Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Phật Huệ Chung Đón Xuân Về - Phần 2


"Chung Đón Xuân Về! Mong sao mùa xuân ấy sẽ không chỉ là những giây phút, những thời khắc ngắn ngủi đọng lại trong tâm mỗi chúng ta, trái lại thời khắc ấy, mùa xuân ấy sẽ luôn mãi hiện tồn trong cuộc sống văn hoá, tinh thần và tâm linh của mỗi người Phật tử…"








Sau phần khai diễn Múa Lân chào xuân Giáp Ngọ do đội lân của chùa Phật Huệ biểu diễn, Ban Hộ Trì Tam Bảo cùng Chư Tôn Đại Đức Tăng Ni của chùa đã thay mặt các Phật tử và các Tăng Ni chúc Tết Thượng Toạ Trụ Trì. Kế đó các Phật tử hàng nối hàng cùng nhau vui đón lộc xuân do Thầy Trụ Trì cùng các Chư Tăng Ni và Ban Hộ Trì Tam Bảo phân phát và còn được cùng nhau chiêm bái Xá Lợi Phật…


 Đại Đức Thích Huệ Giác thay mặt Chư Tăng Ni 

chúc Tết Thầy Trụ Trì trong đêm Giao Thừa










Mồng Hai Tết – Ngay từ sáng sớm, các Phật tử muôn phương vẫn không ngừng nô nức đổ về chùa để lễ Phật và hái lộc xuân. Trong không khí tươi hoà của một năm mới, Thượng Toạ Thích Từ Trí đã hoan hỉ dành cho các Phật tử một thời pháp khai xuân, với chủ đề Cúng Dường. Đây là một chủ đề ngỡ tưởng như đơn giản nên ít ai để ý hay quan tâm tới. Vì thế trong các dịp, khoá tu học, các ngày Rằm, hay Lễ, Tết… nhiều Phật tử vẫn còn tỏ ra khá lúng túng, ưu tư, thậm chí khá bức xúc về nghi thức Cúng Dường. Đơn cử: Đồ mang tới lễ Phật, Cúng Dường Chư Phật, hay Chư Tăng có được phép, có nên tuỳ nghi mang về hay không? Ý nghĩa đích thực của việc Cúng Dường? Cúng Dường mang lại lợi ích thiết thực gì cho người Phật tử? v.v… 






 Thượng Toạ Thích Từ Trí khai thị về ý nghĩa 

Cúng Dường nhân ngày Mồng 2 Tết Giáp Ngọ




Một góc khung cảnh trong buổi khai pháp đầu xuân Giáp Ngọ 2014



Để các Phật tử, đặc biệt là các Phật tử từ trước tới nay ít có điều kiện, hay không có điều kiện thường xuyên đến chùa lễ Phật, hay tu học không còn hoang mang và có những suy nghĩ, định kiến sai lệch về hành vi Cúng Dường của mình, Thượng Toạ Thích Từ Trí đã cắt nghĩa thật cụ thể về ý nghĩa cụm từ này. 



Cúng Dường chính là sự Cung cấp và Trợ dưỡng. Gọi chung là: Cung Dưỡng. Hiểu giản đơn hơn thì Cúng Dường cũng chính là hạnh Bố Thí – một hạnh quan trọng nhất trong Lục Độ (Bố thí; Trì giới; Tinh tấn; Nhẫn nhục; Thiền định; Trí huệ). Vậy người Phật tử tại gia nên (thường hành) Cung cấp những gì? Và Trợ dưỡng cho ai? Ðức Phật dạy cho các Phật tử tại gia có 4 loại vật bố thí để tạo nên phước thiện, gọi là tứ vật dụng cần thiết đối với bậc xuất gia. Bốn loại vật người Phật tử nên thực hành Bố Thí là: Y phục (Y áo, giày, dép…); Vật Thực (đồ ăn, thức uống); Chỗ ở (xây cất am cốc, bệnh xá, chùa, thiền viện…) và thuốc Trị Bệnh.



 Người Phật tử năng làm những việc như vậy cũng đồng nghĩa mình đã xả bớt tánh tham lam, bỏn xẻn, và ích kỷ, nhỏ nhoi… thế vào đó là làm tăng trưởng lòng từ bi đối với những người xung quanh mình. Vì thế mỗi khi thực hành Hạnh Bố Thí, người Phật tử phải luôn vì lợi ích của tha nhân, vì sự lợi lạc của người khác, thay vì sự tìm cầu, hay vì sự lợi lạc của riêng mình, tất kết quả, và công đức sự Bố Thí ấy sẽ không thể tính lường. Để các Phật tử dễ liên tưởng, Thượng Toạ Thích Từ Trí đã kể lại một tích chuyện xưa, thời Phật còn tại thế… Chuyện kể về người đệ tử của đức Phật tên là Ca-Chiên-Diên, Ngài đã chứng quả A-la-hán. Trên đường du hóa, Ngài đã gặp một bà lão nghèo than vãn sự đói khổ gần tám chục năm của mình. Nghe xong, Ngài Ca-Chiên-Diên bèn giảng giải nguyên nhân cái nghèo của bà và bảo bà hãy bán cái nghèo đi cho hết khổ. Nghe vậy, bà lão mừng rỡ hỏi: „Cái nghèo có thể bán được sao? Vậy, nếu có ai mua con sẽ bán...“. Nghe vậy Ngài Ca-Chiên-Diên đã giải thích cho bà lão hiểu: „Giàu nghèo đều có nguyên nhân sâu xa của nó chứ không tự dưng mà bà bị nghèo như vậy. Người nghèo hèn thời nay là do đời trước không biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ với người khác. Do đó, thực hành bố thí là cách bán cái nghèo tốt nhất“. Nghe vậy, bà lão cảm thấy những nỗi buồn khổ về thân phận nghèo hèn của mình đều tan biến. Nhưng nhìn lại mình, bà tủi thân nói: „Con nghèo đến độ chẳng có gì nuôi thân, vậy con lấy gì để bán?“. Nhận ra tâm ý của người đàn bà nghèo khó đó, Ngài Ca-Chiên-Diên bèn nói: “Bà lấy cái chén, ra ngoài mé sông múc cho tôi chén nước trong, chắc chắn trong tương lai bà sẽ bán được cái nghèo“. Nghe vậy bà lão hoan hỷ nhanh chân ra sông mang về một chén nước trong, thành kính dâng lên cúng dường cho Ngài Ca-Chiên-Diên. Từ đó bà lão luôn cảm thấy trong lòng an vui, hạnh phúc. Ít ngày sau bà lão qua đời trong bình an, tự tại. Do phước báu cúng dường với tâm thành kính, bà lão được sanh lên cõi trời làm một Tiên nữ đầy đủ phước báu muốn gì được nấy. Bà vận dụng thần thông trở về trần gian thăm lại cái xác thân nghèo khổ ngày nào nay đang tan rã. Bà thầm cảm ơn Phật pháp, cảm ơn Ngài Ca-Chiên-Diên đã hướng dẫn, giúp bà vượt qua kiếp nghèo khổ thế gian một cách dễ dàng… và bà đã lập nguyện cúng dường mãi mãi để tăng trưởng lòng từ bi và hỷ xả của chính mình… 























        Thượng Toạ Thích Từ Trí chia vui cùng quý Phật tử trong Đêm Văn Nghệ Giáp Ngọ
 
Đêm Văn Nghệ Mừng Xuân Giáp Ngọ đã được diễn ra vào lúc 19.30 giờ đêm Mồng 2 Tết. Chương trình đã được khai diễn bằng một màn múa lân đầy vui tươi, và sống động. Sau màn múa lân, Ban Hộ Trì Tam Bảo đã làm lễ dâng hương cúng Tổ tiên và các anh hùng liệt quốc. Các Phật tử đã cùng nhau một phút lắng lòng để cùng hướng niệm về Tổ tiên, quê hương và các anh hùng vị quốc, vong thân. Sau những giây phút sâu lắng đó, với ca khúc: Xuân Đã Về do tốp ca nữ của chùa Phật Huệ đã chính thức khai diễn cho Đêm Văn Nghệ Mừng Xuân Giáp Ngọ. 



    Thượng Toạ Thích Từ Trí trao món quà đầu xuân cho tốp ca nữ của Chùa Phật Huệ


Thượng Toạ Trụ Trì Thích Từ Trí đã thay mặt cho các Chư Tăng Ni lên sân khấu để chúc Tết, phát quà xuân cho tốp ca nữ của chùa. Thượng Toạ Thích Từ Trí đã có lời tâm tình, nhắn gửi tới toàn thể quý Phật tử của chùa: Năm mới đến với quý Phật tử thật nhiều tốt đẹp, nhưng năm mới cũng kèm theo nhiều thách thức mới. Thượng Toạ hy vọng các Phật tử nơi xa cũng như gần, cùng nhau đoàn kết hơn nữa, thường xuyên khuyến tấn nhau về chùa tu học; cùng nhau đóng góp, chung sức cùng các Chư Tăng Ni gánh vác những Phật sự do chùa tổ chức. Thượng Toạ Thích Từ Trí cũng hy vọng trong những lần Văn Nghệ về sau các ca sĩ, nghệ sĩ khắp nơi sẽ hưởng ứng và về chùa tham gia, đóng góp thật nhiệt tình và đông đảo, giúp cho không khí sinh hoạt Phật sự của chùa ngày thêm một phong phú và tui tươi, an lạc hơn... 



Chương Trình Văn Nghệ Xuân Giáp Ngọ đã được nối tiếp bằng những ca khúc mừng xuân, ơn đạo và Tiết mục Táo Quân Phật Huệ 2014 do các ca sĩ, diễn viên của chùa biểu diễn đã mang lại cho các Phật tử ít nhiều những giây phút vui tươi, những nụ cười sảng khoái và đã giúp cho mọi người tạm lắng quên những lo âu, những vất vả, toan tính đời thường của một năm cũ, thế vào đó mọi người, mọi nhà đều cùng nhau san sẻ, chung vui và tin tưởng để chào đón một năm mới được vạn sự tốt lành.








 Khung cảnh mở màn Táo Quân Phật Huệ 2014



                                                     Vân Anh trong vai Nam Tào


Thanh Nhàn trong vai Bắc Đẩu





                                                 Hoàng Nguyên trong vai Ngọc Hoàng

                                                  Hải Yến trong vai Bà Táo Miền Bắc


                                                  Ngọc Tuyết trong vai Bà Táo Miền Nam


                                                Phi Thông trong vai Ông Táo Miền Trung




                                                     Khung cảnh buổi chầu Táo Quân 






                                                Nhạc cảnh Thiên Duyên Tiền Định do hai
                                                  Phật tử Huệ Phú và Diệu Từ biểu diễn









                        Tiết mục Múa Nón do đội múa của Chùa Phật Huệ biểu diễn

Đêm Văn Nghệ đã được khép lại vào lúc 00.30 giờ sáng ngày Mồng Ba Tết.


Chung Đón Xuân Về! Mong sao mùa xuân ấy sẽ không chỉ là những giây phút, những thời khắc ngắn ngủi đọng lại trong tâm mỗi chúng ta, trái lại thời khắc ấy, mùa xuân ấy sẽ luôn mãi hiện tồn trong cuộc sống văn hoá, tinh thần và tâm linh của mỗi người Phật tử…

Xuân – Phải chăng là niềm an lạc?

Xuân Giáp Ngọ – Lược ghi: Thiện Lợi




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét