"Là nghe tiếng mà không chạy theo tiếng, hằng nhớ mình có cái hay nghe, có cái đang nghe mới biết nghe tiếng; cũng như thấy cảnh mình không phân biệt cảnh đẹp hay xấu mà biết mình đang thấy, đó là niệm Chân như..."
Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Thường Chiếu 1999 PL. 2543
Phẩm Thứ Tư: Định Tuệ
DỊCH
Tổ dạy chúng:
Này Thiện tri thức, pháp môn của ta đây lấy Định Tuệ làm gốc, đại chúng chớ lầm nói Định Tuệ riêng, Định Tuệ một thể không phải là hai. Định là thể của Tuệ, Tuệ là dụng của Định, ngay khi Tuệ, Định ở tại Tuệ, ngay khi Định, Tuệ ở tại Định, nếu biết được nghĩa này tức là cái học Định Tuệ bình đẳng. Những người học đạo chớ nói trước Định rồi sau mới phát Tuệ, trước Tuệ rồi sau mới phát Định, mỗi cái riêng khác. Khởi cái thấy như thế ấy thì pháp có hai tướng. Miệng nói lời thiện mà trong tâm không thiện thì không có Định Tuệ, Định Tuệ không bình đẳng. Nếu tâm, miệng đều là thiện, trong ngoài một thứ, Định Tuệ tức là bình đẳng. Tự ngộ tu hành không ở chỗ tranh cãi, nếu tranh trước sau tức là đồng với người mê, không dứt sự hơn thua, trở lại tăng ngã và pháp, không lìa bốn tướng.
Này Thiện tri thức, Định Tuệ ví như cái gì? Ví như ngọn đèn và ánh sáng. Có ngọn đèn tức có ánh sáng, không đèn tức là tối, đèn là thể của ánh sáng, ánh sáng là dụng của đèn, tên tuy có hai mà thể vốn đồng một, pháp Định Tuệ này cũng lại như thế.
Tổ dạy chúng:
Này Thiện tri thức, Nhất hạnh tam-muội là đối với tất cả chỗ, đi đứng ngồi nằm thường hành một trực tâm ấy vậy. Kinh Tịnh Danh nói: Trực tâm là đạo tràng, trực tâm là Tịnh độ. Tâm chớ làm những chuyện siểm khúc, miệng chỉ nói trực, miệng nói Nhất hạnh tam-muội mà không hành trực tâm; còn hành trực tâm, đối với tất cả pháp chớ có chấp trước. Người mê chấp Pháp tướng, chấp Nhất hạnh tam-muội, chỉ nói ngồi không động, tâm vọng không khởi tức là Nhất hạnh tam-muội, người khởi hiểu thế này tức là đồng với vô tình, trở lại là nhân duyên chướng đạo.
Này Thiện tri thức, đạo phải thông lưu, do đâu trở lại ngưng trệ, tâm không trụ nơi pháp, đạo tức là thông lưu. Tâm nếu trụ pháp gọi là tự phược, nếu nói thường ngồi không động, ấy chỉ như ngài Xá-lợi-phất ngồi yên trong rừng lại bị ngài Duy-ma-cật quở trách.
Này Thiện tri thức, lại có người dạy ngồi khán tâm quán tịnh, không động không khởi, từ đây mà lập công khóa, người mê không hiểu liền chấp thành ra điên cuồng; những người như thế này thật là đông, dạy nhau như thế, nên biết đó là lầm lớn.
Tổ dạy chúng:
Này Thiện tri thức, xưa nay chánh giáo không có đốn tiệm, tánh người tự có lợi và độn, người mê thì lần lần khế hợp, người ngộ thời chóng tu, tự biết Bản tâm, tự thấy Bản tánh, tức là không có sai biệt, do đó nên lập giả danh đốn tiệm.
Này Thiện tri thức, pháp môn của ta đây từ trước đến nay, trước lập Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm bản. Vô tướng là đối với tướng mà lìa tướng; vô niệm là đối với niệm mà không niệm; vô trụ là Bản tánh của người. Ở thế gian nào là thiện ác, tốt xấu, cho đến những việc oán cùng với thân, ngôn ngữ xúc chạm, hư dối tranh đua v.v... thảy đều đem về không; không nghĩ trả thù hại lại, trong mỗi niệm không nghĩ cảnh trước, nếu niệm trước, niệm hiện tại, niệm sau, trong mỗi niệm tương tục không dứt gọi là hệ phược (trói buộc). Đối trên các pháp mỗi niệm không trụ, tức là không phược, đây là lấy vô trụ làm gốc.
Này Thiện tri thức, ngoài lìa tất cả tướng gọi là vô tướng, hay lìa nơi tướng tức là Pháp thể thanh tịnh, đây là lấy vô tướng làm thể.
Này Thiện tri thức, đối trên các cảnh tâm không nhiễm gọi là vô niệm. Đối trên niệm thường lìa các cảnh, chẳng ở trên cảnh mà sanh tâm. Nếu chỉ trăm vật chẳng nghĩ, niệm phải trừ hết, một niệm dứt tức là chết, rồi sẽ sanh nơi khác, ấy là lầm to. Người học đạo suy nghĩ đó, nếu không biết cái ý của pháp thì tự lầm còn có thể, lại dạy người khác (là không nên), tự mê không thấy lại còn chê bai kinh Phật, vì thế nên lập vô niệm làm tông.
Này Thiện tri thức, thế nào lập vô niệm làm tông? Chỉ vì miệng nói thấy tánh, người mê ở trên cảnh có niệm, trên niệm lại khởi tà kiến, tất cả trần lao vọng tưởng từ đây mà sanh. Tự tánh vốn không một pháp có thể được, nếu có sở đắc, vọng nói họa phước tức là trần lao tà kiến, nên pháp môn này lập vô niệm làm tông. Này Thiện tri thức, vô là vô việc gì? niệm là niệm vật nào? Vô đó là không có hai tướng, không có các tâm trần lao; niệm là niệm Chân như Bản tánh. Chân như tức là thể của niệm, niệm tức là dụng của Chân như, Chân như Tự tánh khởi niệm, không phải mắt tai mũi lưỡi hay khởi niệm, Chân như có tánh cho nên khởi niệm, Chân như nếu không có tánh thì mắt tai sắc thanh chính khi ấy liền hoại.
Này Thiện tri thức, Chân như Tự tánh khởi niệm, sáu căn tuy có thấy nghe hiểu biết mà không nhiễm muôn cảnh, mà Chân tánh thường tự tại, nên kinh nói “hay khéo phân biệt các pháp tướng mà đối với nghĩa đệ nhất không có động”.
GIẢNG
Tổ dạy chúng:
Này Thiện tri thức, pháp môn của ta đây lấy Định Tuệ làm gốc, đại chúng chớ lầm nói Định Tuệ riêng, Định Tuệ một thể không phải là hai. Định là thể của Tuệ, Tuệ là dụng của Định, ngay khi Tuệ, Định ở tại Tuệ, ngay khi Định, Tuệ ở tại Định, nếu biết được nghĩa này tức là cái học Định Tuệ bình đẳng. Những người học đạo chớ nói trước Định rồi sau mới phát Tuệ, trước Tuệ rồi sau mới phát Định, mỗi cái riêng khác. Khởi cái thấy như thế ấy thì pháp có hai tướng. Miệng nói lời thiện mà trong tâm không thiện thì không có Định Tuệ, Định Tuệ không bình đẳng. Nếu tâm, miệng đều là thiện, trong ngoài một thứ, Định Tuệ tức là bình đẳng. Tự ngộ tu hành không ở chỗ tranh cãi, nếu tranh trước sau tức là đồng với người mê, không dứt sự hơn thua, trở lại tăng ngã và pháp, không lìa bốn tướng.
Này Thiện tri thức, Định Tuệ ví như cái gì? Ví như ngọn đèn và ánh sáng. Có ngọn đèn tức có ánh sáng, không đèn tức là tối, đèn là thể của ánh sáng, ánh sáng là dụng của đèn, tên tuy có hai mà thể vốn đồng một, pháp Định Tuệ này cũng lại như thế.
Phẩm này là những điều chủ yếu của sự tu thiền. Thường trong các kinh hay nói do Định mà được Tuệ, do Định phát ra Tuệ, như vậy chúng ta thấy Định trước, Tuệ sau; nhưng trong đoạn này Tổ dạy Định Tuệ bình đẳng, không có trước sau, như vậy thành ra khác. Nói Định trước Tuệ sau là lối nói của Tiểu thừa, còn theo lời Tổ dạy thì Định Tuệ đồng thời. Tại sao? Điều này khi chúng ta tu rồi tự nhiên thấy. Tôi chỉ cho quí vị thấy một chút. Tỉ dụ như khi chúng ta ngồi thiền tâm chúng ta lặng, đó là Định. Nhưng tâm chúng ta lặng mà hằng giác tri, giác tri đó là gì? Là Tuệ. Như vậy Tuệ đâu có rời Định. Trong khi Định thì có Tuệ, Tuệ sẵn ở trong Định, Định Tuệ không tách rời được, nên không thể nói đợi cái này dứt mới phát cái kia, như vậy là thấy Định Tuệ riêng biệt, thế nên Tổ không chấp nhận. Lối dạy của Tổ là Định Tuệ đồng thời bình đẳng, không có trước, không có sau. Ngài dẫn ví dụ như ngọn đèn và ánh sáng. Khi chúng ta đốt ngọn đèn lên, ngay khi ngọn đèn vừa cháy là có ánh sáng phát ra. Như vậy ngọn đèn là thể, ánh sáng là dụng, thể dụng không rời nhau. Cũng thế Định là thể, Tuệ là dụng. Khi tâm mình lặng gọi là Định, bởi lặng nên nó mới sáng, cũng như nước trong thì mới sáng, vậy cái trong là sáng; cũng như cái gương không có bụi, gương trong thì tự sáng, cái sáng không tách rời gương trong được. Định Tuệ cũng thế. Khi những vọng tưởng không dấy khởi thì tâm lặng, đó gọi là Định, và khi Định thì Tuệ đã sẵn ở trong, nên nói trí tuệ không rời chánh định mà chánh định cũng không rời trí tuệ, hai cái không hai, không khác, nếu thấy hai, thấy khác, tức nhiên không đúng lẽ thật. Như ngọn đèn và ánh sáng tuy hai tên nhưng hai cái có tách rời được không? Nếu nghe hai tên chúng ta nói cái này riêng cái kia riêng thì không bao giờ đúng; như vậy để hiểu rõ rằng ngọn đèn và ánh sáng không rời nhau được, thì Định Tuệ cũng không rời nhau được, đó là thí dụ để hiểu rõ pháp.
Tổ dạy chúng:
Này Thiện tri thức, Nhất hạnh tam-muội là đối với tất cả chỗ, đi đứng ngồi nằm thường hành một trực tâm ấy vậy. Kinh Tịnh Danh nói: Trực tâm là đạo tràng, trực tâm là Tịnh độ. Tâm chớ làm những chuyện siểm khúc, miệng chỉ nói trực, miệng nói Nhất hạnh tam-muội mà không hành trực tâm; còn hành trực tâm, đối với tất cả pháp chớ có chấp trước.
Tiếp theo Tổ dạy về Nhất hạnh tam-muội. Tam-muội là chánh định. Một hạnh ở trong chánh định là thế nào? Nghĩa là trong tất cả chỗ, đi, đứng, ngồi, nằm chỉ là một trực tâm, gọi là Nhất hạnh tam-muội. Không phải chỉ ngồi thẳng mới là Nhất hạnh tam-muội. Không phải chỉ ở tại chùa, mà ở tất cả chỗ, nghĩa là ở chợ, ở xóm làng v.v... đi đứng nằm ngồi đều một trực tâm, đó là Nhất hạnh tam-muội. Ngài dẫn kinh Tịnh Danh (kinh Duy-ma-cật): “Trực tâm là đạo tràng, trực tâm là Tịnh độ” nghĩa là tâm mình ngay thẳng đó là đạo tràng, tâm mình ngay thẳng đó là Tịnh độ. Chữ ngay thẳng này tôi sợ nhiều người hiểu lầm, nên tôi giản trạch rõ một chút. Có nhiều người nói: Tôi không cần niệm Phật, không cần tụng kinh, không cần thọ giới, không cần tu thiền gì cả, tâm tôi ngay thẳng là được rồi! Họ cho rằng họ thấy thế nào thì nói thế ấy, đó là tâm ngay thẳng. Nói như thế đối với đạo Phật chưa phải ngay thẳng. Tại sao? Vì còn ở trong “Có, Không, Phải, Quấy” nên chưa ngay. Khi nói phải, khi nói quấy, khi nói có, khi nói không, thành ra còn ở hai bên, chớ chưa phải là ngay. Trực tâm đây là không kẹt ở hai bên. Điều này thật không đơn giản đâu. Đừng nghĩ rằng: “tôi thấy sao nói vậy” là trực tâm, đó là trực tâm ở thế gian, còn trực tâm Tổ nói đây là tâm không kẹt hai bên. Người được như vậy thì ở chỗ nào cũng là đạo tràng, ở chỗ nào cũng là Tịnh độ.
Ngài quở: Có những người chỉ nói ở ngoài miệng là trực mà hạnh không trực, tức là không hành trực tâm; còn người hành trực tâm là đối với tất cả pháp không có chấp trước, tức là đối với tất cả pháp không dính không kẹt vào bên này hay bên kia... Như vậy đối với tất cả pháp chớ có chấp trước!
Người mê chấp Pháp tướng, chấp Nhất hạnh tam-muội, chỉ nói ngồi không động, tâm vọng không khởi tức là Nhất hạnh tam-muội, người khởi hiểu thế này tức là đồng với vô tình, trở lại là nhân duyên chướng đạo.
Người mê không hiểu, chấp trước Nhất hạnh tam-muội, họ cho rằng chỉ khi ngồi yên bất động, tâm vọng không khởi nữa, đó là Nhất hạnh tam-muội, hiểu như vậy Tổ cho là đồng với vô tình. Đi, đứng, nằm, ngồi, nơi nơi đều trực tâm, nơi nơi đừng dính mắc, đó mới là Nhất hạnh tam-muội, chớ không phải ngồi đè cho tâm lặng xuống không biết gì cả là Nhất hạnh tam-muội. Nếu chỉ đè cho tâm lặng xuống không biết gì thì Tổ bảo đó là đồng với cây đá, đồng với vô tình, chớ không phải là tri giác. Lặng mà hằng tri, hằng giác mới đúng. Trái lại đè để tâm không biết gì đó là đồng với vô tình, là nhân duyên chướng đạo.
Này Thiện tri thức, đạo phải thông lưu, do đâu trở lại ngưng trệ, tâm không trụ nơi pháp, đạo tức là thông lưu. Tâm nếu trụ pháp gọi là tự phược, nếu nói thường ngồi không động, ấy chỉ như ngài Xá-lợi-phất ngồi yên trong rừng lại bị ngài Duy-ma-cật quở trách.
Đạo là phải thông lưu. Thông lưu tức là luôn luôn linh động mà không dính mắc. Đạo không phải là việc ngồi kềm đè cho tâm lặng yên rồi gọi là đạo, mà luôn luôn trong mọi động tác đi, đứng, nằm, ngồi đều không dính mắc, đó mới là đạo. Đạo là thông lưu như vậy. Hiểu như thế, chúng ta mới thấy đạo không phải do tâm chúng ta kẹt một chỗ, trái lại đối với pháp luôn luôn không dính mắc, đó là thông lưu. Cũng như một bè cây thả trôi trên sông, nếu bè cây tấp vào bờ nào thì bè cây đó không trôi suông, vì trôi suông là không bị dính, không tấp vào đâu cả. Cũng thế đạo hạnh được thông lưu là không dính, không mắc, nếu ai đối tất cả pháp không dính không mắc, đó là người thấy đạo, trái lại người nào còn dính mắc thì không thấy đạo, cả đến dính mắc vào pháp mình tu, chấp vào đó để kềm tâm cũng không thấy đạo nữa, đó là chỗ chân thật.
Nếu tâm chúng ta kẹt vào một pháp nào thì gọi là tự phược. Nếu nói ngồi yên không động là đạo thì tại sao ngài Xá-lợi-phất ngồi yên trong rừng lại bị ngài Duy-ma-cật quở trách? Như vậy việc ngồi yên chưa hẳn là đạo, đạo là thông lưu tức là không dính không chấp.
Này Thiện tri thức, lại có người dạy ngồi khán tâm quán tịnh, không động không khởi, từ đây mà lập công khóa, người mê không hiểu liền chấp thành ra điên cuồng; những người như thế này thật là đông, dạy nhau như thế, nên biết đó là lầm lớn.
Đây là Tổ muốn chỉ ngài Thần Tú. Ngài Thần Tú dạy ngồi thiền là khán tâm quán tịnh tức là nhìn tâm mình và nhìn chỗ nó lặng lẽ. Nếu nhìn chỗ lặng lẽ thì lặng lẽ là cái bị nhìn, không phải mình mà chấp là mình, đó là lầm. Số người lầm như thế rất nhiều, nếu dạy nhau như vậy là lầm lớn.
Tổ dạy chúng:
Này Thiện tri thức, xưa nay chánh giáo không có đốn tiệm, tánh người tự có lợi và độn, người mê thì lần lần khế hợp, người ngộ thời chóng tu, tự biết Bản tâm, tự thấy Bản tánh, tức là không có sai biệt, do đó nên lập giả danh đốn tiệm.
Này Thiện tri thức, pháp môn của ta đây từ trước đến nay, trước lập Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm bản.
Tông tức là chủ, vô tướng là cái không tướng, bản là gốc. Đây là ba điểm then chốt trong lối dạy của Lục Tổ: vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm bản.
Vô tướng là đối với tướng mà lìa tướng; vô niệm là đối với niệm mà không niệm; vô trụ là Bản tánh của người.
Vô tướng là thế nào? Ngay nơi tướng mà lìa tướng đó gọi là vô tướng. Tỉ dụ như ngay bình bông này mà lìa bình bông là thế nào? Chúng ta cũng nhìn bình bông, nhưng không có niệm phân biệt đẹp xấu, là ngay bình bông mà lìa bình bông. Nếu vừa nhìn bình bông liền phân biệt đẹp xấu là dính mắc nơi bình bông, như vậy lìa bình bông là thấy mà không dính, chớ không phải nhắm mắt đừng thấy nó mới gọi là lìa. Điểm này phải hiểu thật rõ cho khỏi lầm, nghe nói lìa tướng rồi đi đâu cũng che mắt lại, không nhìn cảnh vật vì sợ thấy nó là kẹt với tướng. Không phải như thế. Ngay nơi tướng, thấy vẫn thấy nhưng không thêm niệm gì để phân biệt, để so sánh thì đó là lìa tướng; nơi tướng mà lìa tướng đó là vô tướng.
Vô niệm là thế nào? Đối với niệm mà không niệm.
Vô trụ là thế nào? Bản tánh của người là vô trụ nên mới lập vô trụ làm bản, tức là Bản tánh của chúng ta không dính, không mắc, dính mắc đó là vọng chớ không phải Bản tánh.
Ở thế gian nào là thiện ác, tốt xấu, cho đến những việc oán cùng với thân, ngôn ngữ xúc chạm, hư dối tranh đua v.v... thảy đều đem về không; không nghĩ trả thù hại lại, trong mỗi niệm không nghĩ cảnh trước, nếu niệm trước, niệm hiện tại, niệm sau, trong mỗi niệm tương tục không dứt gọi là hệ phược (trói buộc).
Ở thế gian, tất cả những việc hơn thua, phải quấy, tốt xấu v.v... đều đưa về không. Tại sao? Thí dụ việc phải quấy ở thế gian, có cố định hay không? Một việc vào ngày xưa là phải, ngày nay cũng phải và muôn đời là phải? hoặc vào ngày xưa là quấy, ngày nay cũng quấy và muôn đời là quấy? hay việc phải quấy chỉ tùy thời? Vào một thời nào đó đặt cho một việc nào đó là phải thì nó phải, đến một thời khác đổi nó là quấy thì nó quấy. Như vậy phải quấy đâu có cố định, đã không cố định thì chấp làm gì? Không cố định nên nói nó là không. Tôi thí dụ một việc nhỏ như người Việt Nam ra đường đi phía tay mặt là phải, nếu sang Ấn Độ hay sang Anh thì đi phía tay trái là phải. Như vậy phải quấy là tùy địa phương và tùy thời, chớ không cố định. Thế nên chúng ta phải hiểu rõ rằng tất cả những việc phải quấy chỉ là đối đãi thôi, không có thật; đã không thật mà chấp là chân lý thì sai, cho nên nói tất cả đều đưa vào không. Cả tốt xấu cũng vậy, ví dụ như có một người nam hoặc một người nữ thật đẹp, nhưng bất thần một hôm họ bị nổi đơn thì lúc đó quí vị còn khen người đó đẹp nữa không? Như vậy cái đẹp xấu không cố định, nó không thật, những cái không thật mà chúng ta chấp, rồi mê say có phải là điên cuồng hay không? Nếu không thật thì đưa nó vào không!
Tóm lại, tất cả những phải quấy, tốt xấu, hơn thua đều không thật, nên khi nó xảy đến liền đưa vào chỗ hư giả thì mọi việc đều an bài. Trái lại, nếu chấp phải, chấp quấy thì buồn bực phiền não đủ thứ... Đó là Tổ chỉ cho chúng ta một lẽ thật. Thế nên tất cả đều đưa vào không, “không nghĩ trả thù hại lại, trong mỗi niệm không nghĩ cảnh trước”, tức là trong mỗi niệm không suy nghĩ về cảnh này cảnh khác. “Nếu niệm trước, niệm hiện tại, niệm sau, trong mỗi niệm tương tục không dứt gọi là hệ phược.” Nếu chúng ta quen nghĩ việc này việc kia rồi niệm trước mất, niệm kế hiện, niệm kế mất, niệm sau hiện liên tục không dừng thì đó là bị trói buộc. Người nào cứ niệm niệm liên tục là kẻ bị trói buộc. Chúng ta có bị không? Tất cả chúng ta đều bị trói buộc là vì niệm niệm không dừng, nên không bao giờ chúng ta được an ổn. Nếu có những lúc lặng hết niệm, chúng ta đi tới đi lui, hoạt động mà vẫn an nhiên, đó là tự tại thì cảnh nào cũng là Tây phương, là Tịnh độ cả. Như vậy trói buộc là tại niệm của mình trói buộc nên nói là bị phược.
Đối trên các pháp mỗi niệm không trụ, tức là không phược. Đây là lấy vô trụ làm gốc.
Đối với các pháp chúng ta không dấy niệm dính với nó là không bị trói, nếu dính với nó là bị trói. Chúng ta cứ nói rằng chúng ta ở trong cõi phiền não trần lao bị trói buộc, cảnh trói buộc hay ai trói buộc? Chính mình trói mình, mình trói mình với vật này, với cảnh kia, nên khi vật đó bị mất mình sầu khổ. Ví như quí đạo hữu đang mang một chiếc cà rá quí, khi nó rơi mất, hoặc bị ai giật mất thì thế nào? Nếu nó mất rồi thôi, thì an lành biết mấy, còn nếu mất rồi về nhà rầu rĩ v.v... như vậy là chiếc cà rá trói mình hay mình trói chiếc cà rá? Rõ ràng là mình trói nó. Nó chỉ là một bộ phận vô tình thôi, vì mình cứ nhớ nó thành mình khổ. Như vậy để thấy rằng vì chúng ta dính vào các pháp, nên chúng ta thấy pháp trói mình, chớ sự thật pháp nào có trói mình! Đây là lấy vô trụ làm gốc. Vô trụ là như thế, tức là không dính không mắc với pháp nào cả thì đó là vô trụ, đó là sống trở về với Bản tánh của mình, vì Bản tánh là vô trụ nên chính Bản tánh là gốc.
Này Thiện tri thức, ngoài lìa tất cả tướng gọi là vô tướng, hay lìa nơi tướng tức là Pháp thể thanh tịnh, đây là lấy vô tướng làm thể. Này Thiện tri thức, đối trên các cảnh tâm không nhiễm gọi là vô niệm. Đối trên niệm thường lìa các cảnh, chẳng ở trên cảnh mà sanh tâm.
Tổ lại định nghĩa thế nào là lấy vô tướng làm thể. Ngay các tướng chúng ta không dính mắc các tướng thì Pháp thể của mình lúc nào cũng thanh tịnh. Ba điều này tuy nói là ba, nhưng nhìn kỹ thấy không có khác. Vô tướng là ngay nơi tướng mà lìa tướng, vô trụ là ngay nơi cảnh mà không dính cảnh, vô niệm là ngay nơi niệm mà buông xả không khởi; như vậy đối với cảnh không dính, không kẹt, không dấy niệm chạy theo cảnh thì đó là vô niệm, vô tướng, vô trụ. Rõ ràng là thế!
Nếu chỉ trăm vật chẳng nghĩ, niệm phải trừ hết, một niệm dứt tức là chết, rồi sẽ sanh nơi khác, ấy là lầm to.
Ngài lại nhắc đến cái bệnh Ngài đã nói trong đoạn trước. Ngài sợ chúng ta ngồi rồi cứ đè không cho nghĩ gì hết. Phương pháp Tổ dạy chúng ta tuy khó, nhưng nếu biết tu thì rất nhàn. Chúng ta không phải ngồi suốt ba, bốn tiếng đồng hồ, chúng ta vẫn đi tới đi lui, tiếp xúc mọi cảnh, nhưng trên cảnh mà không dính cảnh là vô trụ, ngay nơi cảnh mà lìa cảnh là vô tướng, ngay nơi cảnh mà không dấy niệm là vô niệm. Như vậy Ngài bắt chúng ta đối cảnh chớ không trốn cảnh, đối cảnh nhưng đi đứng nằm ngồi... trong mọi hoạt động đều thông lưu, không kẹt trên cảnh, đó là đúng lời dạy của Ngài. Trái lại nếu chúng ta cứ đè tâm mình cho nó không ngơ thì dứt niệm. Ngài bảo nếu niệm hết là chết, vì niệm là dụng của Tâm thể mà Tâm thể bặt rồi tức là chết, chết rồi là đi thọ sanh nơi khác. Như thế là lầm.
Người học đạo suy nghĩ đó, nếu không biết cái ý của pháp thì tự lầm còn có thể, lại dạy người khác (là không nên), tự mê không thấy lại còn chê bai kinh Phật, vì thế nên lập vô niệm làm tông. Này Thiện tri thức, thế nào lập vô niệm làm tông? Chỉ vì miệng nói thấy tánh, người mê ở trên cảnh có niệm, trên niệm lại khởi tà kiến, tất cả trần lao vọng tưởng từ đây mà sanh.
Ngài lại giải thích: Tại sao lập vô niệm làm tông? Vì có nhiều người nói rằng mình thấy tánh, nhưng trên cảnh lại khởi niệm, rồi trên niệm lại sanh tà kiến. Tỉ dụ như trên cảnh này, tôi khởi niệm hoa hường đẹp, hoa hường quí. Nếu có người khác nói hoa hường không quí bằng hoa mẫu đơn chẳng hạn, tức nhiên tôi không chịu rồi cãi nhau... Hoa là hoa, không tự nói quí tiện. Chúng ta chấp cái này quí, cái kia tiện thì đó là tà kiến. Trên niệm khởi thêm tà kiến, người nghiêng bên này, người nghiêng bên kia thành ra chuyện cãi nhau vô ích, do đó sanh ra đủ thứ trần lao vọng tưởng.
Tự tánh vốn không một pháp có thể được, nếu có sở đắc, vọng nói họa phước tức là trần lao tà kiến, nên pháp môn này lập vô niệm làm tông.
Tổ chỉ chỗ tu của chúng ta. Người tu thâm sâu rồi thì sống với Tự tánh thanh tịnh. Tự tánh thanh tịnh không có một pháp, như Ngài đã từng nói “Bản lai vô nhất vật”; ở đây Ngài cũng nhắc lại Bản tánh không có một pháp. Đã không một pháp có thể được, nếu vừa hơi yên liền nói tôi được thanh tịnh, rồi nói chuyện họa phước của người... như ông kia ba tháng nữa sẽ gặp tai nạn, bà này ba tháng nữa sẽ được phước gặp điều may v.v... thì đó là tà kiến. Chúng ta biết Tự tánh vốn thanh tịnh, không có một pháp thì nói gì là sở đắc, không sở đắc thì có gì mà nói họa nói phước cho người. Nhưng hiện nay có một số người tu được chút ít hay nói họa nói phước, nói chuyện quá khứ vị lai v.v..., chúng ta biết những người đó là tà, không phải là người chân chánh.
Này Thiện tri thức, vô là vô việc gì? Niệm là niệm vật nào? Vô đó là không có hai tướng, không có các tâm trần lao; niệm là niệm Chân như Bản tánh.
Ngài nhắc lại: Pháp môn của Ngài lập vô niệm làm tông. Vô là vô việc gì? Ngài dạy: Vô là tất cả phiền não trần lao không dấy động. Niệm là niệm vật nào? Niệm là hằng nhớ Chân như Tự tánh của mình, hằng nhớ Tánh giác của mình, không chạy theo cảnh...
Chân như tức là thể của niệm, niệm tức là dụng của Chân như, Chân như Tự tánh khởi niệm, không phải mắt, tai, mũi, lưỡi hay khởi niệm, Chân như có tánh cho nên khởi niệm, Chân như nếu không có tánh thì mắt tai sắc thanh chính khi ấy liền hoại. Này Thiện tri thức, Chân như Tự tánh khởi niệm, sáu căn tuy có thấy nghe hiểu biết mà không nhiễm muôn cảnh, mà Chân tánh thường tự tại, nên kinh nói “hay khéo phân biệt các pháp tướng mà đối với nghĩa đệ nhất không có động”.
Sau cùng Ngài chỉ cho chúng ta hiểu niệm khởi là từ Chân như. Như vậy chúng ta khởi niệm để niệm Chân như thì được, còn khởi niệm chạy theo cảnh thì sai. Khởi niệm chạy theo cảnh đó là dính với cảnh, còn xoay niệm trở về Chân như là đúng. Nhưng xoay niệm niệm Chân như là thế nào? Là nghe tiếng mà không chạy theo tiếng, hằng nhớ mình có cái hay nghe, có cái đang nghe mới biết nghe tiếng; cũng như thấy cảnh mình không phân biệt cảnh đẹp hay xấu mà biết mình đang thấy, đó là niệm Chân như. Hằng nhớ Tự tánh của chính mình, nhớ là niệm, niệm Bản tánh của mình đó là niệm Chân như.
Tóm lại, trong phần này Tổ nói về Định Tuệ. Theo Tổ, Định Tuệ bình đẳng không có trước sau, và điểm chủ yếu Tổ dạy chúng ta tu gồm có ba phần: vô niệm, vô tướng và vô trụ. Vô niệm là tông, vô tướng là thể, vô trụ là bản. Đó là những điều thiết yếu trong sự tu hành, ai tu theo Lục Tổ mà không biết ba điều này là không biết đường lối tu.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét