31. Đức Phật Tuyên Bố Sẽ Nhập Niết Bàn
Đức Phật năm nay tròn 80 tuổi. Ngài nhận định sự nghiệp thuyết pháp, giáo hóa độ sanh của Ngài đã hoàn thành. Thời điểm đã đến để Ngài nhập Niết bàn. Trên đường đi Kusinara, khi Đức Phật dừng chân tại Vaisali, ở Tinh xá Capala, Ngài đã tuyên bố với Tôn giả Ananda là ba tháng nữa, Ngài sẽ nhập Niết bàn. Ngài không chấp nhận lời yêu cầu của Ananda, xin Ngài sống thêm một kiếp nữa, vì hạnh phúc, vì an lạc của chúng sanh. Đức Phật giảng cho ông Ananda về tính Vô thường của mọi sự vật trên thế gian này, và bảo ông Ananda tập hợp chúng Tỳ kheo ở Vaisali lại ở Tinh xá Mahavana, để nghe Phật thuyết pháp.
Rồi Đức Phật nói với chúng Tỳ kheo những lời lẽ như sau: "Này các Tỳ kheo! Mọi pháp đều Vô thường. Hãy siêng năng phấn đấu. Như Lai sắp nhập Niết bàn. Từ nay trong vòng 3 tháng nữa, Như Lai sẽ nhập Niết bàn. Tuổi Ta đã già, cuộc sống con người ngắn ngủi. Ta sẽ vĩnh biệt các người. Hãy Tinh tấn, Chánh niệm tỉnh giác và sống đạo đức. Người nào sống không phóng dật trong Giới luật, người đó sẽ được Giải thoát khỏi sanh tử luân hồi và chấm dứt mọi đau khổ.”
Và một lần cuối cùng, nhìn Thành phố Vaisali, Đức Phật nói chúng Tỳ kheo:
"Giới, Định, và Tuệ, Giải thoát tối hậu. Đó là những điều Như Lai thực hiện.”
32. Buổi Ăn Cuối Cùng Của Đức Phật
Từ Vaisali, Đức Phật cùng với Tôn giả Ananda và chúng Tỳ kheo lên đường đi Kusinara. Dọc đường, Đức Phật cùng chúng Tăng dừng lại ở nhiều nơi, tiếp xúc với dân chúng, thuyết pháp độ sanh.
Ở Pava, người thợ rèn Cunda (Thuần Đà) thết tiệc trai Đức Phật và chúng Tăng. Cunda chuẩn bị riêng cho Đức Phật một món ăn đặc biệt, gọi là sùkaramaddava (15). Đức Phật khuyên Cunda dành riêng dĩa thức ăn đó cho Đức Phật, và phần còn lại của dĩa phải đem chôn đi. Và nói: "Chỉ có Như Lai mới ăn và tiêu hóa được thức ăn này mà thôi.”
Ăn xong, Đức Phật bị kiết lỵ nặng. Ngài tuy mệt nhưng vẫn giữ tinh thần bình thản và quyết định lại lên đường đi Kusinara, cách Pava khoảng 6 dặm. Đức Phật tắm lần cuối cùng ở sông Kakutthi, và sau khi nghỉ một lát, Ngài nói với Đại đức Ananda: "Có thể có người trách Cunda về bữa cơm cuối cùng dọn cho Ta, vì sau bữa ăn đó Ta sẽ nhập Niết bàn, và Cunda có thể ăn năn hối hận. Nhà ngươi cần nói cho Cunda biết rằng, có hai bữa ăn cúng dường cho Như Lai, đem lại công đức lớn nhất cho người cúng dường. Đó là bữa ăn cúng dường Như Lai trước giờ Như Lai Thành đạo và bữa ăn cúng dường Như Lai trước giờ Như Lai nhập Niết bàn. Hãy nói cho Cunda biết rằng, nhờ đã cúng dường Như Lai bữa ăn cuối cùng trước khi Như Lai nhập Niết bàn, Cunda được phúc đức lớn, quả báo lớn, nhờ đó mà Cunda được thọ mạng lâu dài, tái sanh ở cõi lành, giàu có, tiếng tăm, được sanh lên cõi trời và có quyền lực lớn. Này Ananda, ngươi hãy nói như vậy để loại bỏ mọi nỗi ân hận của Cunda, nếu có.”
Nói xong, Đức Phật đến vườn cây Sala ở Kusinara, nơi có bộ tộc Mallas ở, và bảo Đại đức Ananda chuẩn bị chỗ nằm, để Đức Phật yên nghỉ, đầu hướng Bắc, nằm nghiêng mình, chân phải để trên chân trái, bình thản, tỉnh táo.
33. Cách Tốt Đẹp Nhất Để Tôn Trọng, Đảnh Lễ, Tán Thán, Quý Mến Như Lai
Thấy các cây Sala trổ hoa trái mùa, và các biểu hiện khác của niềm tin tưởng, quý mến, tôn trọng Như Lai, Đức Phật bèn nói với các Tỳ kheo có mặt như sau:
"Này Ananda, không nên tôn trọng, đảnh lễ, tán thán, quý mến Như Lai theo kiểu như vậy. Nhưng bất cứ Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni nào, Ưu bà tắc hay Ưu bà di nào mà sống đúng với Chánh pháp, tự mình ứng xử hợp với đạo, có hành động chân chánh, thì chính người đó tôn trọng, đảnh lễ, tán thán và quý mến Như Lai một cách tốt đẹp nhất. Do đó, này Ananda, các người phải tu tập như vậy. Mọi người hãy sống đúng với Chánh pháp, tự mình ứng xử hợp với đạo, có hành động chân chánh.”
34. Bốn Địa Điểm Chiêm Bái
Rồi Đức Phật nói tới bốn địa điểm có liên hệ tới Đức Phật, mà Phật tử có thể đến chiêm bái. Đó là:
1. Nơi Đức Phật giáng sinh, ở vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) tại vùng biên giới Ấn Độ - Nepan.
2. Nơi Đức Phật Thành đạo ở Bodhi Gaya (Bồ đề Đạo Tràng).
3. Nơi Đức Phật bắt đầu chuyển thành bánh xe Pháp (Sarnàth) tức là Vườn Nai gần Benarès.
4. Nơi Đức Phật nhập Niết bàn ở Kusinàra (nay là Kasia, cách 32 dặm nhà ga Gorakhpur).
Đức Phật dạy rằng: "Những người nào qua đời trong quá trình đi chiêm bái, với lòng có đức tin, thì sẽ được sanh lên các cõi trời.”
35. Đức Phật Hóa Độ Cho Người Cuối Cùng: Du Sĩ Subhadda
Bấy giờ có du sĩ Subhadda, đang sống ở Kusinara, biết tin Đức Phật sẽ nhập Niết bàn vào canh cuối cùng của đêm nay ở Kusinara. Du sĩ có suy nghĩ như sau: "Các Đạo sư lớn tuổi, các du sĩ thường nói với ta rằng sự kiện Như Lai, bậc Toàn giác xuất hiện ở đời là hiếm có, rất hiếm có. Vào canh cuối cùng đêm nay, Đức Phật Thích Ca, bậc Toàn giác sẽ nhập diệt. Ở đây ta có lòng tin Đức Phật, có thể là Ngài sẽ thuyết pháp cho ta để ta được Giác ngộ.”
Rồi du sĩ Subhadda đi đến rừng cây Sala, và xin Đại đức Ananda cho được gặp Đức Phật. Nhưng ông Ananda nói là Đức Phật đang mệt, không thể tiếp được. Subhadda ba lần thỉnh cầu, Đại đức Ananda đều không chấp nhận. Nhưng Đức Phật nghe câu chuyện giữa Đại đức Ananda và du sĩ Subhadda, bèn nói với Đại đức Ananda rằng: "Hãy để cho Subhadda vào. Ông ta đến đây để mong được nghe pháp, được Giác ngộ, chứ không phải để làm phiền Ta, và những lời Ta nói, Subhadda sẽ có thể hiểu được.”
Đức Phật nói cho Subhadda nghe về con đường đạo tám nhánh, và chỉ có những người tu học theo Pháp và Luật của Như Lai, mới thực hành con đường đạo tám nhánh và mới có thể trở thành đệ nhất Sa môn, đệ nhị Sa môn, đệ tam Sa môn, đệ tứ Sa môn. (16) Subhadda vô cùng hoan hỷ và xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Đồng thời xin được xuất gia làm Tăng, ngay bây giờ trước mặt Đức Phật. Tuy rằng theo luật, đáng lý, Subhadda vốn là du sĩ ngoại đạo, phải trải qua 4 tháng thử thách và sau đó, nếu Tăng chúng chấp nhận, mới được thọ giới Tỳ kheo. Nhưng vì trường hợp rất đặc biệt, Đức Phật đặc cách cho Subhadda miễn trải qua 4 tháng thử thách và bảo Tôn giả Ananda truyền thụ giới Tỳ kheo cho Subhadda. Subhadda sau một thời gian tu học Tinh tấn, trở thành một A la hán. Ông là người được Phật hóa độ cuối cùng.
36. Những Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật
Đức Phật thấy Đại đức Ananda buồn khóc, bèn thân mật an ủi, tán thán đức hạnh của Đại đức Ananda như là một Thị giả, một đệ tử kiểu mẫu, và khích lệ Đại đức phấn đấu Tinh tấn để sớm được Giải thoát, trở thành A la hán. Sau đó, Đức Phật nói với Đại đức Ananda đi báo cho dân chúng Mallas biết là Như Lai sắp nhập Niết bàn vào canh cuối đêm nay tại rừng cây Sala.
Được tin đông đảo dân chúng Mallas, đàn ông, đàn bà, người già, thanh niên, trẻ con tấp nập kéo đến rừng cây Sala bày tỏ lòng tôn kính, thương tiếc và vĩnh biệt Đức Phật lần cuối cùng. Sau đây là những lời dặn của Đức Phật với chúng đệ tử, trước khi ngài nhập Niết bàn.
"Này Ananda, có thể các ngươi nghĩ rằng: Chỉ còn lại giáo phái cao cả mà không còn bậc Đạo sư, chúng ta không còn có bậc Đạo sư nữa. Không! Ananda, các ngươi không được nghĩ như vậy, Pháp và Luật mà ta đã dạy, tuyên bố sẽ là Đạo sư của các ngươi, sau khi Ta nhập Niết
bàn." (17)
bàn." (17)
"Này Ananda, Tăng chúng nếu muốn, có thể bỏ các Giới luật phụ và nhỏ, (18) sau khi Ta nhập Niết bàn.”
"Này các đệ tử của Ta, nếu các ngươi còn có nghi ngờ gì nữa về Phật, Pháp, Tăng hay về con đường đạo, về phương pháp thì hãy hỏi Ta, đừng để sau này hối tiếc, nghĩ rằng, đối diện với Như Lai mà không hỏi được Như Lai câu nào!"
Đức Phật nói xong, chúng đệ tử đều im lặng, Đức Phật hỏi tới ba lần, chúng đệ tử đều im lặng.
Đức Phật nói: "Có thể vì các ngươi tôn trọng bậc Đạo sư mà không đặt câu hỏi chăng? Thì hãy để một người nói thay vậy.” Một lần nữa, chúng đệ tử vẫn im lặng.
Đại đức Ananda bạch Phật rằng: "Tuyệt vời thay! Hy hữu thay! Thưa đức Thế Tôn. Trong hàng đệ tử chúng con ở đây, không có một người nào nghi ngờ và thắc mắc gì đối với Phật, Pháp, Tăng, con đường đạo và phương pháp.”
Đức Phật nói: "Này Ananda, nhà ngươi nói vì niềm tin đối với Như Lai, Như Lai biết rõ là, trong chúng đệ tử có mặt tại đây, không có người nào còn nghi ngờ thắc mắc đối với Pháp, Tăng, con đường đạo và phương pháp. Trong số năm trăm đệ tử này, này Ananda, người kém nhất cũng đã chứng quả Dư lưu, không còn thoái chuyển nữa, cuối cùng chắc chắn sẽ được Giác ngộ.”
Câu nói cuối cùng của Đức Phật là: "Hỡi các đệ tử, Ta khích lệ các người, mọi pháp hữu vi (19) đều biến hoại. Hãy tích cực phấn đấu!” Thế rồi đức Thế Tôn im lặng. Ngài lặng lẽ nhập định, tuần tự trải qua các cấp Thiền từ thấp tới cao, rồi cuối cùng chủ động nhập Niết bàn.
37. Lễ Trà Tỳ Và Sự Phân Chia Xá Lợi Của Phật (20)
Thi hài Đức Phật được dân chúng Mallas trân trọng đưa tới Makutabandhana, và để ở đó bảy ngày trước khi tổ chức lễ Trà tỳ chính thức (hỏa táng). Tôn giả Maha Kassapa cũng về đây để đảnh lễ vĩnh biệt Đức Phật lần cuối cùng và chủ trì lễ hỏa táng. Sau lễ Trà tỳ, dân chúng Mallas thu thập Xá Lợi để cúng dường. Các nước lân cận và nhất là vua Ajatasattu cũng đòi một phần Xá Lợi. Vì ban đầu dân chúng Mallas không chịu, cho nên có nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh xung quanh việc phân chia Xá Lợi. Nhưng cuối cùng, các bên cũng thỏa thuận được với nhau là Xá Lợi Phật chia làm tám phần, phân phối cho dân chúng Mallas, vua Ajatasattu xứ Magadha, bộ tộc Licchavi ở Vaisali, bộ tộc Sakya ở Kapilavastu, bộ tộc Bulaka ở Calakalna, bộ tộc Krandya ở Ramagrama, những người Bà la môn ở Visudvipa, những người Mallas ở Pava.
Bà la môn Dona, người tổ chức thành công việc phân chia Xá Lợi, dành lấy cho mình cái bình đựng Xá Lợi. Những người Maurya ở Pipphalirana, vì đến chậm, chỉ nhận được tro còn lại của giàn hỏa. Các bên được phân chia Xá Lợi, đều xây Tháp ở quốc gia mình để cúng dường. Như vậy, có tất cả 10 Tháp: tám Tháp đựng Xá Lợi của Phật, một Tháp xây trên bình chứa Xá Lợi, và một Tháp thờ tro của giàn hỏa.
Một số hình ảnh về sá lợi Phật
Kết luận
Trên đây là sơ lược tiểu sử Phật Thích Ca, căn cứ vào các nguồn tư liệu chính thống của kinh sách Đạo Phật. Trong tiểu sử đó, phần nào là sự thật lịch sử, phần nào là huyền thoại và thần thoại, do các thế hệ đệ tử và tín đồ sùng kính Phật thêm vào về sau này, đó là điều chúng ta không thể xác định được. Thế nhưng, dựa vào các tài liệu rải rác và được hệ thống hóa lại, chúng ta có thể có mấy nhận định sau đây về nhân vật Thích Ca, khác với các Giáo chủ các Tôn giáo khác như thế nào.
1. Phật không phải là Thượng đế tạo thế và cứu thế. Phật, theo đúng nghĩa của từ Phật, là bậc Giác ngộ, và ai Giác ngộ được như Phật đều gọi là Phật. Vì vậy, theo Phật giáo thì đã có nhiều Phật trước Phật Thích Ca và sau Phật Thích Ca, cũng sẽ có nhiều Phật ra đời nữa. Đạo Phật thủy chung bác bỏ quan niệm siêu hình về một cái nhân ban đầu, từ con số không mà sinh ra được thế giới, vạn vật, v.v... Chủ thuyết của đạo Phật là mọi sự đều do nhiều nhân, nhiều duyên sinh ra, gọi là thuyết nhân duyên sinh. Phật cũng không phải là một đấng cứu thế, vì Phật "chỉ dạy về con đường và nếu các người đi theo con đường này, mọi đau khổ sẽ đoạn tận.” (Pháp Cú, kệ 275).
Phật luôn luôn nhắc nhở đệ tử là tự mình làm cho mình trở nên trong sạch. Và cũng tự mình làm cho mình dơ bẩn. Chứ không ai làm cho ai được trong sạch hay dơ bẩn cả.
"Tự mình điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô.
Tự mình ác không làm
Tự mình làm thanh tịnh
Tịnh không tịnh tự mình
Không ai thanh tịnh ai.” (Pháp Cú, kệ 165).
Chính vì những lý lẽ trên mà nhiều đạo giáo khác cho rằng đạo Phật là vô thần, theo nghĩa đạo Phật không công nhận có Thượng đế tạo thế và cứu thế. Nhưng ít có Tôn giáo nào đề cao con người và tình thương con người như đạo Phật.
Thậm chí, có người nói đạo Phật không phải là Tôn giáo, bởi vì đã là Tôn giáo thì phải công nhận thế giới do Thượng đế sáng tạo và người phải có Linh hồn. Nhưng đạo Phật đồng thời bác bỏ cả thuyết Thượng đế và thuyết Linh hồn.
Nhưng đạo Phật vẫn là một Tôn giáo, ở chỗ, thứ nhất, nó có một Giáo chủ, một đức Bổn sử là Phật Thích Ca, mặc dù đã nhập diệt cách đây hơn 2500 năm, nhưng vẫn là đối tượng quy ngưỡng của hàng triệu triệu tín đồ Phật tử hiện nay trên khắp thế giới. Thứ hai, nó có một hệ thống giáo lý được ghi lại trong ba tạng kinh điển có nguyên tắc bằng hai cổ ngữ chính là Pali và Sanskrit, và hiện nay đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ chính trên thế giới. Thứ ba, nó có một giáo đoàn tăng sĩ, chấp nhận và thực hành mọi quy tắc được Phật chế định ngay lúc khi Ngài còn tại thế, và được ghi lại trong giới bổn Patimokkha.
2. Phật luôn luôn khuyến cáo đệ tử là phải tin ở sức mình, ở khả năng của mình thành tựu đích Giác ngộ và Giải thoát tối hậu. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, Phật nói với Tôn giả Ananda, người đệ tử thân cận của mình như sau: "Hãy dựa vào bản thân mình, như là ngọn đèn sáng cho chính mình. Hãy dựa vào sức của bản thân mình là chính. Hãy dựa vững vàng vào Chánh pháp. Đừng có tìm một chỗ dựa nào khác ngoài bản thân mình.”
Có thể nói, đặc sắc của Phật Thích Ca như là một Giáo chủ, là không áp đặt một quyền lực nào hết lên trên con người. Phật không bao giờ cường điệu tính yếu hèn, tính tội lỗi nơi con người, trái lại, Phật luôn luôn nhấn mạnh con người có đầy đủ bản chất hướng thiện, đồng thời có đầy đủ khả năng tự hoàn thiện mình. Tự mình cố gắng và phấn đấu, thì mình sẽ được Giác ngộ và Giải thoát. Đó là lời khuyên thường được nhắc đi, nhắc lại của Phật Thích Ca.
3. Phật Thích Ca không phải là một nhà cách mạng và hoạt động xã hội theo ý nghĩa hiện đại của từ đó, nhưng quan điểm xã hội của Phật rất rõ ràng. Phật không tán thành chế độ đẳng cấp xã hội ở Ấn Độ. Giáo hội Tăng già do Phật sáng lập không phân biệt đẳng cấp xã hội. Phật nói: "Hỡi các Tỳ kheo, cũng như các con sông lớn, sông Hằng Hà, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Sarabhu, sông Mahi, khi chúng đổ vào biển thì chúng mất tên gọi trước đây của chúng, và được gọi cùng một tên là biển cả mà thôi, cũng như vậy, bốn đẳng cấp Sát đế lợi, Bà la môn, Vệ xá, và Thủ đà la, một khi họ đã đến với Pháp và Luật do Như Lai giảng thuyết, từ cuộc sống gia đình đến cuộc sống không nhà thì họ cũng đều mất tên gọi trước đây của họ, bộ lạc cũ của họ, và được gọi cùng một tên là Tu sĩ.”
Trong hàng ngũ đệ tử của Phật khi Phật còn tại thế, xuất gia cũng như tại gia, đều có đủ các hạng người thuộc đủ mọi đẳng cấp, từ các vua chúa lớn nhất của các vương quốc hùng mạnh tại Ấn Độ thời bấy giờ như vua Bimbisara, vua Ajatassattu, vua Pasenadi v.v... cho đến các giáo sĩ Bà la môn nổi danh là thông minh, cao đạo như anh em Kassapa, hai ông Sariputta và Moggalana cho đến anh thợ cạo thuộc bộ tộc Sakya là Upali, người dâm nữ nổi danh tài sắc thành Vaisali là Ambapali, tên cướp khét tiếng tàn ác là Angulimala ở Kosala.
Tất cả mọi người, không kể trí, ngu, sang, hèn, nếu thành tâm cầu đạo, ăn năn lỗi trước, đều có thể tu đạo, và chứng đạo, trở thành bậc Thánh giữa chúng sanh, chứng ngay Niết bàn trên cõi thế. Phật luôn luôn nhấn mạnh tính bình đẳng giữa người và người với nhau. Phật nói về những người thuộc đẳng cấp Bà la môn, vốn thường tự xem mình là tầng lớp xã hội thượng đẳng: "Là Bà la môn hay là tiện dân không phải là do sinh đẻ mà là do hành động của bản thân mình. Người Bà la môn không phải sinh ra từ lửa, nhờ có hai thanh gỗ ma xát nhau, cũng không phải từ trên trời rơi xuống hay là từ gió bay ra, cũng không phải từ dưới đất chui lên. Những người Bà la môn cũng sinh ra từ bụng mẹ hoàn toàn giống nhau như người Thủ đà la vậy. Mọi người đều có quan năng trong cơ thể tương tự nhau, không có gì khác nhau cả. Sao lại có thể có những người tự cho mình thuộc loại hay giống như người đặc biệt?.”
Phật không có thành kiến về giới tính, tuy rằng Phật cho rằng bản chất người phụ nữ là yếu đuối, và Phật đã tỏ ra dè dặt khi cho thiết lập đoàn thể nữ Tu sĩ đầu tiên. Nhưng sau khi xuất gia, nhiều nữ Tu sĩ đã trở thành nổi danh về đạo đức cao khiết và học lực uyên thâm. Cũng như hai ông Sariputta và Moggalana là Thượng thủ của Tăng chúng thời Phật, hai bà Khema và Gotami cũng được tôn là Thượng thủ của Ni chúng. Hai bà cũng đều chứng quả A la hán.
Giáo hội Tăng già do Phật Thích Ca sáng lập ra là một đoàn thể thật sự dân chủ. Giáo hội đó không biết đến giáo quyền. Giáo hội đó dựa trên tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, gọi là lục hòa (sáu điều hòa hợp). (21)
4. Phật Thích Ca là một Giáo chủ rất rộng lượng và khiêm tốn, Phật thường ví Phật pháp như cái bè qua sông, như ngón tay chỉ mặt trăng hay là con đường dẫn tới Chân lý, chứ bản thân Phật pháp không phải là Chân lý tối hậu. Đã là cái bè qua sông thì có thể có nhiều thuyền, nhiều bè khác nhau cùng qua sông; đã là ngón tay chỉ mặt trăng thì có thể có nhiều ngón tay cùng một lúc chỉ mặt trăng; đã là con đường dẫn tới Chân lý thì có thể có nhiều con đường khác nhau dẫn tới đích là Chân lý tối hậu.
Hai nữa, Giác ngộ và Giải thoát là một thực nghiệm cá nhân, nghĩa là không ai có thể Giác ngộ hay Giải thoát thay cho ai được cả. Có những điều mình làm được nhưng người khác không làm được, mình làm dễ nhưng người khác làm khó, trong hoàn cảnh này làm được, nhưng trong hoàn cảnh khác lại không. Một Tôn giáo tầm cỡ thế giới như đạo Phật không thể cứng nhắc hay hẹp hòi được. Đấy là một lý do vì sao trong đạo Phật, có lắm tôn nhiều phái, và giữa các phái với nhau, trong quá khứ cũng như hiện nay, tuyệt đối không bao giờ có xung đột bạo lực, tuy rằng có thể có tranh luận. Đồng thời trong những thời kỳ đạo Phật cực kỳ hưng thịnh tại nước này hay nước kia, thì nó vẫn tồn tại song song với các đạo giáo khác, tuyệt đối không có sự lấn áp trên thế mạnh dù rằng có nhiều lúc Phật giáo có ưu thế hơn, được chính quyền trọng đãi như quốc giáo (như trong hai triều đại Lý, Trần ở Việt Nam).
Những Tăng Ni Phật giáo, nếu sống đúng theo Giới luật nhà Phật, là những người vô sản hoàn toán. Họ không có quyền lực, cũng không có tiền bạc. Họ chỉ có hai điều: lòng Từ bi và Trí tuệ. Nhưng với hai vũ khí đó, đạo Phật trong một thời, đã từng chinh phục trái tim và khối óc của đại bộ phận nhân dân thế giới cổ đại và phong kiến, và hiện nay nó vẫn là một Tôn giáo thế giới với hàng trăm triệu tín đồ. (22)
Trên đây là 4 đặc điểm về nhân cách của Phật Thích Ca, như là một Giáo chủ. Các Tăng sĩ, Tu sĩ Phật giáo của bất cứ một nước nào, trước đây cũng như hiện nay đều phải lấy đó làm gương. Không thể tưởng tượng được một Tăng sĩ Phật giáo, dù cao niên, dù bác học đến đâu mà có thái độ và giọng nói giáo quyền, sống không giản dị, không thiểu dục, tri túc, lại kích động, chống đối và bạo loạn, vì những mục đích danh lợi cá nhân, bày trò dị đoan để lôi kéo quần chúng, trong khi Phật Thích Ca tuyệt đối ngăn cấm không được làm như vậy, cho rằng đó là một việc làm xấu hổ, không nên làm.
Tăng sĩ phải là gương sáng của đạo đức và Trí tuệ, là người Thầy dạy Giáo pháp và Giới luật. Nhà chùa phải là trung tâm của Trí tuệ và đạo đức, chứ không phải là nơi chỉ có cúng kiến và lễ bái. Kinh sách Phật phải được giảng diễn cho người đời hiểu và làm theo, chứ không phải để riêng cho giới Tu sĩ đọc tụng. Đó là hướng tiến tới của đạo Phật chân chính sẽ còn tồn tại lâu dài trong lòng người Việt Nam, trong cuộc sống của người Việt Nam, trên đất nước Việt Nam chúng ta.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tỳ kheo Thích Minh Châu
Chú thích:
(*) Ghi chú về cách phiên âm: Các chữ Pali đều phiên âm trực tiếp sang tiếng Việt. Như Lumbini = Lum bi ni. Cách phiên âm theo chữ Hán, nếu quen thuộc, cũng được ghi kèm: Lumbinim (Lâm Tỳ Ni). Còn nếu không quen thuộc thì thôi.
(*) Có các thuyết khác nhau về ngày sinh của đức Phật:
a) Năm 565 trước công nguyên (theo sách: Chúng thánh điểm ký).
b) Năm 563 trước công nguyên (theo một số các nhà khảo cổ học phương Tây).
c) Năm 624 trước CN (theo Phật sử Tích Lan và theo quyết định của hội Phật giáo thế giới qua tham cứu nhiều nguồn sử liệu khác nhau).
d) Năm 620 trước CN (Phật sử Tây Tạng).
e) Năm 623 trước CN (theo bia ký ở Buddha Gaya – Bồ đề Đạo tràng ở Ấn Độ).
(1) Tỳ kheo: (Pali: Bikkhu) Tu sĩ hành khuất, cũng gọi là Khất sĩ. Tu sĩ Phật giáo thời Phật tại thế, sống bằng thực phẩm cúng dường của Phật tử tại gia.
(2) Kasi: Thành phố gần Benares nơi sản xuất loại vải lụa sang trọng.
(3) Du già (s. Yoga): Phép tu điều tâm, có từ lâu ở Ấn Độ trước khi có đạo Phật.
(4) Vô sắc giới: Theo vũ trụ quan Phật giáo, chúng sanh sống phân biệt trong ba cõi: Thứ nhất là cõi Dục giới, trong đó chúng sanh còn có lòng dục, chủ yếu là sắc dục nam nữ. Loài người một số loài Trời, loài A tu la, súc sanh, quỉ đói và địa ngục đều thuộc cõi Dục giới này. Các loài này tuy có trình độ cao thấp khác nhau, sướng khổ khác nhau, nhưng có đặc điểm chung là còn có lòng dục. Thứ hai là cõi Sắc giới, ở đây chúng sanh vẫn có sắc đẹp thân đẹp đẽ nhưng đã nhưng đã không còn có lòng dục nữa. Thứ ba là cõi Vô sắc giới, ở đây chúng sanh không còn có lòng dục, cũng không còn sắc thân, sống cuộc sống tinh thần thuần túy, thường xuyên ở trong định.
(5) Cấp thiền Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ đều là những cấp thiền thuộc vô sắc giới, chỉ có thể chứng đạt khi người hành thiền vượt qua mọi chướng ngại về sắc tưởng (chấp thủ sắc).
(6) Kondanna: Hán dịch âm Kiều Trần Như. Bốn Tu sĩ kia đều là con trai của bốn đạo sĩ khác, cùng đi với Kondanna đến xem tướng Thái Tử.
(7) “Khó thay được làm người,
Khó thay được sống còn,
Khó thay nghe diệu pháp
Khó thay, Phật ra đời!”
(Kệ 182, Pháp Cú)
(8) Đức Phật thường răn các đệ tử nên giáo hóa bằng thuyết pháp và gương sáng đạo đức, không được dùng phép thần thông làm cho quần chúng bị mê hoặc. Chỉ khi nào phải đối phó với ngoại đạo, thường hay khoe phép thần thông, như trường hợp ông Kassapa với con rắn thiêng, đức Phật và các đệ tử của Ngài mới dùng phép thần thông.
(9) Đây là bài thuyết pháp nổi tiếng với chủ đề: Tất cả trong thế gian này đều như trong tòa nhà cháy rực, cháy bằng ngọn lửa tham, sân, si, sinh, già, bệnh, chết, sầu bi, khổ não và thất vọng. Do đó, bậc Thánh đệ tử sinh lòng nhàm chán, cắt đứt tham ái, thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.
(10) Sơ quả: Là quả Thánh đầu tiên, cũng gọi là Sotapanna. Sotapanna nghĩa là vào dòng các bậc Thánh. Khi đã chứng sơ quả rồi, người Tu sĩ không còn thoái lui nữa, cho nên cũng gọi quả này là Quả bất thoái chuyển (Sách Hán dịch âm là Tu đà hoàn).
(11) Xem Trung Bộ II, 122.
(12) Xem Trung Bộ II, 122.
(13) “Trưởng lão Tăng kệ” (Theragatha) (trang.354).
(14) Lễ Bố tát là lễ chư Tăng tụng đọc giới bổn, mỗi tháng 2 kỳ.
(15) Sơ giải chú thích: Dĩa nấm rừng.
(16) Đệ nhất Sa môn chứng quả Dự lưu (Sơ quả, chữ Pàli là Sotapanna). Đệ nhị Sa môn chứng quả Bất lai (Anàgami – A na hàm); Đệ tứ Sa môn chứng quả A la hán (Arhat). Bốn quả Thánh của đạo Phật, thường được nói đến trong kinh tạng Pàli.
(17) Thật sự đức Phật không để lại một cao đệ tử nào, mà chúng Tăng cũng không bầu lên một vị Thượng thủ nào, để thay Phật lãnh đạo chúng Tăng, sau khi đức Phật qua đời. Lĩnh ý ừ đó của Phật, Đại đức A Nan Đa trả lời Bà la môn Gopaka như sau:
“Không một Tăng sĩ nào được đức Thế Tôn lựa chọn hay được chúng Tăng bầu lên làm chỗ nương tựa cho chúng tôi, sau khi Thế Tôn nhập Niết Bàn. Nhưng chúng tôi không phải là không có chỗ nương tựa: Chúng tôi có pháp và luật làm chỗ nương tựa”. (Trung Bộ III, 9)
(18) Vì đức Phật không nói rõ là có thể bỏ những Giới luật phụ và nhỏ nào, cho nên trong đại hội kết tập lần thứ nhất, Đại hội để y nguyên giới bổn, không thay đổi.
(19) Pháp hữu vi: Là pháp có thay đổi biến hoại.
(20) Xá lợi: Hài cốt còn lại của bậc Thánh sau hỏa táng.
(21) Lục hòa: Sáu phép hòa hợp, được đức Phật chỉ thị cho Tu sĩ phải thực hành để đảm bảo cuộc sống đoàn kết tốt đẹp của Tăng đoàn. Đó là: 1) Giới hòa (cùng giữ Giới luật), 2) Cư hòa (Cùng ở một nơi), 3) Lợi hòa (có lợi ích vật chất gì, cùng chia nhau chung hưởng), 4) Khẩu hòa (nói lời đoàn kết – hợp ), 5) ý hòa (Tâm lý hòa hợp), 6) Kiến hòa (Kiến giải hòa hợp. Không mâu thuẫn tranh cãi, cùng nhau tìm hiểu).
(22) Toàn bộ thời kỳ từ nửa thế kỷ IV đến cuối thế kỷ VIII sau Công nguyên có thể được gọi là kỷ nguyên Phật giáo của lịch sử Trung Hoa. Trên thực tế, có thể gọi đó là kỷ nguyên Phật giáo của lịch sử châu Á. Và có thể nói, của cả thế giới, bởi lẽ vào thời kỳ đó, khoảng hơn một nửa dân số thế giới là tín đồ đạo Phật. Đạo Phật trải rộng trên toàn khắp châu Á, trừ hai vùng Siberi và Cận Đông, tạo thành cho cả châu lục này một sự thống nhất về văn hóa chưa từng có. (East Asia-The Great Tradition, - Đông Á - Truyền thống vĩ đại, tr. 147-148, Edwin O Reischauer and John K. Faichanks, Harvard University)
(Nguồn: daitangkinhvietnam.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét