"Chỗ nào mà chúng ta thiền định thì chỗ đó là đạo tràng, dù giữa chợ mà lìa tướng, tâm không loạn thì giữa chợ cũng là đạo tràng..."
Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Thường Chiếu 1999 PL. 2543
Thiền Viện Thường Chiếu 1999 PL. 2543
Phẩm Thư Năm: Toạ Thiền
DỊCH
Tổ dạy chúng:
Pháp môn Tọa thiền này vốn không chấp nơi tâm, cũng không chấp nơi tịnh, cũng chẳng phải chẳng động. Nếu nói chấp tâm, tâm vốn là vọng, biết tâm như huyễn nên không có chỗ chấp vậy. Nếu nói chấp tịnh, tánh người vốn là tịnh, bởi vì vọng niệm che đậy Chân như, chỉ không có vọng tưởng thì tánh tự thanh tịnh. Khởi tâm chấp tịnh trở lại sanh ra cái tịnh vọng. Vọng không có chỗ nơi, chấp ấy là vọng; tịnh không hình tướng trở lại lập tướng tịnh, nói là công phu, người khởi kiến giải này là chướng tự Bản tánh trở lại bị tịnh trói.
Này Thiện tri thức, nếu người tu hạnh bất động, chỉ khi thấy tất cả người, không thấy việc phải quấy, tốt xấu, lỗi lầm của người tức là Tự tánh bất động.
Này Thiện tri thức, người mê thân tuy bất động, mở miệng liền nói việc phải quấy, hay dở, tốt xấu của người là cùng đạo đã trái nhau, chấp tâm, chấp tịnh tức là chướng đạo.
Tổ dạy chúng:
Này Thiện tri thức, sao gọi là Tọa thiền? Trong pháp môn này không chướng không ngại, ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác, tâm niệm chẳng khởi gọi là tọa, trong thấy Tự tánh chẳng động gọi là thiền.
Này Thiện tri thức, sao gọi là Thiền định? Ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn là định. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm tức loạn; ngoài nếu lìa tướng tâm tức chẳng loạn, Bản tánh tự tịnh tự định, chỉ vì thấy cảnh, suy nghĩ cảnh tức là loạn; nếu thấy các cảnh mà tâm chẳng loạn ấy là chân định vậy.
Này Thiện tri thức, ngoài lìa tướng tức là thiền, trong chẳng loạn tức là định, ngoài thiền trong định, ấy gọi là Thiền định. Kinh Bồ-tát Giới nói: Bản tánh của ta vốn tự thanh tịnh.
Này Thiện tri thức, trong mỗi niệm tự thấy được Bản tánh thanh tịnh, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo.
GIẢNG
Tổ dạy chúng:
Pháp môn Tọa thiền này vốn không chấp nơi tâm, cũng không chấp nơi tịnh, cũng chẳng phải chẳng động. Nếu nói chấp tâm, tâm vốn là vọng, biết tâm như huyễn nên không có chỗ chấp vậy. Nếu nói chấp tịnh, tánh người vốn là tịnh, bởi vì vọng niệm che đậy Chân như, chỉ không có vọng tưởng thì tánh tự thanh tịnh. Khởi tâm chấp tịnh trở lại sanh ra cái tịnh vọng. Vọng không có chỗ nơi, chấp ấy là vọng; tịnh không hình tướng trở lại lập tướng tịnh, nói là công phu, người khởi kiến giải này là chướng tự Bản tánh trở lại bị tịnh trói.
Phẩm này cho chúng ta biết rõ chủ trương của Lục Tổ dạy tọa thiền. Ngài nêu lên ba điểm trong pháp môn tọa thiền của Ngài: điểm thứ nhất là “không chấp tâm”, điểm thứ hai là “không chấp tịnh”, điểm thứ ba là “cũng chẳng phải chẳng động”, tức là có động, nếu động làm sao tọa thiền? Đoạn sau Tổ giảng rõ. Tại sao không chấp tâm? Tâm mà chúng ta cho là tâm mình, Ngài nói tâm đó nguyên là vọng. Dấy khởi phân biệt, nghĩ việc này việc kia v.v... cho đó là tâm thì tâm đó làm sao thật được. Thế nên nếu chấp tâm tức là chấp vọng, nếu chấp vọng là mình, thì đúng hay sai? Nên nói tâm vốn là vọng, chỉ cần biết nó như huyễn, nghĩa là biết nó hư giả là được. Người tu phải thấy rõ lẽ thật, không nên chấp, nghe nói tâm mình mà không biết tâm như thế nào. Những vọng tâm dấy động, nay biết rõ nó là vọng, tự nhiên nó hết, chấp làm gì.
Lại có nhiều người ngồi nhìn, khi được yên lặng, chấp cái thanh tịnh là mình, đó là chấp tịnh. Ngài dạy rằng: Tánh người vốn là tịnh, Bản tánh mình như tánh nghe tánh thấy của chúng ta, tịnh hay động? Vì nó vô tướng, vì nó hằng bất động nên nó thanh tịnh. Tỉ dụ như cái nghe của mình, nếu tìm lại tướng của nó thì không có nhưng hằng nghe; cái thấy của mình tìm tướng không có nhưng hằng thấy, chính cái không tướng đó là thanh tịnh. Như vậy tự nó đã thanh tịnh, tìm tịnh làm chi. Tìm tịnh thành ra tìm thêm một cái thứ hai nữa, như vậy tự nhiên chúng ta mất Tự tánh của mình mà không hay. Cái nghe, cái thấy cho đến tâm niệm thanh tịnh của mình, tất cả là một Thể thanh tịnh sẵn có của tất cả chúng ta, do vọng niệm dấy lên che đậy Chân như. Chân như chỉ tánh tịnh sẵn có của chúng ta. Vì vọng niệm dấy lên nên cái tịnh bị khuất, nay chỉ không có vọng tưởng thì tánh tự thanh tịnh, vì thế chỉ cần không vọng tưởng là đủ, chớ đừng tìm cái thanh tịnh. Nhiều người không hiểu cứ ngồi tìm cho tướng thanh tịnh hiện ra, đến khi nào có? Nếu ngồi yên tịnh, vọng tưởng dấy lên biết là vọng, không theo nó thì vọng lặng xuống, Chân như hay Bản tánh thanh tịnh hiện tiền không cần phải tìm, phải chấp, chấp tịnh là bệnh. Thế nên nói nếu khởi tâm chấp tịnh trở lại sanh tịnh vọng. Tịnh là không vọng, tự nó là tịnh, tịnh đó mới thật, còn khởi niệm tìm tịnh thì tịnh đó là tịnh vọng. Vì thế khi tu phải thận trọng, có người nghe nói tâm mình thênh thang như hư không, lại tưởng tâm mình rộng như hư không, họ tưởng như thế và nói như vậy là đúng. Thênh thang là tự nó thênh thang, chớ tưởng nó thênh thang thì cái tưởng đó là bệnh, đây là chỗ lầm lẫn của nhiều người tu. Vọng không có chỗ nơi, do chấp mà thành vọng. Nếu hiểu thật kỹ thì trong cuộc sống của chúng ta, việc tu thật là dễ, còn không hiểu thì việc tu thật là khó. Ai tu cũng sợ vọng. Vọng liên miên không dừng, nhưng thử hỏi tại sao có vọng? - Tại chấp mà có! Thí dụ như tôi đang đi, chợt nghe một đứa bé gọi tên tôi. Nếu tôi cười và đi thẳng thì tôi có vọng không? Nếu nghe gọi tên, tôi nghĩ thằng bé hỗn, dám gọi tên người lớn, vừa nghĩ như thế là bao nhiêu vọng tưởng sanh. Như vậy vừa dấy một niệm chấp là bao nhiêu vọng tưởng sanh. Trái lại nếu bỏ qua không chấp thì không có vọng tưởng. Thế nên vọng không có chỗ nơi, nó không thật, do chấp mà thành vọng. Giả sử quí vị đang ngồi nói chuyện với nhau, có ai lỡ nói một câu quá đáng, nếu thông qua thì không loạn, nếu chấp vào câu đó cho là họ khi mình hay mỉa mai mình, vừa có niệm nghĩ như thế là bất an ngay, vậy bất an gốc từ đâu? Từ chấp mà ra, nên niệm chấp biến thành vọng. Nếu chúng ta không có niệm chấp thì vọng không có. Người không chấp thì an ổn. Nếu chúng ta gan dạ, nghe thấy mọi việc đều không chấp thì chúng ta tu rất dễ. Hiện nay, sở dĩ ai cũng than thở tu khó là tại chấp; do đây chúng ta mới hiểu rõ ý lời nói “Thiền tông phá chấp” là thế. Nếu hết chấp thì đâu có vọng. Nay muốn dẹp vọng mà không phá chấp thì làm sao vọng hết? Ngồi thiền muốn vọng không khởi, nhưng ai nói câu gì cũng chấp, cũng phân biệt phải quấy khen chê, như vậy có hết vọng được không? Hẳn là không. Tột cùng chỗ không yên của chúng ta gốc từ chấp, nếu buông được chấp thì mọi việc đều yên. Vì thế người tu càng chấp nhiều thì càng khó tu. Người nào mở miệng nói phải, nói quấy, nói hơn, nói thua, người đó khó tu nhất, còn người nào gặp việc gì cũng xí xóa bỏ qua thì người đó dễ tu. Thế nên tất cả chấp là gốc của phiền não, của vọng tưởng, vì thế Tổ bảo: “vọng không có xứ sở, do chấp thành vọng”, nhớ điểm đó mới hiểu ý nghĩa “phá chấp” trong Thiền tông.
Tuy nhiên hiện nay có nhiều người hiểu lầm, nghe nói tu thiền phá chấp mới bày đặt những hình thức lạ đời nói là để phá chấp. Ví dụ như người tu mà ăn mặc xốc xếch, áo không gài hoặc vô quán ngồi ăn mặn rồi nói tôi phá chấp. Như vậy phải phá chấp không? Hay chỉ làm chướng mắt thiên hạ, lại thêm bệnh? Tất cả những việc phá chấp như vậy là sự lầm lẫn của những người nông nổi, không hiểu được ý Tổ, ý Phật, lại đem những lời Phật, Tổ ra để ngụy biện cho những hành động lầm lẫn tội lỗi của họ, đó không phải là người hiểu đạo. Phá chấp là khi việc xảy đến hoặc khen chê, hoặc hơn thua, phải quấy, chúng ta không chấp, đó mới là phá chấp. Vì thế Phật tử hay Tăng Ni phải hiểu thấu đáo lời Phật, Tổ dạy. Chúng ta biết vọng gốc từ chấp, nếu không chấp là vọng hết, vậy muốn hết vọng trước tiên phải hết chấp, chớ nếu vẫn cứ chấp thì không bao giờ dẹp hết vọng được. Cũng như sóng dấy động là bởi gió, muốn sóng lặng trước hết gió phải lặng. Biết cái nào trước, cái nào sau thì sự tu hành của chúng ta mới không tốn công vô ích. Nếu chúng ta ngồi cứ đè vọng cho nó lặng xuống, nhưng ai nói chi mình chấp nấy thì chừng nào mới hết vọng? Kềm mãi rồi đau đầu, rồi phiền não, cho là tu không hiệu quả gì cả. Không hiệu quả, gốc tại cái chấp của mình. Nói thế để rõ trong việc tu, việc nào là gốc, việc nào là ngọn, nếu không hiểu thì tu không kết quả, lại sanh nhọc nhằn.
Vọng tưởng gốc từ chấp mà ra, ai buông được các chấp thì hết vọng tưởng. Nhưng chấp những gì? Đó là câu hỏi thiết yếu. Trong phần trên, tôi đã nói lược qua, chấp là chấp phải quấy, tốt xấu v.v... Ví như tôi nói bình bông này đẹp, nhưng người có con mắt mỹ thuật khác tôi, nói bình bông không đẹp. Nếu tôi chấp lời nói của tôi là chân lý thì, tôi nổi giận ngay, trái lại nếu tôi không chấp, tôi chỉ cười, việc sẽ êm. Mình có cái nhìn khác, người có cái nhìn khác, tại sao bắt người phải nhìn giống mình? Cả đến con người mình, sự ăn mặc của mình cũng vậy. Thí dụ chúng ta cao, người ta nói mình cao như cây tre nêu, mình giận; nếu mình lùn, họ nói mình lùn tịt mình cũng giận. Tại sao chúng ta giận? Chỉ vì chấp mình là đẹp nên ai nói xấu thì mình giận. Giả sử chúng ta đang ăn cơm, có người đến chê thức ăn của ta thế này thế kia, nếu chúng ta giận là ta cũng chấp rồi. Hoặc chúng ta mặc chiếc áo, có người chê màu áo là xấu, họ chê mặc họ, mình thích thì cứ mặc, không phải vì lẽ họ nói sắc áo xấu rồi chiếc áo biến thành xấu nên chúng ta giận họ. Tóm lại từ ngôn ngữ đến việc ăn mặc, nhà cửa, con cái, tất cả chúng ta đều chấp là chân lý, là hơn hết nên ai vừa chạm đến là chúng ta nổi sân liền. Nếu cứ chấp như vậy, chúng ta sẽ phiền não nhiều, vì có người trực tính thấy xấu thì nói xấu, thấy tốt thì nói tốt, nhưng chúng ta chỉ thích nghe nói tốt, nên nghe nói xấu là phiền não. Lại có nhiều người xấu tính, thích mỉa mai chơi, thấy chúng ta thích được khen, sợ bị chê, họ mỉa mai chơi vài lời chúng ta cũng phiền não... Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta sống đúng với sở nguyện, còn người chung quanh cũng có quyền nhìn những gì tốt xấu theo nhãn quan của mỗi người, vậy chúng ta không nên cố chấp; không cố chấp tức nhiên không có vọng tưởng, giả sử có thì cũng nhẹ thôi, buông xả sẽ dễ dàng. Nếu buông xả được chấp thì việc tu sẽ dễ được năm mươi phần trăm rồi, trái lại nếu chấp quá nặng thì việc tu sẽ thật khó. Nếu cứ cố chấp, dầu phương pháp hay do Phật đem tới cũng không giúp hết vọng được, vì chấp không bỏ thì vọng không bao giờ dừng, đó là một lẽ thật. Thế nên khi học đạo một câu nói của Phật, của Tổ đủ cho chúng ta sống, nhưng tiếc là chúng ta hơi xem thường nên tu không tiến được.
Tóm lại, điểm đầu tiên là vọng gốc từ chấp mà ra, nên chấp tâm cũng là bệnh. Điểm thứ hai là nhiều người tu cứ khán tịnh, tức là trông thấy cái tịnh, nhưng tịnh cần gì trông thấy, chỉ không vọng là tịnh, vậy chấp tịnh cũng là tịnh của vọng chớ không phải là tịnh chân thật.
Này Thiện tri thức, nếu người tu hạnh bất động, chỉ khi thấy tất cả người, không thấy việc phải quấy, tốt xấu, lỗi lầm của người tức là Tự tánh bất động.
Thấy tất cả người, nhưng không thấy việc phải quấy tốt xấu của họ thì chúng ta đâu có phê bình, không phê bình thì đâu có loạn tưởng. Trái lại thấy ai chúng ta cũng thấy phải quấy tốt xấu, tự nhiên chúng ta sẽ phê bình, có phê bình tức nhiên có vọng tưởng, thấy mười người thì mười lần vọng tưởng, vọng tưởng tức là động. Theo Tổ, không phải người tu ngồi nhắm mắt là hết động. Tổ cho chúng ta thấy tất cả người, nhưng khi thấy tất cả người, đừng thấy việc phải quấy, tốt xấu của họ, đó là bất động. Như vậy thấy tất cả người, lúc đó là động nhưng trong động mà không động, vì nhìn tất cả người nhưng chúng ta không kẹt vào việc phải quấy tốt xấu của người thì đâu có động. Như vậy phương pháp Tổ dạy rất là dễ, nhưng cũng rất là khó, là vì không bắt chúng ta ngồi thiền, mắt nhìn xuống một chỗ, Ngài cho chúng ta tiếp xúc với tất cả, chỉ đừng thấy điều phải quấy, hay dở của người thì sự tiếp xúc không có lỗi gì cả, tức là động mà bất động. Còn chúng ta ngồi nhắm mắt nhưng cứ nhớ người này phải, người kia quấy thì nhắm mắt ngồi yên vẫn là động. Tóm lại Ngài dạy tu hạnh bất động là khi thấy tất cả người không thấy việc phải quấy, tốt xấu, lỗi lầm của người, “tức là Tự tánh bất động”. Cái bất động đó là cái bất động của Tự tánh, cái bất động chân thật, không do đè hay kềm gì cả.
Này Thiện tri thức, người mê thân tuy bất động, mở miệng liền nói việc phải quấy, hay dở, tốt xấu của người là cùng đạo đã trái nhau, chấp tâm, chấp tịnh tức là chướng đạo.
Đến đây Tổ mới quở. Người mê ngồi yên, nghiêm chỉnh lắm, thân không động nhưng mở miệng thì nói việc phải quấy, hay dở, tốt xấu của người, như vậy là trái với đạo. Tại sao? Vì khi nói như thế là tâm đã động, tâm động tức trái với đạo! Thấy như thanh tịnh nhưng thật không tịnh. Trái lại nếu thấy tất cả người mà không thấy việc phải quấy của người thì thân xem như động (vì tới lui, qua lại) nhưng tâm vẫn không động, đó mới là Tự tánh định, tức định của Tự tánh. Vậy nên ngồi thiền hay không ngồi thiền? Nếu không ngồi thiền thì phải thấy như lời Tổ dạy mới được, chớ không ngồi thiền lại đến người này người kia rồi về phê bình người này thế này, người kia thế nọ... thì việc không ngồi thiền đó là bệnh, bệnh nặng! Tổ dạy thật là đơn giản, Ngài chỉ cho chúng ta thấy chủ yếu của sự tu hành. Thế nên người tu nếu phải quấy, hay dở, tốt xấu đều không chấp đó là hợp với đạo; nếu còn chấp là trái với đạo, dầu ngồi yên cũng chưa phải là yên. Sau cùng Ngài kết thúc: Chấp tâm, chấp tịnh tức là chướng đạo.
Tổ dạy chúng:
Này Thiện tri thức, sao gọi là Tọa thiền? Trong pháp môn này không chướng không ngại, ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác, tâm niệm chẳng khởi gọi là tọa, trong thấy Tự tánh chẳng động gọi là thiền.
Đối với tất cả cảnh giới thiện ác tâm niệm không khởi, đó là tọa; thành ra tọa này là tâm lặng xuống gọi là tọa chớ không phải ngồi là tọa. Trong thấy Tự tánh chẳng động gọi là thiền. Nhận ra Tự tánh bất động của mình là thiền. Giả sử đang đi ngoài đường mà chúng ta sống được với Tự tánh mình, tâm không khởi, đó là tọa thiền, còn ngồi một chỗ nghiêm chỉnh nhưng không thấy Tự tánh, tâm cứ khởi thì chưa phải là tọa thiền. Lục Tổ dạy tọa thiền thật đặc biệt, Ngài không cố chấp hình thức, Ngài không dạy ngồi kiết-già hay bán già chi cả, nên nhiều người đọc kinh tìm phương pháp Lục Tổ dạy tọa thiền nhưng không thấy; vì theo Ngài, tâm không chạy theo cảnh tức là yên, yên là tọa, nhận được Tự tánh của mình, sống được với Tự tánh là thiền, tọa thiền là như thế. Người được như vậy là tọa thiền.
Này Thiện tri thức, sao gọi là Thiền định? Ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn là định.
Tiếp đến Ngài định nghĩa Thiền định: Ngoài đối tướng không kẹt tướng là thiền, trong không loạn là định, tu thiền định là tu như vậy. Nhiều khi có người hỏi: Thưa Thầy, Thầy tu thiền định như thế nào? Chúng ta thường đáp: Tu thiền định là phải ngồi kiết-già v.v... Đối với Lục Tổ không phải như thế. Thiền định của Ngài dạy là: ngoài lìa tướng là thiền, trong tâm không loạn là định; như vậy chúng ta đi ngoài đường hay cuốc cỏ nhưng ngoài lìa tướng và trong tâm không loạn là chúng ta đang thiền định. Có khi chúng ta ngồi nơi chợ mà được ngoài lìa tướng, trong tâm không loạn cũng là chúng ta đang thiền định; trái lại ngồi trên chùa nhưng cứ nhớ tướng mãi là không phải thiền định. Tổ dạy thật là rõ, chính điểm này mới thấy được giá trị chân thật của sự tu hành.
Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm tức loạn.
Sở dĩ tâm chúng ta loạn là vì chúng ta chấp tướng, nếu không chấp tướng là tâm mình không loạn. Rốt cuộc loạn cũng từ chấp mà ra. Chấp tướng tức là chấp tướng đẹp, tướng xấu, tướng hay, tướng dở... Những tướng đó vừa chấp là tâm loạn, vì thế nói ngoài lìa tướng tức là đối với tất cả tướng mình không chấp đó là thiền, trong tâm không loạn đó là định.
Ngoài nếu lìa tướng tâm tức chẳng loạn, Bản tánh tự tịnh, tự định.
Nếu ngoài lìa tướng thì trong tâm không động, tâm không động đó là Bản tánh mình tự tịnh tự định. Có nhiều người ngồi thiền trông cho được định. Không cần phải trông, ngồi mà mắt thấy tai nghe nhưng không chạy theo cảnh, đó là lìa tướng, là thiền; tâm lặng lẽ, không dấy khởi, đó là định, khi ấy gọi là thiền định. Thiền định như thế mới gọi là Tự tánh thanh tịnh thiền, thiền thanh tịnh của Tự tánh, chớ không phải định là quên hết tất cả, không nghe tiếng, không thấy người, không phải thiền do đè mà tâm yên hay là say trong chấp cảnh. Có nhiều lối dạy tu thiền như dùng một đề mục, như quán bất tịnh chẳng hạn, người tu theo dõi cảnh bất tịnh đó, tâm say trong đó rồi quên thân, nghĩa là mượn cảnh mà quên, đó là thiền Tiểu thừa. Hoặc là tưởng không, tưởng lửa hay tưởng nước..., do tâm tưởng rồi say trong tưởng, quên thân gọi là định, nhưng đó là định trong tưởng. Định do Tổ dạy là định của Tự tánh nên nó thâm trầm, rất nhẹ, khác hơn tất cả. Định này không phải kềm mà được, mà do trí phá được chấp, đối cảnh không chấp nên không kẹt nơi tướng, tâm không động tức đó là tịnh, là định.
Ngài nói đến bệnh của chúng ta:
Chỉ vì thấy cảnh, suy nghĩ cảnh tức là loạn. Nếu thấy các cảnh mà tâm chẳng loạn, ấy là chân định vậy.
Thấy cảnh liền suy nghĩ cảnh nên loạn, nếu thấy tất cả cảnh, tâm không loạn, đó là định chân thật. Như vậy trong mọi hành động đi đứng nằm ngồi, và cả trong việc tiếp xúc với mọi người, làm thế nào cảnh qua rồi tâm không dính mắc thì không có bệnh và định như thế mới là chân định. Nếu định do chúng ta cố kềm tâm một chỗ hay mượn một cảnh để trụ tâm thì định đó có xuất có nhập, không phải là định chân thật. Tâm hằng an tịnh, không dính với cảnh, đó mới là định chân thật, không xuất không nhập gọi là đại định. Đại định là như thế, chớ không phải nhập được định rồi quên thân thì gọi là đại định. Tôi nhắc lại: Đi đứng nằm ngồi không bị cảnh chi phối, tâm hằng lặng lẽ thanh tịnh, đó là đại định, không có xuất, nhập.
Ngài lặp lại một lần nữa:
Này Thiện tri thức, ngoài lìa tướng tức là thiền, trong chẳng loạn tức là định, ngoài thiền trong định, ấy gọi là Thiền định.
Như vậy bất cứ chỗ nào cũng tu thiền định được cả. Thiền định này không cần ngồi một chỗ, mắt nhìn xuống. Thiền định này là trong mọi hoạt động, trong mọi công tác, làm mà không kẹt nơi tướng, không chạy theo cảnh, tâm hằng lặng lẽ. Cuốc đất cũng thiền định, bửa củi cũng thiền định, nấu cơm cũng thiền định, như thế mới đúng là thiền định của Lục Tổ dạy. Vì thế mới hiểu tại sao thuở xưa có một lần Lục Tổ gặp một vị Tăng đang ngồi thiền, Ngài cầm gậy đập cho một gậy, ông Tăng hoảng chạy. Tại sao Tổ đánh? Vì chủ yếu của Ngài là thiền định trong mọi hành động, chớ không đợi ngồi mới gọi là thiền định. Nhưng hiện nay người nào ngồi lim dim mới nói là thiền định, có nhiều người ngồi tưởng đủ chuyện cũng nói là thiền định! Tôi nhắc lại: Thiền định của Tổ dạy là ngoài lìa tướng, trong tâm không loạn. Ngoài làm thế nào lìa tướng? Trước tiên nhờ trí tuệ biết tất cả tướng là hư giả, không quan trọng nên tâm không dính mắc nơi tướng, đó là lìa tướng, tự nhiên trong tâm không loạn; như vậy lúc nào cũng thiền định, đi đâu cũng thiền định, ngồi chơi cũng thiền định, cả đến làm công tác cũng thiền định. Thiền định của Lục Tổ không chướng ngại sự sanh hoạt, nên Tổ Bá Trượng nói: “Một ngày không làm, một ngày không ăn.” Nếu thiền định phải ngồi lim dim hoài thì ngài Bá Trượng đâu dám nói câu đó.
Tóm lại chúng ta cố làm thế nào để thiền định được trong mọi hoàn cảnh, nghĩa là trong cảnh nào chúng ta vẫn làm việc và vẫn thiền định. Thiền định này nếu ứng dụng đến mức thì rất hay, vừa lợi cho mình, vừa lợi cho xã hội. Một Phật tử ở thành phố Hồ Chí Minh có ruộng gần cầu Bình Lợi, mỗi sáng ông đi xe đạp đến đó, ông cứ nhìn tới trước và đạp xe thôi, chớ không nhìn gì khác nên đến nơi mà không hay và cũng không thấy mệt. Giả sử khi nào đang đạp mà ông nghĩ một việc gì khác thì xe đảo qua, đảo lại, còn nếu cứ nhìn tới, chăm chăm đạp, không nghĩ gì thì xe chạy đều, không bị đảo. Ứng dụng vào nghề may, nếu người nào may, cứ chăm chăm trong đường may, không nhìn gì khác cũng không lo ra, đường chỉ sẽ thẳng và đều... Như vậy càng tu thiền việc làm càng khéo, càng tinh nhuệ. Nếu cuốc rẫy mà biết tu thiền thì thế nào? Khi cuốc chúng ta cứ cuốc đừng nghĩ gì cả, đừng nhìn đồng hồ, đừng nhìn mặt trời... Phần nhiều chúng ta cuốc một lát thấy hơi mệt liền nhìn mặt trời, nhìn đồng hồ, rồi ngán, ngồi lại hút thuốc, nói khào... mất bao nhiêu là thì giờ. Trái lại nếu chúng ta chăm chỉ cuốc, không nghĩ gì cả, đến trưa mà không hay, như vậy vừa có lợi vừa không ngán. Vậy nếu ai biết ứng dụng đúng thì trong mọi hành động đều tu được. Nếu ngồi thiền mới là tu thì đó là tiêu cực, vì người ham tu cứ ngồi hoài, không làm gì được cả. Phải vừa tu vừa làm việc được mới đúng chỗ thiết yếu Lục Tổ dạy, chớ không phải ngồi yên một chỗ mới gọi là Thiền định.
Ngài định nghĩa rất rõ: Ngoài lìa tướng là thiền, trong tâm không loạn là định. Chúng ta làm tất cả mà không chạy theo cảnh là lìa tướng, tâm không theo cảnh thì tâm yên không loạn, như vậy hành động nào cũng là thiền định. Có thế mới hiểu được câu ông Duy-ma-cật trả lời Đồng tử Quang Nghiêm. Đồng tử từ thành Tỳ-da đi ra, vừa đến cửa thì gặp ông Duy-ma-cật từ ngoài thành đi vào. Đồng tử hỏi: “Trưởng giả từ đâu lại?” Ông Duy-ma-cật trả lời: “Tôi từ đạo tràng lại.” Thường đạo tràng là chỗ nào? Là chùa, là nơi ngồi tu, là nơi giảng kinh... Rõ ràng ông từ ngoài thành vào, tại sao lại nói từ đạo tràng lại? Người mới đọc chắc nghĩ: Ông nói không đúng sự thật. Nếu hiểu được lời trên “ngoài lìa tướng là thiền, trong tâm không loạn là định”, mới hiểu được câu trả lời của ông Duy-ma-cật. Chỗ nào mà chúng ta thiền định thì chỗ đó là đạo tràng, dù giữa chợ mà lìa tướng, tâm không loạn thì giữa chợ cũng là đạo tràng, không đợi lên đến Tu viện Chân Không mới là đạo tràng. Làm thế nào ngồi ngoài chợ mà vẫn là ngồi nơi đạo tràng đó mới là hay! Hiểu như thế mới thấy tinh thần Thiền là dạy chúng ta tâm không dính với cảnh, tức nhiên tâm không loạn, như vậy lúc nào cũng thiền định.
Ngài dẫn:
Kinh Bồ-tát Giới nói: Bản tánh của ta vốn tự thanh tịnh.
Bản tánh chúng ta vốn tự thanh tịnh nên không dính cảnh, không loạn là sống với Bản tánh, sống với Bản tánh tức là Tự tánh thanh tịnh thiền.
Này Thiện tri thức, trong mỗi niệm tự thấy được Bản tánh thanh tịnh, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo.
Sau cùng Ngài nhắc nhở: Nếu người nào trong mỗi niệm, tức là hằng phút hằng giây, tự thấy Bản tánh thanh tịnh của mình, không nhớ chuyện phải quấy, hay dở của người, đó là mình tự tu, tự hành và tự thành Phật đạo.
Trong phẩm này trước nói Tọa thiền sau nói Thiền định, tuy chia hai nhưng không phải là hai. Về Tọa thiền Ngài dạy ngoài không chấp cảnh là tọa, trong nhận ra được Bản tánh là thiền. Ngài lại dạy ngoài lìa tướng là thiền, trong không loạn là định. Như vậy Tọa thiền hay Thiền định tuy nói hai nhưng chủ yếu thật không hai, cũng là cốt không chấp cảnh, không chấp cảnh đó là thiền, tâm an định, không loạn đó là định. Hiểu như thế tức nhiên hiểu được đường lối tu thiền của Lục Tổ, đó cũng chính là đường lối của Thiền tông. Không phải chỉ riêng Thiền tông, chính trong kinh Phật, kinh Duy-ma-cật cũng nói rõ như vậy không khác. Tất cả kinh Đại thừa, đối với chỗ này đều khế hợp, nên Tổ nói rằng Tổ là người được truyền tâm ấn của Phật. Ngài đâu có nói khác với Phật, chỉ vì Ngài không giải thích như trong kinh, Ngài cũng không dùng phương tiện từ thấp đến cao mà Ngài chỉ thẳng chỗ cứu kính, nên mới nghe chúng ta không hiểu, thấy dường như khác kinh, chớ sự thật không có khác.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét