Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Xuân Di Lặc (Giáp Ngọ) - Phần 5



"Đức Phật nói “mạng sống của các con so với cõi Trời Tam Thập Tam Thiên thì mạng của các con chỉ bằng một cái con thiêu thân mà thôi. Thế thì cái cuộc đời ngắn như một con thiêu thân mà các con không có vui, không có hòa , không có thương, không có cởi mở ở trong cuộc đời ngắn đó thì uổng quá đi”..."





Tác giả: Thích Tịnh Từ

Xử lý vi tính: Diệu Danh



Thế thì khi mình biết về cái nhân quả, biết về cái oan trái, biết về cái lượng của mình chưa có từ bi rộng lớn cho nên mình dễ thông cảm, dễ tha thứ được, chứ nếu không biết thì mình cứ trách móc, do vậy Đức Di Lặc Ngài có bụng lớn, là Ngài có tâm lượng rất bao dung, tất cả cái khó khăn, cái phiền não nào đến với Ngài đều trở thành đẹp hết, thành ra Ngài cười hoài.
Bây giờ Thầy gồng mình Thầy tập đó, người nào chọc Thầy đi coi, nhưng mà chọc vừa thôi, chọc quá Thầy chịu không nổi đâu nha. À! Thầy hiền có lúc thôi, chứ còn phá chùa là đâu có chịu được, phá chùa là có thái độ đó. Có nghĩa là lượng của mình tương đương với sông, với hồ thôi, chứ chưa  sánh với biển được, thành ra khi mình nghe cái pháp này mình tập làm sao cho tâm lượng mình được cởi mở, bởi vì cái gì cũng trở về cho cái đấy thôi mình không có nắm hai bàn tay mãi được. Khi ba mẹ sinh ra mình hai bàn tay nhỏ xíu à, không có gì hết và khi chết rồi vô quan tài cũng nắm hai bàn tay lại cũng không có gì hết. Có người thương quá bỏ mấy xu hay bỏ mấy hột gạo vào trong miệng. Tội nghiệp! Nhưng mà nói chung là bỏ hết không mang cái gì cả! Ra đời cũng không mang gì hết mà khi vào quan tài cũng không mang gì hết! Bây giờ mình mang cái gì? Là mình mang một cái nghiệp lành. Đó là tinh thần tu học, đó là cái sự vui vẻ, hỉ xả và thương yêu, cái đó mới mang theo mà thôi, tiền tài, sự nghiệp tất cả đều hưởng một thời gian ngắn mà thôi, nhưng mà đừng có vì cái thời gian ngắn đó mà mình tranh chấp, gây gổ với nhau. Ngắn quá đi!

Đức Phật nói “mạng sống của các con so với cõi Trời Tam Thập Tam Thiên thì mạng của các con chỉ bằng một cái con thiêu thân mà thôi. Thế thì cái cuộc đời ngắn như một con thiêu thân mà các con không có vui, không có hòa , không có thương, không có cởi mở ở trong cuộc đời ngắn đó thì uổng quá đi”. Cho nên Đức Phật nói là “mạng người mong manh, tựa như sương đầu ngọn cỏ, tợ như đám mây nổi rồi mất!” Thành ra Ngài Giác Hoàng Điều Ngự là một vị vua bỏ ngai vàng mà đi tu sau khi ý thức được giáo lý; Giáo lý gọi là thân mệnh ngắn quá. Ngài nói rằng là:
“... Đốt đốt phù vân hề phú quí,

Hu hu quá khích hề niên quang.

Hồ vi hề quan đồ hiểm trở,

Phả nại hề thế thái viêm lương.

Thâm tắc lệ hề thiển tắc yết,

Dụng tắc hành hề xả tắc tàng.

Phóng tứ đại hề mạc bả tróc,

Liễu nhất sanh hề hưu bôn mang.

Thích ngã nguyện hề đắc ngã sở".
Sanh tử tương bức hề ư ngã hà phương.“ (Trích từ bài Phóng Cuồng Ngâm của Tuệ Trung Thượng Sĩ)

Dịch nghĩa:

“... Chà chà, bóng ngày chừ qua khe cửa,

Ối ối, mây nổi chừ mộng giàu sang.

Chịu sao chừ thói đời ấm lạnh,

Đi chi chừ gai góc đường quan.

Sâu xoắn áo chừ cạn nhón gót,

Dùng phô ra chừ bỏ ẩn tàng.

Buông bốn đại chừ đừng nắm bắt,

Tỉnh một đời chừ thôi chạy quàng.

Thỏa nguyện ta chừ được ngã sở,

Sống chết bức nhau chừ ta vẫn như thường". (Thiền Sư Thích Thanh Từ)

Dân tộc mình Trần Hưng Đạo, vua Trần Nhân Tông rồi các Ngài Vạn Hạnh thiền sư, Không Lộ, v.v… bao nhiêu người các vị đều là dòng dõi vua chúa giàu có hết, cuối cùng ý thức được là các Ngài bỏ hết đi tu, nhưng mà con cháu mình  cứ trằn trọc vào đời sống vật chất cơm áo rồi quên hết, mình quên hết cái truyền thống nòi giống thành ra khi mình nhìn hình ảnh các Ngài, hình ảnh của Đức Di Lặc mình trở lại cái truyền thống văn hóa cố hữu của mình, do đó mình phải có phương pháp thực tập chứ mình không thể nói suông được.

Bây giờ mình về mình nói rằng “lâu nay tui chưa có hiểu, đầu năm tui mới nghe được một bài pháp, bây giờ ông cứ chọc tui đi, tui không có giận đâu, nhưng mà ông cũng gây gổ vừa vừa một chút, tui mới tập tu mà, đừng gây quá tội nghiệp. Tui mới nghe Thầy giảng mấy bữa còn mới thôi. Mà chừng nào ông gây thì ông nhắc tui một chút, nói rằng bà chuẩn bị thở cho sâu đi, mỉm cười đi tui sắp gây đó!” Mình dặn ông trước đi, chứ không thôi mà khi ông ấy gây mình không dặn ông trước mình quên thở, quên mỉm cười, quên chuẩn bị đi.
 Nếu ông nghe pháp hôm nay thì nói rằng: “Lâu nay tui thấy đàn bà nói lách chách hoài tui nhức đầu quá! Bà nhiều chuyện lắm, nhưng mà thôi, đó là khi tui chưa nghe Thầy giảng, bây giờ tui nghe thầy giảng rồi bà nói chi cứ nói đi, tui không có giận đâu, nhưng mà trước khi bà nói bà phải nhắc nhở tui, phải cho tui ngồi thiền 5 phút, tui thở, tui mỉm cười, tui làm chủ thân tâm, tui làm chủ tất cả tai, mũi , lưỡi, thân, ý. Bắt đầu! Mời bà, vô đây gây!”

Mình tu như vậy thì sướng quá, đâu dám gây nữa , thấy mình ngồi chuẩn bị đâu ra đó, mình ngồi thế thủ ấn, bà vô bà thấy như vậy đâu còn gây gỗ gì được nữa. - Nam Mô A Di Đà Phật! Ông tiến bộ quá, tui bắt chước cái hạnh của ông”. Thành ra bà bị cảm hóa, không những không gây mà còn bị cảm hóa, được ngồi ké vô ngồi thiền. Rồi ông nói: “Thôi bà ngồi đây!”. Bà bảo: “Tui thấy tu hành dễ thương quá thành ra tui cũng ngồi thiền với ông khi nãy giờ mà! Gây gổ không nổi”.

Cảm hóa gia đình có những phương pháp rất là đơn giản nhưng mà rất là dễ thương. Làm được như vậy đó thì phải tập, bởi vì khi đời sống vợ chồng, những người mà ăn ở với nhau mà không có quán chiếu thì càng ở lâu mình thấy nó cũ thôi chứ không có mới gì hết. Thấy cái gì mới ham còn cái này cũ rồi, nhưng không biết đồ cũ là quí; đồ cổ đắt tiền lắm! Vô trong mấy tiệm mà coi. Thí dụ như cái bàn mới đây chỉ khoảng độ 5,6 chục, nhưng cái đồ cổ này khoảng 3, 4 ngàn cũng chưa bán đâu. Thế mà nói bà cũ quá, tôi ở với bà ba bốn chục năm bà xưa quá, tui qua đây tui phải theo cái gọi là “mốt mới”, nhưng mà nếu mình biết tu học mình càng khám phá ra người vợ hay người chồng có nhiều đức tính tốt lắm, mặc dù ăn ở với nhau mấy chục năm rồi, có bao nhiêu cái quí cái hay mà mình không khám phá ra được mình tưởng nó cũ, nhưng mà càng khám phá thì càng mới. Bởi vì cái mới đó là mới tâm hồn chứ không phải thân thể, bởi thân thể dù có già một chút, dù có xấu một chút, dù có tàn tệ một chút sau khi sanh năm bảy đứa con, thì cái đó đâu có quan trọng lắm. Chính cái tâm, cái tâm thức, cái linh hồn, chính cái ý sống để nuôi gia đình để bảo vệ cho cái hạnh phúc, chính cái đó nó mới luôn luôn, nó càng mới thêm chứ nó không cũ. Nhưng mình không quán chiếu cái đó và mình không có tu học, cho nên những cái khổ đau, những cái buồn tủi, những cái bước đường khó khăn trên cuộc lữ hành di cư dài hạn nó đã vá víu không biết bao nhiêu những cái lo lắng, thành ra con người mình nó che lấp những cái sáng, những cái tốt, cái đẹp mà mình không có phương pháp để mà mở mà thấy chân trời ở trong một con người một vũ trụ màu nhiệm, cho nên mình thấy nó cũ, nó xấu xa và thấy không có đáng thương mà chỉ ghét mà thôi, vì vậy nên có xu hướng đẩy nhau ra khỏi nhà, đẩy nhau ra khỏi cộng đồng của gia đình. Đó là cái lý do tại sao nhiều gia đình có những cái đổ vỡ giữa vợ chồng, giữa con em.

Do vậy khi mình quán chiếu cái hạnh của Đức Di Lặc Bồ Tát là mình phải thực hành một cách nghiêm túc, là bằng cách mình thấy người chồng là một hình ảnh để cho mình tu tập, nếu ông càng chướng thì mình tu tập càng mau càng tốt, bởi vì ông hay gây gỗ cho nên mình thử coi cái sức của mình được cởi mở chừng nào, ông là người dữ cũng là đối tượng để mình tu học, mình luyện tâm luyện tánh, ông hiền cũng là mà nơi mình nương tựa và phát triển thêm cái sự hiểu biết và tình thương, như vậy không có bỏ cái nào hết.

Mình đối với chồng hay vợ trong gia đình hay đối với gia đình mình cũng như xử dụng một cái cây mà mọi người gọi là đông y sĩ chế thuốc. Ví dụ như khi một người Việt Nam mình hay một người lương y ở bên Đông Phương mình, họ đi tìm một cái cây để họ làm thuốc, khi tới cây đó họ đào cả cái cây lên, họ đào bằng một cái chất không phải là sắt, họ đào bằng một cây tre hay gỗ, họ không bao giờ cho sắt đụng trong cây thuốc, họ bứng cây đó lên rồi thì cái rễ của nó có dược tính khác, rồi rễ phụ có dược tính khác, rễ chính có dược tính khác, nếu có củ thì dược tính khác này, vỏ thì dược tính khác, thân của nó có dược tính khác, rồi lá có dược tính khác, như vậy hợp thân hoàn toàn là một cây thuốc, nhưng mà không phải cặp mắt của một người chế thuốc mà đi đào thuốc thì mình có cái xu hướng là tới đó chỉ ăn cái trái mà thôi, bỏ hết! Mình phí phạm một số dược tính rất là lớn ở trong cái nhu cầu để chữa bệnh cho thiên hạ. Thì thưa quí vị! Trong gia đình mình cũng như vậy, mỗi người có một cái đặc tính khác nhau, có những người chồng có đặc tính rất hay nóng giận nhưng mà họ rất là ngay thẳng và trung tín. Có những người vợ có đặc tính là hay nói nhưng họ có cái đặc tính là thương yêu săn sóc bảo vệ gia đình, công việc đâu ra đó. Thành ra nếu người chồng hay vợ mà biết những đặc tính của nhau thì không có bỏ cái gì hết, không có đẩy ra mà chỉ chuyển hóa những cái tánh nóng thành ra hiền hòa, cái tánh hay ích kỷ trở thành ra rộng mở, cái tánh mà không có nói năng cho đầu đuôi thì bây giờ tập nói chuyện.

Chuyển hóa như vậy là nhờ được ở đâu? Nhờ Phật Pháp, nhờ có tu học mới chuyển được. Thì khi chuyển đổi được như vậy thì ở trong gia đình càng mới và mới thêm như cái ngày Tết, ngày đầu Xuân mình sửa sang nhà cửa, lau chùi tất cả mọi cái cho mới thêm vì đó là cái loại đồ cổ thì càng rất là quí, phải không? Thành ra khi mình theo cái phong trào mới hay học đòi mới không phải là phũ phàng cái cũ, nhưng mình học thêm những cái tốt để làm cho cái cũ này có giá trị ra và làm cho những cái gì mình đương có nó trở thành ra thích nghi hơn, chứ không phải học cái mới mà bỏ cái cũ, hay là không phải vì cái cũ mà quên cái mới.

Cái cách đây là cách quán chiếu về duy thức: duy thức thực tánh, mà Ngài Di Lặc Ngài nói như thế này: “Con mắt của mình nhưng mà không phải của mình”. Nghe cho kỹ cái này nha - nghe cái giáo lý sâu lắm. “Cái tai của mình nhưng mà không phải của mình”; “Cái mũi của mình nhưng mà không phải của mình”; “Cái miệng của mình nhưng mà không phải của mình”; “Cái chạm xúc của mình nhưng mà không phải là của mình”; “Cái ý là của mình nhưng mà không phải là của mình”. Tại làm sao nói phải là không phải? Tại vì con mắt của mình là nhờ con mắt để thấy đường, nhưng mà không phải của mình, chính không phải vì con mắt này mà mình quên hết tất cả những sự tương quan của sự sống, con mắt chỉ là một yếu tố phụ thuộc mà thôi, không phải con mắt tạo nên sự sống – có phải không? Nếu mà thân thể của mình chỉ có hai con mắt thôi đó thì nương đâu? Cho nên chính nó của mình, nhưng chỉ là một phần nhỏ mà thôi, chứ không phải hoàn toàn.

Mũi cũng vậy, lưỡi cũng vậy, tai cũng vậy, tay chân cũng vậy. Có nghĩa là nó là của mình nhưng tạm gọi của mình, tạm gọi nương gá mà thôi, vì không phải là của mình cho nên mình không thể làm chủ nó, nó muốn sáng thì sáng, nó muốn mù thì mù, nó muốn nghe thì nghe, nó muốn điếc thì điếc, nó muốn ở thì ở, nó muốn đi thì đi. Của mình thì đâu phải như vậy. Nhiều khi có người không muốn mắt mờ chi cả nhưng rồi đến một lúc nào đó thì nó mờ, phải không? Nghĩa là nó có quyền của nó, mình không có làm chủ gì được nó hết đó. Khi không mũi đang thở ngon lành như vậy, khịt khịt mấy cái nó tịt mũi mất! Của mình thì đâu phải muốn tịt lúc nào cũng tịt, muốn thở lúc nào thì thở, nhưng đâu có được. Cái miệng ăn đang ngon lành như vậy khi không nó đau, nó đắng chát ăn không được, nó lở ra, mình không làm chủ được nó. Thành ra mắt, tai, mũi, lưỡi của mình nhưng mà không phải là của mình chỉ là giả mượn mà thôi. 

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét