Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Cười Là Bố Thí


"Có người sẽ nói, ôi mỉm miệng cười ai mà không làm được, chuyện nhỏ sao gọi là pháp bố thí? Kỳ thực, cái gọi là “mỉm cười” của đa số mọi người chỉ là sự vận động của bắp thịt trên gương mặt, hoàn toàn không phải phát xuất từ nội tâm, đương nhiên không có sức cảm hóa người khác một cách sâu sắc..."








Tác giả: Thích Hải Tín




Đầu xuân lên chùa thấy Đức Di Lặc cười, ta cũng cười. Có mấy ai nghĩ rằng cười được với nhau cũng là một cách bố thí. Vậy cười cũng có thể bố thí sao? Nghĩ kỹ lại thấy rất đúng, cười được với nhau là cho nhau tin yêu, hoan hỷ và cảm thông, đó cũng là bố thí.


Nói đến bố thí, chúng ta thường biết có tài thí như bố thí tiền tài, của cải vật thực; pháp thí là đem lời hay lẽ phải, chân lý đúng đắn, những lời dạy quý báu khuyên bảo người khác, giảng kinh thuyết pháp, in ấn kinh sách; và vô úy thí là an ủi, làm cho người khác không sợ hãi, tăng thêm dũng khí, niềm tin… Như vậy trong ba pháp bố thí ấy, nở một nụ cười thuộc loại vô úy thí. Ví dụ như, người đi khám bệnh, sau khi khám xong chỉ cần bác sĩ nở nụ cười sẽ khiến cho trạng thái tâm lý lo sợ hồi hộp của bệnh nhân tan biến ngay. Nếu bác sĩ mỉm cười an ủi khích lệ, chắc chắn hiệu quả trị liệu sẽ hoàn toàn khác. Tâm lý học hiện đại cho rằng, trạng thái tâm lý có thể cảm hóa người khác. Có một câu chuyện như sau: Có một thợ làm tóc đi mua đồ, gặp phải gương mặt lạnh của người bán hàng, cả ngày trạng thái tình cảm của người thợ làm tóc không tốt cho nên ảnh hưởng đến kết quả làm việc cũng không tốt. Cuối ngày người thợ làm tóc làm mặt cho một người khách, do trạng thái tình cảm không tốt nên làm trầy mặt người khách, sau khi tranh cãi, nhìn lại người khách xui xẻo kia lại chính là người bán hàng mặt lạnh lúc sáng. Mỗi người đều có kinh nghiệm như vầy: Dù một câu tranh cãi cũng khiến mình mấy ngày không vui, thậm chí trút giận lên người khác hoặc đồng sự; một nụ cười luôn luôn khiến mình cảm thấy an vui, những người xung quanh cũng cảm thấy thân thiện, hiệu quả công việc cũng từ đó mà được nâng cao. Ðây chính là sức hấp dẫn kỳ lạ của nụ cười, chúng ta không thể xem thường nó.


Có một số đệ tử xuất gia của Phật cho rằng phải giữ nét mặt cho nghiêm, làm gì cũng không dám mỉm miệng cười, nếu cười e rằng mất oai nghi, do vậy giữ nét mặt nghiêm đến nỗi gần như lạnh nhạt, khiến mọi người "kính nhi viễn chi", như vậy là người có oai nghi. Mỉm cười là mất oai nghi sao?! Thiền tông có một giai thoại: Một bà lão đã cúng dường một thiền tăng hơn 20 năm rồi, hôm nọ bà lão có ý để một cô gái tuổi thanh xuân xinh đẹp đến thân cận cúng dường, thiền tăng không chút động lòng còn nói “khô mộc ỷ hàn nham, tam đông vô noãn khí” (cây khô bên núi lạnh, ba đông không mảnh tình). Sau khi biết được, bà lão giận dữ nói rằng: “Tôi cúng dường 20 năm chỉ nuôi một tục hán!”. Thế là bà đuổi đi và đốt luôn am cỏ. 


http://phatgiaoaluoi.com/uploads/news/2014_01/phat-di-lac-1.jpg
 Nụ cười từ Tâm liệu mấy ai làm được?


Thiền là sinh động hoạt bát, tràn đầy sức sống thiền vị, vị thiền tăng kia không hiểu ý này, tuy tu nhiều năm nhưng chưa đạt được thiền vị chân chánh, đành phải cuốn gói ra đi. Có người cho rằng Phật giáo là tôn giáo của niềm vui, tôn giáo của niềm hoan hỷ và đệ tử của Phật là những người hoan hỷ trên thế giới. Đó là một sự thật, pháp hỷ không những tồn tại ở nội tâm mà cũng hiện ra ở bên ngoài, một nụ cười hàm tiếu, một câu nói nhẹ nhàng cũng khiến cho chúng sanh thấm nhuần pháp hỷ thiền duyệt, đây chẳng phải lúc nào cũng thực hành pháp bố thí một cách thiết thực đó sao! Ðức Phật dạy rằng: “Hoan hỷ là nguồn gốc mở mang trí tuệ của những người giác ngộ”. 


Có người sẽ nói, ôi mỉm miệng cười ai mà không làm được, chuyện nhỏ sao gọi là pháp bố thí? Kỳ thực, cái gọi là “mỉm cười” của đa số mọi người chỉ là sự vận động của bắp thịt trên gương mặt, hoàn toàn không phải phát xuất từ nội tâm, đương nhiên không có sức cảm hóa người khác một cách sâu sắc. Khi có niềm hoan hỷ từ nội tâm thì nụ cười hàm tiếu sẽ hiện ra. Tất cả chúng ta đều có thể nghiệm như vầy, mỗi khi chúng ta có nhân duyên thân cận những vị cao tăng hoặc chư vị thiền giả, điều đầu tiên chúng ta nhận thấy đó là nét mặt từ hòa, nụ cười của những vị ấy sẽ khiến cho chúng ta không thể quên, giống như thắp lên một ngọn đèn sáng trong tâm linh của chúng ta. Khi nụ cười của chúng ta tràn đầy pháp hỷ thiền vị, cũng có thể thắp lên ngọn đèn tâm linh cho những người khác, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc, an lạc.


Một người dù mọi lúc mọi nơi dùng nụ cười chân thành để đối đãi với mọi người, cảm hóa mọi người, đó cũng chính là sự hiển lộ của Phật tánh, bắt đầu giác ngộ, chính là phát Bồ đề tâm. Ðặc biệt là hàng đệ tử của Phật cần dùng nụ cười hàm tiếu tràn đầy niềm hoan hỷ thiền vị thông qua lời nói và việc làm để ảnh hưởng những người xung quanh, khiến cho mọi người có duyên thân cận với giáo pháp, quy y Tam bảo, dần dần đi vào con đường giải thoát an vui hạnh phúc.


Chúng ta kính ngưỡng Bồ tát Di Lặc không chỉ vì gương mặt Ngài lúc nào cũng mang một nụ cười hoan hỷ, đem lại cho mọi người một niềm tin, an lạc. Chúng ta nên học hạnh Bồ tát để nụ cười hoan hỷ phát xuất từ nội tâm của chúng ta tưới ướt ruộng tâm gần như khô cạn của con người trên thế giới. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét