Quán Âm giáo hóa chúng sanh. Ðó là sự kỳ vọng của tôi đối với quý vị. Tu pháp thì cần phải có hành vi chánh đáng, tâm địa tốt, không được có tâm tham, không được có tâm ô nhiễm gạt người. Không thể dùng pháp này hướng người phan duyên. Cần phải thành thực, không thể có những hành vi không chánh đáng, điều này rất quan trọng.
 
Nguyên văn :
爾時世尊。從肉髻中。涌百寶光。光中涌出千葉寶蓮。有化如來,坐寶華中。頂放十道百寶光明。一一光明。皆遍示現十恒河沙金剛密跡,擎山持杵,遍虛空界。大眾仰觀,畏愛兼抱,求佛哀祐。一心聽佛無見頂相。放光如來宣說神咒。
Âm Hán Việt :
Nhĩ thời Thế Tôn, tùng nhục kế trung, dõng bách bảo quang, quang trung dõng xuất thiên diệp bảo liên, hữu hóa Như Lai, tọa bảo hoa trung. Ðảnh phóng thập đạo bách bảo quang minh, nhất nhất quang minh, giai biến thị hiện thập Hằng Hà sa Kim cang mật tích, kình sơn trì sử, biến hư không giới. Ðại chúng ngưỡng quán, úy ái kiêm bão, cầu Phật ai hựu, nhất tâm thính Phật vô kiến đảnh tướng, phóng quang Như Lai tuyên thuyết thần chú.
Dịch :
Bấy giờ, Thế Tôn từ nơi nhục kế phóng ra hào quang trăm báu, trong hào quang phóng ra hoa sen báu ngàn cánh, có Hóa thân Như Lai ngồi trong hoa sen báu. Trên đảnh phóng mười đạo hào quang trăm báu, mỗi mỗi đạo hào quang đều thị hiện Kim Cang Mật Tích nhiều như số cát mười sông Hằng hà, tay đỡ núi, tay cầm chày, khắp cõi hư không. Ðại chúng ngước lên xem, vừa kính yêu vừa lo sợ, xin Phật thương xót che chở, nhất tâm lắng nghe đức Như Lai nơi Vô Kiến Ðảnh Tướng[3] của Phật phóng ra hào quang tuyên thuyết Thần Chú.
 
Thích :
Sớ rằng : Nhục kế, “kinh Phật thuyết Vô Thượng Y” nói, xương trên đỉnh đầu Phật nổi cao lên gọi là nhục kế, tức đại Phật đảnh ở đây, biểu thị thể bất động. Bách bảo quang, biểu thị trăm cõi. Mười cõi là bốn cõi thánh sáu cõi phàm, mỗi cõi lại có mười nên gọi là một trăm. Thiên diệp bảo liên, biểu thị thiên (ngàn) như thị[4]. Trăm cõi mỗi cõi có như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bổn mạt cứu cánh v.v… nên gọi là một ngàn. Có hóa thân Như Lai, ngồi trong hoa sen báu, hoa báu là nhân, Như Lai là quả, biểu thị nhân bao gồm quả, quả không lìa nhân, trong nhân có quả, trong quả có nhân, quả tức là nhân, nhân quả đồng thời, nhân quả không hai vậy. Trên đỉnh phóng ra mười đạo hào quang, cho đến mười Hằng hà sa, biểu thị mười cõi hoặc mười pháp như thị. Pháp có sai biệt, hào quang không sai khác, đều là một Như Lai Tạng tâm vậy. Lại pháp giới tuy nhiều như số cát sông Hằng, nhưng không vượt hơn mười. Giai biến thị hiện chính là biểu thị bổn nhiên thanh tịnh, cùng khắp pháp giới vậy. Kim cang mật tích, Phạn ngữ là tán-na, tức tán-chi, dịch là mật chủ, đầy đủ 4 mật pháp vô thượng là danh (ngôn giáo), hành (hành trì giới định huệ), trí (trí huệ), lý (nghĩa lý), là hộ pháp chủ, thị hiện là Kim Cang thần phát nguyện thân cận Ðức Phật nghe các sự tích bí mật nên gọi là Mật tích, biểu thị hào quang báu, như Kim cang không hư hoại lại có thể phá Hằng sa phiền não trong 10 cõi, hiển thị cùng khắp mười cõi Hằng sa diệu dụng, nên cùng khắp hư không vậy. Úy ái, có uy chiết phục nên đại chúng đều sợ, có lòng từ nhiếp phục nên đại chúng đều thương. Ðỉnh Phật thuyết chú, biểu thị tâm Phật vô vi, không nương vào mật thể tu chứng vậy. Thuyết vô thượng chú, biểu thị mật dụng bất khả tư nghì. Phóng quang hóa thuyết, hóa thân Phật tuyên thuyết đều là phóng hào quang, biểu mật tướng thanh tịnh vô ngại. Lại từ Phật đỉnh, biểu thị là hiển là mật, pháp không sai khác ; mà vô kiến biểu thị không phải hiển không phải mật, pháp vốn tịch nhiên. Ðây tức là lý Như Lai viên chứng, và thể chúng sanh đồng vốn có. Nhưng lý do sự mà rõ, pháp tùy theo căn cơ mà cảm. Nhưng A Nan trước đó được chú nhiếp thọ dẫn về, chỉ được lợi ích bí mật, chưa từng được nghe, nay được Như Lai tuần tự khai thị, tín giải đã sâu, muốn thực hành chứng đắc, nhiếp tâm nhập định, lìa chướng ma thành đạo quả, lần nữa thỉnh Phật tuyên thuyết thần chú. Mà Như Lai nói giữ bốn loại luật nghi dâm, sát, đạo, vọng, trong trắng như băng tuyết, nếu có tập khí đời trước, không thể trừ diệt thì nên trì tụng thần chú Phật đỉnh của Ta. Vì thế nên thỉnh Ðức Phật tuyên thuyết lại thần chú, mà Như Lai phóng hào quang thuyết thần chú này vậy. Ba đoạn văn ở trên mở đầu sự tụng chú, lưu thông đã lâu, hành khắp trong vũ trụ, lý hợp bù vào, vì thế duyệt lại đại sớ, trích tiết giải thích bổ sung thêm.
 
Giải :
“Nhĩ thời” tức đương thời, lúc thuyết chú Lăng Nghiêm, “lại” là hiện nay đang giảng chú Lăng Nghiêm. Thuyết chú Lăng Nghiêm là mấy ngàn năm về trước, giảng chú Lăng Nghiêm là mấy ngàn năm về sau. Nghe chú Lăng Nghiêm là hiện tại, không phải là quá khứ, không phải là vị lai, vì quá khứ đã trôi qua, vị lai lại chưa đến. Còn hiện tại, hiện tại cũng đang trôi chảy không ngừng nghỉ. Khi quý vị nói đây là thời hiện tại thì đã trở thành quá khứ, ngay hiện tại cũng không tồn tại. Tại sao lại nói như thế ? Vì tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được, ba tâm không thể được, chỉ có chú Lăng Nghiêm là có thể được. “Thế Tôn” là bậc tôn quý ở thế gian và xuất thế gian. Không có gì cao quý hơn, siêu việt hơn, tức là Phật. Lúc này từ nhục kế trên đỉnh của Phật phóng ra hào quang trăm báu, trong hào quang lại phóng ra hoa sen báu ngàn cánh. Trăm báu ở đây biểu thị trăm cõi, hoa sen báu ngàn cánh biểu thị thiên như. Nói là nói như thế, không chỉ biểu thị trăm cõi thiên như, mà là vô cùng vô tận, vô lượng vô biên. Có thể nói tam thiên đại thiên thế giới đều từ hào quang trăm báu này mà tạo thành ra. Trên hoa sen báu có hóa thân của Ðức Phật. Hóa thân tức là từ không hóa có, nói có nó lại không có, nói không có nó lại có. Thoáng hiện thoáng ẩn, lúc có lúc không, nhìn dường như thấy trước mắt, bỗng hiện ra ở sau, hóa Như Lai tức là thân biến hóa của Phật ngồi trên hoa sen báu ngàn cánh. Trên đầu của hóa thân Như Lai lại phóng ra mười đạo hào quang trăm báu. Mười đạo biểu thị mười pháp giới, mỗi một đạo hào quang đều phổ biến thị hiện mười Hằng hà sa số Kim cang mật tích, tức là Kim cang hộ pháp, cũng tức là hộ pháp Kim cang. Mật tích là im lặng bảo hộ quý vị. Niệm chú thấp nhất có tám vạn bốn ngàn Kim cang bảo hộ quý vị, kỳ thực không chỉ từng đó, có số nhiều như mười lần như số cát sông Hằng, ngay máy vi tính cũng không tính nỗi số hộ pháp Kim cang âm thầm bảo hộ quý vị. Quý vị nhìn không thấy, nhưng Kim cang Bồ tát lại là có thật.
Nhìn thấy Kim cang tạng Bồ tát một tay cầm ngọn núi lớn, một tay cầm chày báu lớn, biến mãn đầy hư không. Ðại chúng ngưỡng mặt nhìn, úy ái kim bảo. Úy là rất sợ, trong tâm như có một con thỏ đang nhảy. Nói không dám xem nhưng lại không nỡ, muốn xem thì rất sợ, sợ rởn tóc gáy, tóc lông đều dựng đứng lên, lỗ chân lông cũng nổi da gà. “Úy ái kim bão” là vừa lo sợ lại vừa kính thương, hai loại tâm tình, hai loại tư tưởng.
Cầu Phật ai hựu : lúc đó thỉnh cầu Ðức Phật Thích Ca thương xót chúng con. Nhất tâm thính Phật : Lúc đó thật không còn vọng tưởng nữa. Con gái thì không nhớ đến bạn trai, con trai thì không còn nhớ đến bạn gái. Ðây gọi là nhất tâm, không có tâm thứ hai. Không giống như quý vị đang nghe giảng chú Lăng Nghiêm, Pháp sư đang giảng còn tâm quý vị thì cứ mãi sanh khởi vọng tưởng, không thể nhất tâm. Ðương nhiên tôi không có uy đức lớn như Phật, cho nên giảng cho quý vị nghe, quý vị đều sanh tâm vọng tưởng. Vô kiến đảnh tướng: Vô kiến đảnh tướng của Ðức Phật, “Càng trông lên thì thấy càng cao, soi vào thì càng kiên cố, dường như thấy trước mắt, bỗng hiện ra ở sau”[5]. Vô kiến đảnh tướng này, dường như có dường như không, nói không có thì dường như có. Vô kiến đảnh tướng quý vị nhìn không thấy đâu, nhưng không chỗ nào không nhìn thấy, chốn chốn đều nhìn thấy. Phóng quang Như Lai tuyên thuyết thần chú : Hóa thân Như Lai đang ở trên hoa sen báu, trên Vô kiến đảnh tướng của Ngài sanh ra hào quang trăm báu, hào quang trăm báu lại có hoa sen báu ngàn cánh, trên hoa sen báu ngàn cánh lại có hóa thân Như Lai, lại phóng ánh sáng lớn tuyên thuyết thần chú. Ðây là thần chú do hóa thân của Ðức Phật tuyên thuyết, không phải người thường có thể nghe được, lúc đó đều là những bậc đại Bồ tát Pháp thân đại sĩ mới có thể nghe được thần chú. Quý vị muốn nghe thì trước phải học chú Lăng Nghiêm, học xong thì mới có thể nghe được.
 
Nguyên văn :
佛頂光明摩訶薩怛多般怛囉無上神咒。
Âm Hán Việt :
Phật đỉnh quang minh ma ha tát đát đa bát đát ra vô thượng thần chú.
Dịch :
Thần chú vô thượng như cây lọng trắng lớn do hóa thân Phật từ hào quang trên Phật đảnh thuyết ra.
 
Thích :
Ðỉnh Phật phóng hào quang, trong hào quang có hóa thân Phật tuyên thuyết thần chú, gọi là Phật đỉnh quang. Ma ha dịch là lớn, thể biến mười phương gọi là lớn. Tát đát đa dịch là bạch (trắng), không có các tướng nhiễm nên gọi là trắng. Bát đát ra dịch là tản cái (tàng lọng), che chở vạn vật gọi là tản cái. Cả ba đều đầy đủ đức viên dung, tức ba tạng tâm. Ðây là nhất thiết chủng trí của chư Phật[6], cũng tức là tự tánh của chúng sanh, bao gồm nhân quả, cùng tận thấu suốt chân lý. Trì chú thì hiện đời được giác ngộ, tụng chú thì nghiệp chướng kiếp trước tiêu trừ . Cao minh không gì bằng gọi là , tôn quý không gì sánh được gọi là thượng. Uy linh không thể đo lường gọi là thần, cảm ứng không thể nghĩ bàn gọi là chú. Kinh nói : Nếu ta thuyết thần chú bát đát ra này, trải qua Hằng hà sa số kiếp cũng không thể nói hết, chính là nghĩa này vậy. Chú có 5 hội, hội thứ nhất là “tát đát đa, bát đát lam”. Hội thứ hai là “tát đát tha, bát lặc xá tất đa”. Hội thứ ba là “tô ba ra noa, ma ha bát du bát đác dạ”. Hội thứ tư là “tát đát đa, bát đát ra”. Hội thứ năm là “tất đát đa bát đát ra”. Nay giải thích chú không giống với đề kinh. Nói “Phật đỉnh quang minh ma ha tát đát đa bát đát ra vô thượng thần chú”. Lời vàng tuyên thuyết, Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa, tất cả đều viên mãn cụ túc.
Giải :
Tên của chú Lăng Nghiêm là “Ma ha tát đát đa bát đát ra đà la ni”, còn gọi là “Ma ha tát đát đa bát đát ra vô thượng thần chú”. Ma ha là tiếng Phạn, dịch là lớn, thể tướng dụng đều lớn. Thể biến mãn mười phương, cùng tận hư không biến pháp giới là đại dụng này. Tướng, nó thì không có tướng, chú thì có tướng gì ? Nhưng vô tướng vô bất tướng, có nghĩa là không có tướng nhưng tất cả đều có tướng, cũng có thể nói nó không có dụng gì, nhưng không chỗ nào không có dụng, cùng tận hư không biến pháp giới tất cả đều là dụng. Dụng này là đại dụng, tướng là đại tướng, thể là đại thể, đây là ý nghĩa của chữ Ma ha.
Tát đát đa : cũng là Phạn ngữ, dịch là màu trắng, cũng có nghĩa là thanh tịnh, không có ô nhiễm. Cho nên nói : “Dứt tuyệt các tướng ô nhiễm gọi là trắng” (tướng tuyệt chư nhiễm viết bạch). Chú Lăng Nghiêm là pháp trắng trong thanh tịnh, là pháp thanh tịnh không chút nhiễm ô.
Bát đát ra : cũng là tiếng Phạn, dịch là tản cái (tàng lọng). Ðây là ví dụ, ví dụ cái lọng che mát vạn vật, che chở bảo hộ những người có đức, ai có đức hạnh thì sẽ gặp được pháp này, người không có đức hạnh thì sẽ không gặp được pháp này. Vì thế nói : “Tam quang phổ chiếu thấu tam tài”, ba thứ ánh sáng chiếu khắp tam tài. Người thường nhất định cho rằng “tam quang” là ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và ngôi sao. Ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và ngôi sao là ba thứ ánh sáng ở bên ngoài. Tụng trì chú Lăng Nghiêm thân có ánh sáng của thân, miệng có ánh sáng của miệng, tâm có ánh sáng của tâm. Thân khẩu ý ba nghiệp đều có ánh sáng. Có nghe qua điều này chưa ? Ðây là nghe điều chưa từng nghe, thấy điều chưa từng thấy. Ánh sáng mà thân phóng ra là ánh sáng màu vàng. Tu thành công thì biến thành ánh sáng màu vàng ròng, hàng vạn tia ánh sáng màu vàng ròng. Lúc mới đầu tu chú Lăng Nghiêm, là ánh sáng màu vàng nhạt, lâu ngày biến thành màu vàng ròng, nên nói vạn đạo ánh sáng màu vàng sắc tía rực rỡ tràn ngập pháp giới. Ðó đều là do tu chú Lăng Nghiêm mà được thành tựu. Ánh sáng mà trong miệng phóng ra là ánh sáng màu hồng. Ánh sáng mà trong tâm phóng ra là ánh sáng màu trắng. Nhưng có lúc trong miệng cũng phóng ra ánh sáng màu vàng, có lúc lại phóng màu xanh, có lúc lại phóng màu đen. Có lúc ánh sáng các màu xanh vàng đỏ trắng đen đều phóng ra. Nhưng cần phải tu hành thành tựu mới có. Bát đát ra tức bao hàm vạn đức, như cây lọng màu trắng lớn, che chở bảo hộ tất cả chúng sanh có đức và người thọ trì chú Lăng Nghiêm, cho nên nói : “Tam quang phổ chiếu thấu tam tài”. Tam tài tức là trời đất người. “Thế giới Diêm phù nễ bất lai”. Trong cõi Diêm phù quý vị tìm khắp nơi cũng tìm không ra, nhất định phải thọ trì chú Lăng Nghiêm mới có thể được ánh sáng này. “Ðại đức đại thiện năng ư đắc”, phải có đức hạnh lớn căn lành lớn mới có được pháp môn này. “Vô đức vô thiện bất minh bạch”, nếu không có đức hạnh, không có công đức lành thì dù có gặp cũng bỏ lỡ dịp may ngay trước mặt, nhìn thấy vàng ròng mà cho là đồng, nhìn thấy kim cương mà cho là thủy tinh, nhìn thấy chú Lăng Nghiêm mà cho rằng rất tầm thường, không gì đáng kể, không biết của quý báu, không biết rất vi diệu, không biết công đức của chú Lăng Nghiêm là bất khả tư nghì. Tâm quang (ánh sáng của tâm) tức ý niệm, là thức thứ sáu. Nhưng nếu quý vị không tu hành thì không có tác dụng gì, nếu tu hành thì có thể phóng hào quang. Không chỉ thân khẩu ý tam nghiệp thanh tịnh phóng ra ánh sáng thanh tịnh, còn có ánh sáng hồng bao bọc cuộn tròn chung quanh. Quý vị tụng chú Lăng Nghiêm tự nhiên sẽ có ánh sáng màu hồng bao bọc. Cho nên nói “thiên đóa hồng liên hộ trụ thân” ngàn đóa sen hồng hộ trì thân, hoa sen hồng phóng ra ánh sáng hồng. “Tọa câu kỵ trước mặc kỳ lân”, người trì tụng chú Lăng Nghiêm như là “cỡi kỳ lân đen”. Ở thời đại khoa học hiện nay nói điều này, người nghiên cứu khoa học sẽ cười rụng răng. Nhưng như vậy thì cũng tốt, nếu không sẽ không cười rụng răng, ngày ngày cứ mãi ở đó mà khoa học với khoa học. “Vạn yêu nhất kiến vãng viễn đóa”. Yêu ma quỷ quái gì khi nhìn thấy tướng uy đức của Pháp thân có ngàn đóa sen hồng bảo hộ, đều trốn thật xa. “Chí Công Pháp sư hữu diệu âm”, Quốc sư Chí Công có âm thanh huyền diệu, khi tụng chú Lăng Nghiêm thì có ánh sáng màu đỏ tía bao bọc, ánh sáng màu trắng xoay tròn. Tại sao vừa tụng chú Lăng Nghiêm yêu ma quỷ quái không dám ló mặt ? Vì sức mạnh của chú Lăng Nghiêm rất lớn. Cùng tận hư không biến pháp giới không có chỗ nào mà không có ánh sáng, không khí an lành tràn ngập khắp nơi, cho nên có người tụng chú Lăng Nghiêm thì sẽ bổ sung vào chỗ không đủ của chánh khí trời đất. Một người tụng chú Lăng Nghiêm thì có sức mạnh của một người, trăm người tụng chú Lăng Nghiêm thì có sức mạnh của một trăm người, thì yêu ma quỷ quái trên cõi đời này sẽ thật thà ngoan ngoãn.
Chú Lăng Nghiêm là vua trong các thứ chú, cũng là chú dài nhất trong các thứ chú. Chú này quan hệ đến sự thịnh suy của Phật giáo. Trên thế gian nếu không một người nào biết tụng chú Lăng Nghiêm thì thế giới này sắp hủy diệt, vì trên cõi đời này không còn chánh pháp nữa, chỉ có kinh Lăng Nghiêm và chú Lăng Nghiêm là bộ kinh và bộ chú quan trọng nhất trong chánh pháp. Kinh Lăng Nghiêm là vì chú Lăng Nghiêm mà thuyết, để giảng thích chú Lăng Nghiêm, xưng tán chú Lăng Nghiêm. Trong kinh Lăng Nghiêm đoạn kinh văn nói về phương pháp kiết đàn rất tỉ mỉ tường tận, muốn biết rõ ràng có thể xem đoạn kinh này.
Chú Lăng Nghiêm gọi là Phật đỉnh quang minh, là Ðức Phật hóa thân trên Phật đảnh tuyên thuyết ra, vì thế sự vi diệu không thể nghĩ bàn. Mỗi câu thì có diệu dụng của mỗi câu, mỗi chữ thì có sự sâu xa huyền diệu của mỗi chữ, đều không thể nghĩ bàn. “Phật đỉnh quang minh” biểu thị sức mạnh của chú có thể phá trừ tất cả tối tăm, có thể thành tựu tất cả công đức. Nếu quý vị có thể thọ trì chú Lăng Nghiêm thì tương lai nhất định thành Phật, nhất định chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Không cầm quyển chú mà có thể niệm thì gọi là tụng, đối với chú mà niệm gọi là đọc. Nếu có thể thường tụng niệm chú Lăng Nghiêm thì có thể tiêu trừ nghiệp chướng đời trước. Ðây là diệu dụng của chú Lăng Nghiêm. Sao gọi là “vô” ? Cao minh vô cực, quang minh đến chỗ cực điểm, không có gì vượt qua quang minh này; “thượng” là tôn quý cao thượng không gì sánh bằng, không có gì tôn quý cao thượng hơn nữa. “Thần” là bất khả tư nghì, cũng có nghĩa là uy đức linh diệu không lường. “Chú” tức là cảm ứng đạo giao, có một sức mạnh lớn, quý vị niệm chú thì có cảm ứng.
Phật đỉnh quang minh ma ha tát đát đa bát đát ra vô thượng thần chú : Ánh sáng Phật đảnh giống như tàng lọng trắng lớn che chở bảo hộ tất cả những người tụng trì chú Lăng Nghiêm. Ở trên là ý nghĩa đại khái của danh xưng này.


Trennlinie

TÔN CHỈ VI DIỆU CỦA SỰ DỊCH CHÚ
(DỊCH CHÚ DIỆU CHỈ)
 
Phiên dịch kinh chú, gồm có 4 nguyên tắc. Một là âm và chữ đều phiên dịch như hết thảy kinh văn vậy. Hai là âm và chữ đều không phiên dịch như kinh điển tiếng Phạn từ Ấn Ðộ truyền vào Trung Hoa. Ba là phiên âm không phiên chữ, như chữ vạn  vậy. Phiên dịch chữ mà không phiên dịch âm như các loại chú ngữ. Nay ở đây nói đến loại thứ tư.
Phiên dịch kinh chú, gồm có 4 nguyên tắc : Phương pháp phiên dịch kinh chú gồm có 4 loại nguyên tắc.
Một là âm và chữ đều phiên dịch như tất cả kinh văn vậy : Âm cũng phiên dịch, chữ cũng phiên dịch, tức là hết thảy kinh văn.
Hai âm và chữ đều không phiên dịch như kinh điển tiếng Phạn từ Ấn Ðộ truyền vào Trung Hoa : Âm là âm tiếng Phạn, chữ là chữ Phạn, tức là kinh điển tiếng Phạn từ Ấn Ðộ truyền vào Trung Hoa.
Ba phiên âm không phiên chữ, như chữ vạn vậy : như chữ vạn , chỉ phiên dịch âm của nó mà thôi.
Phiên dịch chữ mà không phiên dịch âm như các loại chú ngữ : chữ phiên dịch thành tiếng Hoa nhưng âm vẫn là âm tiếng Phạn, hết thảy chú đều thuộc loại này. Phiên dịch thành tiếng Anh cũng vậy, chữ là tiếng Anh, nhưng cách đọc vẫn là âm tiếng Phạn. Nay ở đây nói đến loại thứ tư : Nay nói đến chính là loại thứ tư, dịch chữ không dịch âm.
Lại có 5 loại không phiên dịch. Một là bí mật như các kinh chú vậy. Hai nhiều nghĩa, như Bạc Già phạm có sáu nghĩa. Ba vốn không có như cây Diêm Phù. Bốn theo xưa, như A Nậu Bồ đề. Năm sanh khởi lòng thiện, vì tôn trọng như Bát nhã. Nay thuộc loại thứ nhất.
Lại có 5 loại không phiên dịch. Một là bí mật như các kinh chú vậy : Người ngoài không biết là điều rất bí mật, làm sao có thể phiên dịch ra. Chú nếu phiên dịch thì không còn bí mật nữa. Thế nào là bí mật? Trong một câu bao hàm rất nhiều nghĩa, rất nhiều sức mạnh, rất nhiều cách dùng cho nên không phiên dịch.
Hai nhiều nghĩa, như Bạc Già phạm có sáu nghĩa : Một câu bao hàm rất nhiều nghĩa cho nên không phiên dịch. Như “Bát nhã” có ba nghĩa là Văn tự Bát nhã, Quán chiếu Bát nhã, Thực tướng Bát nhã, cho nên không phiên dịch. Lại như Bạc Già Phạm có sáu nghĩa cho nên không phiên dịch. Sáu nghĩa là : Một là tự tại, tức không vọng tưởng. Một khi vọng tưởng tâm hướng bên ngoài giong ruổi thì không được tự tại. Hai là xí thạnh, không phải là ngũ ấm xí thạnh mà là hào quang của đức phật chiếu sáng quang minh xí thạnh rực rỡ. Ba là đoan nghiêm; đoan chánh, uy nghiêm, trang nghiêm. Bốn là danh xưng tiếng tốt. Năm là kiết tường. Sáu là tôn quý.
Ba vốn không có như cây Diêm Phù : Như cây Diêm Phù ở Trung Hoa vốn không có, phiên dịch thành tiếng Hoa cũng không ai hiểu, cho nên giữ lại nguyên âm Diêm Phù.
Bốn theo xưa, như A Nậu Bồ đề : như người xưa đã dịch ra, dịch rất hay, như A Nậu Bồ đề là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tôn trọng người xưa đã tốn rất nhiều tâm huyết phiên dịch ra, chúng ta không nên lập dị đưa ra một cái mới khác người, nói chúng ta hay hơn người xưa.
Năm sanh khởi lòng thiện, vì tôn trọng như Bát nhã : có thể sanh ra các thứ thiện pháp cho nên không phiên dịch ra. Vì Bát nhã cũng có thể sanh ra các thứ thiện pháp nên không phiên dịch, cũng vì tôn trọng nên không phiên dịch.
Nay thuộc loại thứ nhất : Nay thuộc loại thứ nhất bí mật nên không phiên dịch.
Chánh Mạch nói : Hiển giáo như truyền trao phương thuốc có giải thích hướng dẫn rõ ràng. Mật chú như đưa thuốc mật trị, công hiệu của sự trị liệu không dễ dàng thấy biết được. Ý nghĩa gồm có ba sức mạnh. Một là sức lý pháp, một chữ bao hàm vô biên diệu lý, như 4 chữ: nguyên, hanh, lợi, trinh. Hai là sức uy đức, như Tam bảo thần thánh, có sức mạnh uy đức rất lớn, như thanh thế của Vua quan. Ba sức mạnh của lời nói thật.
Chánh Mạch nói : Hiển giáo như truyền trao phương thuốc có giải thích hướng dẫn rõ ràng. Mật chú như đưa thuốc mật trị, công hiệu của sự trị liệu không dễ dàng thấy biết được: Kinh như toa thuốc rất rõ ràng minh bạch. Mật chú như viên thuốc đã chế sẵn, đã gói kỹ, thuốc nào thì trị bịnh nấy, đến lúc đó tự nhiên có sức mạnh, quý vị không dễ dàng biết được, cho nên gọi là mật trị.
 Ý nghĩa gồm có ba sức mạnh. Một là sức lý pháp, một chữ bao hàm vô biên diệu lý, như 4 chữ nguyên, hanh, lợi, trinh. Hai là sức uy đức, như Tam bảo thần thánh, có sức mạnh uy đức rất lớn, như thanh thế của Vua quan. Ba sức mạnh của lời nói thật : Mật chú có ba sức mạnh : Một là sức lý pháp, đạo lý không có bến bờ, có thể nói trong một chữ bao gồm vô lượng vô biên đạo lý vi diệu. Như bốn chữ “nguyên, hanh, lợi, trinh” trong Dịch kinh nói đến, bao gồm rất nhiều nghĩa lý của tám quẻ. Hai là sức mạnh uy đức. Như sức mạnh của đại chúng làm cho người phải sợ. Có người trước mặt hai ba người thì thao thao nói không ngừng, đến khi kêu người ấy diễn giảng trước đại chúng thì một câu nói cũng không ra. Ðó chính là uy đức của đại chúng làm cho người đó sợ nói không ra lời. Phật Pháp Tăng, Tam bảo thần thánh, danh xưng cùng khắp ai cũng biết đến, công đức cũng lớn, sức mạnh cũng lớn, có đầy đủ uy đức lớn. Như Quốc vương đại thần có thanh thế lớn. Ba là sức mạnh của lời nói chân thật.
Chân ngôn chú nguyện, siêu phàm nhập thánh, như chiếu sắc kế cực. Pháp sư Trường Thủy cũng nói : Từ xưa đến nay không phiên dịch, lược nói có 5 ý. Một là mật ngữ của chư Phật, các bậc thánh khác khó thông hiểu. Hai là mật ấn của chư Phật như ấn tín của nhà vua. Ba là pháp môn tổng trì, như Bạc Già có sáu nghĩa. Bốn là tên của quỷ thần vương, kêu họ đến giữ gìn bảo hộ người trì chú. Năm là sức bất khả tư nghì, miễn tội ban cho chức vụ. Pháp sư Hồ Sơn nói : Mật chú của Kinh điển theo lệ đều không phiên dịch.
Chân ngôn chú nguyện, siêu phàm nhập thánh như chiếu sắc kế cực : Chúng ta niệm chân ngôn, chú nguyện cho người được may mắn kiết tường. Vì là lời nói thật, nên gọi là chân ngôn. Như chân ngôn trong Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn đều là lời chú nguyện, như chú nguyện cho người siêu phàm nhập thánh, sớm thành tựu thánh quả. Chân ngôn lại giống như chiếu thư hoặc sắc ngữ của Hoàng đế, bảo quý vị làm thế làm thế. Kế cực, tức thừa kế Vương vị làm Hoàng đế.
Pháp sư Trường Thủy cũng nói : Từ xưa đến nay không phiên dịch, lược nói có 5 ý : Pháp sư Trường Thủy nói : Từ xưa đến nay không phiên dịch đại khái có 5 loại ý nghĩa.
Một là mật ngữ của chư Phật, các bậc thánh khác khó thông hiểu : Lời của chư Phật nói ra, các bậc thánh khác đều không hiểu rõ.
Hai là mật ấn của chư Phật như ấn tín của nhà vua : Tâm ấn bí mật của chư Phật, giống như ấn tín của Vua.
Ba là pháp môn tổng trì, như Bạc Già có sáu nghĩa : Bao gồm tất cả pháp, trì vô lượng nghĩa, như Bạc Già có sáu nghĩa.
Bốn là tên của quỷ thần vương, kêu họ đến giữ gìn bảo hộ người trì chú : Tên của quỷ thần vương, kêu họ đến giữ gìn bảo hộ người trì chú.
Năm là sức bất khả tư nghì, miễn tội ban cho chức vụ : Tha thứ tội lỗi của họ, giao cho họ đảm nhiệm chức vụ, làm chút công tác.
Pháp sư Hồ Sơn nói : Mật chú của Kinh điển theo lệ đều không phiên dịch : Pháp sư Hồ Sơn nói : Mật chú các Kinh chiếu theo quy củ thì không nên phiên dịch.
Các vị Pháp sư từ xưa đến nay có nhiều quan điểm không giống nhau, Thiên Thai tổng quát các quan điểm này trong 4 loại Tất đàn[7]. Một là trong chú có tên quỷ thần vương, xưng niệm vương hiệu của quỷ thần vương, bộ lạc kính trọng chủ của họ, không dám làm trái, đây là lợi ích của sự hoan hỷ thế giới tất đàn. Hai, niệm chú, như mật hiệu trong quân đội, tương ứng thì không bị trách hỏi, không tương ứng lập tức bắt về trị tội, đây là ích lợi sanh thiện của người vậy (Sinh thiện tất đàn). Ba, chú là phương pháp bí mật ngăn ngừa tội lỗi. Không phải ai cũng biết điều này. Như kẻ thấp hèn đi đến nước khác, gạt người tự xưng là vương tử, được vua nước đó gã công chúa cho làm vợ. Người đó lại nhiều sân giận khó hầu hạ, có người đến vạch trần sự bí mật của người đó, mượn bài kệ nói ra, làm cho người kia im lặng tự ngừng, đây là ích lợi của sự ngăn ngừa tiêu trừ tội lỗi (Đối trị tất đàn). Bốn, chú là lời bí mật của chư Phật, chỉ có thánh mới biết (Nhập lý tất đàn), như Vua muốn Tiên Ðà Bà, một tên chỉ bốn thứ : muối, nước, khí cụ, ngựa, người dưới không hiểu, chỉ có viên quan có trí mới biết. Chú chỉ một lời mà sức mạnh đầy khắp, bệnh lành tội trừ, sanh thiện hợp đạo, nhập lý Đệ nhất nghĩa, chú có bốn sự ích lợi, chính là như thế.
Các vị Pháp sư từ xưa đến nay có nhiều quan điểm không giống nhau, Thiên thai tổng quát các quan điểm này trong 4 loại Tất đàn : tất cả các vị Pháp sư từ xưa cho đến nay đều có nhiều quan điểm không giống nhau. Thiên Thai tổng quát những quan điểm này này trong bốn loại Tất đàn.
Một là trong chú có tên quỷ thần vương, xưng niệm vương hiệu của quỷ thần vương, bộ lạc kính trọng chủ của họ, không dám làm trái, đây là lợi ích của sự hoan hỷ của thế giới tất đàn : trong chú có tên của quỷ thần vương. Như chú Lăng Nghiêm có rất nhiều tên của quỷ thần vương như Cưu Bàn Trà, Tỳ Xá Già. Quý vị xưng tên của quỷ lớn, quỷ nhỏ vì cung kính quỷ vương nên không dám làm bậy, quấy nhiễu mình, hết thảy đều giữ gìn quy củ. Ðây là thế giới tất đàn, người trên thế gian này được ích lợi của sự hoan hỷ.
Hai, niệm chú, như mật hiệu trong quân đội, tương ứng thì không bị trách hỏi, không tương ứng lập tức bắt về trị tội, đây là ích lợi sanh thiện của người vậy: Như trong quân đội mỗi ngày đều có khẩu lệnh, đây là do quan tư lệnh phát ra, binh lính ở dưới đều biết. Ban đêm trên đường đi gặp người không quen biết bèn hỏi khẩu lệnh, hoặc trả lời “trời”, hoặc trả lời “đất”. Nếu trả lời đúng thì không sao, trả lời sai thì nổ súng. Quý vị không thể hỏi người khác khẩu lệnh là gì. Nếu quý vị đáp đúng thì không bị trách phạt. Nếu đáp không đúng, không tương ứng thì bắt quý vị đem về trị tội, đây là vì ích lợi sanh thiện vậy.
Ba, chú là phương pháp bí mật ngăn ngừa tội lỗi. Không phải ai cũng biết điều này. Như kẻ thấp hèn đi đến nước khác, gạt người tự xưng là vương tử, được vua nước đó gã công chúa cho làm vợ. Người đó lại nhiều sân giận khó hầu hạ, có người đến vạch trần sự bí mật của người đó, mượn bài kệ nói ra, làm cho người kia im lặng tự ngừng, đây là ích lợi của sự ngăn ngừa tiêu trừ tội lỗi: Chú có thể bí mật tiêu trừ tội nghiệp, mà người vẫn không biết. Như kẻ thấp hèn đi đến nước khác, dối gạt người nói ta đây là Vương tử của nước kia. Quốc vương tin lời bèn gã công chúa cho anh ta. Anh ta bèn như tục ngữ nói, “người nghèo trong một đêm biến thành người giàu bèn hách mặt lên trời”. Anh ta tánh tình thường hay nổi nóng, nói cái này không đúng, cái kia không đúng, khắp mình đều là lửa giận rất khó hầu hạ. Có người biết được lý lịch của anh ta đến chỗ đó, mới mượn một bài kệ tụng để nói anh ta. Bài kệ tụng này trước đã giảng qua, mọi người đều không nhớ, tôi nay làm một bài kệ khác :
Vô đức khứ tha quốc,
Khi cuống nhất thiết nhân,
Bổn thị bần cùng giả,
Hà lai tư đa sân?
Có nghĩa là :
Người không có đức hạnh đi đến nước khác,
Dối gạt mọi người ở thế gian,
Vốn là một người bần cùng,
Sao mà nhiều sân giận như thế?
Bài kệ này vừa đọc cho anh ta nghe, anh ta bèn ngoan ngoãn ngay, hiểu người ta đã biết bí mật của mình. Sợ người vạch trần, nên không dám nóng giận nữa, đây là đối trị tập quán xấu của người, phá bỏ những tập quán xấu ác.
Bốn, chú là lời bí mật của chư Phật, chỉ có thánh mới biết, như Vua muốn Tiên Ðà Bà, một tên chỉ bốn thứ: muối, nước, khí cụ, ngựa, người dưới không hiểu, chỉ có viên quan có trí mới biết. Chú chỉ một lời mà sức mạnh đầy khắp, bệnh lành tội trừ, sanh thiện hợp đạo, nhập lý Đệ nhất nghĩa đế : Chú là lời bí mật của chư Phật, chỉ có Phật mới biết ý nghĩa của nó, giống như Quốc vương muốn Tiên Ðà Bà. Tiên Ðà Bà là cái gì ? Muối, nước, khí cụ, ngựa đều là Tiên Ðà Bà. Khi Vua muốn Tiên Ðà Bà thì không ai biết Vua muốn cái chi, chỉ có quan thần có trí huệ mới biết được. Ví dụ Vua đang ăn cơm muốn Tiên Ðà Bà, viên quan có trí huệ bèn biết là muối. Ăn cơm xong muốn Tiên Ðà Bà, tức là cần nước rửa tay súc miệng. Khi Quốc vương đi du ngoạn muốn Tiên Ðà Bà thì đó là ngựa. Ví thế nói bốn món cùng một tên. Phải xem Quốc vương lúc nào cần món gì, phải biết tùy cơ ứng biến. Cho nên nói chỉ có quan trí huệ mới biết. Chú cũng như vậy, một câu chú có rất nhiều nghĩa, quỷ thần đều biết. Chỉ một câu chú bao hàm rất nhiều nghĩa lý, rất nhiều sức mạnh. Sức mạnh gì ? Có thể làm lành bệnh, giải độc, tiêu trừ nghiệp chướng, còn sanh thiện pháp, cùng với đạo hợp nhất, khôi phục lại thiên lý vốn có.
Chú có bốn sự ích lợi, chính là như thế : Chú có bốn điều lợi ích cũng giống như Tiên Ðà Bà, một lời mà có bốn nghĩa. Bốn điều lợi ích là Đối trị tất đàn, Phá ác tất đàn, Nhập lý tất đàn, Sanh thiện tất đàn, như trên đã nói đến.
Chú Lăng Nghiêm rất hiếm có, là một pháp hội rất khó gặp, nhưng quý vị ở đây khi nghe chú Lăng Nghiêm, vừa nghe vừa ngủ, vừa nghe vừa ngáp, không những bản thân mình không được thọ dụng, mà người ngồi bên cạnh cũng sanh tâm vọng tưởng, đó không phải là thái độ cung kính pháp. Như quý vị học pháp, mà không có Sư phụ truyền trao, thì gọi là trộm pháp. Khi quý vị nghe pháp mà không lắng lòng nghe pháp, chỉ ngủ, đó gọi là mạn pháp. Mạn pháp và trộm pháp đều là hành vi không hợp pháp. Quý vị khi nghe pháp mà buồn ngủ, có thể trước khi đến nghe pháp uống một ly cà phê, hoặc một ly trà đậm. Không nên mới đến đây có một lúc mà chịu không nỗi ! Cứ ở đó mà ngủ gà ngủ gục, đi đánh cờ với Châu công rồi, bỏ qua cơ hội quý báu, để thời gian vàng ngọc luống trôi vô ích. Quý vị nên biết, quý vị đến giảng đường này, là vì pháp mà đến, không phải vì ngủ mà đến, cũng không phải vì ăn mà đến, đã vì pháp mà đến, thì cần phải được một chút pháp, không nên phiền tôi lãng phí quá nhiều sức lực như thế. Quý vị ở đó nhập tam muội ngủ, rất tự tại, rất xí thạnh, rất đoan chánh trang nghiêm, danh xưng rất lớn, rất kiết tường, cũng rất tôn quý, bao gồm sáu nghĩa của Bạc Già Phạm, vậy thì không hay không tốt. Cho nên tôi hy vọng người ham ngủ, khi nghe pháp, phải phấn chấn tinh thần lên, không nên ngủ nhiều như thế.
Pháp sư U Khê nói : đầu tiên nói tên quỷ thần vương, như Tỳ Xá Già, Cưu Bàn Trà, Yết Ra Ha. Lại sơ hội nói Bà Già bà Ðế v.v… đều là tên của chư Phật, Bồ tát, điều này khiến người nghe cảm được ân đức của chư Phật, chư Bồ tát. Lại Bạt Xà Ra, Thương Yết Ra Chế Bà… ở đoạn cuối cùng của sơ hội, đều là danh hiệu của Kim Cang mật tích, khiến người nghe sợ uy đức, đều là lợi ích của sự hoan hỷ. Lại đoạn cuối của mỗi hội, hoặc như mật lệnh trong quân đội, hoặc như phương pháp bí mật ngăn ngừa tội lỗi, hoặc là mật ngữ của chư Phật, chỉ là muốn cho người nghe trì tụng chú hoan hỷ sanh thiện, tiêu trừ tội lỗi, bước vào đạo mà thôi. Cho nên lời hiển giáo hay mật giáo nói ra, ý nghĩa và lợi ích đều giống nhau.
Pháp sư U Khê nói : đầu tiên nói tên quỷ thần vương, như Tỳ Xá Già, Cưu Bàn Trà, Yết Ra Ha. Lại sơ hội nói Bà Già bà Ðế v.v… đều là tên của chư Phật, Bồ tát, điều này khiến người nghe cảm được ân đức của chư Phật, chư Bồ tát. Lại Bạt Xà Ra, Thương Yết Ra Chế Bà… ở đoạn cuối cùng của sơ hội, đều là danh hiệu của Kim Cang mật tích, khiến người nghe sợ uy đức, đều là lợi ích của sự hoan hỷ. Lại đoạn cuối của mỗi hội, hoặc như mật lệnh trong quân đội, hoặc như phương pháp bí mật ngăn ngừa tội lỗi, hoặc là mật ngữ của chư Phật, chỉ là muốn cho người nghe trì tụng chú hoan hỷ sanh thiện, tiêu trừ tội lỗi, bước vào đạo mà thôi. Cho nên lời hiển giáo hay mật giáo nói ra, ý nghĩa và lợi ích đều giống nhau : U Khê Pháp sư nói, tên của quỷ thần vương như Tỳ Xá Già, Cưu Bàn Trà, tức quỷ có hình như cái vại, Yết Ra Ha v.v…, khi chúng ta giảng đến chú sẽ giảng chi tiết hơn. Lại sơ hội nói Bà Già Bà Ðế … đều là tên của chư Phật, chư Bồ tát, khiến người nghe cảm nhận được ân đức của chư Phật, chư Bồ tát. Lại cuối sơ hội nói Bạt Xà La, Thương Yết Ra Chế Bà… đều là tên của Kim Cang Mật Tích, khiến cho thiên ma ngoại đạo, ly mị võng lượng, nghe rồi thì sanh tâm khiếp sợ, đó đều là ích lợi của hoan hỷ. Lại nữa, cuối của mỗi hội, hoặc như mật lệnh trong quân đội, hoặc như phương pháp bí mật ngăn ngừa tội lỗi, hoặc như lời bí mật của chư Phật, đều là muốn cho người nghe thấy chú Lăng Nghiêm hoặc những người trì tụng chú Lăng Nghiêm hoan hỷ, sanh điều thiện lành, diệt trừ ác nghiệp, khôi phục thiên lý vốn có. Cho nên hoặc là nói rõ (hiển thuyết), hoặc là nói bí mật (mật thuyết), sự lợi ích cho chúng sanh đều giống nhau.
Pháp sư Trường Thủy cũng nói : các câu chú ngữ trước câu Ðát Ðiệt Tha, đều là quy mệnh chư Phật, chư Bồ tát, hiền thánh tăng, cùng với chú nguyện cầu gia bị, lìa xa các tai nạn, ác quỷ, bệnh tật v.v… Sau chữ “Án”mới nói Tâm chú. Nhưng đây tức là Thủ Lăng Nghiêm bí mật vậy, thời xưa không phiên dịch. Sách “Bổ Vị ” nói : lời bí mật của bậc thánh, phàm phu làm sao có thể hiểu được, dù có phiên dịch thành tiếng Hoa, ý nghĩa cũng không hiểu, giống như điển ngữ (tên xưa), tên món đồ, bản thân món đồ thực không khác, mà người sau không biết là thứ gì. Giống như nói đại vũ nhu mao, để chỉ cho trâu dê; nói thanh địch, thanh chước để chỉ cho nước, rượu. Cách nói hiển mật cũng giống như vậy.
Pháp sư Trường Thủy cũng nói : các câu chú ngữ trước câu Ðát Ðiệt Tha, đều là quy mệnh chư Phật, chư Bồ tát, Hiền thánh tăng, cùng với chú nguyện cầu gia bị, lìa xa các tai nạn, ác quỷ, bệnh tật v.v… Sau chữ “án”mới nói Tâm chú. Nhưng đây tức là Thủ Lăng Nghiêm bí mật vậy, thời xưa không phiên dịch : Pháp sư Trường Thủy nói, đoạn cuối cùng của chú trước câu Ðát điệt tha (tức trước Tâm chú) đều là quy mệnh chư Phật, Bồ tát, Hiền thánh, hoặc là chú nguyện gia bị, lìa xa các ác quỷ, bệnh tật, lìa khổ được vui v.v… Sau chữ “án” mới nói Tâm chú (The Heart of The Shurangama Mantra). Tâm chú này tức là đại định bí mật Thủ Lăng Nghiêm, từ xưa đến nay đều là bí mật không phiên dịch ra.
Sách “Bổ Vị” nói : lời bí mật của bậc Thánh, phàm phu làm sao có thể hiểu được, dù có phiên dịch thành tiếng Hoa, ý nghĩa cũng không hiểu, giống như điển ngữ (tên xưa), tên món đồ, bản thân món đồ thực không khác, mà người sau không biết là thứ gì. Giống như nói đại vũ nhu mao, để chỉ cho trâu dê; nói thanh địch, thanh chước để chỉ cho nước, rượu. Cách nói hiển mật cũng giống như vậy: Sách “Bổ Vị” nói, lời nói bí mật của các bậc thánh nhân, phàm phu tục tử chúng ta làm sao có thể hiểu được ? Dù cho có phiên dịch thành tiếng Hoa, cũng không thể hiểu được nghĩa lý của nó. Giống như tên xưa, tên món đồ, món đồ thì không khác, nhưng người sau nghe điển cố, không biết là chỉ cái gì ? Giống như người nói những lời văn nhã. Như gọi trâu bò là “đại vũ”, gọi dê là “nhu mao”, nói “thanh địch” là chỉ cho nước, nói “thanh chước” là chỉ cho rượu. Người không có học vấn không hiểu nói cái gì ? Như nay khi tôi giảng xong quý vị mới biết, nếu tôi không giảng quý vị cũng không biết đại vũ, nhu mao, thanh địch, thanh chước là thứ chi ? Các lời nói hiển mật cũng giống như vậy.
Ở trên nói về các sự giải thích bí mật không phiên dịch. Nay có người nói rằng : Xét các bậc Cao Tăng Ðại đức ngày xưa cũng có vị phiên dịch. Như Ngài Trúc Pháp Hộ đời Tấn, vừa phiên dịch chữ lại phiên dịch âm Ðà La Ni chú trong Kinh Chánh Pháp Hoa. Âm chữ các câu chú trong kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn cũng đều được phiên dịch. Lại 5 loại không phiên dịch, Bạc Già dịch là Thánh tôn, Diêm phù dịch là Thắng kim, A Nậu Bồ đề dịch là Vô thượng giác, Bát nhã dịch là Trí huệ. Xưa bí mật không phiên dịch, nay làm sao biết được? Cho đến các chú bí mật, Tam Tạng Pháp Sư Kim Cang Trí đời Ðường viết quyển “Niệm Tụng Nghi Quy”, trong đó dịch và giải thích các chú ngữ, Thượng sư Bất Không giải thích chú trong Nhân Vương Bát Nhã Lý Thú Thích. Tam tạng Pháp sư Cầu Na đời Tống, dịch thần chú 48 tên. Quốc sư Hiền Thủ giải thích chú Bát nhã. Bồ tát Long Thọ ở Tây thổ, giải thích chú Chuẩn Ðề và các mật ngữ trong Trì Minh Tạng . Các kinh như Thủ Hộ Quốc Chủ Ðà La Ni kinh, Ðại Bi Không Trí, Nhất Tự v.v… Ðức Phật và Bồ tát, đích thân tán thán và giải thích ý nghĩa và ngôn ngữ của chú. Trong kinh Niết bàn, Bát nhã, Hoa Nghiêm, Ðức Phật và Ngài Ca Diếp, Ngài Thiện Hiện, cùng các bậc thiện tri thức nhiều tài nghệ, giải thích nghĩa 42 chữ cái (Hoa Nghiêm Mẫu tự), cho nên biết các bộ chân ngôn bí mật, cũng y mật tạng, có thể phiên dịch giải thích vậy.
Ở trên nói về các sự giải thích bí mật không phiên dịch. Nay có người nói rằng : Xét các bậc Cao Tăng Ðại đức ngày xưa cũng có vị phiên dịch. Như Ngài Trúc Pháp Hộ đời Tấn, vừa phiên dịch chữ lại phiên dịch âm Ðà La Ni chú trong Kinh Chánh Pháp Hoa. Âm chữ các câu chú trong kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn cũng đều được phiên dịch: những điều nói ở trên đều là thuyết minh dụng ý bí mật không phiên dịch. Nay lại có người nói: các bậc Cổ đức xưa kia cũng có vị phiên dịch chú ngữ. Như Tôn giả Trúc Pháp Hộ phiên dịch chữ và phiên dịch âm Ðà La Ni chú trong kinh Chánh Pháp Hoa. Lại chú ngữ trong kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn cũng đều được phiên dịch thành tiếng Hoa. Nhưng những bản dịch này không có chánh thức lưu thông, vì thế rất ít người biết.
Lại 5 loại không phiên dịch, Bạc Già dịch là Thánh tôn, Diêm phù dịch là Thắng kim, A Nậu Bồ đề dịch là Vô thượng giác, Bát nhã dịch là Trí huệ. Xưa bí mật không phiên dịch, nay làm sao biết được? Cho đến các chú bí mật, Tam Tạng Pháp Sư Kim Cang Trí đời Ðường viết quyển “Niệm Tụng Nghi Quy”, trong đó dịch và giải thích các chú ngữ, Thượng sư Bất Không giải thích chú trong Nhân Vương Bát nhã lý thú thích. Tam tạng Pháp sư Cầu Na đời Tống, dịch 48 danh hiệu trong thần chú. Quốc sư Hiền Thủ giải thích chú Bát nhã. Bồ tát Long Thọ ở Tây thổ, giải thích chú Chuẩn Ðề và các mật ngữ trong Trì Minh Tạng. Các kinh như Thủ Hộ Quốc Chủ Ðà La Ni kinh, Ðại Bi Không Trí, Nhất Tự v.v… Ðức Phật và Bồ tát, đích thân tán thán và giải thích ý nghĩa và ngôn ngữ của chú. Trong kinh Niết bàn, Bát nhã, Hoa Nghiêm, Ðức Phật và Ngài Ca Diếp, Ngài Thiện Hiện, cùng các bậc thiện tri thức nhiều tài nghệ, giải thích nghĩa 42 chữ cái (Hoa Nghiêm Mẫu Tự), cho nên biết các bộ chân ngôn bí mật, cũng y mật tạng, có thể phiên dịch giải thích vậy : lại trong 5 loại không phiên dịch, Bạc Già Phạm dịch là Thánh tôn, A Nậu Bồ đề dịch là Vô thượng giác, Bát nhã dịch là trí huệ, Diêm phù dịch là Thắng kim, trước kia không dịch sao nay lại dịch ? Cho đến các câu chú bí mật trong “Niệm Tụng Nghi Quy” (Nghi thức tụng niệm) do Tam Tạng Kim Cang Trí đời Ðường lược viết cũng phiên dịch thành tiếng Hoa. Thượng sư Bất Không trong Nhân Vương Bát Nhã Lý Thú Thích cũng có giải thích chú ngữ. Tam tạng Pháp sư Cầu Na Tôn giả (Gunavriddhi) đời Lưu Tống cũng phiên dịch 48 danh hiệu trong thần chú (thần chú tứ thập bát danh). Quốc sư Hiền Thủ cũng giải thích “chú Bát nhã”. Ngài Long Thọ Bồ tát ở Ấn Ðộ trong Trì Minh Tạng cũng giải thích chú Chuẩn Ðề và các lời nói bí mật khác. Trong các kinh Thủ Hộ Quốc Chủ Ðà La Ni, Ðại Bi Không Trí, Nhất Tự… Ðức Phật và Bồ tát tự miệng tán thán và giải thích ý nghĩa của ngôn ngữ và chữ trong chú. Trong kinh Niết bàn, Bát nhã, Pháp Hoa, Ðức Phật và Ngài Ca Diếp, Tôn giả Tu Bồ Ðề, các vị thiện tri thức nhiều tài nghệ, cũng giải thích 42 chữ cái (Mẫu tự) của Hoa Nghiêm. Do đây mà biết các bộ bí mật chân ngôn chiếu theo đạo lý mật tạng cũng có thể phiên dịch vậy.
Nay chú Lăng Nghiêm, trước Ðát Ðiệt Tha là 5 hội chân ngôn, sau chữ “Án” mới là Tâm chú. Theo sự giải thích của Pháp sư Hoài Ðịch người Tuần Châu đời Ðường, thì phát xuất từ (phân mục) chữ Thâm trong Ðại tạng kinh. Ở trên nói rõ mục đích vốn không phiên dịch của người xưa, ở dưới thuyết minh lợi ích của sự phiên dịch có rất nhiều, nếu mở ra sự lợi ích của phiên dịch, lược nói thì có 24 điều:
1. Biết danh hiệu chư Phật, xưng niệm danh hiệu của chư Phật thì thường thấy Phật thân.
2. Biết được nguồn gốc Tam bảo Phật Pháp Tăng, nương vào uy đức gia trì của Tam bảo.
3. Biết được Kim Cang tướng, tà ma ngoại đạo đều đến quy hàng.
4. Biết quỷ thần vương, thì bộ đảng sẽ cung kính bảo hộ, không có điều tai ương.
5. Biết chú của Phật, là tôn quý thù thắng nhất trong năm bộ.
6. Biết đỉnh chú, khi niệm chú thì được chư Phật quán đỉnh.
7. Thần chú, linh thông cảm ứng không thể nghĩ bàn.
8. Rõ chú, sanh trí huệ quang minh rộng lớn.
9. Biết chú vương, Vua trong tất cả các loại chú.
10. Biết Tâm chú, tụng Tâm chú thì kiến tánh minh tâm.
11. Ấn chú, ấn tín phú quý, không gặp cảnh trái nghịch.
12. Chú quyết, biến hóa vạn vật không thể đo lường.
13. Chú nguyện, nhân quả tùy nguyện viên thành.
14. Chú nguyền, muốn họa phước đều không sai.
15. Chú chúc, cầu nguyện chư Phật chư Bồ tát thì sẽ được các Ngài đáp ứng lại như tiếng vang.
16. Chú pháp, khai mở trí huệ biện tài vô ngại.
17. Biết gốc chữ, nguồn gốc văn tự Tam tạng.
18. Biết chữ cái (Mẫu tự), hiển mật thánh hiền từ đó sanh.
19. Nghĩa chữ, hàm nhiếp vô biên lý thú.
20. Chủng loại của chữ, vốn là chủng trí của chư Phật.
21. Biết âm của tiếng Phạn, là do Phật, chư Thiên truyền ra đầu tiên.
22. Biết tổng trì, hiểu hết thảy ý nghĩa của các pháp.
23. Biết chân ngôn, lời nói ra như thật, không hư dối.
24. Biết mật ngữ, quân lệnh thánh chỉ, không thể tiết lộ ra.
Bốn điều lợi ích đầu chỉ giới hạn trong năm hội, 20 điều lợi ích sau thông với Tâm chú.
Nay chú Lăng Nghiêm, trước Ðát Ðiệt Tha là 5 hội chân ngôn, sau chữ “án” mới là Tâm chú. Theo sự giải thích của Pháp sư Hoài Ðịch người Tuần Châu đời Ðường, thì phát xuất từ chữ Thâm trong Ðại tạng kinh : Vì thế, nay chú Lăng Nghiêm cũng có dịch thành tiếng Hoa. Chú Lăng Nghiêm trước chữ “Ðát Ðiệt Tha” là năm hội chân ngôn, sau chữ “Án” mới là Tâm chú. Nay y theo sự giải thích và phiên dịch của Pháp sư Hoài Ðịch người Tùng Châu đời Ðường, đây là phát xuất từ chữ Thâm trong Ðại tạng kinh.
Ở trên nói rõ mục đích vốn không phiên dịch của người xưa, dưới thuyết minh lợi ích của sự phiên dịch có rất nhiều, nếu mở ra sự lợi ích của phiên dịch, lược nói thì có 24 điều: Ở trên nói rõ dụng ý không phiên dịch của người xưa. Ở dưới thuyết minh sự lợi ích của phiên dịch, lược nói gồm có 24 điều :
1. Biết danh hiệu chư Phật, xưng niệm danh hiệu của chư Phật thì thường thấy Phật thân : Biết danh hiệu của chư Phật, như đoạn ở trước đều là danh hiệu của chư Phật, xưng niệm danh hiệu của chư Phật thì thường thấy được Phật thân. Quý vị thường tụng chú Lăng Nghiêm thì có thể thường thấy được Pháp thân của chư Phật.
2. Biết được nguồn gốc Tam bảo Phật Pháp Tăng, nương vào uy đức gia trì của Tam bảo : Biết Phật Pháp Tăng Tam bảo, nương vào uy đức hộ trì của Tam bảo.
3. Biết được Kim Cang tướng, tà ma ngoại đạo đều đến quy hàng : Biết được Kim Cang tướng, như Bạt Xà Ra, Thương Yết Ra v.v… tất cả tà ma ngoại đạo đều đến quy hàng.
4. Biết quỷ thần vương, thì bộ đảng sẽ cung kính bảo hộ, không có điều tai ương: Vì quý vị biết quỷ thần vương, nên bộ đảng ở dưới sẽ cung kính quý vị.
5. Biết chú của Phật, là tôn quý thù thắng nhất trong năm bộ: Biết ngũ bộ, trung ương là Phật bộ, do Ðức Phật Tỳ Lô Xá Na làm chủ. Nam phương là Bảo bộ, Ðức Phật Bảo Sanh làm chủ. Ðông phương là Kim Cang bộ, cũng là A Súc bộ, do Ðức Phật A Súc, cũng tức là Ðức Phật Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư làm chủ. Tây phương Liên Hoa bộ do Ðức Phật A Di Ðà làm chủ. Bắc phương là Yết Ma bộ, Ðức Phật Thành Tựu làm chủ. Biết trong năm bộ, Phật chú là tôn quý nhất, thù thắng nhất, vi diệu nhất.
6. Biết đỉnh chú, khi niệm chú thì được chư Phật quán đỉnh : Biết được đây là Phật đỉnh quang minh ma ha tát đát đa bát đát ra vô thượng thần chú (Thần chú vô thượng như cây lọng trắng lớn do hóa thân Phật từ hào quang trên Phật đảnh thuyết ra), quý vị niệm chú Lăng Nghiêm thì mười phương chư Phật đều đến quán đỉnh cho quý vị.
7. Thần chú, linh thông cảm ứng không thể nghĩ bàn : Linh thông cảm ứng không thể nghĩ bàn.
8. Rõ chú sanh trí huệ quang minh rộng lớn : biết chú có thể sanh trưởng trí huệ lớn, lại có thể phóng ra hào quang lớn.
9. Biết chú vương, Vua trong tất cả các loại chú : Biết chú Lăng Nghiêm là Vua trong tất cả các loại chú.
10. Biết Tâm chú[1], tụng Tâm chú thì kiến tánh minh tâm : Biết đoạn đó là Tâm chú, thường thường tụng niệm, lại chuyên nhất thì có thể kiến tánh minh tâm, khai mở trí huệ lớn.
11. Ấn chú, ấn tín phú quý, không gặp cảnh trái nghịch : Biến chú ấn, tam pháp ấn. Tụng trì chú Lăng Nghiêm thì thấp nhất trong bảy đời đều là người giàu có nhất trên thế gian.
12. Chú quyết, biến hóa vạn vật không thể đo lường : Chú lại dịch là quyết, sự thần thông biến hóa không thể lường được. Có người nói, tôi tụng chú không vì cầu phú quý. Quý vị cầu thần thông thì được thần thông, cầu khai ngộ thì được khai ngộ, cầu trí huệ thì được trí huệ, tùy ý của quý vị, không phải bảo quý vị nhất định phải cầu phú quý giàu sang.
13. Chú nguyện, nhân quả tùy nguyện viên thành : Cầu cái gì, phát nguyện gì đều có thể thành tựu.
14. Chú nguyền, muốn họa phước đều không sai : quý vị niệm chú này, nguyện cho người bên cạnh được phước họ liền được phước, nguyện cho họ bị tai họa họ bèn bị tai họa. Nhưng không nên có tâm đem tai hại cho người chung quanh, niệm chú khiến cho người chung quanh bị tai họa là đều không nên.
15. Chú chúc, cầu nguyện chư Phật chư Bồ tát thì sẽ được các Ngài đáp ứng lại như tiếng vang : quý vị cầu cái gì thì giống như tiếng vang vọng lại, tất cả đều tùy tâm mãn nguyện.
16. Chú pháp, khai mở trí huệ biện tài vô ngại : Chú pháp có thể khai mở trí huệ của quý vị, khiến cho quý vị có biện tài vô ngại.
17. Biết gốc chữ, nguồn gốc văn tự Tam tạng: biết nguồn gốc của tiếng Phạn, đây là nguồn gốc văn tự của Tam tạng, Tam tạng thì do tiếng Phạn phiên dịch mà thành.
18. Biết chữ cái (Mẫu tự), hiển mật thánh hiền từ đó sanh : biết tất cả thánh hiền hiển giáo và mật giáo đều từ chữ cái (Mẫu tự) sanh ra.
19. Nghĩa chữ, hàm nhiếp vô biên lý thú : Nghĩa lý của chữ bao gồm vô lượng vô biên lý thú (principles).
20. Chủng loại của chữ, vốn là chủng trí của chư Phật : Tiếng Phạn vốn là hột giống trí huệ của chư Phật.
21. Biết âm của tiếng Phạn, là do Phật, chư Thiên truyền ra đầu tiên : Biết được âm đọc của chú là âm mà Phật, chư Thiên truyền ra trước nhất.
22. Biết tổng trì, hiểu hết thảy ý nghĩa của các pháp : tất cả nghĩa lý pháp đều thu nhiếp hiểu rõ.
23. Biết chân ngôn, lời nói ra như thật, không hư dối : biết chân ngôn, lời nói ra đều là chân thực, không có một câu vọng ngữ.
24. Biết mật ngữ, quân lệnh thánh chỉ không thể tiết lộ ra: biết chú ngữ như khẩu lệnh trong quân đội, lại giống như thánh chỉ của Vua không thể tiết lộ cho người khác.
Bốn điều lợi ích đầu chỉ giới hạn trong năm hội, 20 điều lợi ích sau thông với Tâm chú: Bốn điều trước là giới hạn trong năm hội chân ngôn, hai mươi điều sau cũng bao gồm Tâm chú ở trong.
Ðây là nói tổng quát về sự lợi ích của việc dịch chú của người xưa và sau này. Nếu dịch Tâm chú ở sau cùng chú Lăng Nghiêm, thì có 6 sự lợi ích của pháp. Một là một chữ bao hàm nhiều nghĩa của pháp. Hai, âm chữ tiếng Hoa và tiếng Phạn đều viên thông. Ba, biểu hiện 30 loại tâm trong Tam tạng. Bốn, biểu thị thu nhiếp Tam hiền, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác. Năm, quay về nương tựa 37 quả vị thánh. Sáu, kinh vĩ (đường dọc đường ngang) của tất cả chữ cái. Mật bộ hỏi : Chân ngôn chữ Phạn tại sao lại có diệu dụng tướng trạng bất khả tư nghì như thế. Trả lời vì : tâm thể của chư Phật, vì pháp tánh như thế, vì một chữ bao hàm nhiều nghĩa, vì hạnh nguyện Bồ tát, vì thần lực gia trì không thể nghĩ bàn, đều phát xuất từ phiên dịch. Nay được nhiều lợi ích như thế, dưới lại răn nhắc khuyên nhủ người tu hành không được nói lời hư vọng.
Ðây là nói tổng quát về sự lợi ích của việc dịch chú của người xưa và sau này. Nếu dịch Tâm chú ở sau cùng chú Lăng Nghiêm, thì có 6 sự lợi ích của pháp : Ðây là nói chung lợi ích của sự dịch chú. Nếu phiên dịch Tâm chú thì có sáu điều lợi ích.
Một là một chữ bao hàm nhiều nghĩa của pháp : Một chữ bao gồm rất nhiều nghĩa lý, có sức mạnh vô cùng vô tận , uy đức vô lượng vô biên.
 Hai, âm chữ tiếng Hoa và tiếng Phạn đều viên thông: cách đọc và chữ đều phiên dịch thành tiếng Hoa, lại có Phạn văn, cả hai đều biết, ứng dụng lẫn nhau, viên thông vô ngại.
Ba, biểu hiện 30 loại tâm trong Tam tạng : Tam tạng là Kinh Luật Luận.
Bốn, biểu thị thu nhiếp Tam hiền, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác : Tam hiền tức Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng. Ðịa là Thập địa. Ðẳng tức Đẳng giác. Diệu tức Diệu giác.
Năm, quay về nương tựa 37 quả vị thánh : tức là quả vị mà ở trên đã nói đến.
Sáu, kinh vĩ (đường dọc đường ngang) của tất cả chữ cái : chữ cái tiếng Phạn có ngang, có dọc.
Mật bộ hỏi : Chân ngôn chữ Phạn tại sao lại có diệu dụng tướng trạng bất khả tư nghì như thế. Trả lời vì : tâm thể của chư Phật, vì pháp tánh như thế, vì một chữ bao hàm nhiều nghĩa, vì hạnh nguyện Bồ tát, vì thần lực gia trì không thể nghĩ bàn : trong mật tông có người hỏi, chữ Phạn chân ngôn tại sao lại có diệu dụng bất khả tư nghì như thế ? có tướng trạng lợi ích như thế ? Trả lời : Ðó là vì chữ Phạn của chú là bổn thể chân tâm của chư Phật, cho nên có sức mạnh không thể nghĩ bàn như thế. Lại vì bản tánh của pháp có sức mạnh lớn như thế. Lại vì hạnh nguyện do chư Phật Bồ tát phát ra không thể dùng tâm suy lường, không thể dùng lời diễn tả. Các Ngài dùng thần chú gia trì khiến cho quý vị được nhiều lợi ích.
Ðều phát xuất từ phiên dịch. Nay được nhiều lợi ích như thế, dưới lại răn nhắc khuyên nhủ người tu hành không được nói lời hư vọng : Nay nói phiên dịch có rất nhiều lợi ích. Dưới đây lại khuyên nhắc quý vị nỗ lực tu hành, không nên phạm giới luật, không nên vọng ngữ nói bậy nói bạ, nếu không trì chú sẽ không linh nghiệm. Không thể tùy tiện nói bậy, tạo sự thị phi, không thể nói lời không công bình.
Lại “Ðà La Ni Môn Chư Bộ Yếu Mục” rằng : Du Già hội nói năm bộ. Một là Phật bộ, Ðức Phật Tỳ Lô làm chủ. Hai là Kim Cang bộ, Ðức Phật A Súc làm chủ. Ba là Bảo bộ, Ðức Phật Bảo Sanh làm chủ. Bốn là Liên Hoa bộ, Ðức Phật Di Ðà làm chủ. Năm là Yết Ma bộ, Ðức Phật Thành Tựu làm chủ. “Ngũ Bí Mật Tu Hành Niệm Tụng Nghi” rằng : Ngũ bộ tức năm pháp môn Du Già bí mật, là tiêu tai, tăng ích, hàng phục, câu bắt chiêu về, kính ái. Nay thuộc Phật bộ, pháp môn tăng trưởng lợi ích xuất thế. Kinh Tô Tất Ðịa nói : Phiến để ca là pháp tiêu tai, Bổ sắt trưng ca là pháp tăng ích, A tỳ già lỗ là pháp hàng phục. Ba bộ này mỗi bộ đều có ba hạng chân ngôn. Một là bậc thánh thuyết. Chư Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn là chân ngôn của bậc thánh. Hai, chư thiên thuyết. Từ cõi Trời Tịnh Cư cho đến cõi trời 33, là chân ngôn của chư Thiên. Ba, là cõi trời Ðịa Cư nói. Bát bộ thần vương, gọi là chân ngôn của cõi trời Ðịa Cư. Nay là Phật thánh, bộ tăng ích vậy.
Lại “Ðà La Ni Môn Chư Bộ Yếu Mục” rằng : Du Già hội nói năm bộ. Một là Phật bộ, Ðức Phật Tỳ Lô làm chủ. Hai là Kim Cang bộ, Ðức Phật A Súc làm chủ. Ba là Bảo bộ, Ðức Phật Bảo Sanh làm chủ. Bốn là Liên Hoa bộ, Ðức Phật Di Ðà làm chủ. Năm là Yết Ma bộ, Ðức Phật Thành Tựu làm chủ : Trung ương do Ðức Phật Tỳ Lô Xá Na làm bộ chủ. Trung ương thuộc thổ, bốn mùa hưng thạnh, cho nên Phật thì cùng khắp pháp giới. Ðông phương Kim Cang bộ tức Mật Tích Kim Cang, Ðức Phật A Súc làm bộ chủ, tức Ðức Phật Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư. Nam phương Bảo bộ, Ðức Phật Bảo Sanh làm bộ chủ. Tây phương Liên Hoa bộ do Ðức Phật A Di Ðà làm bộ chủ. Bắc phương Yết Ma bộ do Ðức Phật Thành Tựu làm bộ chủ.
“Ngũ Bí Mật Tu Hành Niệm Tụng Nghi” rằng : Ngũ bộ tức năm pháp môn Du Già bí mật, là tiêu tai, tăng ích, hàng phục, câu bắt chiêu về, kính ái. Nay thuộc Phật bộ, pháp môn tăng trưởng lợi ích xuất thế: Có một quyển sách gọi là “Bí Mật Tu Hành Niệm Tụng Nghi Thức”, tức là năm pháp môn Du Già bí mật. Trong năm pháp môn này, bộ này thuộc Phật bộ, tức là pháp môn Tăng trưởng lợi ích xuất thế.
Kinh Tô Tất Ðịa nói : Phiến để ca là pháp tiêu tai, Bổ sắt trưng ca là pháp tăng ích, A tỳ già lỗ là pháp hàng phục. Ba bộ này mỗi bộ đều có ba hạng chân ngôn. Một là bậc thánh thuyết. Chư Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn là chân ngôn của bậc thánh. Hai, chư thiên thuyết. Từ cõi Trời Tịnh Cư cho đến cõi trời 33, là chân ngôn của chư Thiên. Ba, là cõi trời Ðịa Cư nói. Bát bộ thần vương, gọi là chân ngôn của cõi trời Ðịa Cư. Nay là Phật thánh, bộ tăng ích vậy : Kinh Tô Tất Ðịa nói Phiến để ca tức pháp môn Tiêu tai, Bổ sắt trưng ca tức pháp môn Tăng trưởng lợi ích, A tỳ già lỗ tức pháp môn Hàng phục. Ba bộ này mỗi bộ có ba hạng chân ngôn. Một loại chân ngôn là do bậc thánh nói ra. Tức pháp do bốn bậc thánh thuyết ra là mười phương ba đời tất cả chư Phật, tất cả Bồ tát, tất cả Thanh văn và tất cả Duyên giác. Thứ hai là chân ngôn do chư Thiên nói ra, bao gồm từ cõi trời Tịnh Cư cho đến cõi trời 33. Thứ ba là chân ngôn của cõi trời Ðịa Cư, cõi người cũng thuộc cõi trời Ðịa Cư, bao gồm Bát bộ quỷ thần vương. Nay là pháp môn tăng trưởng lợi ích của Phật bộ.
Hội nghĩa nói : Mật bộ có ba. Một là Phật bộ, hai là Bồ tát bộ, ba là quỷ thần bộ. Mỗi bộ đều luận ba phẩm thượng trung hạ. Thành tựu, tăng trưởng lợi ích gọi là pháp thượng phẩm. Cầu tiêu tai, nhiếp thọ chiêu về gọi là pháp trung phẩm. Hàng phục gọi là pháp hạ phẩm. Thượng pháp lại có ba, là hành nghi, quán pháp, nghiêm cấm, là ba phẩm của thượng pháp, lấy Vô thượng Bồ đề đạo tâm làm chủ quán thông với 3 pháp này. Nếu không có thầy truyền trao, gọi là trộm pháp. Nếu trái ngược với hành nghi thì đem lại quả báo ác. Nếu phạm nghiêm cấm thì sẽ nhận lấy hậu quả. Nói với người khác thì đem lại tai họa. Cùng với lợi ích 4 loại Tất đàn bất khả tư nghì của Ðức Phật. Một là Kinh Diệu Tý Bồ Tát Sở Vấn nói : Người tu hành nếu muốn trì tụngmong sớm được tất địa, lợi ích thành tựu, thì tất cả nghi pháp, không được mảy may thiếu sót vi phạm, khiến cho ma chướng thừa cơ hội mà vào. Cho nên người tu hành trực tâm trì tụng, trong một thời gian dài không gián đoạn, khiến quán tưởng chủng loại của chữ chân ngôn, mỗi mỗi đều thành thục, sự sự tương ứng, mới thành Du Già vô tát diệu hạnh. Lại người trì tụng không được tâm duyên cảnh khác, cùng người nói chuyện tạp. Sự trì tụng nếu gián đoạn, tất địa sẽ không thành tựu. Lại nếu trì tụng không y theo nghi thức phép tắc, hoặc không trì giới, hoặc không thanh tịnh, không những pháp không thành tựu mà còn đem đến sự tổn hại.
Hội nghĩa nói : Mật bộ có ba. Một là Phật bộ, hai là Bồ tát bộ, ba là quỷ thần bộ. Mỗi bộ đều luận ba phẩm thượng trung hạ. Thành tựu, tăng trưởng lợi ích gọi là pháp thượng phẩm. Cầu tiêu tai, nhiếp thọ chiêu về gọi là pháp trung phẩm. Hàng phục gọi là pháp hạ phẩm : thành tựu, tăng trưởng lợi ích là hai pháp môn thượng phẩm trung phẩm. Cầu tiêu tai, nhiếp thọ chiêu về là pháp môn trung phẩm. Nhiếp chiêu tức là câu bắt về, tức pháp truy nã. Tiêu tai tức quý vị có tai nạn gì, tụng chú có thể tiêu trừ. Nhưng quý vị cũng cần phải tiêu trừ tai nạn trong tâm. Nếu quý vị chỉ niệm chú, còn trong tâm cứ mãi khởi lên những niệm không thanh tịnh, tạp niệm và dục niệm tràn ngập, thì không thể tiêu trừ tai nạn căn bổn, niệm chú gì cũng không có ích dụng. Vì thế muốn tiêu trừ tai nạn đầu tiên tâm cần phải thanh tịnh, dọn dẹp tâm cho sạch sẽ, đó mới thật là tiêu trừ tai nạn. Nếu trong tâm chứa đầy thâm sân si, niệm chú gì cũng không linh nghiệm. Vì thế tâm là quan trọng nhất. Tâm cần phải từ bi lương thiện, mong muốn giúp đỡ người khác. Ðó là pháp tiêu trừ tai nạn, tăng trưởng lợi ích. Nhiếp chiêu tức câu bắt đem về, giống như cảnh sát bắt phạm nhân vậy. Yêu ma quỷ quái làm việc xấu, khiến người sanh bệnh, gặp tai nạn, quý vị vừa niệm chú thì có thể bắt yêu ma quỷ quái. Nhưng bắt thì bắt, có lúc vẫn không phục, cần phải dùng đủ thứ phương pháp để giáo hóa nó. Nhưng hàng phục là pháp hạ đẳng, còn pháp thượng đẳng thì không cần dùng bất cứ thế lực nào để đè nén ép bức người khác, và bất cứ yêu ma quỷ quái nào, không cùng với họ tranh đấu, không nên học sự đấu tranh kiên cố của A tu la. Bản thân mình rõ ràng có sức mạnh có thể hàng phục họ, cũng không cần dùng đến. Nên dùng đức hạnh để giáo hóa, cảm hóa họ.
Thượng pháp lại có ba, là hành nghi, quán pháp, nghiêm cấm, là ba phẩm của thượng pháp, lấy Vô thượng Bồ đề đạo tâm làm chủ quán thông với 3 pháp này : bất luận tu pháp nào cũng cần phải lấy Bồ đề đạo tâm làm chủ, đại từ đại bi, đại hỷ đại xả, không nên dùng đạo lực để đè nén, áp bức bất cứ người nào, hoặc bất cứ yêu ma quỷ quái nào.
Nếu không có thầy truyền trao, gọi là trộm pháp : Pháp cần phải có Sư phụ truyền trao, nếu không có Sư phụ truyền pháp thì gọi là trộm pháp.
Nếu trái ngược với hành nghi thì đem lại quả báo ác : Nếu không hợp pháp tu hành, thì khiến cho thiện thần hộ trì chú sẽ không vui.
Nếu phạm nghiêm cấm thì sẽ nhận lấy hậu quả. Nói với người khác thì đem lại tai họa. Cùng với lợi ích 4 loại tất đàn bất khả tư nghì của Ðức Phật : Nếu quý vị thường nói với người khác rằng quý vị trì chú có hiệu lực linh nghiệm cảm ứng gì đó, niệm chú Ðại bi thì chữa được bệnh nào đó, niệm chú Lăng Nghiêm lại được cảm ứng gì đó, giống như người bán thuốc dán vậy. Ðó gọi là bán tu hành, là điều không đúng. Nếu như thế thì sẽ gặp phải tai bay họa gởi, không được sự lợi ích của tứ tất đàn bất khả tư nghì của Phật.
Một là Kinh Diệu Tý Bồ Tát Sở Vấn nói : Người tu hành nếu muốn trì tụngmong sớm được tất địa, lợi ích thành tựu, thì tất cả nghi pháp, không được mảy may thiếu sót vi phạm, khiến cho ma chướng thừa cơ hội mà vào. Cho nên người tu hành trực tâm trì tụng, trong một thời gian dài không gián đoạn, khiến quán tưởng chủng loại của chữ chân ngôn, mỗi mỗi đều thành thục, sự sự tương ứng, mới thành Du Già vô tát diệu hạnh: người tu hành nếu mong muốn mau chóng được sự lợi ích và thành tựu của chú, thì tất cả phương pháp tu hành không được mảy may thiếu sót vi phạm. Phải giữ quy củ, không được hủy hoại giới luật. Cho nên quý vị tu pháp này nhất định phải giữ quy củ, không thể nghĩ đến việc dối gạt người, chiếm lợi lộc của người. Như thế không những một chút cảm ứng cũng không có, mà còn gặp tai họa lạ kỳ. Nếu cứ mãi khoe khoang công đức của mình thì có chỗ sơ hở, ma chướng bèn thừa cơ hội mà vào. Giống như quý vị có tiền bạc của báu, không bỏ trong tủ bảo hiểm mà để ngay cửa nhà, nhất định sẽ bị ăn trộm. Cho nên tu học Phật pháp cần phải cẩn thận, không nên để cho thiên ma ngoại đạo thừa cơ hội mà vào, cần phải nỗ lực trì tụng. Trì chú giống như mặc áo, ăn cơm, ngủ nghỉ vậy, một ngày không thể thiếu, cần phải trường kỳ không gián đoạn. Quán tưởng chữ Phạn thì mỗi mỗi cần phải thành thục, sự sự tương ứng. Mỗi việc đều cần phải như pháp mới có thể đạt được sức mạnh không thể nghĩ bàn, mới có thể thành tựu Du Già vô tác diệu hạnh.
Lại người trì tụng không được tâm duyên cảnh khác, cùng người nói chuyện tạp. Sự trì tụng nếu gián đoạn, tất địa sẽ không thành tựu : trong tâm không nên cứ mãi khởi vọng tưởng, nghĩ những việc thị phi, suy nghĩ những việc viển vông, hoặc cùng với người nói chuyện tạp. Tụng chú nếu gián đoạn thì không thành tựu tất địa. Tất địa tức là tam muội.
Lại nếu trì tụng không y theo nghi thức phép tắc, hoặc không trì giới, hoặc không thanh tịnh, không những pháp không thành tựu mà còn đem đến sự tổn hại : nếu quý vị không giữ gìn quy củ, không giữ gìn giới luật, hoặc trong tâm chứa đầy những vọng tưởng ô nhiễm, không những tu pháp không thể thành tựu mà lại bị tai họa. Cho nên tu pháp Lăng Nghiêm cần phải đặc biệt chú ý, thân khẩu ý ba nghiệp cần phải thanh tịnh mới có thể tương ưng. Không thể tùy tiện nói việc thị phi của người, khích bác gây xích mích chia rẽ, hoặc khiến cho đại chúng trong đạo trường không được an lạc, đều là những việc không nên làm. Phải quản thúc hành vi của mình, đi đứng nằm ngồi không rời khỏi nhà (bản tâm) của mình, không thể cứ mãi giặc đồ dơ cho kẻ khác, cần phải chiếu cố săn sóc lấy mình.
Bộ chủ Minh Vương kia, đều là chư Phật Bồ tát, không bao giờ sanh lòng sân giận hại người, nhưng những thị giả đồ chúng thiên long, quỷ thần hung dữ, thấy sự tội lỗi của người, bèn muốn làm hại. Hai, kinh Kim Cang Đỉnh Du Già Niệm Tụng nói : Phàm là người tu Du Già giáo nghĩa, cần phải có trí huệ, hiểu rõ tam muội, cùng với pháp môn chân ngôn, ở trong giới Bồ tát, phát tâm Bồ đề, công đức như thế, mới cho vào niệm tụng. Ba, kinh Bồ Tát Thiện Giới nói : Thọ trì thần chú có 5 điều không được làm. Một là ăn thịt, hai là uống rượu, ba là ngũ tân, bốn là dâm sự, năm là ăn uống tại nhà không thanh tịnh. Ðầy đủ 5 giới này mới có thể làm lợi ích lớn cho chúng sanh, mới có thể trị ác thần độc bệnh. Bốn, Pháp Uyển nói : Ðạo tục tụng trì không có công hiệu, là vì không có tâm chí thành, hủy báng kinh điển. Hoặc văn tự sai lầm, hoặc âm vận không đúng, hoặc uống rượu ăn thịt, hoặc ăn tạp các thứ cay nồng, hoặc đụng tay vào chỗ ô uế, hoặc nói chuyện thế tục, hoặc y phục không thanh tịnh, hoặc chỗ ở không trang nghiêm. Tám loại giới pháp, nếu phạm thì khiến cho quỷ thần thừa cơ hội mà vào, mang đến tai ương cho người trì niệm.
Bộ chủ Minh Vương kia, đều là chư Phật Bồ tát, không bao giờ sanh lòng sân giận hại người, nhưng những thị giả đồ chúng thiên long, quỷ thần hung dữ, thấy sự tội lỗi của người, bèn muốn làm hại: Phật bộ, Liên Hoa bộ, Kim Cang bộ, Bảo bộ, Yết Ma bộ. Bộ chủ của các bộ này đều là Minh Vương, tức chư Phật hoặc chư Bồ tát. Các Ngài đều có tâm đại từ bi, không làm tổn hại chúng sanh.
Nhưng những hộ pháp, thiên long, quỷ thần hung dữ đều có sự nóng giận rất lớn. Mãnh quỷ ác thần nhìn thấy người tu pháp có tội lỗi sai lầm bèn đem đến tai hại, khiến họ không được tự tại, hoặc là đem đến cho họ rất nhiều phiền phức.
Hai, kinh Kim Cang Đỉnh Du Già Niệm Tụng nói : Phàm là người tu Du Già giáo nghĩa, cần phải có trí huệ, hiểu rõ tam muội, cùng với pháp môn chân ngôn, ở trong giới Bồ tát, phát tâm Bồ đề, công đức như thế, mới cho vào niệm tụng : Phàm người tu chú này cần phải có trí huệ, hiểu rõ tất cả các loại định và sự nghiêm mật của chú. Phép tắc ngôn ngữ của chú cũng cần phải hiểu rõ. Cần phải giữ giới Bồ tát trong kinh Phạm Võng, phát tâm Bồ đề. Có công đức trì giới, lại có công đức phát tâm Bồ đề như thế, mới cho phép tu pháp này.
Ba, kinh Bồ Tát Thiện Giới nói : Thọ trì thần chú có 5 điều không được làm. Một là ăn thịt, hai là uống rượu, ba là ngũ tân, bốn là dâm sự, năm là ăn uống tại nhà không thanh tịnh. Ðầy đủ 5 giới này mới có thể làm lợi ích lớn cho chúng sanh, mới có thể trị ác thần độc bệnh: Thọ trì tất cả thần chú có 5 điều không thể phạm. Ngũ tân, tức hành, tỏi, hẹ, kiệu, nén. Nhà không thanh tịnh tức nhà của kỹ nữ hoặc những gia đình thường làm những hạnh ô nhiễm. Nếu có thể thọ trì năm giới này rồi tu pháp thì nhất định được lợi ích lớn, và có thể làm lợi ích cho chúng sanh. Nếu giữ 5 giới này ăn nấm độc cũng không sao. Cho nên cư sĩ Tiêu ăn nấm độc chúng ta cầu nguyện cho ông ta, Bồ tát Quán Âm bèn hiển thần thông trị cho ông ta lành bệnh. Ðó đều là những việc chứng minh.
Bốn, Pháp Uyển nói : Ðạo tục tụng trì không có công hiệu, là vì không có tâm chí thành, hủy báng kinh điển. Hoặc văn tự sai lầm, hoặc âm vận không đúng, hoặc uống rượu ăn thịt, hoặc ăn tạp các thứ cay nồng, hoặc đụng tay vào chỗ ô uế, hoặc nói chuyện thế tục, hoặc y phục không thanh tịnh, hoặc chỗ ở không trang nghiêm. Tám loại giới pháp, nếu phạm thì khiến cho quỷ thần thừa cơ hội mà vào, mang đến tai ương cho người trì niệm: Pháp Uyển Châu Lâm nói: tại sao người xuất gia và người tại gia tụng trì kinh chú không có công hiệu ? Vì không có tâm chí thành tha thiết. Tu hành cảm thấy không có gì linh cảm bèn hủy báng, nói không có gì chứng minh, không có gì linh nghiệm, nói chú này là giả, nói kinh kia là giả. Kỳ thực, nguyên nhân trì chú không linh nghiệm là do văn tự không đúng, hoặc âm vận đọc sai, hoặc uống rượu ăn thịt, hoặc ăn 5 món cay, hoặc đại tiểu tiện mà không rửa tay rồi cầm lấy quyển chú, hoặc nói việc thế tục, không giữ quy củ, thị phi, nào là nhà họ Trương dài, nhà họ Lý ngắn, hoặc mặc y phục không thanh tịnh sạch sẽ, hoặc chỗ ở không trang nghiêm thanh tịnh. Phạm tám giới pháp đã nói ở trên, sẽ khiến quỷ thần không cung kính. Không những không có công đức mà còn có tội.
Nếu muốn hành trì cần phải thường tắm gội, miệng ngậm nước thơm, tâm chí thành tha thiết ân cần, vì khắp sáu đường, phát tâm không biếng nhác, tâm chân thành tha thiết như thế, nhất định sẽ có cảm ứng không nghi. Năm là Hiển Mật Viên Thông nói : Kim Cang Đỉnh, Tô Tất Địa, kinh Chuẩn Đề v.v… đều nói hành giả dụng công trì tụng, hoặc mộng thấy chư Phật, Bồ tát, hiền thánh tăng, thiên tướng, hoặc mộng thấy thân mình tiếp xúc hư không, cưỡi ngựa qua sông, các thứ hương hoa hào quang, cùng các tướng khác lạ. Nếu được ứng nghiệm như thế thì cần phải cảnh sách giữ gìn tam nghiệp, gia công tụng niệm, không được tuyên nói cảnh giới trong chú, khoe khoang với người khác, chỉ đối với người đồng đạo, không vì danh lợi tôn kính tán thán, mới được nói điều đó.
Nếu muốn hành trì cần phải thường tắm gội, miệng ngậm nước thơm, tâm chí thành tha thiết ân cần, vì khắp sáu đường, phát tâm không biếng nhác, tâm chân thành tha thiết như thế, nhất định sẽ có cảm ứng không nghi: Nếu muốn tu pháp chú Lăng Nghiêm, cần phải tắm gội, lấy nước trong xúc miệng, tâm chí thành tha thiết ân cần, giờ giờ phút phút không quên, khắp vì chúng sanh trong sáu đường, tức là chúng sanh trong cõi trời, cõi người, a tu la, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục phát đại Bồ đề tâm, thường không giải đãi biếng lười. Chí thành khẩn thiết như thế nhất định sẽ có cảm ứng.
Năm là Hiển Mật Viên Thông nói : Kim Cang Đỉnh, Tô Tất Địa, kinh Chuẩn Đề v.v… đều nói hành giả dụng công trì tụng, hoặc mộng thấy chư Phật, Bồ tát, hiền thánh tăng, thiên tướng, hoặc mộng thấy thân mình tiếp xúc hư không, cưỡi ngựa qua sông, các thứ hương hoa hào quang, cùng các tướng khác lạ. Nếu được ứng nghiệm như thế thì cần phải cảnh sách giữ gìn tam nghiệp, gia công tụng niệm, không được tuyên nói cảnh giới trong chú, khoe khoang với người khác, chỉ đối với người đồng đạo, không vì danh lợi tôn kính tán thán, mới được nói điều đó : Hiển Mật Viên Thông nói : Khi quý vị dụng công trì chú, hoặc mộng thấy bản thân mình lễ Phật, mộng thấy Ðức Phật phóng hào quang, mộng thấy Ðức Phật đến xoa đầu, mộng thấy Ðức Phật vì mình giảng kinh thuyết pháp, hoặc mộng thấy Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn thánh tăng, hoặc thiên tướng trên cõi trời, hoặc đủ thứ các tướng kỳ lạ vô cùng, hoặc mộng thấy mình bay trong hư không, hoặc cưỡi ngựa, qua sông, hoặc thấy các thứ hương thơm, ánh sáng điềm lành, đó đều là những cảnh giới tốt đẹp. Nếu được cảm ứng như thế, thì cần phải cẩn thận tu ba nghiệp thân khẩu ý, khiến cho ba nghiệp được thanh tịnh. Phát đại Bồ đề tâm, càng thêm dụng công niệm chú. Không thể tuyên thuyết những cảnh giới trong chú, không thể nói với người có những cảm ứng gì, khiến người tin tưởng mình, đối với mình có thiện cảm, hoặc kêu người cung kính mình, tán thán mình, những điều đó thì không nên. Chỉ có đối với người đồng tu, không vì cung kính hoặc tán thán, mới có thể nói những cảnh giới cảm ứng.
Sáu, kinh Ðại Bi nói : Nếu khi người khẩn thiết tụng niệm, hoặc gặp thấy các thứ ma chướng, hoặc bỗng nhiên sanh lòng sợ sệt, thân tâm không an, hoặc nhiều sân ham ngủ, lưỡi khó trì tụng, hoặc thấy những tướng lạ, hoặc sanh lòng nghi ngờ đối với chú, hoặc sanh các tưởng phân biệt, hoặc vô minh chấp có. Nếu đối trị, cần quán chữ LAM ( ) trong Phạn thư , hoặc quán chữ A ( )  , thì các cảnh giới vọng tưởng đáng cười kia tự nhiên tiêu diệt. Nên biết pháp nhân duyên vốn không. Những lời khuyên nhắc ở trên, trong kinh đã nói đầy đủ, nay chỉ sợ lơ là, nên lại dẫn chứng tận tường.
Sáu, kinh Ðại Bi nói : Nếu khi người khẩn thiết tụng niệm, hoặc gặp thấy các thứ ma chướng, hoặc bỗng nhiên sanh lòng sợ sệt, thân tâm không an, hoặc nhiều sân ham ngủ, lưỡi khó trì tụng, hoặc thấy những tướng lạ, hoặc sanh lòng nghi ngờ đối với chú, hoặc sanh các tưởng phân biệt, hoặc vô minh chấp có. Nếu đối trị, cần quán chữ LAM (  ) trong Phạn thư , hoặc quán chữ A (  ) , thì các cảnh giới vọng tưởng đáng cười kia tự nhiên tiêu diệt. Nên biết pháp nhân duyên vốn không.: Kinh Ðại Bi nói : Nếu khi người đang niệm khẩn thiết bỗng gặp phải các thứ ma chướng, hoặc bỗng nhiên sanh lòng sợ sệt, thân tâm không an, hoặc sanh lòng nóng giận, hoặc ham ngủ, hoặc lưỡi khó trì niệm, hoặc thấy những yêu ma quỷ quái hình tướng dị thường. Dị tướng nói ở đây, không giống với dị tướng nói ở trên. Ở đây là dị tướng xấu, dị tướng ở trên là dị tướng tốt do cảm ứng mà có. Hoặc đối với chú Lăng Nghiêm sanh lòng nghi ngờ, sanh tâm phân biệt, hoặc khởi tâm vô minh chấp trước các hữu. Quý vị xem người mang nghiệp chướng nào cũng có, nay quý vị có thể an vui niệm chú này là việc khó được vậy. Nếu gặp phải những cảnh giới không kiết tường như trên đã nói thì cần phải quán tưởng chữ LAM  (  ) của Phạn thư thì có thể được thanh tịnh, hoặc quán chữ A (  ) , thì những cảnh giới buồn cười ở trên tự nhiên tiêu diệt. Nên biết tất cả pháp đều do nhân duyên hòa hợp nên bản tính vốn là không.
Những lời khuyên nhắc ở trên, trong kinh đã nói đầy đủ, nay chỉ sợ lơ là, nên lại dẫn chứng tận tường: Những lời khuyên răn nhắc nhở hành giả đã nói ở trên, trong kinh đã nói qua rồi, chỉ sợ quý vị lơ là, cho nên lại đưa ra để nói tường tận kỹ càng.
Năm hội chân ngôn ở dưới, tuy y theo Cổ đức phiên dịch, sau này truyền pháp cho người hậu lai, nói im tùy ý, không bắt buộc phải hạn định, phải biết điều nào nên giảng, điều nào không nên không giảng. Khổng Tử nói : có thể nói mà không nói, mất người ; không thể nói mà nói, mất lời. Người trí không mất người, cũng không mất lời. Vì thế Mạnh Tử có 5 phương pháp dạy dỗ, có 5 thứ không trả lời. Kinh Lăng Già cũng có 4 loại thuyết pháp, mật bộ không phiên dịch, vì để tồi phục chư ma ngoại đạo vậy. Trước đã khai mở nói rõ ba nghĩa, đều là sự quan trọng khẩn cấp trong pháp. Nay đặc biệt trước chú, nói trước vài lời.
Năm hội chân ngôn ở dưới, tuy y theo Cổ đức phiên dịch, sau này truyền pháp cho người hậu lai, nói im tùy ý, không bắt buộc phải hạn định, phải biết điều nào nên giảng, điều nào không nên không giảng. Khổng Tử nói : có thể nói mà không nói, mất người ; không thể nói mà nói, mất lời. Người trí không mất người, cũng không mất lời. Vì thế Mạnh Tử có 5 phương pháp dạy dỗ, có 5 thứ không trả lời. Kinh Lăng Già cũng có 4 loại thuyết pháp, mật bộ không phiên dịch, vì để tồi phục chư ma ngoại đạo vậy: Dưới đây năm hội chân ngôn tuy y cứ sự phiên dịch của Cổ đức, khi truyền pháp cho người sau, hoặc niệm ra lời, hoặc niệm trong tâm, không nhất định phải chấp trước vào một phương thức nào. Nên giảng mà quý vị không giảng, như dạy người phải tu hành như thế nào quý vị không nói; không nên nói thì quý vị lại nói, như nói quý vị được sự lợi ích, linh nghiệm, khai ngộ chứng quả thành Phật, đó là tội vọng ngữ rất lớn, không được nói. Khổng Tử nói : Có thể nói mà không nói, mất người ; không thể nói mà nói, mất lời. Người có trí khi nói sẽ không bỏ qua cơ hội, cũng không nói sai lời. Mạnh Tử cũng có 5 loại không trả lời. Kinh Lăng Già cũng có bốn cách nói. Trong Mật bộ cũng có lệ không phiên dịch là vì để tồi phục thiên ma ngoại đạo.
Trước đã khai mở nói rõ ba nghĩa, đều là sự quan trọng khẩn cấp trong pháp. Nay đặc biệt trước chú, nói trước vài lời: Trước đã nói ba loại ý nghĩa, đối với sự tu pháp rất quan trọng. Nay đặc biệt trước chú nói một chút. Dưới đây là giải thích chú.
Giải thích chú chia làm hai phần.
1. Ngũ hội chân ngôn
Sở dĩ có 5 hội, Hiển Mật Viên Thông nói : thần chú trong kinh điển , không ngoài 5 bộ. Một là Phật bộ, tức chú của chư Phật. Hai là Liên Hoa bộ, tức chú của chư Bồ tát. Ba là Kim Cang bộ, tức chú của các Kim Cang vương. Bốn là Bảo bộ, tức chú của chư thiên. Năm là Yết Ma bộ, tức chú của quỷ thần. Năm Phật trong đàn trường, biểu thị năm bộ chủ, lại năm Phật tức Phật bộ, Quán Âm là Liên Hoa Bồ tát bộ, Kim Cang là Kim Cang minh vương bộ, Thích phạm là Bảo Sanh chư thiên bộ, Tần Na Dạ Ca (Vinayaka) là Yết Ma quỷ thần bộ. Năm hội và 5 bộ chú này đều là tổng trì. Lại hương, hoa, bát, gương, mỗi thứ 16 món. Lại trong kinh Kim Cang Đỉnh Du Già, nói thọ 16 pháp cúng dường, chia làm 5.
2. Hội chân ngôn thứ nhất.
Du Già có bốn loại tụng niệm. Một là âm thanh tụng niệm tức là niệm ra lời. Hai, Kim Cang tụng niệm là ngậm miệng im lặng niệm. Ba, tam-ma-đề niệm, là tâm niệm. Bốn, chân thực nghĩa niệm, như chữ tu hành. Lại chia làm 5. Một theo hơi thở ra vào tụng niệm. Quán tưởng chữ của chú, tùy theo hơi thở ra vào, hơi ra chữ ra, hơi vào chữ vào, chữ chữ rõ ràng, như xâu chuỗi minh châu, trước sau không gián đoạn. Hai là Du Già trì tụng. Quán tưởng trong tâm có vầng trăng sáng, trong ngoài phân minh, chữ chú thứ tự, phía trước xoay vòng từ bên phải, xoay vòng theo hình mặt trăng, xoay giáp vòng thì lại tiếp tục xoay nữa. Ba là Kim Cang trì tụng, trong miệng nhẹ nhàng mật chuyển. Bốn, vi thanh trì tụng, chữ chữ phân minh xưng niệm, chỉ để cho tai mình nghe thôi. Năm, cao thanh trì tụng, khiến cho người khác nghe. Diệt trừ ác nghiệp, sanh trưởng thiện pháp. Trong Kim Cang Đỉnh, Ngũ Tự, Kinh Chuẩn Đề v.v… đều có nói rất rõ ràng.
Giải thích chú chia làm hai phần.
1. Ngũ hội chân ngôn
Sở dĩ có 5 hội, Hiển Mật Viên Thông nói : thần chú trong kinh điển , không ngoài 5 bộ. Một là Phật bộ, tức chú của chư Phật. Hai là Liên Hoa bộ, tức chú của chư Bồ tát. Ba là Kim Cang bộ, tức chú của các Kim Cang vương. Bốn là Bảo bộ, tức chú của chư thiên. Năm là Yết Ma bộ, tức chú của quỷ thần. Năm Phật trong đàn trường, biểu thị năm bộ chủ, lại năm Phật tức Phật bộ, Quán Âm là Liên Hoa Bồ tát bộ, Kim Cang là Kim Cang minh vương bộ, Thích phạm là Bảo Sanh chư thiên bộ, Tần Na Dạ Ca Yết ma quỷ thần bộ. Năm hội và 5 bộ chú này đều là tổng trì. Lại hương, hoa, bát, gương, mỗi thứ 16 món. Lại trong kinh Kim Cang đỉnh Du Già, nói thọ 16 pháp cúng dường, chia làm 5: Phật bộ tức là chú do chư Phật thuyết ra. Liên hoa bộ tức là chú do chư Bồ tát thuyết ra. Kim Cang bộ tức chú của hết thảy Kim Cang Mật Tích. Bảo bộ tức chú của Bảo Sanh bộ, là chú quản lý chư thiên. Yết Ma bộ là những chú để cai quản quỷ thần. Tất đàn mà ở trên đã nói, cần phải tam mật tương ưng.
2. Hội chân ngôn thứ nhất.
Du Già có bốn loại tụng niệm. Một là âm thanh tụng niệm tức là niệm ra lời. Hai Kim Cang tụng niệm là ngậm miệng im lặng niệm. Ba Tam-ma-đề niệm, là tâm niệm. Bốn chân thực nghĩa niệm, như chữ tu hành. Lại chia làm 5. Một theo hơi thở ra vào tụng niệm. Quán tưởng chữ của chú, tùy theo hơi thở ra vào, hơi ra chữ ra, hơi vào chữ vào, chữ chữ rõ ràng, như xâu chuỗi minh châu, trước sau không gián đoạn. Hai là Du Già trì tụng. Quán tưởng trong tâm có vầng trăng sáng, trong ngoài phân minh, chữ chú thứ tự, phía trước xoay vòng từ bên phải, xoay vòng theo hình mặt trăng, xoay giáp vòng thì lại tiếp tục xoay nữa. Ba là Kim Cang trì tụng, trong miệng nhẹ nhàng mật chuyển. Bốn là vi thanh trì tụng, chữ chữ phân minh xưng niệm, chỉ để cho tai mình nghe thôi. Năm cao thanh trì tụng, khiến cho người khác nghe. Diệt trừ ác nghiệp, sanh trưởng thiện pháp. Trong Kim cang đỉnh, Ngũ tự, kinh Chuẩn đề v.v… đều có nói rất rõ ràng : Trong Du Già có bốn phương pháp niệm tụng : Một là âm thanh niệm tụng, tức niệm ra tiếng. Hai là cách niệm Kim Cang, tức niệm thầm trong miệng. Ba là cách niệm Tam-ma-đề tức là tâm niệm. Bốn là cách niệm chân thực nghĩa, như chữ Phạn tu hành. Lại có 5 phương pháp tụng niệm : Một là phương pháp niệm theo hơi thở, quán tưởng chữ Phạn, theo hơi thở ra vào, thở ra chữ cũng ra, hít vào chữ cũng vào, mỗi mỗi đều niệm rõ ràng, giống như xâu chuỗi minh châu trước sau không có gián đoạn. Hai là phương pháp trì tụng Du Già. Quán tưởng trong tâm có một vầng trăng sáng, trong ngoài phân minh. Chữ Phạn thứ tự từ phía trước xoay vòng theo hướng tay phải, xoay vòng theo hình mặt trăng trong tâm, xoay xong rồi lại xoay nữa. Ba là phương pháp trì tụng Kim Cang, trong miệng im lặng niệm, không có tiếng nhưng có thể nghe thấy, nói có tiếng lại dường như không có tiếng. Bốn là phương pháp trì tụng âm thanh nhỏ. Âm thanh rất nhỏ, mỗi chữ đều niệm rõ ràng, khiến lỗ tai mình có thể nghe rất rõ ràng, không phải niệm một cách vội vàng hấp tấp, bản thân mình cũng không biết có niệm hay không. Năm là phương pháp lớn tiếng trì tụng, khiến cho người khác cũng nghe. Trong kinh Chuẩn Ðề, Ngũ Tự, Kim Cang Ðỉnh niệm tụng nghi có thuyết minh kỹ càng.
Trong kinh Như Ý Bảo, Bồ tát Diệu Trụ hỏi : “Trì chương cú Tổng Trì Vương này, tại sao không thấy chư Phật ba đời ?” Ðức Phật nói : “Do nghiệp quá khứ vậy, do lòng nghi chưa đoạn vậy, do tâm hữu vi vậy, do không có phương tiện vậy. Nếu tâm không nghi hoặc, quyết định chuyên chú, gọi là chân thực trì tụng”. Lại Bồ tát Diệu Tý hỏi : “Trì tụng chân ngôn, không thể thành đạo chứng quả, vì pháp lực không có khả năng chăng? việc làm phi thời chăng ? Chủng tánh không phải Phật tánh chăng ? Chân ngôn thiếu lợi ích chăng ? Tu trì khinh mạn chăng ? Cúng dường không đầy đủ chăng ?” Bồ tát Kim Cang Thủ trả lời : “Người tu hạnh chân ngôn, cầu mong thành tựu, cần phải lìa các phiền não, sanh khởi lòng tin sâu dày, phát tâm Bồ đề, tôn trọng Phật Pháp Tăng, lánh xa mười ác nghiệp, lìa lưới tà kiến, hành mười thiện pháp, vào mạn đà la[2] lớn. Nương A Xà Lê, quyết chí dũng mãnh tinh tấn, sám hối nghiệp xưa, giúp đỡ quý vị đồng tu, cúng dường thanh tịnh kiền thành. Chân ngôn không sai, nay không như pháp, làm sao ứng nghiệm được!” Dưới nói, dù đã uống rượu, ăn năm món cay nồng, các thứ bất tịnh, y rách, lại không có đàn tràng, Phật trời cũng không cho rằng lỗi, đó đều là Như Lai tùy cơ thuyết pháp. Nay được lợi ích 4 tất đàn, không được nghi ngờ chấp trước, tự tạo tội lỗi cho mình”.
Trong kinh Như Ý Bảo, Bồ tát Diệu Trụ hỏi : “Trì chương cú Tổng Trì Vương này, tại sao không thấy chư Phật ba đời ?” Ðức Phật nói : “Do nghiệp quá khứ vậy : Vì định nghiệp đã tạo trong kiếp quá khứ quá nặng. Do lòng nghi chưa đoạn vậy : Do hoài nghi chư đoạn vậy. Do tâm hữu vi vậy : Do dùng tâm tham cầu pháp vậy. Do không có phương tiện vậy : Do niệm không đúng pháp. Nếu tâm không nghi hoặc, quyết định chuyên chú, gọi là chân thực trì tụng: Nếu trong tâm không có lòng nghi hoặc, một lòng chuyên chú vào chữ Phạn hoặc âm Phạn, đó chính là người chân thực tu pháp.
Lại Bồ tát Diệu Tý hỏi : “Trì tụng chân ngôn, không thể thành đạo chứng quả, vì pháp lực không có khả năng chăng? : Vì pháp không có năng lực này chăng ? việc làm phi thời chăng ? việc làm không đúng thời chăng ? Chủng tánh không phải Phật tánh chăng ? hoặc không có chủng tánh Phật chăng ? Chân ngôn thiếu lợi ích chăng ? Chú không có lợi ích chăng ? Chú là giả sao ? Tu trì khinh mạn chăng ? đối với chú không cung kính chăng ? Cúng dường không đầy đủ chăng ? cúng dường chú thần không viên mãn chăng ?
Bồ tát Kim Cang Thủ trả lời : “Người tu hạnh chân ngôn, cầu mong thành tựu, cần phải lìa các phiền não, sanh khởi lòng tin sâu dày, phát tâm Bồ đề, tôn trọng Phật Pháp Tăng: đối với Phật Pháp Tăng đều phải tôn trọng. Lánh xa mười ác nghiệp : thân không được sát sanh, trộm cắp, tà dâm, ý cần phải trừ tham, sân, si, miệng không được vọng ngôn, ác khẩu, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, lìa lưới tà kiến : phải giữ gìn chánh tri chánh kiến, không nên có tà kiến, hành mười thiện pháp : không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác, không nói dối, không nói thêu dệt, không sân, không tham, không si, vào Mạn đà la lớn: vào đạo trường lớn. Y A Xà Lê : Nương Thầy quy phạm, thầy y chỉ, quyết chí dũng mãnh tinh tấn : có chí quả quyết dõng mãnh, sám hối nghiệp xưa : sám hối nghiệp chướng đời quá khứ, giúp đỡ quý vị đồng tu : giúp đỡ quý vị đồng tu, cúng dường thanh tịnh kiền thành : đồ ăn chay trái cây cúng dường cần phải thanh tịnh sạch sẽ, chân ngôn không sai : niệm chú cần phải chính xác. Nay không như pháp : nay sự tu học của quý vị không đúng như pháp, sao ứng nghiệm được ! thì không có ứng nghiệm.
Dưới nói, dù đã uống rượu, ăn năm món cay nồng, các thứ bất tịnh, y rách, lại không có đàn tràng, Phật trời cũng không cho rằng lỗi: Y áo không chỉnh tề, mũ cũng đội không ngay ngắn, nút áo cũng không gài, lại không có đàn tràng. Tuy là như thế, Phật và chư Thiên cũng không cho rằng có tội, đó đều là Như Lai tùy cơ thuyết pháp. Nay được lợi ích 4 tất đàn, không được nghi ngờ chấp trước, tự tạo tội lỗi cho mình : Nay được sư lợi ích của tứ tất đàn, không nên sanh lòng nghi hoặc, nếu không sẽ gây ra tội lỗi cho mình.


[1] Hòa Thượng Tuyên Hóa: pháp danh An Từ tự Độ Luân.
[2] Có nghĩa là kế độ, tức lấy vọng tâm của mình để phân biệt phán đoán đạo lý, sự vật. (Phật học đại từ điển)
[3] Vô Kiến Ðảnh Tướng: tướng Phật đảnh cao đến nỗi không thấy được, chỉ có Phật với Phật mới thấy, còn hàng thập địa Bồ Tát, Thanh Văn và phàm phu không thể thấy được nên gọi là "Vô kiến đảnh tướng". (Phật học đại từ điển)
[4]  Thiên như : (hay Thiên Như Thị) Từ cõi Phật đến cõi địa ngục, tất cả là 10 cõi gọi là thập pháp giới, tánh của mỗi pháp giới đều có đủ tánh của mười pháp giới kia, thành 100 pháp giới, một trăm pháp giới này có đủ 10 thứ như thị “tướng, tánh, thể, lực, tác, nhân, duyên, quả, báo, bổn mạt cứu cánh”, nên thành Thiên như thị. Nếu nhân 1000 như thị này với 3 loại thế gian thì thành 3000, là con số biểu thị cho thật tướng các pháp mà tông Thiên Thai lập ra. (Từ Ðiển Phật Học Huệ Quang)
[5] Câu này dẫn từ “Luận ngữ”, hình dung đạo đức, học vấn của Khổng Tử cao sâu không cùng tận, không thể hình dung được. Ở đây mượn để hình dung Vô kiến đảnh tướng của Ðức Phật.
[6]  Nhất thiết chủng trí là một trong ba trí của Ðức Phật, ba trí tức là Nhất thiết trí, Ðạo chủng trí và Nhất thiết chủng trí. Nhất thiết trí là trí huệ của Thanh văn Duyên giác hiểu biết tất cả tổng tướng của các pháp, tổng tướng tức là không tướng; Ðạo chủng trí tức là trí huệ hiểu biết các tướng sai khác của pháp; Nhất thiết chủng trí là trí huệ của Ðức Phật hiết biết tất cả tướng riêng và tướng chung của mọi pháp, giáo hóa chúng sanh đoạn trừ mê hoặc, hợp hai trí Nhất thiết trí và Ðạo chủng trí, gọi là Nhất thiết chủng trí.
[7] Tất Đàn (Phạm, Pali: Siddhanta. Gọi tắt: Tứ tất):  Giáo pháp mà đức Phật dùng để giáo hóa, dất dẫn chúng sinh có thể được chia làm 4 phạm trù, gọi là Tứ tất đàn. Tất đàn là từ ghép chung cả Phạn và Hán. Tất nghĩa là khắp hết; Đàn (nói đủ là Đàn na (Phạm: Dana, Hán dịch: Bố thí), tức Phật dùng 4 phương pháp bố thí khắp hết thảy chúng sinh.
      Cứ theo luận Đại trí độ quyển 1, giáo pháp của đức Phật có nhiều loại khác nhau, mới nhìn tựa hồ như mâu thuẫn, nhưng nếu tổng hợp giáo thuyết của Ngài thì có 4 Tất đàn đều là thực nghĩa chứ không hề trái nhau. Đó là:       
1.       Thế giới tất đàn: Tức thuận theo pháp thế gian mà nói nghĩa nhân duyên hòa hợp; cũng tức là dùng những pháp phổ thông ở thế gian như tư tưởng, ngôn ngữ, quan niệm… để thuyết minh chân lý duyên khởi. Chẳng hạn như: Con người là do nhân duyên (các điều kiện) hòa hợp mà có, vì thế nên chẳng phải là thực thể. Cho rằng con người có thật xưa nay, vốn là cái thấy phổ thông của thế tục, nên Phật nói pháp thích hợp với thế tục để thuận theo mọi người, khiến cho phàm phu vui mừng mà được chánh trí thế gian, cho nên Tất đàn này còn được gọi là Lạc dục tất đàn.
2.       Các các vị nhân tất đàn (gọi tắt là Nhân tất đàn): Tức tùy theo căn cơ và năng lực khác nhau của mỗi chúng sinh mà nói các pháp thực tiễn xuất thế, khiến chúng sinh sinh khởi thiện căn, cho nên cũng gọi Sinh thiện tất đàn.
3.       Đối trị tất đàn: Đối với phiền não của chúng sinh như tham, sân, si… tùy bệnh mà cho thuốc pháp để đối trị. Đây là giáo pháp nhằm diệt trừ phiền não và ác nghiệp của chúng sinh. Vì giáo pháp này có công năng dứt các điều ác của chúng sinh, cho nên cũng gọi là Đoạn ác tất đàn.
4.       Đệ nhất nghĩa tất đàn: Tức dẹp bỏ tất cả các ngôn ngữ, luận nghị mà trực tiếp dùng Đệ nhất nghĩa đế để giải thích rõ lý thực tướng của các pháp, khiến chúng sinh chân chính khế nhập giáo pháp, cho nên cũng gọi là Nhập lý tất đàn.

[1] Tâm chú tức là “Ðát điệt tha. Án, a na lệ, tỳ xá đề, bệ ra bạt xà ra đà rị, bàn đà bàn đà nể, bạt xà ra bàn ni phấn, hổ hồng đô lô ung phấn, ta bà ha.” Trì 108 biến Tâm chú này là một phần công khóa chung mỗi tối của đại chúng tại Vạn Phật Thánh Thành và các đạo tràng chi nhánh.
[2] Mạn đà la : dịch là Luân chuyển viên mãn cụ túc, Tụ tập, Ðàn, Ðạo trường…Ấn Ðộ thuở xưa, khi tu Mật pháp, vì để ngăn ngừa chúng ma xâm nhập quấy nhiễu, nên vẽ nhưng khu vực hình vuông hoặc hình tròn, hoặc xây dựng Ðàn, trong Ðàn vẽ hình tượng Phật, Bồ tát để cúng dường, lễ bái. Thường gọi những khu vực hình vuông hoặc tròn này là Mạn Ðà La. Ðứng về mặt thể mà nói, Ðàn hoặc Ðạo trường là Chánh ý, Luân viên cụ túc là Bổn ý, xây dựng Ðàn trong có hình Phật, Bồ tát để cúng dường lễ bái, đó là bổn thể của Mạn Ðà La. Nay Mạn Ðà La thường chỉ cho đồ họa, hình vẽ của Ðàn hoặc Ðạo trường.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét