Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

PHÁP BẢO ĐÀN KINH GIẢNG GIẢI - Phần XI

"Nhưng nay ta vừa nổi sân liền cố gắng nhìn xem sân ở đâu, nó như thế nào, nếu nó là thật, tìm chắc thấy nó có một hình tướng nào đó, nhưng tìm lại thì nó mất tiêu. Nếu mất thì sân đâu có thật, đã không thật thì phá cái gì?"...



Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Thường Chiếu 1999 PL. 2543

Phẩm Thứ Chín: Tuyên Chiếu 

DỊCH

Niên hiệu Thần Long năm đầu (705 TL) vào ngày rằm tháng giêng vua Trung Tông và Tắc Thiên ban chiếu rằng:
Trẫm thỉnh hai sư An và Tú vào trong cung cúng dường, mỗi khi rảnh việc thì nghiên cứu về Nhất thừa, hai Sư đều nhường rằng: Phương Nam có Huệ Năng thiền sư được mật trao pháp y của Đại sư Hoằng Nhẫn, được truyền Phật tâm ấn, nên thỉnh người đến thưa hỏi. Nay sai Nội thị Tiết Giản mang chiếu nghinh thỉnh, mong Thầy từ niệm, chóng đến Kinh đô.
Tổ dâng biểu từ bệnh, nguyện trọn đời ở nơi rừng núi. Tiết Giản thưa:
Ở kinh thành, các Thiền đức đều nói rằng: Muốn được hội đạo ắt phải tọa thiền tập định, nếu chẳng nhân nơi Thiền định mà được giải thoát là chưa từng có vậy, chưa biết Thầy nói pháp như thế nào?
Tổ bảo:
Đạo do tâm mà ngộ, há tại ngồi sao? Kinh nói: Nếu nói Như Lai hoặc ngồi hoặc nằm, ấy là người hành đạo tà. Vì cớ sao? Không từ đâu lại cũng không có chỗ đi, không sanh không diệt, ấy là Như Lai thanh tịnh thiền, các pháp rỗng lặng ấy là Như Lai thanh tịnh tọa, cứu kính không chứng, há lại có ngồi ư?
Tiết Giản thưa:
Đệ tử trở về kinh, Chúa thượng ắt hỏi, cúi mong Thầy từ bi chỉ bày tâm yếu, để tâu lại hai cung và những người học đạo ở kinh thành, ví như một ngọn đèn mồi trăm ngàn ngọn đèn, chỗ tối đều được sáng, sáng mãi không cùng.
Tổ bảo:
Đạo không có sáng tối, sáng tối ấy là nghĩa thay nhau, sáng mãi không cùng cũng là có ngày hết, vì đối đãi mà lập tên. Kinh Tịnh Danh nói: Pháp không có so sánh vì không có đối đãi.
Tiết Giản thưa:
Sáng dụ cho trí tuệ, tối dụ cho phiền não, người tu đạo như chẳng dùng trí tuệ chiếu phá phiền não thì cái sanh tử từ vô thủy nương vào đâu mà ra khỏi.
Tổ bảo:
Phiền não tức là Bồ-đề, không hai, không khác, nếu dùng trí tuệ chiếu phá phiền não, đây là kiến giải của hàng Nhị thừa, căn cơ xe nai xe dê, còn những bậc thượng trí đại căn, ắt không như thế.
Tiết Giản thưa:
Thế nào là kiến giải Đại thừa?
Tổ đáp:
Minh cùng với vô minh, phàm phu thấy hai, người trí rõ suốt tánh nó không hai, tánh không hai tức là Thật tánh; Thật tánh ở phàm ngu mà chẳng giảm, ở Hiền Thánh mà chẳng tăng, trụ trong phiền não mà không loạn, ở trong Thiền định mà chẳng lặng lẽ, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến chẳng đi, chẳng ở khoảng giữa và trong ngoài, không sanh không diệt, tánh tướng như như, thường trụ chẳng đổi gọi đó là đạo.
Tiết Giản thưa:
Thầy nói chẳng sanh chẳng diệt đâu khác với ngoại đạo?
Tổ bảo:
Ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt là đem cái diệt để dừng cái sanh, lấy cái sanh để bày cái diệt, diệt vẫn chẳng diệt, sanh nói không sanh. Ta nói chẳng sanh chẳng diệt là vốn tự không sanh, nay cũng chẳng diệt, cho nên không đồng với ngoại đạo. Nếu ông muốn biết tâm yếu, chỉ tất cả thiện ác trọn chớ suy nghĩ, tự nhiên được vào Tâm thể thanh tịnh, lặng lẽ thường tịch, diệu dụng hằng sa.
Tiết Giản nhờ chỉ dạy, hoát nhiên đại ngộ, lễ từ trở về cung dâng biểu tâu lên những lời của Tổ. Ngày mùng ba tháng chín năm ấy có chiếu tưởng dụ Sư rằng:
Thầy từ vì già bệnh, vì trẫm mà tu hành, làm phước điền cho đất nước. Thầy cũng như ngài Tịnh Danh giả bệnh nơi thành Tì-da để xiển dương Đại thừa, truyền tâm chư Phật, nói pháp bất nhị. Tiết Giản truyền lại lời Thầy chỉ dạy tri kiến Như Lai, trẫm chứa được nhiều công đức lành, gieo được hạt giống lành đời trước, mới gặp Thầy ra đời, đốn ngộ pháp thượng thừa, cảm ân đức Thầy, đầu đội không thôi, cùng dâng chiếc ma-nạp ca-sa và bát thủy tinh, sắc cho Thứ sử Thiều Châu sửa sang lại chùa và ban hiệu chùa cũ Thầy ở là chùa Quốc Ân.

GIẢNG
Tuyên chiếu tức là đọc chiếu nhà vua.
Niên hiệu Thần Long năm đầu (705 TL) vào ngày rằm tháng giêng vua Trung Tông và Tắc Thiên ban chiếu rằng:
Trẫm thỉnh hai sư An và Tú vào trong cung cúng dường, mỗi khi rảnh việc thì nghiên cứu về Nhất thừa, hai Sư đều nhường rằng: Phương Nam có Huệ Năng thiền sư được mật trao pháp y của Đại sư Hoằng Nhẫn, được truyền Phật tâm ấn, nên thỉnh người đến thưa hỏi. Nay sai Nội thị Tiết Giản mang chiếu nghinh thỉnh, mong Thầy từ niệm, chóng đến Kinh đô.
Tổ dâng biểu từ bệnh, nguyện trọn đời ở nơi rừng núi. Tiết Giản thưa:
Ở kinh thành, các Thiền đức đều nói rằng: Muốn được hội đạo ắt phải tọa thiền tập định, nếu chẳng nhân nơi Thiền định mà được giải thoát là chưa từng có vậy, chưa biết Thầy nói pháp như thế nào?
Tổ bảo:
Đạo do tâm mà ngộ, há tại ngồi sao? Kinh nói: Nếu nói Như Lai hoặc ngồi hoặc nằm, ấy là người hành đạo tà. Vì cớ sao? Không từ đâu lại cũng không có chỗ đi, không sanh không diệt, ấy là Như Lai thanh tịnh thiền.
Chúng ta nên hiểu rõ Như Lai thanh tịnh thiền Tổ giảng ở đây. Kinh Kim Cang nói: “Như Lai giả vô sở tùng lai diệc vô sở khứ cố danh Như Lai.” Tại sao? Vì Như Lai trong kinh nói là chỉ Pháp thân thanh tịnh, Pháp thân thanh tịnh là thể, không dao động, không đến đi, nếu thấy có đến đi là thấy sự dao động của hình tướng, tướng dao động là tướng sanh diệt, còn Thể thanh tịnh không đến, không đi, vì thế nói không từ đâu đến cũng không đi đâu. Như Lai thanh tịnh thiền là thiền sống với Tự tánh thanh tịnh của mình. Tánh thanh tịnh của mình gọi là Như Lai, là Phật, nên cũng gọi là Phật tánh. Tánh thanh tịnh không đến, không đi, không qua, không lại, người nhận được tánh, buông xả những vọng niệm, hằng sống với nó, không nói ngồi hay đi đứng gì cả, giờ phút nào cũng đều là thanh tịnh, đó mới thật là Như Lai thanh tịnh thiền.
Các pháp rỗng lặng ấy là Như Lai thanh tịnh tọa, cứu kính không chứng, há lại có ngồi ư?
Tức là chúng ta thấy các pháp rỗng lặng, không bị nó lôi cuốn, đó gọi là Như Lai thanh tịnh tọa, cứu kính còn không chứng huống nữa là có ngồi.
Tiết Giản thưa:
Đệ tử trở về kinh, Chúa thượng ắt hỏi, cúi mong Thầy từ bi chỉ bày tâm yếu, để tâu lại hai cung và những người học đạo ở kinh thành, ví như một ngọn đèn mồi trăm ngàn ngọn đèn, chỗ tối đều được sáng, sáng mãi không cùng.
Tổ bảo:
Đạo không có sáng tối, sáng tối ấy là nghĩa thay nhau.
Chúng ta cứ nghĩ theo lệ thường là đốt được một ngọn đèn rồi mồi ngọn khác làm cho sáng mãi không tối. Tổ quở: Đạo không phải là tối sáng vì tối sáng là đối đãi mà Đạo không phải đối đãi.
Sáng mãi không cùng cũng là có ngày hết, vì đối đãi mà lập tên. Kinh Tịnh Danh nói: Pháp không có so sánh vì không có đối đãi.
Tiết Giản thưa:
Sáng dụ cho trí tuệ, tối dụ cho phiền não, người tu đạo như chẳng dùng trí tuệ chiếu phá phiền não thì cái sanh tử từ vô thủy nương vào đâu mà ra khỏi.
Tổ bảo:
Phiền não tức là Bồ-đề, không hai, không khác, nếu dùng trí tuệ chiếu phá phiền não, đây là kiến giải của hàng Nhị thừa, căn cơ xe nai xe dê, còn những bậc thượng trí đại căn, ắt không như thế.
Luôn luôn chúng ta tu theo sự đối đãi, chúng ta nghĩ rằng phiền não là xấu là tối, phải dùng trí tuệ để phá nó; nhưng thử hỏi phiền não có thật không? Thường người tu hay nói khổ nhất là sân, đang bình tĩnh, có ai nói tức liền nổi giận lên, quên hết đạo lý, như vậy sân làm chướng đạo. Nhưng nay ta vừa nổi sân liền cố gắng nhìn xem sân ở đâu, nó như thế nào, nếu nó là thật, tìm chắc thấy nó có một hình tướng nào đó, nhưng tìm lại thì nó mất tiêu. Nếu mất thì sân đâu có thật, đã không thật thì phá cái gì? Thế nên sân đã không thật mà khởi trí để phá nó thì trí cũng không thật, cả hai đều không thật, trong đối đãi không thật mà thấy là thật, đó là kiến giải Nhị thừa. Trái lại thấy cả hai không thật, khởi lên là tướng huyễn hóa không thật, khi lặng xuống đó mới là chân thật, đến chỗ chân thật không còn đối đãi nữa, mới là đạo thật và chỉ những người thượng trí đại căn mới có thể hiểu được. Khi Tổ bảo chiếu phá như vậy là kiến giải Nhị thừa thì:
Tiết Giản thưa:
Thế nào là kiến giải Đại thừa?
Tổ đáp:
Minh cùng với vô minh, phàm phu thấy hai, người trí rõ suốt tánh nó không hai.
Sáng và tối đều là giả tướng, người trí thấy rõ tánh nó là không hai, vì trên tướng biết là hư giả, lặng xuống là Tự tánh thanh tịnh.
Tánh không hai tức là Thật tánh; Thật tánh ở phàm ngu mà chẳng giảm, ở Hiền Thánh mà chẳng tăng, trụ trong phiền não mà không loạn, ở trong Thiền định mà chẳng lặng lẽ, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến chẳng đi, chẳng ở khoảng giữa và trong ngoài, không sanh không diệt, tánh tướng như như, thường trụ chẳng đổi gọi đó là đạo.
Cái thể không sanh không diệt, không tăng không giảm, không phải không quấy v.v... gọi là đạo, cũng gọi là Phật tánh, cũng gọi là Chân như. Chúng ta căn cứ trên đối đãi thì được cũng chỉ là được trên đối đãi, được thiện cũng là thiện đối đãi, được thanh tịnh cũng là thanh tịnh đối đãi chớ không phải là thật. Khi nào lặng hết những đối đãi đó mới là thật.
Tiết Giản thưa:
Thầy nói chẳng sanh chẳng diệt đâu khác với ngoại đạo?
Tức là ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt, Tổ cũng nói chẳng sanh chẳng diệt thì hai bên giống nhau rồi.
Tổ bảo:
Ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt là đem cái diệt để dừng cái sanh, lấy cái sanh để bày cái diệt, diệt vẫn chẳng diệt, sanh nói không sanh. Ta nói chẳng sanh chẳng diệt là vốn tự không sanh, nay cũng chẳng diệt, cho nên không đồng với ngoại đạo.
Ngoại đạo nói không sanh không diệt là đối đãi trên sanh diệt mà nói, chớ không phải nói đến chỗ không hai, thể vốn không sanh, nay làm gì có diệt?
Nếu ông muốn biết tâm yếu, chỉ tất cả thiện ác trọn chớ suy nghĩ, tự nhiên được vào Tâm thể thanh tịnh, lặng lẽ thường tịch, diệu dụng hằng sa.
Tâm yếu Tổ chỉ ở đây đâu có khác với tâm yếu chỉ cho Thượng tọa Minh. Thế nên chúng ta học tuy là nhiều, nhưng lâu lâu cũng thấy Ngài nhắc lại tâm yếu đó: trong ngoài buông cả thiện ác và khi thiện ác lặng hết, đó là Tâm thể thanh tịnh, lặng lẽ thường tịch, nhưng diệu dụng hằng sa, chớ không phải lặng lẽ thanh tịnh rồi không biết đi lại, không biết nói năng, đầy đủ diệu dụng nhưng không rời Tâm thể.
Tiết Giản nhờ chỉ dạy, hoát nhiên đại ngộ, lễ từ trở về cung dâng biểu tâu lên những lời của Tổ. Ngày mùng ba tháng chín năm ấy có chiếu tưởng dụ Sư rằng:
Thầy từ vì già bệnh, vì trẫm mà tu hành, làm phước điền cho đất nước. Thầy cũng như ngài Tịnh Danh giả bệnh nơi thành Tì-da để xiển dương Đại thừa, truyền tâm chư Phật, nói pháp bất nhị. Tiết Giản truyền lại lời Thầy chỉ dạy tri kiến Như Lai, trẫm chứa được nhiều công đức lành, gieo được hạt giống lành đời trước, mới gặp Thầy ra đời, đốn ngộ pháp thượng thừa, cảm ân đức Thầy, đầu đội không thôi, cùng dâng chiếc ma-nạp ca-sa và bát thủy tinh, sắc cho Thứ sử Thiều Châu sửa sang lại chùa và ban hiệu chùa cũ Thầy ở là chùa Quốc Ân.

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét