"Hiện thời, thân mọi người bất động, cốt sao nhàn hạ, sung sướng cái thân, còn tâm thì suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, hết sức tương phản..."
Phần 5
佛說阿彌陀經要解講記
Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch kinh
姚秦三藏法師鳩摩羅什譯
Sa-môn Tây Hữu Ngẫu Ích Trí Húc chú giải vào đời Thanh
清西有沙門蕅益智旭解
Pháp sư Tịnh Không giảng thuật
淨空法師講述
Cư sĩ Lưu Thừa Phù ghi chép
劉承符居士記
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
(theo bản in của Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội năm 2006)
Giảo duyệt: Minh Tiến, Huệ Trang, Vạn Từ và Đức Phong
(Giải) Thực thời, tức thanh đán, cố vân “tức dĩ”, minh kỳ Thần Túc bất khả tư nghị. Bất ly bỉ độ, thường biến thập phương, bất giả du thời hồi hoàn dã. Thử văn hiển Cực Lạc, nhất thanh, nhất trần, nhất sát-na, nãi chí khóa bộ, đàn chỉ, tất dữ thập phương Tam Bảo, quán triệt vô ngại. Hựu, hiển tại Sa Bà, tắc trược trọng ác chướng, dữ Cực Lạc bất cách nhi cách, sanh Cực Lạc, tắc công đức thậm thâm, dữ Sa Bà cách nhi bất cách dã.
(解) 食時。即清旦。故云即以。明其神足不可思議。不離彼土。常遍十方。不假逾時回還也。此文顯極樂。一聲。一塵。一剎那。乃至跨步彈指。悉與十方三寶。貫徹無礙。又。顯在娑婆。則濁重惡障。與極樂不隔而隔。生極樂。則功德甚深。與娑婆隔而不隔也。
(Giải: “Thực thời” chính là lúc sáng sớm, nên nói “tức dĩ” (liền ngay), chỉ rõ Thần Túc chẳng thể nghĩ bàn. Chẳng lìa cõi ấy mà thường trọn khắp mười phương, chẳng mất thời gian quay trở lại. Đoạn văn này nêu rõ một thanh, một trần, một sát-na, thậm chí cất bước, khảy ngón tay trong cõi Cực Lạc đều cùng với mười phương Tam Bảo quán triệt vô ngại. Lại còn, chỉ rõ: Trong Sa Bà, trược nặng, ác chướng, chẳng cách ngăn Cực Lạc mà thành ngăn cách. Sanh về Cực Lạc, công đức rất sâu, tuy cách ngăn Sa Bà mà chẳng hề ngăn cách).
Trong sáu thứ thần thông, có một thứ gọi là Thần Túc Thông. “Thần” (神) là thần kỳ chẳng thể lường, chẳng thể suy nghĩ được. “Túc” (足) là viên mãn, biểu thị biến hóa tự tại. Truyện Tây Du Ký nói Tôn Ngộ Không có bảy mươi hai phép biến hóa, đấy chính là thần thông. Người sanh về Tây Phương nghe kinh, nghe pháp trong giảng đường của A Di Đà Phật, đồng thời phân thân đến khắp các cõi Phật trong mười phương để cúng Phật, độ chúng sanh, đi về tự tại. Phân thân đến mười phương thế giới, ở lại đó một thời gian tùy theo duyên của chúng sanh. Hết thảy chúng sanh sanh về Tây Phương đều viên mãn đầy đủ sáu thứ thần thông, đều cùng mười phương Tam Bảo quán triệt vô ngại, một thanh, một trần, một sát-na, cho đến trong một động tác nhỏ nhặt trong khoảng thời gian khảy ngón tay trong cuộc sống thường nhật, tùy tiện lấy một pháp nào cũng là toàn thể pháp giới. Do vậy, mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai không ngừng hướng về hành giả nói pháp là chuyện có thể xảy ra; bởi lẽ, hết thảy vô ngại. Như trong kinh Đại Thừa có nói “trong một đầu lông chuyển đại pháp luân, không có mảy may chướng ngại nào”. Kinh Hoa Nghiêm bảo “một chính là nhiều, nhiều chính là một. Một và nhiều viên dung, tự tại vô ngại”.
“Hựu hiển tại Sa Bà, tắc trược trọng ác chướng, dữ Cực Lạc bất cách nhi cách” (Lại nữa, hiển thị trong cõi Sa Bà, do trược nặng, ác chướng, chẳng cách ngăn Cực Lạc mà thành ngăn cách). Thế giới này của chúng ta ô nhiễm rất nặng, các nhà khoa học đã đưa ra lời cảnh cáo: Nếu chẳng cấp tốc giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường, năm mươi năm sau, quả địa cầu sẽ chẳng thích hợp cho con người sống nữa. Có thể đạt được hiệu quả hay không, tôi cảm thấy hết sức khó khăn. Nhà Phật nói: “Y báo chuyển theo chánh báo”. Y báo là hoàn cảnh, chánh báo là lòng người. Trong tâm chúng ta bị ô nhiễm còn nghiêm trọng hơn hoàn cảnh bị ô nhiễm. Do tư tưởng, kiến giải của chúng ta sai lầm mà dẫn đến những hành vi sai lầm. Muốn cầu xã hội an định, ắt phải dốc sức tịnh hóa lòng người. Trong giai đoạn hiện thời này, hết sức khó khăn. Người tạo Thập Ác trong xã hội rất nhiều. Trước kia, tạo Thập Ác còn có tâm hổ thẹn, hiện thời lại coi đó như một hiện tượng bình thường! Do thế giới Sa Bà có những thứ trược nặng, ác chướng ấy, cho nên xa cách Cực Lạc; hai thế giới chẳng ngăn cách mà thành ngăn cách!
Trong các bộ Cao Tăng Truyện và Cư Sĩ Truyện của Trung Quốc, có không ít người đã được chứng kiến [cảnh giới của thánh nhân], như câu chuyện thiền sư Pháp Chiếu của Tịnh Độ Tông đến Đại Thánh Trúc Lâm Tự ở Ngũ Đài Sơn, thấy Văn Thù Bồ Tát mà tôi đã nhắc đến trong phần Huyền Nghĩa. Sau khi Bồ Tát thuyết pháp xong, Sư hướng về Văn Thù Bồ Tát thưa hỏi: “Trong thời kỳ Mạt Pháp, chúng sanh tu pháp nào thì thích hợp?” Văn Thù Bồ Tát bảo: “Tu pháp Ngũ Hội Niệm Phật là thích hợp nhất”. Văn Thù Bồ Tát còn niệm mấy câu cho Sư nghe. Ngài Pháp Chiếu vốn học Thiền, qua cuộc kỳ ngộ ấy, bèn chuyên tu Tịnh Độ. Về sau, Ngài trở thành tổ sư đời thứ tư của Tịnh Độ Tông.
Thế giới này của chúng ta là cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Ngài Văn Thù là thánh nhân, chúng ta không thấy được; tuy không ngăn cách với chúng ta mà thành ngăn cách. Trong Cao Tăng Truyện, những tình huống giống như vậy rất nhiều. Lại như trong Tam Muội Thủy Sám, quốc sư Ngộ Đạt gặp tôn giả Ca Nặc Ca, cũng như hoa Đàm thoáng hiện.
(Giải) “Phạn thực kinh hành” giả, niệm thực, thực chí, bất giả an bài. Thực tất, bát khứ, bất lao cử thức. Đản kinh hành kim địa, hoa nhạc ngu lạc, nhậm vận tấn tu nhi dĩ.
(解) 飯食經行者。念食食至。不假安排。食畢缽去。不勞舉拭。但經行金地。華樂娛樂。任運進修而已。
(Giải: “Phạn thực kinh hành” là nghĩ tới ăn, đồ ăn hiện tới, chẳng mất công xếp đặt. Ăn xong, bát biến mất, chẳng mất công lau, cất. Chỉ kinh hành trên đất vàng, vui hưởng hoa, âm nhạc, tùy ý tấn tu mà thôi)
Đoạn này giảng đại lược về tình hình cuộc sống của đại chúng trong Tây Phương thế giới. Trong phần trên, tôi đã có nói, từ cõi trời Sắc Giới trở lên, không có ham muốn ăn uống. Từ Dục Giới thiên trở xuống, ai nấy đều chẳng thể tránh khỏi Ngũ Dục. Trong Sắc Giới Thiên, từ tầng trời Sơ Thiền trở lên, chẳng có Ngũ Dục, lấy Thiền Duyệt làm thức ăn. Tây Phương thế giới vượt trỗi chư thiên rất nhiều, mười tám tầng trời của Sắc Giới [trong cõi Sa Bà] trọn chẳng thể sánh bằng. Thanh Văn, Duyên Giác cũng chẳng thể sánh bằng. Phàm phu đới nghiệp vãng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay có tập khí này, chẳng thể đoạn được, có lúc khởi lên ý niệm muốn ăn cơm. Ý niệm vừa dấy, cảnh giới liền hiện tiền, hết thảy thụ dụng thuận theo ý nghĩ hiện ra, chẳng cần phải sắp đặt. Ăn xong, bát biến mất, chẳng mất công rửa chén, rửa đũa. Hết thảy thụ dụng trong Tây Phương thế giới đều ứng theo ý nghĩ mà xuất hiện, bất luận hoàn cảnh vật chất hay hoàn cảnh nhân sinh đều thù thắng nhất. Từ đây, ta có thể biết rõ tình trạng cuộc sống hằng ngày của các vị thượng thiện nhân.
(Kinh) Xá Lợi Phất! Cực Lạc quốc độ, thành tựu như thị công đức trang nghiêm.
(經) 舍利弗。極樂國土。成就如是功德莊嚴。
(Chánh kinh: Này Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế đấy)
Người đới nghiệp vãng sanh hoàn toàn dựa vào công đức gia trì từ bổn nguyện của A Di Đà Phật, điều khó có gì đáng quý hơn là họ có thể tùy ý phân thân qua lại các cõi Phật trong mười phương, cúng Phật, nghe pháp, độ sanh, giống như các vị Pháp Thân đại sĩ chẳng hai, chẳng khác. Như Quán Kinh và Vô Lượng Thọ Kinh đã dạy, phàm ai vãng sanh đều có năng lực gần giống như Phật. Phật có thể từ trong tay biến hiện vật dụng thường ngày, như quần áo, thức ăn và tràng, phan, lọng báu, hoa trời, âm nhạc để cúng Phật và cũng đồng thời lợi ích hết thảy chúng sanh. Mười phương thế giới chẳng có việc này, chỉ riêng Tây Phương là như thế.
(Kinh) Phục thứ, Xá Lợi Phất! Bỉ quốc thường hữu chủng chủng kỳ diệu tạp sắc chi điểu, bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá-lợi, ca-lăng-tần-già, cộng mạng chi điểu. Thị chư chúng điểu, trú dạ lục thời, xuất hòa nhã âm. Kỳ âm diễn sướng Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, như thị đẳng pháp. Kỳ độ chúng sanh, văn thị âm dĩ, giai tất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
(經) 復次舍利弗。彼國常有種種奇妙雜色之鳥。白鶴。孔雀。鸚鵡。舍利。迦陵頻伽。共命之鳥。是諸眾鳥。晝夜六時。出和雅音。其音演暢。五根五力。七菩提分。八聖道分。如是等法。其土眾生。聞是音已。皆悉念佛。念法。念僧。
(Chánh kinh: Lại này, Xá Lợi Phất! Cõi ấy thường có các loài chim nhiều màu, kỳ diệu như bạch hạc, chim công, chim vẹt, xá-lợi, ca-lăng-tần-già, cộng mạng. Những con chim ấy ngày đêm sáu thời hót tiếng hòa nhã. Tiếng hót ấy diễn nói thông suốt Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần... những pháp giống như vậy. Chúng sanh cõi ấy nghe tiếng ấy rồi, thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng)
Phần đẹp đẽ tinh diệu nhất trong cuộc sống của đại chúng ở Tây Phương thế giới chính là thuyết pháp trang nghiêm. Giống như trong một trường học, sinh hoạt thường ngày của thầy và trò là học tập. Thời gian đẹp nhất của con người là lúc đi học, hễ bước chân ra xã hội khổ nạn trùng trùng. Người trong Tây Phương thế giới cuộc sống hết sức tự tại, có thể học môn gì mình thích học, làm những chuyện mình thích làm. Trong nhà trường, lúc vào lớp, hoặc khi nghe thầy thuyết pháp hết sức nghiêm túc, ắt phải cung kính. Hễ có chút tùy tiện nào liền cảm thấy thiếu tôn kính, oai nghi bị khiếm khuyết. A Di Đà Phật hiểu tâm lý của chúng sanh; do vậy, biến hóa rất nhiều loài chim để thuyết pháp khiến cho mọi người có thể tùy ý nghe pháp, chẳng bị bó buộc mảy may nào! Các loài chim ấy, ngày đêm sáu thời, hót tiếng hòa nhã, diễn nói các pháp. Đại chúng muốn nghe pháp nào, chúng liền nói pháp ấy.
“Kỳ âm diễn sướng[1]Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, như thị đẳng pháp” (Âm thanh ấy diễn nói thông suốt Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, các pháp giống như vậy). Mấy câu này bao gồm hết thảy giáo nghĩa Đại Tiểu Thừa. Nghe Phật pháp xong, tâm an, lý đắc, tâm an thì không có tạp niệm, [mọi ý niệm] thảy đều là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Ngũ Căn, Ngũ Lực v..v.. là nói đến thánh giáo, còn niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng là nói tới tu hành.
(Giải) “Chủng chủng kỳ diệu tạp sắc”, ngôn đa thả mỹ dã. Hạ lược xuất lục chủng. Xá-lợi, cựu vân Thu Lộ, Kỳ thiền sư vân thị Xuân Oanh, hoặc nhiên. Ca-lăng-tần-già, thử vân Diệu Âm, vị xuất xác thời, âm siêu chúng điểu. Cộng mạng, nhất thân, lưỡng đầu, thức biệt, báo đồng. Thử nhị chủng, Tây Vực Tuyết Sơn đẳng xứ hữu chi, giai ký thử gian ái thưởng giả, ngôn kỳ tự nhi dĩ. Lục thời xuất âm, tắc tri Tịnh Độ bất dĩ điểu thê vi dạ. Lương dĩ liên hoa thác sanh chi thân, bổn vô hôn thùy, bất giả dạ ngọa dã. Ngũ Căn đẳng giả, Tam Thập Thất Đạo Phẩm dã. Sở vị Tứ Niệm Xứ, nhất Thân Niệm Xứ, nhị Thọ Niệm Xứ, tam Tâm Niệm Xứ, tứ Pháp Niệm Xứ.
(解) 種種奇妙雜色。言多且美也。下略出六種。舍利。舊云鶖鷺。琦禪師云是春鶯。或然。迦陵頻伽。此云妙音。未出殼時。音超眾鳥。共命。一身兩頭。識別報同。此二種。西域雪山等處有之。皆寄此間愛賞者。言其似而已。六時出音。則知淨土不以鳥棲為夜。良以蓮華託生之身。本無昏睡。不假夜臥也。五根等者。三十七道品也。所謂四念處。一身念處。二受念處。三心念處。四法念處。
(Giải: “Chủng chủng kỳ diệu tạp sắc” ý nói [các loài chim trong cõi Cực Lạc] đã nhiều còn đẹp. Tiếp đó, kinh nêu đại lược sáu loại. Xá-lợi, thời cổ dịch là Thu Lộ, Kỳ thiền sư nói nó chính là chim Xuân Oanh, chắc có lẽ là đúng. Ca-lăng-tần-già, cõi này dịch là Diệu Âm. Chim này khi chưa ra khỏi vỏ trứng, tiếng hót của nó đã vượt trỗi các loài chim khác. Cộng Mạng là chim có hai đầu một thân, mỗi đầu có thần thức khác biệt, nhưng có chung một báo thân. Hai loại chim này có ở những nơi như Tuyết Sơn v.v... bên Tây Vực. Đều là mượn tên những loài chim được yêu thích, tán thưởng trong cõi này để tạm mô tả [những loài chim trong cõi Cực Lạc] mà thôi. [Do kinh chép] “sáu thời vang tiếng hót” nên biết là trong Tịnh Độ chẳng coi chim đậu là đêm[2]; ấy là vì thân sanh từ hoa sen sanh ra, vốn chẳng có buồn ngủ, nên đêm chẳng cần ngủ. Ngũ Căn v.v... là nói về ba mươi bảy đạo phẩm, nghĩa là: Tứ Niệm Xứ gồm một là Thân Niệm Xứ, hai là Thọ Niệm Xứ, ba là Tâm Niệm Xứ, bốn là Pháp Niệm Xứ).
“Chủng chủng kỳ diệu tạp sắc chi điểu” nghĩa là chủng loại rất nhiều. Tiếp đó, kinh văn chỉ nêu đại lược sáu loài. Bạch hạc, chim công, chim vẹt, đều là những thứ ai cũng biết, chẳng cần phải bàn tới. “Xá-lợi” (Śāri), thời cổ dịch là Thu Lộ, Kỳ thiền sư[3]đời Tống bảo nó là chim Xuân Oanh, cũng có lý. “Ca-lăng-tần-già” (Kalavinka) là tiếng Phạn, dịch thành Diệu Âm. Khi chim chưa ra khỏi vỏ trứng đã có thể hót tiếng du dương. Cộng Mạng (Jivajivaka) là loại chim một thân hai đầu, có hai thần thức. Tại Trung Quốc, chưa hề thấy loại chim này. Tương truyền, ở núi Hỷ Mã Lạp Nhã (Himalaya) có loại chim này. Nhằm ứng với những loài chim xinh đẹp người đời ưa thích, A Di Đà Phật dùng thần lực biến hiện nhiều loài chim đẹp đẽ chẳng có trong nhân gian. Do Tây Phương không có tối tăm, nên loài cầm điểu thuyết pháp suốt ngày đêm sáu thời không gián đoạn. Người trong cõi Tây Phương liên hoa hóa sanh, vốn không ngủ nghỉ; vì thế, ăn uống lẫn ngủ nghê đều chẳng cần. Khi tinh thần con người sung mãn thì thời gian ngủ rất ít. Người thật sự có công phu, ít vọng niệm, ít phiền não, tinh thần bị tiêu hao cũng ít. Thuở đức Phật tại thế, quy định các đệ tử chỉ ngủ trong lúc Trung Dạ, tức là mười giờ đi ngủ, hai giờ đêm thức dậy. Hiện thời có người ngủ tám tiếng vẫn chưa đủ, lãng phí thời gian tốt đẹp nhất, thật là đáng tiếc. Hễ tinh thần tốt đẹp, nhất định cuộc sống sẽ sung sướng.
“Ngũ Căn đẳng giả, tam thập thất đạo phẩm dã” (Ngũ Căn v.v... là ba mươi bảy đạo phẩm). Câu này là nói tổng quát. Trong kinh chỉ nói bốn thứ “Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần”. Ba mươi bảy đạo phẩm được chia thành bảy loại, Ngẫu Ích đại sư bổ sung ba thứ còn lại để nói. Ba thứ ấy là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc. Thông thường, chúng ta chỉ biết ba mươi bảy đạo phẩm là pháp Tiểu Thừa; thật ra, pháp này chung cho cả Tiểu Thừa lẫn Đại Thừa. Trong kinh Niết Bàn, đức Phật dạy: “Nếu ai có thể quán Bát Chánh Đạo thì sẽ minh tâm kiến tánh”. Câu này giảng rõ ba mươi bảy đạo phẩm là pháp Đại Thừa. Trong Đại Trí Độ Luận, Long Thọ Bồ Tát cũng nói ba mươi bảy phẩm không gì chẳng thâu nhiếp, vô lượng đạo phẩm đều nằm trong ấy. Ngài còn nói ba mươi bảy đạo phẩm bao gồm hết thảy Phật pháp Đại Thừa. Tây Phương là Đại Thừa viên đốn, há có Tiểu Thừa ư?
Tứ Niệm Xứ thuộc về Quán Trí, người ta thường gọi là nhân sinh quan, vũ trụ quan. Trong ấy có mê, có ngộ. Niệm (念) là trí huệ quán sát, chứ không phải ý niệm. Chữ Xứ (處) chỉ cảnh giới được quán. Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc có ích rất lớn cho người sơ học. Thường [có người] nói “tu học rất lâu, niệm Phật, tham Thiền, trì chú, tu Định, công phu đều chẳng đắc lực”, nguyên nhân là vì đã coi thường ba phương pháp tu học cơ bản này. Nhưng vì sao trong kinh đức Phật chẳng nói tới ba thứ này, mà lại bắt đầu bằng Ngũ Căn, Ngũ Lực? Vì Ngũ Căn, Ngũ Lực là pháp của người trong cõi Tây Phương tu hành; họ đã tu ba môn trước rồi, không cần phải nói lại nữa. Nhưng đối với hàng sơ học chúng ta thì nhất định phải nói rõ. Tứ Niệm Xứ là:
1) “Quán thân bất tịnh”: Thân chẳng sạch sẽ. Người tu hành lợi dụng thân thể để thành tựu đạo nghiệp, chẳng cần phải đắm đuối nó. Người thế gian lợi dụng nó để tạo nghiệp, đáng tiếc quá! Những thứ do thân thể bài tiết ra đều không sạch sẽ. Quán thân thể của chính mình bất tịnh, chẳng đáng tham ái, thì làm sao tham ái thân thể của người khác cho được? Muốn buông xuống hết thảy thân, tâm, thế giới thì phải bắt đầu từ cái thân của chính mình. Chẳng còn phải nhọc lòng vì cái thân thể này nữa thì mới có thể dưỡng sinh tốt đẹp. Người biết dưỡng sinh ít bệnh tật, có thể trường thọ. Thân thể con người và toàn thể vũ trụ là một. Thuận theo tự nhiên sẽ mạnh khỏe. Chẳng hạn như thức ăn trong mùa Đông phải ăn đồ mát, mùa Hạ phải ăn đồ nóng. Hiện thời con người làm ngược lại, hoàn toàn chẳng tương ứng với tự nhiên. Vì vậy, trăm thứ bệnh đổ ra. Thiên Nguyệt Lệnh trong bộ sách cổ Lễ Ký của Trung Quốc có nói về cách sinh sống, ăn ở, một năm bốn mùa mười hai tháng, mỗi tháng ăn gì đều ghi chép tường tận. Cách ăn và dùng loại củi nào để nấu đều quy định cặn kẽ, những điều này gần như đã thất truyền. Nguyên tắc dưỡng sinh trong Phật pháp là coi thân thể như một cỗ máy, thân phải động, tâm phải tịnh. Hiện thời, thân mọi người bất động, cốt sao nhàn hạ, sung sướng cái thân, còn tâm thì suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, hết sức tương phản. Người trong cõi Tây Phương thân Kim Cang bất hoại, chẳng cần ăn uống nên không bị bệnh tật.
2) “Quán Thọ thị khổ”: Con người suốt đời phấn đấu là vì lẽ gì? Đạt được gì? Đến tuổi già càng khổ, sống rất quạnh quẽ. Những chung cư dành cho người nhà ở Mỹ chăm sóc người già kể ra cũng chu đáo, nhưng vẫn khó tránh khỏi bệnh tật rề rề, khổ vì nằm bẹp giường, chỉ ngồi ăn đợi chết mà thôi. Đức Phật nói tam giới đều khổ. Cũng có lúc vui, nhưng thời gian vui chẳng dài, vui rồi lại khổ nên gọi là Hoại Khổ, chẳng khổ chẳng vui là Hành Khổ, vì nó dời đổi không ngừng, biến hóa vô thường. Nói thật đấy! Người học Phật cuộc sống khác hẳn, có viễn cảnh tương lai sáng sủa. Niệm Phật thân tâm thanh tịnh, đọc kinh sẽ khai ngộ. Huống chi kinh dạy: “Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền tương lai, nhất định thấy Phật”. Cư sĩ Bành Tế Thanh đã chép trong Vãng Sanh Truyện chẳng ít vị nam nữ tại gia cư sĩ lúc lâm chung biết trước lúc mất. Nói chung [những người ấy] sống vào cuối đời Minh, đầu đời Thanh. Bốn chục năm qua, tại Đài Loan, tôi đích thân mắt thấy tai nghe người đứng qua đời, người ngồi mà mất, chứng tích đều hãy còn, tuyệt đối chẳng phải là bịa chuyện.
3) “Quán tâm vô thường”: Người thế gian khổ nhất là ý niệm nẩy sanh không ngừng. Đấy là tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay, đó cũng là nhân tạo nên luân hồi trong lục đạo. Phật giáo tuy có nhiều pháp môn, nhưng đều nhằm mục đích tu Định, phương pháp khác nhau, nhưng mục đích là một. Định là bổn tâm, ý niệm là vọng tâm. Làm thế nào để trừ bỏ vọng tâm, khôi phục bổn tâm, đấy là công phu thật sự. Vọng tâm là cội nguồn của hết thảy vọng tưởng, phiền não. Chẳng những khi thức nó nẩy sanh liên tục không ngừng, mà khi ngủ nó cũng biến thành mộng. Vọng tâm sanh diệt trong từng sát-na, thấy hết thảy cảnh giới đều là sanh diệt. Trong kinh Phật nói hết thảy pháp bất sanh bất diệt, chúng ta nhìn không ra. Phật dùng Định tâm chẳng sanh diệt nên thấy hết thảy pháp bất sanh bất diệt. Chúng ta dùng cái tâm sanh diệt để nhìn hết thảy pháp nên hết thảy pháp đều có sanh diệt. Chẳng hạn như, hết thảy động vật đều có sanh, lão, bệnh, tử. Đức Phật nói bất sanh bất diệt là thật, sanh diệt là giả. Không có ý niệm là nhất tâm, những gì được hiện bởi nhất tâm là chân. Đấy là Nhất Chân pháp giới. Hễ ý niệm dấy lên thì sẽ thấy mười pháp giới. Vọng tâm vô thường, hãy nên bỏ đi, phải tích cực tu Định, người trong thế giới Tây Phương đều giữ được chân tâm thường trụ. Thường trụ là bất động. Chúng ta tập khí nặng nề, lại thêm hoàn cảnh quyến rũ, mê hoặc, khó thể thường trụ bất động.
4) “Quán pháp vô ngã”: Ba thứ đầu trong Tứ Niệm Xứ thuộc về nhân sinh quan của bản thân chúng ta. Loại thứ tư chính là vũ trụ quan. Chữ Ngã trong “quán pháp vô ngã” có nghĩa là “tự tại”. Kinh Kim Cang dạy: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Kinh còn dạy: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Đấy là “quán pháp vô ngã”. Mọi người thường cho rằng hết thảy pháp đều có thật; do vậy, khởi lên lắm thứ phiền não như tham, sân, si, mạn. Kẻ ngu muội ngỡ thân có thật, hết thảy vạn vật cũng có thật; do vậy, hết sức đoạt lấy, tạo tác Thập Ác, chẳng mảy may cân nhắc, e dè, nhưng tạo nghiệp ắt có quả báo. Đời sau phải đền trả, sợ rằng phải mang lông đội sừng. Người đầu óc tỉnh táo chẳng tạo ác nghiệp, biết đời người sống trong cõi này, hết thảy thụ dụng đều có số mạng định sẵn, chẳng cần phải mong cầu xằng bậy. Kẻ thông minh hơn thì biết tuy số mạng đã định sẵn, nhưng làm lành có thể xoay chuyển số mạng. Bậc có đại trí huệ có thể thoát khỏi tam giới, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi.
Tứ Niệm Xứ thuyết minh chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Người học Phật trọn chẳng có ưu lự, chẳng vì riêng mình mà tính toán tương lai, đoạn ác, tu thiện, hết thảy tạo tác chẳng suy tính cho chính mình, mà nghĩ tưởng cho đại chúng. Hành như thế thì hoàn cảnh sinh hoạt ắt sẽ mỗi ngày chuyển biến dần dần tốt đẹp hơn. Dẫu trong đời trước có oan gia đối đầu thì đến cuối cùng cũng biến thành bạn tốt, hết thảy chướng ngại cũng dần dần hóa giải. Đời sống phải chú trọng tiết kiệm, tiết kiệm một phần sẽ có thể giúp đỡ người khác một phần. Điều này có thể thực hiện được, chứ không phải là một yêu cầu cao xa gì! Do chúng ta coi thường bốn cách tu trì này mà công phu chẳng đắc lực, trí huệ chẳng mở mang, tam-muội chẳng thành. Nếu lưu ý những điều này, buông thân, tâm, thế giới xuống, hy sinh mình vì người khác thì chẳng những công phu đắc lực, mà còn tăng trưởng phước huệ, tín tâm ngày càng mạnh, trong cuộc sống sẽ cảm nhận được nhiều cảm ứng, [những thứ cảm ứng ấy] tuyệt đối là chân thật, chẳng hư dối!
(Giải) Tứ Chánh Cần: Nhất, dĩ sanh ác pháp linh đoạn, nhị, vị sanh ác pháp linh bất sanh, tam, vị sanh thiện pháp linh sanh, tứ, dĩ sanh thiện pháp linh tăng trưởng. Tứ Như Ý Túc: Nhất, Dục Như Ý Túc, nhị, Tinh Tấn Như Ý Túc, tam, Tâm Như Ý Túc, tứ, Tư Duy Như Ý Túc.
(解) 四正勤。一。已生惡法令斷。二。 未生惡法令不生。三。未生善法令生。四。已生善法令增長。四如意足。一。欲如意足。二。精進如意足。三。心如意足。四。思惟如意足。
(Giải: Tứ Chánh Cần: 1. Pháp ác đã sanh khiến đoạn. 2. Pháp ác chưa sanh làm cho chẳng sanh. 3. Pháp thiện chưa sanh khiến sanh. 4. Pháp thiện đã sanh khiến cho tăng trưởng. Tứ Như Ý Túc: 1. Dục Như Ý Túc. 2. Tinh Tấn Như Ý Túc. 3. Tâm Như Ý Túc 4. Tư Duy Như Ý Túc)
Ba mươi bảy đạo phẩm chia thành bảy loại lớn, còn gọi là “bảy khoa”. Thứ nhất là Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ là dùng trí huệ quán sát vũ trụ và nhân sinh, đấy là “thấy thấu suốt” (khán phá). Thấy thấu suốt rồi mà nếu chẳng tích cực đoạn ác tu thiện thì sẽ biến thành tiêu cực. Do vậy, lại nói tới khoa thứ hai là Tứ Chánh Cần. “Cần” (勤) là siêng năng gắng sức đoạn ác tu thiện. Tiêu chuẩn thiện ác xưa nay, trong nước, ngoài nước khác nhau, có sai khác đôi chút, hãy nên lấy Phật pháp làm chuẩn. Phật pháp lấy Giới Luật làm chuẩn. Giới khác Thiện. Mục đích của Thiện là được phước, mục đích của Giới là đắc Định. Giới có thể xuất tam giới, nhưng phước báo thì chẳng thể. Kinh luận nói bậc chứng quả La Hán liền vượt thoát tam giới, sở chứng của họ là Cửu Thứ Đệ Định, nghĩa là loại Thiền Định xuất thế gian. Những thứ như Tứ Thiền Bát Định được gọi là Thiền Định thế gian. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật đã từng nói “những gì tương ứng với tự tánh thì là thiện, nhũng gì chẳng tương ứng tự tánh là ác”. Tiêu chuẩn này rất cao, thực hiện cũng khó. Nếu nói theo tiêu chuẩn của Tịnh Tông thì thực hiện hoàn toàn chẳng khó khăn gì!
Phật hiệu là danh hiệu của tánh đức, niệm một câu A Di Đà Phật chính là “xứng tánh khởi tu, toàn thể tu chính là tánh”. Chẳng có mấy người niệm Phật thật sự biết đạo lý trong ấy: “Từng tiếng Phật hiệu đều tương ứng với tự tánh”. Niệm Phật là điều lành nhất trong những điều lành, đạt đến tột cùng điều thiện. Nếu chẳng thể đạt đến cảnh giới này thì cũng có thể lùi xuống mong cầu mức độ thấp hơn, tức là lấy Giới Luật làm chuẩn mực. Nói theo người hiện thời, trì giới là “vâng giữ phép tắc”. Giới (戒) là răn cấm, Luật (律) là pháp luật. Đức Phật chế định Giới Luật không giống với pháp luật thế gian. Pháp luật thế gian nhằm duy trì luân thường, đạo lý, giữ cho xã hội an định, hòa bình; còn Giới Luật của Phật pháp nhằm làm cho chúng sanh ra khỏi tam giới, thoát luân hồi, mục đích khác nhau. Văn kiện pháp luật thế gian cứ sau bao nhiêu năm là phải sửa đổi, điều chỉnh, vì xã hội biến đổi rất lớn. Pháp luật xưa nay, trong nước, ngoài nước đều khác nhau. Giới Luật nhà Phật ngàn đời bất biến, do nó siêu việt thời gian và không gian. Giới Luật do đức Phật chế định từ ba ngàn năm trước thích hợp với con người thuộc bất cứ thời đại ấy, giúp họ đắc Định, khai Huệ, liễu sanh tử, thoát tam giới. Ngày nay, căn cứ vào Giới Luật trước kia để tu trì thì vẫn có thể đắc Định, khai Huệ, liễu sanh tử, thoát tam giới giống hệt như vậy!
Nhà Phật thường nói đến Tam Tụ Tịnh Giới[4]. Trong Giới Luật, phần lớn nói về Oai Nghi, tức những quy định, khuôn phép trong cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn như Cụ Túc Giới của người xuất gia gồm hai trăm năm mươi điều, trong ấy, những điều thật sự là Giới Luật không nhiều, chỉ có bốn giới trọng, tức “giết, trộm, dâm, dối”. Tiếp theo là mười ba điều gọi Tăng Tàn Giới[5], tổng cộng gồm mười bảy điều là Giới Luật. Những điều khác liên quan đến oai nghi, xử thế, đãi người, tiếp vật, sinh hoạt thường nhật, ăn uống, cử động. Những điều ấy cũng giống như văn kiện mang tánh chất kỷ niệm, vì cuộc sống hiện tại của chúng ta và người thời cổ Ấn Độ đã hoàn toàn khác nhau, phải hiểu rõ tinh thần thật sự của Giới Luật rồi mới có thể biết trì giới như thế nào. Trên phương diện vận dụng thì phải tuân thủ pháp luật, phong tục, tập quán của con người hiện đại, nhập gia tùy tục[6], đến bất cứ quốc gia nào cũng phải sao cho thích ứng với bối cảnh văn hóa, phong tục, tập quán của nước ấy. Hễ đến một địa phương khác thì phải hòa lẫn thành một khối với địa phương ấy, để khỏi đến nỗi nẩy sanh hiểu lầm. Đức Phật nói: “Hễ những gì là tự lợi thì đều là ác, phàm những gì lợi tha thì đều là thiện”. Lễ Phật, lễ Bồ Tát tuy cũng gọi là thiện, nhưng cái đạt được là phước. Nếu muốn [nhờ vào đó để] đắc Định, liễu sanh tử, thoát tam giới thì chẳng thể được. Qua kinh luận, chúng ta đọc thấy rất nhiều: Luân hồi trong tam giới lục đạo do chính mình tạo ra. Nguyên nhân chủ yếu là Ngã Chấp, khởi tâm động niệm đều có Ngã, gia đình của ta, tài sản của ta, đấy là cái nhân tạo ra luân hồi. Nếu chuyển được ý niệm, nghĩ đến hết thảy chúng sanh trong quốc gia và trên thế giới, tâm lượng mở rộng, Ngã Chấp sẽ dần dần nhạt bớt, từ từ bỏ được Ngã Chấp, lục đạo luân hồi sẽ không còn nữa. Vì sao người niệm Phật lúc lâm chung chẳng thể vãng sanh? Chính là vì tham luyến người nhà, quyến thuộc, tài sản, sự nghiệp của chính mình, bỏ không được. Sau khi chết đi sẽ thành quỷ giữ thây. Ở Mỹ, nghe nói có rất nhiều ngôi nhà có ma, [là vì những người chủ nhà] chết đi rồi vẫn bỏ không được căn nhà ấy. Đấy đều là vì Ngã Chấp quá nặng, niệm niệm luôn nghĩ đến hạnh phúc của chính mình, sai lầm quá đỗi!
Tứ Chánh Cần gồm bốn điều, ở đây tôi chia ra trình bày như sau:
1) “Ác pháp đã sanh khiến dứt”: Phàm những chuyện gì lợi mình tổn người đều là ác, nhất định phải đoạn dứt, từ nay trở đi không làm nữa! Quả báo của ác niệm và ác hạnh là trong tam ác đạo. Nếu đã tạo ác niệm, ác hạnh thì từ nay trở đi đừng làm nữa. Không có ác duyên nên cũng chẳng bị đọa vào tam đồ. Nhân quả chẳng thể tiêu được, nhân chẳng thể nắm bắt được, nhưng duyên thì có thể nắm bắt. Đoạn trừ ác duyên khiến cho thiện duyên tăng trưởng thì quả báo mong mỏi sẽ có thể đạt được.
2) “Ác pháp chưa sanh khiến cho chẳng sanh”: Thời thời, khắc khắc luôn đề phòng sợ phạm lỗi ác niệm, ác hạnh, ác khẩu, chẳng để cho chúng nẩy sanh, ắt phải chú trọng cả Sự lẫn Lý. Nếu chẳng hiểu thấu triệt lý luận, dù hết sức đè nén chúng trên mặt Sự vẫn khó thể đạt được. Nói cách khác, mức độ nhẫn nại có hạn. Nếu lý luận dung hợp sự thật, sẽ nhẫn nại vô hạn. Về Lý thì phải đọc kinh, về Sự thì tốt nhất là niệm Phật. Chúng ta là phàm phu, tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay chưa đoạn, vọng niệm và ác niệm có thể khởi lên bất cứ lúc nào, có lúc chẳng khống chế chúng được. Ý niệm vừa dấy lên, ngay lập tức niệm Phật, ác niệm sẽ chẳng tiếp tục nữa. Một câu Phật hiệu là Giác.
3) “Pháp thiện chưa sanh khiến sanh”: Trong kinh, đức Phật nói rất nhiều thiện pháp, chúng ta chẳng nghĩ tới mà cũng chưa làm được. Phải thường đọc kinh Phật, lại còn phải đọc nhuyễn nhừ, ghi nhớ trong lòng, hễ gặp cảnh giới hiện tiền, lời Phật giáo huấn sẽ bừng bừng phát sanh. Thời cổ, cuộc sống an định, quan hệ giữa con người với nhau tốt đẹp. Đọc sách thánh hiền, ghi nhớ kỹ càng giáo huấn của thánh hiền trong lòng, chẳng đến nỗi trái nghịch quá mức. Phật pháp truyền sang Trung Quốc đã hai ngàn năm, dân gian cũng lấy giáo huấn của Phật làm tiêu chuẩn. Từ sau cuộc vận động Ngũ Tứ[7]đầu thời Dân Quốc, “đả đảo Khổng gia điếm”[8], không đọc sách Nho nữa. Phật pháp thuộc về tôn giáo, là mê tín, cũng bỏ đi. Cuộc sống không còn tiêu chuẩn để noi theo nữa! Trong thời đại này, đặc biệt hữu hiệu là chân tướng nhân sinh vũ trụ như trong Phật pháp đã giảng. Phật pháp chẳng phải là những giáo thuyết do những tôn giáo tôn thờ thần thánh lập ra, mà cũng chẳng phải là một tôn giáo nhằm mục đích khuyến thiện, mà thực sự là một nền giáo dục cao tột vô thượng. Những giáo huấn hết sức quý báu của cổ thánh tiên hiền Trung Quốc cũng rất nhiều. Trong bốn mươi năm đầu thời Dân Quốc, tại các trường đại học ở Đài Loan có mấy vị giáo sư dốc sức gìn giữ và xiển dương nền văn hóa cố hữu. Thuở ấy, ở Đài Bắc có một viện bảo tàng nghệ thuật văn hóa, người chủ trì là một vị giáo sư đại học của Đài Loan, chuyên in những cổ thư Trung Hoa. Về sau, Thương Vụ Ấn Thư Quán cũng đem bộ Tứ Khố Toàn Thư in ra. Thế Giới Thư Cục cũng in bộ Tứ Khố Hội Yếu[9]. Đại Tạng Kinh cũng được in mấy lần. Đối với công tác duy trì, bảo vệ sách vở cổ, quả thật đảo báu Đài Loan đã có cống hiến. Tuy xuất bản thật phong phú, nhưng nếu không có người đọc thì có khác gì giấy lộn? Phân lượng của bộ Tứ Khố Toàn Thư quá lớn, mỗi cá nhân đọc suốt đời cũng không hết. Tôi nghĩ như thế này: Trích lục những câu văn tinh yếu trong bộ sách ấy, nhất là những lời giáo huấn cần thiết nhất cho xã hội chúng ta hiện thời như tu thân, tề gia, luân lý, đạo đức, tha thứ, thông cảm lẫn nhau, chung sống hòa bình. Đối với toàn thể nhân loại [những lời giáo huấn ấy] đều là nhu cầu bức thiết. Sau khi hội tập, biên soạn thành một cuốn sách nhỏ lưu truyền trong cõi đời, đối với đại chúng sẽ có lợi ích không gì lớn bằng.
4) “Pháp thiện đã sanh khiến cho tăng trưởng”: Đã làm chuyện lành thì tiếp tục làm cho tăng trưởng, chẳng để nó lui sụt.
Tứ Niệm Xứ là thấy thấu suốt, Tứ Như Ý Túc là buông xuống. Buông xuống là tự tại, Như Ý là “quay đầu”. Nhà Phật nói “hồi đầu thị ngạn” (quay đầu là bờ). Trong quá khứ, người phú quý tay thường cầm một cây Như Ý[10]. Đầu cây Như Ý uốn cong vòng lại, chính là nhằm biểu thị pháp, phải biết “hồi đầu”. Đức Phật dạy bốn việc:
1) Thứ nhất là Dục Như Ý Túc. Dục (欲) là dục vọng, bất luận là vật chất hay tinh thần hãy đều nên biết đủ. Hễ biết đủ sẽ được đại tự tại. Hưởng thụ vật chất không cần phải truy cầu (mong cầu, theo đuổi) quá lố. Truy cầu vật chất không thể nào chẳng tạo nghiệp, phước báo tuy có cũng sẽ bị giảm bớt. Nếu xoay chuyển ý niệm, vì xã hội, đại chúng tạo phước thì sẽ được vui sướng ngay trong ấy. Nếu chỉ vì chính mình mà truy cầu, ắt sẽ có được, mất. Hễ có mất, ắt sẽ đau khổ. Nếu vì đại chúng, chuyện chẳng thành tựu thì là đại chúng vô phước, ta chẳng thẹn với lòng.
2) Thứ hai là Tinh Tấn Như Ý Túc. Dùng cách nói hiện thời để giải thích câu này thì là “thường lạc”. Trên phương diện tu trì, hễ có lãnh ngộ thì bất luận tiến nhiều hay tiến ít, trong tâm ắt cảm thấy vui sướng.
3) Thứ ba là Tâm Như Ý Túc. Từ ngữ này có khi được dịch là Niệm Như Ý Túc, có nghĩa là “an tâm”. Mọi sự chỉ cầu sao cho tâm được yên.
4) Thứ tư là Tư Duy Như Ý Túc, có nghĩa là “lý đắc” (thấu hiểu lý). Trong thế gian, người có hạnh phúc chân thật nhất chính là người chẳng bỏ uổng một đời, sống có giá trị, có ý nghĩa, không gì hơn niệm Phật vãng sanh, viên thành Phật đạo. Vấn đề là làm thế nào để tâm an trụ trong pháp môn Niệm Phật. Người ta thường nghe rồi chẳng thể tiếp nhận là vì nghĩ trong kinh luận Đại Thừa còn có những pháp môn thù thắng hơn, sao chẳng tận hết sức học rộng, nghe nhiều, sẽ có ích cho sự tu hành? Có kiểu suy tưởng này thì quả thật là vì người ấy vẫn chưa hiểu trọn vẹn lý luận. Trong một đời, nếu gặp được một vị thầy tốt, cùng với đồng tu đạo hữu tốt dùi mài lẫn nhau thì còn có hy vọng thành tựu, nhưng [điều này] chỉ có thể gặp, chứ không thể cầu. Nếu chẳng gặp được thiện tri thức, thì lại nên như thế nào? Trong thời đại hiện tại, tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng. Gặp phải một gã tà sư, bị hắn ta dạy dỗ sai lầm! Điều gì được nghe đầu tiên sẽ là chánh yếu. Nếu gặp gỡ chánh pháp, ngược ngạo sanh lòng chống đối, không có khả năng phân biệt đúng, sai, chân, vọng, chịu thua thiệt to lớn thì thật đáng sợ quá! Tu học trong thời này, chẳng thể không chú ý, cẩn thận. Điều thứ nhất là phải nhận biết bản chất của Phật giáo: Phật pháp là nền giáo dục viên mãn chí thiện đối với hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới. Đức Phật nói hết thảy pháp trong bốn mươi chín năm, nội dung chính là nói rõ chân tướng vũ trụ và nhân sinh. Để hiểu rõ chân tướng, lý đắc thì tâm an, chỉ có một phương pháp là đọc kinh. Cổ nhân dùng đọc tụng kinh điển để nhập môn, thông thường lấy năm năm làm hạn, nghe lời thầy chỉ dạy. Các tông phái khác nhau [sẽ phải đọc tụng các kinh luận khác nhau]. Như học Hoa Nghiêm thì phải đọc kinh Hoa Nghiêm, hễ không thuộc sẽ không có cách nào quán chiếu được! Mấy năm gần đây, có người đến hỏi tôi nhập môn như thế nào? Tôi nói: “Đọc Vô Lượng Thọ Kinh mỗi ngày ba biến. Trước hết, hãy đọc ba năm. Đọc xong ba ngàn biến sẽ biết đãi người, xử thế như thế nào, sẽ tâm an lý đắc trong cuộc sống, pháp hỷ sung mãn, niệm một câu A Di Đà Phật mới đắc lực”.
Kinh này không nhắc tới cả ba khoa trên đây là vì nói theo thói quen: Nói phần sau sẽ bao gồm cả phần trước, dẫu không nói thì vẫn được bao gồm trong ấy. Ba khoa gồm mười hai điều (tức Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần và Tứ Như Ý Túc) trong phần này, người Tây Phương đã sớm tu hành viên mãn. Đại sư chú giải kinh vẫn nhắc tới [những khoa mục này] là vì muốn giảng trọn vẹn [ba mươi bảy đạo phẩm] cho chúng sanh trong đời sau. Mười hai khoa này có ích rất lớn đối với người niệm Phật. Công phu Niệm Phật chẳng đắc lực, nguyên nhân chủ yếu là vì xem nhẹ mười hai khoa mục tu hành này. Do vậy, người niệm Phật đối với mười hai khoa mục này phải đặc biệt lưu ý. Hãy đoạn trừ quan niệm tự lợi, luôn luôn dấy lên ý niệm lợi người nhằm tạo phước cho xã hội, buông thân, tâm, thế giới xuống, biết đủ, thường vui, tâm an, lý đắc, tín nguyện trì danh, lẽ nào chẳng vãng sanh?
(Giải) Ngũ Căn giả, tín chánh đạo, cập trợ đạo pháp, danh Tín Căn. Hành chánh đạo cập chư trợ đạo thiện pháp, cần cầu bất tức, danh Tinh Tấn Căn. Niệm chánh đạo cập chư trợ đạo thiện pháp, cánh vô tha niệm, danh Niệm Căn. Nhiếp tâm tại chánh đạo cập chư trợ đạo thiện pháp trung, tương ứng bất tán, danh Định Căn. Vị chánh đạo cập chư trợ đạo thiện pháp, quán ư Khổ đẳng Tứ Đế, danh Huệ Căn.
(解) 五根者。信正道及助道法。名信根。行正道及諸助道善法。勤求不息。名精進根。念正道及諸助道善法。更無他念。名念根。攝心在正道及諸助道善法中。相應不散。名定根。為正道及諸助道善法。觀於苦等四諦。名慧根。
(Giải: Ngũ Căn: Tin vào chánh đạo và pháp trợ đạo, gọi là Tín Căn. Hành chánh đạo và các thiện pháp trợ đạo, siêng cầu chẳng nghỉ, gọi là Tinh Tấn Căn. Niệm chánh đạo và các thiện pháp trợ đạo, trọn không có niệm nào khác, gọi là Niệm Căn. Nhiếp tâm nơi chánh đạo và các thiện pháp trợ đạo, tương ứng, chẳng tán loạn, gọi là Định Căn. Vì chánh đạo và các thiện pháp trợ đạo mà quán Tứ Đế như Khổ v.v... thì gọi là Huệ Căn)
Đây là khoa thứ tư trong ba mươi bảy đạo phẩm. “Căn”(根) là nói tỷ dụ, như thảo mộc có rễ, có thể sanh trưởng, mang ý nghĩa gìn giữ, nên gọi là Căn. Tổng cộng gồm năm điều, tức là “Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ”. Khoa mục tiếp theo là Ngũ Lực, danh xưng hoàn toàn tương đồng. Trong kinh Di Đà, đức Phật nói: Người trong thế giới Tây Phương, bất luận từ xứ nào sanh về, phẩm vị cao hay thấp, đều phải tu học năm điều này.
1) Tín Căn: Tín là tin vào chánh đạo. Đức Phật nói rất nhiều pháp môn đều là chánh đạo, nhưng hoàn toàn chẳng thể thích hợp với căn cơ của hết thảy mọi người. Như vào tiệm thuốc, trăm ngàn thứ thuốc tễ đều là thuốc hay, tùy theo căn bệnh mà cắt thuốc, uống vào sẽ hết bệnh. Do vậy, cổ đức thường răn dạy chúng ta phải chọn lựa pháp môn để thâm nhập một môn, còn chuyện quảng học đa văn là vì [lợi lạc] người khác. Nếu muốn làm thầy thuốc thì thứ gì cũng phải hiểu. Quý vị biên toa thuốc là cho người khác uống, chứ không phải để chính mình uống. Người tu Tịnh Độ lấy “tín, nguyện, trì danh” làm chánh đạo. Trong ba kinh một luận Tịnh Độ có rất nhiều phương pháp đoạn ác tu thiện, như ba phước trong Quán Kinh đều thuộc về pháp trợ đạo, giúp chúng ta thành tựu nhất tâm bất loạn và Niệm Phật tam-muội. Nếu tin sâu chẳng nghi những điều này thì là “có Căn”. Nếu nghe pháp môn này cũng sanh lòng hoan hỷ, nhưng chưa hạ quyết tâm, tức là có Tín nhưng không có Căn. Hoặc là Thiền Tịnh Song Tu, Mật Tịnh Song Tu cho đến Mật Tịnh Thiền Tam Tu đều là “không có Căn”. Nếu Tín có Căn thì sẽ khởi lên tinh tấn.
2) Tấn Căn: Tinh tấn là chân tu, Tinh (精) là tinh thuần, Tấn (進) là chẳng lùi. Nếu có Tấn mà chẳng tinh ròng thì là Tạp Tấn, sức mạnh bị phân tán, tinh thần chẳng thể tập trung. Tín và Tấn nếu không có Căn, xét đến nguyên nhân vẫn là do thiếu sót cơ sở tốt đẹp là mười hai điều trong ba khoa trước. Phân tích tỉ mỉ, ngày nay niệm Phật chẳng đắc lực, tinh thần tán loạn, muốn cho thân tâm thanh tịnh, công phu đắc lực thì chẳng thể không càng thêm nghiêm túc tu tập ba khoa trước, chẳng mệt mỏi, chẳng biếng nhác. Trong học tập, phát sanh pháp hỷ và phát sanh trí huệ.
3) Niệm Căn: Niệm chánh đạo và các thiện pháp trợ đạo, không nghĩ gì khác. Trong mười hai thời, thường niệm danh hiệu Phật, đấy chính là pháp chánh đạo; thường nghĩ tới lời Phật giáo huấn, đấy là trợ đạo thiện pháp. Hoàn toàn không xen tạp vọng niệm; niệm như vậy thì mới có thể sanh ra sức mạnh, tự có cảm ứng. Phiền não, vọng niệm ít đi thì tâm thanh tịnh, trí huệ tăng trưởng. Đấy chính là hiệu quả tương ứng. Đọc kinh hiểu rõ hơn trước, càng niệm càng cảm thấy có ý nghĩa mới mẻ, pháp vị mới mẻ, công phu càng sâu, thấu hiểu càng rộng.
4) Định Căn: Nhiếp tâm nơi chánh đạo và các thiện pháp trợ đạo, tương ứng không tán loạn. Các địa vị Bồ Tát đều chẳng tách rời phương pháp tu học này.
5) Huệ Căn: Chánh đạo và trợ đạo trọng yếu như nhau. Liên Trì đại sư coi “tín, nguyện, trì danh” là chánh đạo mà cũng coi đó là trợ đạo. Chánh Trợ Song Tu đều là tín nguyện trì danh. Những vị tổ sư đại đức khác cho rằng phép quán tưởng và quán tượng trong Quán Kinh là trợ đạo. Những khai thị ấy đối với người có thiện căn sâu dầy thì có ích không chi lớn bằng, nhưng đối với chúng ta thì chẳng đúng bệnh cho lắm. Là vì chúng ta trước hết phải hiểu rõ trạng huống thân tâm của chính mình, rồi lại còn phải coi trọng cả hiểu lẫn hành ba phước trong Quán Kinh và ba khoa trước [của ba mươi bảy đạo phẩm] trong sách Yếu Giải thì mới có hiệu quả thật sự.
Có những kẻ cho rằng chuyên niệm một bộ kinh dường như vẫn chưa đủ, cần phải học nhiều hơn. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ dạy người học Phật phải học nhiều kinh luận, cụ từng chỉ định từ mười đến hai mươi thứ, nhưng tôi dạy người học Phật phải chuyên, là vì tôi thấy có nhiều người khi lâm chung biết trước lúc mất, tự tại vãng sanh, lúc sống họ chưa từng đọc một bộ kinh nào. Đủ thấy một bộ kinh đủ lắm rồi, nhiều quá sẽ tạp. Chúng ta thấy Phật pháp mênh mông như sương khói tỏa trên mặt biển, làm sao không ngưỡng mộ, khâm phục? Hễ ngưỡng mộ, khâm phục sẽ mê! Do vậy, tôi thường nói “Phật pháp là mê cung”[11], người học Phật chẳng thể không cẩn thận. Phật Thích Ca không hề có ý gạt người, Ngài muốn phổ độ chúng sanh, chứ không chuyên độ một mình quý vị! Huống chi kinh Đại Thừa nói: “Một kinh thông, hết thảy kinh thông!” Như Huệ Năng đại sư của Thiền Tông, Sư chưa hề đọc một bộ kinh nào. Thiên thứ nhất trong Đàn Kinh thuật tiểu sử của Sư. Sư là người bán củi, đưa củi đến giao cho người ta, ngẫu nhiên nghe có người đọc kinh Kim Cang, Sư vừa nghe liền khai ngộ. Về sau, tới núi Hoàng Mai yết kiến Ngũ Tổ, Ngũ Tổ sai Sư làm việc nặng trong nhà bếp. Lão hòa thượng muốn truyền pháp, đệ tử Thần Tú giữ chức Thủ Tọa viết một bài kệ. Đại sư nghe xong bèn sửa lại [bài kệ ấy]. Do nhân duyên đó, Ngũ Tổ bèn đem y bát truyền cho Sư. Lúc ấy, Sư mới hai mươi bốn tuổi. Ngũ Tổ bảo Sư hãy bỏ trốn để lánh nạn. Giữa đường, Sư gặp tỳ-kheo-ni Vô Tận Tạng đem kinh Niết Bàn thỉnh giáo Sư. Kinh Niết Bàn có tới ba mươi sáu quyển. Sư nói Sư không biết chữ, bảo bà Vô Tận Tạng đọc cho Sư nghe. Sư nghe xong liền giảng giải cho Vô Tận Tạng, giảng hết một bộ. Ở Tào Khê, những chuyện giống như vậy thật nhiều. Như thiền sư Pháp Đạt niệm kinh Pháp Hoa ba ngàn biến mà vẫn chưa khai ngộ. Kinh Pháp Hoa gồm bảy quyển, niệm ba ngàn biến phải mất mười năm công phu. Tới thỉnh giáo ngài Huệ Năng, ngài Huệ Năng nói: “Ông đọc cho ta nghe!” Sư nghe xong hai phẩm, phẩm thứ hai là phẩm Phương Tiện, Lục Tổ liền giảng những ý nghĩa trong kinh giảng cho Pháp Đạt, Pháp Đạt nghe xong cũng khai ngộ.
Một kinh thông, hết thảy kinh thông. Chúng ta cần gì phải kiếm thêm phiền toái? Cứ nhờ vào một câu Phật hiệu, niệm đến nhất tâm bất loạn thì chính là Niệm Phật tam-muội, Định, Huệ hiện tiền. Định hiện tiền thì chẳng bị ngoại giới lay động, Huệ hiện tiền sẽ thông đạt hết thảy pháp thế gian lẫn xuất thế gian. Người thông minh chẳng làm chuyện ngốc nghếch. Tôi giảng kinh gần bốn mươi năm, ở Đài Trung, tôi theo học [kinh luận] với thầy Lý hơn ba mươi thứ, nhưng tôi thật sự dụng công chỉ có năm bộ kinh. Như kinh Hoa Nghiêm tôi chỉ nghe giảng một quyển, mà một bộ Hoa Nghiêm tôi cũng giảng được. Kinh Pháp Hoa và kinh Địa Tạng tôi đều chưa học, nhưng cũng đã giảng Pháp Hoa Đại Ý và kinh Địa Tạng. Kinh điển Thiền Tông là kinh Kim Cang tôi chưa từng học, Chứng Đạo Ca của ngài Vĩnh Gia, Tín Tâm Minh, Đại Châu Hòa Thượng Ngữ Lục[12]tôi cũng giảng rất nhiều lần, nhưng những thứ ấy tôi đều chưa học qua. Nếu thâm nhập một môn sẽ hiểu được tinh tủy của môn ấy, nhất là kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ đều là những bộ kinh Đại Thừa chẳng thể nghĩ bàn, phân lượng không nhiều, nhưng nội dung gần như không gì chẳng bao gồm, hết thảy pháp môn đều chẳng thể vượt ra ngoài phạm vi của hai kinh này. Nếu thâm nhập một môn, sẽ có thể dùng thời gian ít nhất mà thật sự đạt được Định - Huệ. Thông đạt Sự, Lý, nhất định phải chuyên, phải tinh thì mới có thể tương ứng, không tán loạn.
“Vị chánh đạo cập chư trợ đạo thiện pháp, quán ư Khổ đẳng Tứ Đế, danh Huệ Căn” (Vì chánh đạo và các thiện pháp trợ đạo mà quán Tứ Đế như Khổ v.v..., gọi là Huệ Căn). Phàm phu tuy thông minh, nhưng thiếu trí huệ, thông minh là do tâm ý thức sanh ra, còn trí huệ thì phải lìa tâm ý thức. Huệ là do Định sanh, tâm địa thanh tịnh có thể sanh ra trí huệ. Trí huệ hiện tiền, có thể nhận thức chánh đạo và trợ đạo rõ ràng, Tứ Niệm Xứ Quán chính là nhân sinh quan chánh xác đối với chân tướng của vũ trụ.
(Giải) Ngũ Lực giả, Tín Căn tăng trưởng, năng phá nghi hoặc, phá chư tà tín, cập phá phiền não, danh Tín Lực.
(解) 五力者。信根增長。能破疑惑。破諸邪信。及破煩惱。名信力。
(Giải: Ngũ Lực: Tín Căn tăng trưởng có thể phá nghi hoặc, phá các tà tín và phá phiền não, gọi là Tín Lực)
Lực (力) là tu hành có công phu. Cây cối đến giai đoạn trưởng thành liền có sức mạnh. Trong Tín có trí huệ chân thật. Quán Kinh nói ra chân lý sau đây: “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật” (Tâm này là Phật, tâm này làm Phật). Đây là lý luận căn bản nhất. Tin tưởng chắc chắn điều này chẳng nghi thì trong đời này sẽ nắm chắc vãng sanh. Trong Di Đà Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói Tín gồm có sáu thứ. Điều thứ nhất là phải Tín Tự, tức là [tin tưởng vào] cái được gọi là “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. Thế giới Cực Lạc và A Di Đà Phật là do tâm tánh của chính mình biến hiện, thế giới Sa Bà cũng là do tự tánh của chính mình biến hiện. Y báo và chánh báo chẳng tách rời tâm tánh, tâm tánh mới chính là “tạo vật chủ”(tạo hóa) thật sự. Thiền Tông nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Thiền dùng phương pháp tham cứu; chúng ta dùng phương pháp niệm Phật. Niệm đến mức Sự nhất tâm bất loạn liền đoạn phiền não. Niệm đến mức Lý nhất tâm bất loạn liền kiến tánh. Hiểu rõ đạo lý này thì nghi hoặc “có thể vãng sanh để một đời thành Phật hay không? Có thể thông đạt hết thảy pháp môn hay không” sẽ tiêu trừ. Do vậy nói “Tín Căn tăng trưởng, năng phá nghi hoặc” (Tín Căn tăng trưởng, phá được nghi hoặc).
“Phá chư tà tín, cập phá phiền não” (Phá các tà tín và phá phiền não): Ở đây, “tà tín” bao gồm hết thảy tín ngưỡng, thậm chí [những điều tin tưởng] của Tiểu Thừa Thanh Văn, Duyên Giác và Quyền Giáo Bồ Tát trong Phật giáo, [những thứ ấy] so với Đại Thừa đều là chẳng chánh. Nếu nâng lên mức cao hơn, nâng lên tới tiêu chuẩn tuyệt đối, chỉ có pháp môn Niệm Phật tín nguyện trì danh là chân chánh nhất trong các pháp chân chánh, những pháp môn Đại Thừa khác đều là những pháp thiên lệch trong các pháp môn được coi là chân chánh. Thiện Đạo đại sư nói: “Sở dĩ Như Lai xuất hiện trong cõi đời, chỉ nhằm nói ra Di Đà nguyện hải”.Tín tâm kiên cố sẽ có sức mạnh, tự nhiên phá được các phiền não. Phá sạch phiền não sẽ sanh về cõi Phương Tiện Hữu Dư.
(Giải) Tinh Tấn Căn tăng trưởng, phá chủng chủng thân tâm giải đãi, thành biện xuất thế đại sự, danh Tinh Tấn Lực.
(解) 精進根增長。破種種身心懈怠。成辦出世大事。名精進力。
(Giải: Tinh Tấn Căn tăng trưởng, phá các thứ biếng nhác nơi thân tâm, hoàn thành đại sự xuất thế, gọi là Tinh Tấn Lực).
Trong Đại Thừa Phật pháp, thiện căn duy nhất của Đại Thừa Bồ Tát là Tinh Tấn. Thiện căn thế gian gồm ba loại là “không tham, không sân, không si”. Tất cả hết thảy thiện pháp trong lục đạo của thế gian đều do ba thiện căn này sanh ra. Người ta làm bất luận chuyện gì cũng dễ dàng biếng nhác, lui sụt. Người tu pháp xuất thế gian đông đảo, nhưng người thành tựu ít ỏi, nguyên nhân là do biếng nhác, lui sụt. Đối với đại sự xuất thế gian mà luôn có thể tinh tấn, không lui sụt thì những chuyện nhỏ nhặt trong thế gian chẳng cần phải nói nữa. Chính mình thường trách móc tại sao công phu của bản thân không đắc lực, lấy niệm Phật để nói thì có người niệm ba năm, năm năm, chẳng có một tí hiệu nghiệm nào hết! Ấn Quang đại sư dạy: “Khi niệm Phật, vọng niệm xen tạp vào đấy thì đó là hiện tượng bình thường, chẳng cần phải bận lòng lo lắng. Hễ nó khởi lên, cứ mặc kệ nó, chỉ chú ý vào Phật hiệu”. Dẫu có vọng niệm cũng có thể nhờ nó để trắc nghiệm công phu của chính mình. Nói chung, ai trong khoảng thời gian tàn một cây hương (một tiếng rưỡi) mà có dăm ba vọng niệm thì công phu đã khá lắm rồi. Công phu như vậy cần phải mất ba năm. Nếu chẳng tích cực thì niệm ba mươi năm cũng chẳng đạt được! Nếu thật sự hiểu rõ sự thật, sẽ nhất định coi cầu sanh Tịnh Độ là đại sự bậc nhất trong một đời, ắt phải tinh tấn, không ăn cơm cũng chẳng sao, không có áo mặc cũng chẳng trở ngại gì, không có việc làm cũng không quan trọng, chứ không niệm Phật là không được. Dùng tinh thần ấy để niệm Phật, một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật. Xã hội này khổ nạn quá nhiều, lo buồn chẳng thể giải quyết được, hết thảy vọng tưởng, chấp trước, so đo đều chẳng thể giải quyết vấn đề. Nhất là sống trong thời đại này, khiến cho chúng ta cảm thấy đời người khó khăn, khổ sở. Nếu chẳng cầu thoát lìa thì chỉ có liên tục chịu tội mà thôi!
(Giải) Niệm Căn tăng trưởng, phá chư tà niệm, thành tựu nhất thiết xuất thế chánh niệm công đức, danh Niệm Lực.
(解) 念根增長。破諸邪念。成就一切出世正念功德。名念力。
(Giải: Niệm Căn tăng trưởng, phá các tà niệm, thành tựu hết thảy công đức chánh niệm xuất thế, gọi là Niệm Lực)
Những cách nhìn và cách nghĩ sai lầm vừa nói trong phần trên đều là tà niệm. Thậm chí, đối với Phật pháp cũng có những cách nhìn và cách nghĩ sai lầm giống như vậy thì sẽ gây trở ngại rất lớn trong sự tu học. Niệm Căn đắc lực thì hết thảy sai lầm không còn nữa. So sánh trên phương diện tu trì, pháp môn Tịnh Tông đơn giản hơn. Càng đơn giản, càng dễ thành tựu. Nhất tâm chuyên trì danh hiệu Di Đà, nhất tâm chuyên cầu vãng sanh Tịnh Độ thì niệm ấy có sức mạnh, những vọng niệm khác tự nhiên chẳng sanh. Nhất tâm có sức mạnh, nhị tâm sẽ phân tán. Khi trí huệ chưa hiện tiền, Định Huệ chưa thành tựu thì chánh hay tà đều chẳng liên quan gì đến ta, tạm thời bỏ chúng qua một bên. “Hết thảy công đức chánh niệm xuất thế” chính là tín nguyện trì danh, mà cũng là như Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm liên tục”. Có như vậy thì Niệm Căn mới có thể thành tựu.
(Giải) Định Căn tăng trưởng, năng phá loạn tưởng, phát chư Sự Lý Thiền Định, danh Định Lực.
(解) 定根增長。能破亂想。發諸事理禪定。名定力。
(Giải: Định Căn tăng trưởng, phá được loạn tưởng, phát khởi các Sự Lý Thiền Định, gọi là Định Lực).
Định phá được phiền não. Chữ “loạn tưởng” chỉ tham, sân, si, mạn, nghi. Định có thể phá được năm loại sai lầm lớn về mặt tư tưởng ấy. Sự và Lý bao gồm hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian. Hiểu rõ Lý rồi thì lý đắc, tâm an. Sự và Lý đều rất phức tạp: Hễ có một Lý ắt có một Sự, có một Sự ắt có một Lý. Chẳng thể nào có Sự ở ngoài Lý hoặc Lý ở ngoài Sự được! Thiền Định là ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng dấy lên phân biệt. Hết thảy sự đều thông đạt là Chiếu Kiến, chẳng phải là nghiên cứu. Nghiên cứu là dùng ý thức. Phật pháp dùng tham cứu, lìa tâm ý thức để tham cứu. “Thức” là thức thứ sáu có công năng phân biệt, Ý là thức thứ bảy (Mạt Na Thức) có đặc tánh chấp trước, Tâm là thức thứ tám (A Lại Da Thức), chứa đựng chủng tử. “Lìa tâm ý thức” là chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng giữ lại ấn tượng.
(Giải) Huệ Căn tăng trưởng, năng giá thông biệt chư Hoặc, phát chân vô lậu, danh Huệ Lực.
(解) 慧根增長。能遮通別諸惑。發眞無漏,名慧力。
(Giải: Huệ Căn tăng trưởng, có thể ngăn chặn các Hoặc chung và riêng, phát khởi vô lậu chân thật, gọi là Huệ Lực)
“Giá” (遮) có nghĩa là ngăn dứt. “Hoặc” (惑) là mê hoặc. Nói đơn giản, tất cả hết thảy mê hoặc đều chẳng ngoài ba loại lớn là Kiến Tư, Trần Sa, Vô Minh. Ba loại lớn này biến hiện thành vô lượng tư tưởng, kiến giải, hành vi sai lầm cho đến quả báo sướng khổ khác nhau. Chỉ có trí huệ chân thật mới có thể ngăn dứt ba loại phiền não lớn này. Từ Tiểu Thừa Sơ Quả cho đến Đại Thừa Đẳng Giác Bồ Tát đều chẳng thể lìa khỏi nguyên tắc, nguyên lý tu học của Ngũ Căn và Ngũ Lực.
(Giải) Thất Bồ Đề Phần, diệc danh Thất Giác Phần. Trí huệ quán chư pháp thời, thiện năng giản biệt chân ngụy, bất mậu thủ chư hư ngụy pháp, danh Trạch Pháp Giác Phần.
(解) 七菩提分。亦名七覺分。智慧觀諸法時。善能簡別眞偽。不謬取諸虛偽法。名擇法覺分。
(Giải: Thất Bồ Đề Phần còn gọi là Thất Giác Phần. Khi dùng trí huệ quán các pháp, có thể khéo phân biệt chân và ngụy, chẳng lầm lẫn giữ lấy pháp hư ngụy thì gọi là Trạch Pháp Giác Phần).
Bồ Đề (Boddhi) là tiếng Phạn, nghĩa là Giác. Nó có tác dụng ngăn ngừa chướng ngại phát sanh trong quá trình tu học của hành giả. Trí huệ do Căn và Lực sanh ra. Môn cuối cùng trong Ngũ Căn và Ngũ Lực trong phần trên đều là trí huệ. Nếu không có Căn và Lực thì sẽ không có cách nào phân định hết thảy pháp là chân hay vọng. Nói tới “chân - vọng” thì từ ngữ này bao quát rất nhiều thứ, đúng - sai, tà - chánh, thiện - ác, thiên - viên, đều bao gồm trong ấy. Ắt phải có trí huệ chân thật thì mới có thể phân biệt pháp môn nào cần phải học. Đối với căn tánh của chính mình cũng phải dùng trí huệ để quán sát, chẳng thể xử sự theo tình cảm; bởi lẽ, một pháp [dù vi diệu đến mấy] cũng chưa chắc đã khế hợp căn tánh của chính mình. “Chư pháp” bao gồm pháp thế gian và xuất thế gian. Ba khoa trước trong ba mươi bảy đạo phẩm, tức Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, dễ hiểu, dễ học. Còn khoa này khó hiểu, khó học vì chúng ta không có trí huệ chân thật, chẳng dễ gì phân biệt hết thảy các pháp chân - vọng, tà - chánh. Thường chọn lầm pháp môn, lãng phí tinh lực lẫn thời gian. Nếu có thể sớm quay đầu lại thì còn được; nếu chấp mê chẳng ngộ, khó thể thành tựu ngay trong một đời. Nếu là người không có trí huệ, nhưng thật sự có thiện căn, phước đức thì cũng có thể thành tựu. Người có thiện căn sẽ có thể tin, người có phước đức sẽ chịu tu, người thật thà, trung hậu dễ thành tựu. Từ xưa đến nay, những người niệm Phật vãng sanh trong Tịnh Tông quá nửa là nhờ vào thiện căn, phước đức mà được thành tựu. Tâm địa chân thành, cung kính, nghe đến pháp môn này sẽ tin vào Thánh Ngôn Lượng[13], Phật, Bồ Tát, tổ sư, đại đức chẳng gạt ai. “Thật thà” chính là bí quyết thành công. Nói đến thành phần tri thức thì phiền lắm. Họ nhất định phải hiểu rõ sự tình; nếu không, sẽ chẳng thể hoàn toàn tin tưởng, sốt sắng tu học. Thuở đức Phật tại thế, thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội, chuyên nhằm xây dựng tín tâm, phá mê khai ngộ cho những kẻ ấy.
Dùng trí huệ quán sát thế gian, hiểu rõ chân tướng của pháp thế gian, chẳng lãng phí thời gian làm những chuyện chẳng liên can. Bất luận tạo thiện nghiệp tạo ác nghiệp đều là tạo nghiệp luân hồi lục đạo. Phật dạy chúng ta đoạn ác tu thiện; “thiện” ấy không phải là thiện trong “thiện, ác”. Thiện và ác là tương đối, hai bên đều lìa bỏ thì mới là chân thiện. Trong cuộc sống thường ngày có chuyện tốt lẫn chuyện xấu, khởi lên ý niệm tạo tác ắt sẽ rớt vào một bên. Dẫu làm hết thảy thiện sự, trong tâm chẳng giữ lại ấn tượng, tận hết sức thực hiện những chuyện tạo lợi ích cho chúng sanh trong thế gian. Trong tâm gìn giữ sự thanh tịnh, đạt đến mức tam luân thể không. Học Phật thì hết thảy pháp môn đều tốt lành, hết thảy kinh điển Đại Tiểu Thừa do đức Phật nói đều có thể khiến cho con người viên thành Phật đạo. Nói theo mặt Lý là như thế, nhưng trên mặt Sự, căn tánh mỗi người khác nhau. Trong thuở ấy, đức Phật giáo hóa chúng sanh, người đến chẳng cự tuyệt, kẻ đi chẳng giữ lại, không có sách giáo khoa, cũng không có kinh bổn. Trong đại hội, hễ ai hỏi, Phật liền đáp. Người đương cơ nghe giảng sẽ đạt được lợi ích. Lợi ích đạt được sâu hay cạn tỷ lệ thuận với căn cơ dầy hay mỏng, như có người may mắn gặp Phật, đích thân nghe pháp âm, có thể là nghe xong liền khai ngộ, chứng quả. Chúng sanh đời sau có duyên với Phật kém hơn một bậc. Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử kết tập lời Phật thuyết pháp thành Tam Tạng Kinh - Luật - Luận, người đời sau đọc đến, lắng lòng suy nghĩ xem căn tánh của chính mình có khế hợp pháp môn do đức Phật đã dạy hay không? Nếu chính mình không có năng lực chọn lựa pháp môn thì Phật đặc biệt từ bi dạy chúng ta hãy tu pháp môn Niệm Phật. Trong kinh Đại Tập, đức Phật dạy: “Thời kỳ Chánh Pháp, Giới Luật thành tựu. Thời kỳ Tượng Pháp, Thiền Định thành tựu. Thời kỳ Mạt Pháp, Tịnh Độ thành tựu”, giống như đức Phật đã thọ ký cho chúng ta. Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật nói: “Thời Mạt Pháp, đến cuối cùng, hết thảy kinh điển đều bị diệt sạch, vẫn giữ lại kinh Vô Lượng Thọ tồn tại một trăm năm trong cõi đời”. Kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ là cùng một bộ kinh. Kinh Vô Lượng Thọ được gọi là Đại Bổn, kinh A Di Đà được gọi là Tiểu Bổn, hết sức thích hợp cho thời pháp diệt tận, chỉ cần chịu tu, sẽ có thể thành tựu ngay trong một đời. Vì thế, được gọi là Phật pháp “đương sanh thành tựu”(thành tựu ngay trong một đời). Từ xưa, tổ sư, đại đức đã căn cứ trên kinh văn, chia thời gian sau khi đức Phật diệt độ thành năm thời kỳ, mỗi thời kỳ dài năm trăm năm:
- Năm trăm năm thứ nhất là Giới Luật kiên cố.
- Thứ hai là Thiền Định kiên cố.
- Thứ ba là Đa Văn kiên cố, nhằm đúng vào thời đại hoàng kim của Phật pháp trong triều đại Tùy - Đường. Mọi người đều nghiên cứu lý luận, trước thuật rất nhiều.
- Thứ tư là tháp miếu kiên cố, ít người thật sự tu hành, chỉ lo dựng chùa.
- Thứ năm là đấu tranh kiên cố, trong thời kỳ này có lắm sự tranh đấu. Vì vậy, Ngẫu Ích đại sư bảo chúng ta hãy “tùy thuận giáo huấn chân thật” của chư Phật, “chư Phật” chính là A Di Đà Phật, “giáo huấn”là tín nguyện trì danh. Không riêng gì A Di Đà Phật, thậm chí Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật và mười phương ba đời hết thảy chư Phật cũng dị khẩu đồng âm hộ trì, tán thán, khuyên khắp các chúng sanh trong đời sau hãy cầu sanh Tịnh Độ.
Chúng ta phải biết: Pháp thế gian dù chân hay vọng đều chớ nên giữ lấy. Nếu chẳng tu thiện sẽ trái nghịch bổn nguyện độ sanh của chư Phật. Chúng ta đoạn ác tu thiện, sốt sắng nỗ lực thực hành, nhưng chẳng mong cầu gì! Trong Phật pháp, chuyên tu pháp môn Niệm Phật thì có thể gọi là “khéo chọn lựa pháp”.
(Giải) Tinh tấn tu chư đạo pháp thời, thiện năng giác liễu, bất mậu hành ư vô ích khổ hạnh, thường cần tâm tại chân pháp trung hành, danh Tinh Tấn Giác Phần.
(解) 精進修諸道法時。善能覺了。不謬行於無益苦行。常勤心在眞法中行。名精進覺分。
(Giải: Khi tinh tấn tu các pháp đạo, có thể khéo hiểu rõ, chẳng lầm lạc hành các khổ hạnh vô ích, thường dốc lòng siêng năng hành pháp chân thật thì gọi là Tinh Tấn Giác Phần).
“Tinh” là tinh thuần không tạp, “tấn” là chẳng lùi. Tinh tấn nhất định phải là cầu giác ngộ trong Phật pháp bằng tịnh niệm. Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” mới là chân tinh tấn. Trong sáu căn, sự giao tiếp giữa trong và ngoài được cai quản chủ yếu bởi ý thức. Tác dụng của năm căn là nhận biết sự vật, chứ không phân biệt. Thức thứ sáu là Ý Thức khởi tác dụng, phân biệt thiện, ác, tốt, xấu. Mắt chỉ thấy, chứ không phân biệt, thì tâm định. Hiểu khá rõ ràng tướng của sáu trần bên ngoài, đó là Huệ. Chẳng khởi tâm động niệm là Định. Vĩnh viễn trụ trong Định Huệ là chân tinh tấn. Định và Huệ là một, chứ không phải hai. Định - Huệ bình đẳng, Định là Thể của Huệ, Huệ là Dụng của Định; mà cũng có thể nói Huệ là Thể của Định, Định là Dụng của Huệ. Hiểu rõ sự thật này nhưng rất khó thực hiện được. Nếu chúng ta phân biệt, chấp trước thì dùng phương pháp Niệm Phật để phân biệt, chấp trước nơi A Di Đà Phật. Công phu đã vận dụng thuần thục rồi thì lại bỏ A Di Đà Phật đi. Dùng một câu danh hiệu A Di Đà Phật này để làm phương tiện hòng đạt đến Lý nhất tâm bất loạn. Đạt đến cảnh giới này, tuy vẫn niệm, nhưng niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm. Niệm Phật chỉ nhằm làm gương cho người khác, còn chính mình thì vô niệm. Niệm: Chẳng rớt vào Không; vô niệm: Chẳng rớt vào Có thì gọi là Trung Đạo. Câu Phật hiệu này quả thật chẳng thể nghĩ bàn! Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm, tới cuối cùng là niệm Phật. Đức Phật nói kinh Pháp Hoa đến cuối cùng cũng là niệm Phật. Thậm chí các tông phái Tánh, Tướng đến cuối cùng vẫn là niệm Phật. Tại Trung Quốc, Thiền Tông thịnh hành nhất. Trong Thiền Môn Nhật Tụng, đến tối bèn niệm A Di Đà Kinh, niệm A Di Đà Phật. Đấy là sự giác ngộ triệt để của các vị tổ sư. Tổ sư nói: “Phàm ai học Phật mà chẳng muốn cầu sanh Tịnh Độ thì kẻ ấy chẳng thông hiểu Phật pháp”.
“Thiện năng giác liễu” (có thể khéo giác ngộ) là do công phu tu học mà thấu hiểu, chứng nghiệm. Mỗi lần đọc kinh một lượt là một lượt giác ngộ, nhưng càng ngộ càng sâu. Đấy là “thiện năng giác liễu”.Chớ nên tu những khổ hạnh, chẳng hạn như “không ăn quá Ngọ”, người Tiểu Thừa hết sức coi trọng điều này. Sau giờ Ngọ có thể dùng những thực phẩm nhẹ như uống nước đường, sữa v.v... Những phần lắng xuống trong các loại nước ấy đều chẳng được ăn. Pháp Đại Thừa tán thán ăn chay với mục đích bồi dưỡng lòng từ bi, gián tiếp không sát sanh. Huống chi hiện thời do ăn thịt mà chúng ta bị bệnh nhiều lắm. Tại Mỹ, rau xanh còn ăn được, ít dùng thuốc trừ sâu, chứ ở Đài Loan, rau xanh nhìn rất đẹp mắt, nhưng chẳng ngon lành gì. Có lẽ là do phun thuốc trừ sâu nhiều quá, có mùi vị khác hẳn rau xanh trồng tại Đại Lục.
(Giải) Nhược tâm đắc pháp hỷ, thiện năng giác liễu thử hỷ, bất y điên đảo chi pháp nhi hỷ, trụ chân pháp hỷ, danh Hỷ Giác Phần.
(解) 若心得法喜。善能覺了此喜。不依顛倒之法而喜。住眞法喜。名喜覺分。
(Giải: Nếu tâm đắc pháp hỷ, khéo có thể hiểu rõ niềm vui này, chẳng vui theo những pháp điên đảo, trụ trong chân pháp hỷ, thì gọi là Hỷ Giác Phần)
Trong pháp thế gian cũng có “pháp hỷ”, như câu thứ nhất trong Luận Ngữ là: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?” (Học rồi tập luyện, chẳng vui lắm sao). Chữ Duyệt này chính là pháp hỷ. Pháp hỷ từ nội tâm phát ra. Dùng tâm chân thành, cung kính đọc kinh, cảm thấy có chỗ ngộ, ý vị vô cùng, đấy là pháp hỷ. Trước kia, học trò nhỏ đi học trường tư, bảy tám tuổi học Tứ Thư. Tới năm bảy tám mươi tuổi, đọc những sách ấy vẫn thấy ý vị tràn trề, là do quả thật có lãnh ngộ, tức là cảm thấy vui sướng. Niềm vui do đọc sách là sự hưởng thụ tối cao trong đời người.
Đại sư nói: “Bất y điên đảo chi pháp nhi hỷ” (Chẳng vui theo pháp điên đảo). So với sách vở thế tục thì kinh điển Nho gia là chánh, nhưng nếu đem so với Phật pháp thì Phật pháp là chánh. Mục tiêu tu học của Nho gia không ngoài “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, chẳng thể thoát khỏi tam giới! Đem pháp Tiểu Thừa so với pháp Đại Thừa, pháp Đại Thừa là chánh. Đem Đại Thừa Phật pháp so với trì danh niệm Phật thì trì danh niệm Phật là thuần chánh, vượt trỗi hết thảy pháp môn Đại Thừa. Nếu lại tu học những pháp môn khác, chính là đã lãng phí hết sạch tinh lực và thời gian rồi. Cơ hội hy hữu khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay, hôm nay đã được gặp, hãy sốt sắng tu học! Càng học thì sự lãnh ngộ càng sâu, càng học thì tín tâm đối với sự vãng sanh Tây Phương thế giới càng chân thật, thiết tha.
(Giải) Nhược đoạn trừ chư kiến phiền não chi thời, thiện năng giác liễu, trừ chư hư ngụy, bất tổn chân chánh thiện căn, danh Trừ Giác Phần.
(解) 若斷除諸見煩惱之時。善能覺了。除諸虛偽。不損眞正善根。名除覺分。
(Giải: Nếu khi đoạn trừ các kiến phiền não, khéo có thể giác ngộ, trừ các hư ngụy, chẳng tổn hoại thiện căn chân chánh thì gọi là Trừ Giác Phần)
Đây chính là chi thứ tư trong Thất Giác Chi, tức Trừ Giác Phần, rất gần gũi với chi thứ năm là Xả Giác Phần. Trừ là đối nội, Xả là đối ngoại. Phân chia như vậy cho dễ hiểu. “Chư kiến phiền não” chính là Kiến Tư phiền não như các kinh luận đã nói, hoặc còn gọi là Kiến Tư Hoặc. Đây chính là tên gọi chung của phiền não, và cũng là cội nguồn của tam giới lục đạo. Nếu đoạn trừ Kiến Tư phiền não thì luân hồi lục đạo sẽ không còn nữa. Trong Chứng Đạo Ca của Vĩnh Gia đại sư có câu: “Mộng lý minh minh hữu lục thú, giác hậu không không vô đại thiên” (Trong mộng rành rành trọn sáu nẻo, tỉnh rồi tam giới rỗng toang hoang). Kiến Tư Hoặc chia thành hai thứ là Kiến Hoặc và Tư Hoặc. Kiến Hoặc là Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Cấm Thủ Kiến, Tà Kiến. Tư Hoặc là Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi. Trong phần sau sẽ giải thích cặn kẽ,
ở đây không cần phải nói rườm rà.
Sự tu học trong Tịnh Tông dựa trên kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ. Kinh văn của kinh A Di Đà chẳng dễ hiểu cho lắm, may là có hai tác phẩm bất hủ là Sớ Sao của Liên Trì đại sư và Di Đà Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư, giúp ích cho sự tu học của chúng ta không chi lớn bằng. Chỉ cần công phu niệm Phật thuần thục, chúng ta cũng sẽ đạt được cảnh giới và hiệu quả như trong Thiền Tông. Họ dùng phương pháp tham cứu, không phải ai cũng có thể làm được. Chúng ta dùng phương pháp nhất tâm chuyên niệm thì ai cũng có thể thực hiện được. Trong khi đoạn trừ các kiến phiền não, bèn hết sức khéo léo trừ các hư ngụy, trọn chẳng tổn hại thiện căn chân chánh. Ba thứ thiện căn trong pháp thế gian là vô tham, vô sân, vô si. Giả sử trừ được phiền não thì đương nhiên sẽ chẳng làm những chuyện xấu, nhưng chuyện tốt cũng không làm thì thiện căn chân chánh đã bị tổn hại, lại đi chệch đường rồi. Đoạn ác tu thiện dù trong pháp thế gian hay xuất thế gian đều là chuyện phải làm hằng ngày. Không có ác, cố ý làm một chút ác; không có thiện, cố ý làm một chút thiện, nhằm khơi gợi sự giác ngộ của chính mình. Trong cuộc sống vẫn là biểu diễn. Đấy là phương tiện thiện xảo, không làm là tự lợi, còn làm thì là lợi tha. Thiện căn trong pháp xuất thế chỉ có một điều, tức là tinh tấn. Dũng mãnh tinh tấn, không mỏi mệt, chán ngán, chẳng tổn hại thiện căn chân chánh. “Trừ các hư ngụy”: Tiếng tăm, lợi dưỡng và sự hưởng thụ cá nhân đều là hư ngụy. Người thế gian đoạn ác tu thiện là vì có mục đích, chứ hoàn toàn chẳng phải vô điều kiện. Điều gì không có lợi ích họ sẽ chẳng làm. Chư Phật, Bồ Tát vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, Bi có thể dẹp khổ, Từ có thể ban vui. Từ bi lại thêm vào một chữ “đại” tức là vô điều kiện, hết thảy những thứ gì có điều kiện đều là hư ngụy.
(Giải) Nhược xả sở kiến niệm trước cảnh thời, thiện năng giác liễu sở xả chi cảnh, hư ngụy bất thực, vĩnh bất truy ức, danh Xả Giác Phần.
(解) 若捨所見念著境時。善能覺了所捨之境。虛偽不實。永不追憶。名捨覺分。
(Giải: Nếu buông bỏ sự chấp trước vào cảnh trong khi thấy nghĩ, khéo có thể hiểu rõ cảnh bị bỏ là hư ngụy, chẳng thật, vĩnh viễn chẳng theo đuổi, nhớ tưởng chúng thì gọi là Xả Giác Phần)
Xả là đối với cảnh bên ngoài mà nói, mà cũng chính là những thứ ta thường gọi là “vật ngoài thân”. Bên trong buông Kiến Tư phiền não xuống, bên ngoài buông ngũ dục lục trần, tiếng tăm, lợi dưỡng xuống. “Cảnh” là cảnh giới; những gì do mắt thấy đều gọi là Sắc, do tai nghe thì gọi là Thanh, do mũi ngửi gọi là Hương, cho đến Ý, Ý chính là ý niệm. Cái để ý duyên vào thì gọi là Pháp. Lục Căn là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý, tương ứng với sáu loại cảnh giới lớn bên ngoài là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Sáu loại cảnh giới lớn này hư huyễn, không thật. Hễ nói tới “chân thật” thì phải tồn tại vĩnh viễn, không bị biến đổi. Nếu bị biến đổi sẽ là hư ngụy. Thân thể con người có sanh, lão, bệnh, tử, thời thời khắc khắc biến hóa, chẳng phải là chân thật. Thực vật có sanh, trụ, dị, diệt. Khoáng vật có thành, trụ, hoại, không. Thiên Thân Bồ Tát quy nạp hết thảy các pháp thành một trăm loại lớn, gọi là Bách Pháp. Trong Tướng Tông có cuốn Bách Pháp Minh Môn Luận là sách nhập môn của Đại Thừa. Trong một trăm pháp ấy, lại chia ra pháp hữu vi và pháp vô vi. Pháp hữu vi có sanh, có diệt. Pháp vô vi vô sanh vô diệt. Pháp vô vi có sáu thứ, pháp hữu vi bao gồm tâm, tâm sở, sắc, bất tương ứng hành, gồm chín mươi bốn thứ. Trong các pháp vô vi có hư không vô vi. Dường như từ cổ đến nay, hư không chẳng biến hóa. Hễ biến hóa thì chẳng phải là chân thật, chớ nên chấp trước. Hễ chấp trước, phiền não liền sanh, đấy là do chính mình chuốc lấy. Đã biết chúng chẳng phải là thật, cũng phải biết nguồn cội của chúng rồi mới có thể thật sự buông xuống được. Đức Phật nói: Trong mười pháp giới, y báo và chánh báo trang nghiêm là Tướng Phần trong chân tâm bổn tánh của chúng ta. Bổn tánh là chủ thể có công năng biến hiện (Năng Biến), Tướng Phần là cái được biến hiện (Sở Biến) bởi bổn tánh. Có thể thấy rằng Năng Biến là chân, Sở Biến là giả hữu. Bổn tánh là Chân Không, Lục Tổ nói: “Bổn lai vô nhất vật” (Vốn chẳng có một vật), nhưng có thể biến hiện hết thảy pháp. Do vậy, bổn tánh là Thể, Tướng là hình tượng được hiện ra. Kinh Hoa Nghiêm dạy “hết thảy pháp chỉ do Tâm hiện, chỉ do Thức biến”. Tướng có biến hóa, do Thức khởi tác dụng. Thức là phân biệt, chấp trước. Nếu như bổn tánh hiện tướng thì tướng ấy được gọi là Nhất Chân Pháp Giới. Trong tâm có Kiến, Tư, phân biệt, chấp trước, liền biến hiện ra lục đạo, luân hồi.
Mười phương vô lượng vô biên các thế giới Phật, hết thảy các vị Phật, Bồ Tát cũng là vật được biến hiện từ tâm tánh của chính mình, thường nói “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”. Hiện tại, chúng ta có bao giờ chẳng phải là “duy tâm uế độ, tự tánh Thích Ca” chăng? Lìa khỏi tâm tánh sẽ không có một pháp nào để được. Đấy chính là “thiện năng giác liễu” (khéo có thể hiểu rõ). Huống chi, trong kinh Phật đã khai thị: “Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh”. Tâm tưởng điều gì liền biến ra điều ấy. Đại đa số mọi người chết đi sẽ đọa vào tam ác đạo, [là do] họ nghĩ đến tham bèn đọa ngạ quỷ, nghĩ đến sân bèn đọa địa ngục, nghĩ đến si, chẳng phân biệt tà - chánh, thiện - ác, lợi - hại rõ ràng, hồ đồ mờ mịt, bèn đọa vào súc sanh. Niệm Phật tưởng Phật, nhất định sẽ thành Phật, niệm trời tưởng trời, nhất định sẽ sanh lên trời. Chuyện sanh lên trời trong Cơ Đốc Giáo hay Thiên Chúa Giáo là thật, chẳng phải là giả. Nếu niệm Phật, tưởng Phật, trong tâm lại tưởng tham, sân, si thì tam ác đạo vẫn có phần, không về Tây Phương được! Phải hiểu rõ ràng đạo lý ấy, phải buông xuống hết thảy, chết lòng sát đất niệm một câu A Di Đà Phật, trong một đời này có thể thật sự vượt thoát tam giới, đồng thời tùy duyên tùy phận giúp đỡ người khác khai ngộ, lìa khổ, được vui. Đấy là tâm đại từ bi của chính mình, không có bất cứ điều kiện nào. [Coi những điều đó như] những chuyện thuộc về bổn phận phải làm; bởi lẽ, hết thảy chúng sanh và ta đồng thể, “đồng thể đại bi”, từ đó sanh ra “vô duyên đại từ”, như cha mẹ yêu thương con cái vô điều kiện. Ngũ dục, lục trần, tiếng tăm, lợi dưỡng đã là hư vọng thì phải bỏ. Bỏ xong, vĩnh viễn chẳng còn tưởng nhớ, đó gọi là Xả Giác Phần.
(Giải) Nhược phát chư Thiền Định chi thời, thiện năng giác liễu chư Thiền hư giả, bất sanh ái kiến vọng tưởng, danh Định Giác Phần.
(解) 若發諸禪定之時。善能覺了諸禪虛假。 不生愛見 妄想。名定覺分。
(Giải: Nếu lúc phát khởi các Thiền Định mà khéo có thể hiểu rõ các môn Thiền là hư giả, chẳng sanh ái kiến, vọng tưởng, thì gọi là Định Giác Phần)
Đối với hai loại trên, nếu thực hiện đến mức có hiệu quả chân thật thì sẽ đắc Thiền Định. Trừ Giác Phần khiến cho nội tâm thanh tịnh, tách lìa hết thảy phân biệt, chấp trước; Xả Giác Phần [khiến cho hành giả] quyết định chẳng bị cảnh giới bên ngoài lay động, Thiền Định tự nhiên hiện tiền. Công phu Trừ và Xả sâu đậm thì công phu định lực cũng sâu. Định là trạm dừng giữa đường, chẳng phải là mục tiêu rốt ráo. Hơn nữa, Thiền Định sâu hay cạn vô lượng vô biên, tuyệt đối chớ nên “được chút ít đã cho là đủ”, khoe khoang với người khác. Tứ Thiền Bát Định là Thiền Định thế gian. Vì sao chẳng thể đạt đến Cửu Thứ Đệ Định, chứng quả La Hán, vượt thoát tam giới? Gốc bệnh là ở chỗ “ái kiến, vọng tưởng”. Hành giả hết sức ưa thích những cảnh giới trong Định, lại còn hiểu lầm là đã nhập Niết Bàn! Nếu chẳng sanh ái kiến vọng tưởng thì Thiền Định sẽ sanh ra trí huệ. Người niệm Phật niệm đến mức “công phu thành phiến” sẽ rất gần với Thiền Định. Niệm đến mức Sự nhất tâm bất loạn chính là Thiền Định. Khi ấy, trọn chớ nên sanh khởi ái kiến vọng tưởng. Câu niệm Phật này cứ một mực niệm mãi, hãy thường so sánh với Phật, Bồ Tát, đừng so sánh với phàm phu, để khỏi sanh tâm ngạo nghễ, ngã mạn, vĩnh viễn giữ được lòng khiêm hư, cung kính hết thảy. Đấy là Định Giác Phần.
(Giải) Nhược tu xuất thế đạo thời, thiện năng giác liễu, thường sử Định Huệ quân bình, hoặc tâm trầm một, đương niệm dụng Trạch Pháp, Tinh Tấn, Hỷ tam giác phần, dĩ sát khởi chi. Hoặc tâm phù động, đương niệm dụng Trừ, Xả, Định tam giác phần, dĩ nhiếp trì chi, điều hòa thích trung, danh Niệm Giác Phần.
(解) 若修出世道時。善能覺了。常使定慧均平。或心沉沒。當念用擇法精進喜三覺分。以察起之。或心浮動。當念用除捨定三覺分。以攝持之。調和適中。名念覺分。
(Giải: Nếu khi tu đạo xuất thế, khéo có thể hiểu rõ, thường khiến cho Định và Huệ cân bằng. Nếu tâm chìm đắm, hãy nên nghĩ dùng ba thứ Giác Phần là Trạch Pháp, Tinh Tấn và Hỷ để dấy lên sự quán sát. Nếu tâm phập phều, chao động, hãy nên nghĩ dùng ba môn Giác Phần là Trừ, Xả và Định để nhiếp trì cái tâm, điều hòa cho thích hợp, thì gọi là Niệm Giác Phần)
Hãy nên dùng Thất Bồ Đề Phần trong công phu tu hành bình thường, dùng sao cho ổn thỏa thì sẽ giúp ích rất lớn cho sự tu học. Bất cứ tông phái, pháp môn nào cũng đều có hai loại bệnh:
- Một là hôn trầm, thường cảm thấy mệt mỏi, tinh thần trì trệ. Niệm Phật chưa được bao lâu, hễ vừa Chỉ Tịnh liền ngủ gục. Công phu nhất định phải giữ cho Định và Huệ cân bằng. Định nhiều sẽ hôn trầm, Huệ nhiều sẽ cảm thấy trong tâm lao xao, vọng niệm lên xuống nhộn nhịp. Nếu gặp tình trạng như vậy, liền sử dụng ba môn Giác Phần trong phần trước là Trạch Pháp, Tinh Tấn và Hỷ để điều chỉnh. Khi đả tọa gặp hiện tượng ấy, liền đứng lên nhiễu Phật hoặc lễ Phật, hoặc tưởng A Di Đà Phật lúc đang tu nhân nỗ lực tinh tấn tu hành, thấy người hiền liền mong được bằng. Trong Niệm Phật Đường thời cổ phải nương tựa vào đại chúng, có hoàn cảnh tu học tốt đẹp. Hiện thời, những đạo tràng lớn đều biến thành địa điểm du lịch, xe du khách ra vào không ngớt, khó thể thanh tịnh. Hiện thời, thật sự dụng công vẫn chẳng bằng tại nhà. Ngày nay có băng thâu âm, băng thâu hình, máy niệm Phật, thuận tiện hơn trước kia. Mời mấy người chí đồng đạo hợp tu chung với nhau. Đạo tràng Dallas của chúng ta chia thành ba khu nhiễu Phật, lễ Phật, tịnh tọa niệm Phật, mỗi khu chẳng làm rộn lẫn nhau. Không có pháp sư hướng dẫn thì mở máy niệm Phật, tiếng niệm Phật không ngừng. Bước vào Phật đường một câu cũng không nói, thấy người khác không chào hỏi, hoàn toàn dựa theo Phật hiệu để niệm Phật, không có bất cứ áp lực nào.
- Nếu trong tâm rất nhiều vọng niệm, phập phều vọng động lao xao, đấy chính là tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay, tu luyện trong cuộc sống thường ngày hãy dùng ba môn Giác Phần là Trừ, Xả và Định để nhiếp trì, luôn điều hòa sao cho thích đáng, làm cho tâm chẳng bị xen tạp. Tuy trong một lúc chẳng thể trừ sạch, chớ nên gấp rút mong trừ được, chớ nên miễn cưỡng, nhất định phải sao cho thân tâm thoải mái, hoan hỷ, càng học tâm càng thanh tịnh, phiền não ngày càng giảm, trí huệ tăng trưởng là được.
(Giải) Bát Thánh Đạo Phần, diệc danh Bát Chánh Đạo Phần. Tu vô lậu hạnh quán, kiến Tứ Đế phân minh, danh Chánh Kiến.
(解) 八聖道分。亦名八正道分。修無漏行觀。見四諦分明。名正見。
(Giải: Bát Thánh Đạo Phần còn gọi là Bát Chánh Đạo Phần. Tu vô lậu hạnh quán, thấy Tứ Đế rành mạch, thì gọi là Chánh Kiến)
Khoa cuối cùng trong ba mươi bảy đạo phẩm là Bát Chánh Đạo, còn gọi là Bát Thánh Đạo. Bát Chánh Đạo là khoa mục trọng yếu nhất trong Phật môn, tiêu chuẩn rất nhiều. Tiểu Thừa cũng có Bát Chánh Đạo, mỗi một tông phái trong Đại Thừa cũng có Bát Chánh Đạo, tiêu chuẩn [trong mỗi một tông phái] khác nhau. Ở đây, đại sư giảng Bát Chánh Đạo theo tánh chất nguyên tắc.
“Tu vô lậu hạnh quán, kiến Tứ Đế phân minh”: Tứ Đế chính là danh xưng chung của pháp thế gian và xuất thế gian, tức Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Khổ là quả báo thế gian. Tập là nhân duyên thế gian, nói rõ chân tướng của pháp thế gian. Diệt và Đạo là pháp xuất thế gian. Diệt là diệt phiền não, diệt sanh tử. Diệt là quả xuất thế gian, Đạo là nhân xuất thế gian. Khổ, Tập, Diệt, Đạo là hai tầng nhân quả, mà cũng là chân tướng của nhân sinh và vũ trụ. Nếu muốn thấy đạo thì phải tu vô lậu hạnh quán; câu này bao gồm hết thảy phương pháp tu học Đại Tiểu Thừa. “Lậu” (漏) là tên gọi khác của phiền não, là danh từ phản nghĩa của Chân Như bổn tánh. Đấy chính là tỷ dụ Chân Như bổn tánh có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, khiến cho Bát Nhã, trí huệ, vô lượng công đức vốn sẵn có trong bổn tánh bị rò rỉ. Nếu tương ứng với bổn tánh thì gọi là “vô lậu”. Do vậy, phải tu pháp vô lậu thì mới có thể thấy được chân tướng của nhân sinh và vũ trụ. Thánh nhân Tiểu Thừa đoạn được Kiến Tư phiền não, nên gọi là “vô lậu”, nhưng so với Đại Thừa thì tuy đoạn được Kiến Tư, vẫn còn có Trần Sa và Vô Minh chưa đoạn, chẳng thể gọi là “chân vô lậu”. Ắt phải đoạn sạch Kiến Tư, Trần Sa, Vô Minh thì sẽ là phẩm vị Thập Địa Bồ Tát trong Đại Thừa Viên Giáo. Hàng Địa Thượng Bồ Tát (tức Bồ Tát đắc Sơ Địa Bồ Tát trong Viên Giáo trở lên) còn được gọi là Đại A La Hán, cũng gọi là Vô Học, [ngụ ý] đã tốt nghiệp rồi [không cần phải học nữa]. Thông thường, bậc Bồ Tát phá một phần vô minh, thấy một phần chân tánh thì vị ấy cũng được xếp vào hàng “chân thật vô lậu hạnh quán”, tức là từ bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo trở lên, hoặc Đăng Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo. Do vậy, tiêu chuẩn của Bát Chánh Đạo rất cao; trong các tông phái khác, đạt đến cảnh giới này chẳng dễ dàng. Tịnh Tông là pháp môn bình đẳng thành Phật. Hết thảy chúng sanh tu pháp bình đẳng: Đẳng Giác Bồ Tát lẫn phàm phu cùng tu học và chứng đắc một pháp “tín, nguyện, trì danh, cầu nguyện vãng sanh”. Nếu tin tưởng chẳng hoài nghi sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo của Tây Phương thì đấy chính là Chánh Kiến trong Tịnh Tông, có cùng kiến giải với chư Phật Như Lai.
(Giải) Dĩ vô lậu tâm tương ứng tư duy, động phát giác tri trù lượng, vị linh tăng trưởng, nhập đại Niết Bàn, danh Chánh Tư Duy.
(解) 以無漏心相應思惟。動發覺知籌量。為令增長。入大涅槃。名正思惟。
(Giải: Dùng tâm vô lậu để tư duy tương ứng, dấy khởi sự hay biết, tính toán, so sánh, nhằm tăng trưởng, nhập đại Niết Bàn, thì gọi là Chánh Tư Duy).
“Vô lậu tâm” là chân tâm, vọng tâm là hữu lậu, chẳng thanh tịnh. Quán Kinh nói “chí thành tâm”, Đại Thừa Khởi Tín Luận nói “trực tâm”, Nho gia nói “thành ý chánh tâm”, [những tâm ấy] cũng tương tự với vô lậu tâm ở đây. Thanh tịnh tâm khởi tác dụng là trí huệ. Vô lậu tâm chính là Thật Trí, khởi ra tác dụng là Quyền Trí. Câu “động phát giác tri trù lượng” là nói về sự khởi tác dụng, chính là “chiếu kiến”như trong Tâm Kinh đã nói. “Tư duy” được nói ở đây hoàn toàn chẳng phải là sự nghiên cứu, suy xét thuộc phạm vi ý thức như chúng ta thường nói. Ở đây, “tư duy” biểu thị sự thông đạt, hiểu rõ hết thảy các pháp, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài liền thông đạt, hiểu rõ, có thể tăng trưởng, tiến nhập Đại Niết Bàn là cảnh giới chứng đắc trong quả địa Như Lai. Đấy chính là Chánh Tư Duy. Trong Tịnh Độ Tông, [hành nhân] dùng thức thứ sáu là Ý Thức để suốt ngày từ sáng đến tối nghĩ tới sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới, nghĩ tới A Di Đà Phật. Đấy là Chánh Tư Duy. Quả báo là vãng sanh Tịnh Độ, đã vãng sanh rồi thì trong một đời sẽ nhất định chứng đắc Đại Niết Bàn.
(Giải) Dĩ vô lậu huệ, trừ tứ tà mạng, nhiếp chư khẩu nghiệp, trụ nhất thiết chánh ngữ trung, danh Chánh Ngữ.
(解) 以無漏慧。除四邪命。攝諸口業。住一切正語中。名正語。
(Giải: Dùng vô lậu huệ trừ bốn thứ tà mạng, giữ gìn các khẩu nghiệp, luôn nói hết thảy lời lẽ chân chánh thì gọi là Chánh Ngữ).
“Tứ tà mạng” ở đây là “tri kiến, tư tưởng, và phương pháp mưu sinh bất chánh”.
Thứ nhất là Phương Khẩu Thực (方口食). Chữ Phương (方) chỉ bốn phương. Giao tế bốn phương, đến các nơi du ngoạn, ve vãn, nịnh hót, bợ đỡ những kẻ hào môn, quyền quý để tham cầu cúng dường.
Thứ hai là Duy Khẩu Thực (維口食), tức là dùng chú thuật trị bệnh, bói toán cát hung, đoán mạng, xem tướng, xem Phong Thủy.
Thứ ba là Ngưỡng Khẩu Thực (仰口食) tức ngửa mặt lên trời coi tinh tú, để tiên đoán hên xui, đều [là những mánh khóe] thuộc loại mê hoặc chúng sanh.
Thứ tư là Hạ Khẩu Thực (下口食), tự mình cày cấy để duy trì cuộc sống.
Sau khi Phật Giáo truyền đến Trung Quốc, bốn thứ này vẫn tồn tại. Trung Quốc khác với Ấn Độ, Ấn Độ hết sức cung kính người xuất gia. Người xuất gia ôm bát khất thực, dân chúng cúng dường, nhưng ở Trung Quốc, rất dễ mang lòng khinh miệt, chê cười kẻ xuất gia khất thực. Sợ chúng sanh tạo tội nghiệp nên không thể hành [hạnh khất thực]. Trong phần trước, tôi có nói ngài Kiều Phạm Ba Đề là một vị đắc đạo, Ngài có tật miệng thường nhai nhóp nhép, sợ người ta chê cười tạo tội nghiệp, nên Phật không cho phép Ngài khất thực, bảo hãy nhận sự cúng dường của chư thiên. [Quy định chư Tăng ban đêm] ngủ dưới gốc cây ở Trung Quốc cũng không thực hiện được. Cao tăng Ấn Độ đến Trung Hoa là do quốc vương, triều đình lễ thỉnh mà tới. Người Trung Quốc tôn sư trọng đạo, đâu thể nào bảo thầy qua đêm dưới gốc cây! Do vậy, Trung Quốc lo toan chuyện ăn ở cho các vị cao tăng đến mức tốt đẹp nhất, há lại bảo thầy ngủ dưới gốc cây? Vì thế, nhất loạt phế bỏ cách thức sống theo lối Ấn Độ. Đạo tràng Trung Quốc hễ được tạo dựng đều có núi, có ruộng cho nông dân cấy rẽ, định thời hạn nộp tô. Cuộc sống trong chùa miếu khá an định, tâm an thì đạo sẽ hưng vượng. Ngày nay, phải dựa vào tín đồ cúng dường, nên chẳng dám làm mất lòng tín đồ. Do vậy, bốn thứ tà mạng này khó thể trừ hết được.
Chúng ta tách lìa bốn thứ tà mạng này, sống hết sức đơn giản thì cũng xong. Nếu chẳng thể chịu khổ, khó thể thành tựu đạo nghiệp. Lời dặn dò tha thiết tối hậu của đức Phật là “hãy lấy Giới làm thầy”.Hơn nữa, kinh điển còn chép “lấy khổ làm thầy”. Sống thanh bần khiến cho con người có ý tưởng xuất ly, mà cũng có thể nêu gương tốt đẹp nhất cho người tu hành. Buông xuống hết thảy, một lòng với đạo, nhất là đối với pháp môn này, sẽ thành tựu nhanh chóng không chi sánh được. Nếu thật sự chịu tu, kinh dạy “hoặc một ngày, hoặc bảy ngày, sẽ có thể thành tựu”. Kinh này là kinh được hết thảy chư Phật hộ niệm. Đã được chư Phật hộ niệm thì hết thảy thiên long bát bộ, hộ pháp, quỷ thần tự nhiên nhất loạt hộ trì. Chúng ta cứ việc yên tâm, cuộc sống giao trọn cho Phật, Bồ Tát, chẳng cần phải băn khoăn. Nghe nói kiểu này, chắc những đồng tu sơ cơ không thể tiếp nhận mà cũng chẳng dám làm.
Thứ nhất là do chưa hiểu biết rõ ràng pháp môn này. Thứ hai là vì thiện căn, phước đức chẳng đủ. Lúc tôi mới học Phật, Chương Gia đại sư bảo tôi: “Cả một đời ông chuyên tâm tu học, hoằng dương Phật pháp thì đối với thân thể và cuộc sống của chính mình chẳng cần phải lo nghĩ nữa, nhất loạt đều do Phật, Bồ Tát an bài. Dẫu sống thanh bần cũng không sao hết, dẫu thế nào cũng chẳng cần phải bận tâm”. Tôi hết sức tôn kính Chương Gia đại sư, nghiêm túc y giáo phụng hành, tôi đạt được một chút tốt đẹp, được tự tại một chút đều nhờ ân huệ của Chương Gia đại sư.
“Nhiếp chư khẩu nghiệp”: Đừng nói người khác đúng, sai, hay, dở, đừng nói lời thô lỗ, đừng hoa ngôn xảo ngữ. “Trụ nhất thiết chánh ngữ trung”, cũng chính là ăn nói đúng với bổn phận. Không riêng gì trong đạo tràng Tịnh Độ, mà trong các chùa miếu thông thường, người xuất gia hễ đôi bên hỏi han nhau đều dùng A Di Đà Phật để đáp lời. Đấy chính là chánh ngữ thông dụng trong hết thảy tông phái.
(Giải) Dĩ vô lậu huệ, trừ thân nhất thiết tà nghiệp, trụ thanh tịnh chánh thân nghiệp trung, danh Chánh Nghiệp.
(解) 以無漏慧。除身一切邪業。住清淨正身業中。名正業。
(Giải: Dùng vô lậu huệ để trừ hết thảy tà nghiệp nơi thân, trụ trong thân nghiệp thanh tịnh chân chánh thì gọi là Chánh Nghiệp).
Khi chúng ta tạo tác thì gọi là Sự, cũng gọi là “hành vi”, kết quả của nó được gọi là Nghiệp. Xét theo phương diện nhân quả thì Hành (thực hiện, hành vi) và Sự là nhân, Nghiệp là quả. Nghiệp có thiện và ác. Khởi tâm, động niệm, tư duy, tưởng tượng, thuộc về Ý Nghiệp; ý tạo nghiệp. Nói năng là miệng tạo nghiệp. Do thân thể tạo tác thì gọi là Thân Nghiệp. Người Hoa nói tới lễ tiết; Lễ là chế độ[14], nhất cử nhất động đều hợp với lễ tiết, duy trì trật tự xã hội, nhưng chẳng thể quá mức, mà phải thích đáng phù hợp. Trong thời đại hiện tại, lễ tiết theo Nho gia không còn nữa, oai nghi của nhà Phật cũng không còn nữa. Chúng ta không có sức cứu vãn, nhưng phải cảnh giác, giữ gìn tiết tháo[15]của chính mình. Lễ phép, khiêm nhượng đối với người khác, tự khiêm, đề cao người khác, chẳng tạo hết thảy ác nghiệp, lợi dụng thân thể này để miệng niệm Phật, tâm tưởng Phật, thân lễ Phật, dựa theo những nghi thức tu niệm để chuyên tu lễ bái. Trong khi lễ bái bèn quán tưởng. Trong nghi thức Tịnh Tu Tiệp Yếu của lão cư sĩ Hạ Liên Cư biên soạn, có cách lễ Phật chỉ gồm ba mươi hai lạy, dùng làm công khóa tụng niệm sáng tối cũng rất hay.
(Giải) Dĩ vô lậu huệ, thông trừ tam nghiệp trung ngũ chủng tà mạng, trụ thanh tịnh chánh mạng trung, danh Chánh Mạng.
(解) 以無漏慧。通除三業中五種邪命。住清淨正命中。名正命。
(Giải: Dùng vô lậu huệ trừ trọn năm thứ tà mạng nơi ba nghiệp, trụ trong chánh mạng thanh tịnh, thì gọi là Chánh Mạng).
Cái được gọi là “tà mạng” chính là đạt được tiếng tăm, lợi dưỡng, tức là những sự việc nhằm duy trì cuộc sống mà chẳng đúng pháp thì đều gọi là “tà mạng”. Nói theo cách bây giờ thì muốn được nổi tiếng bèn:
1. Trá hiện tướng kỳ lạ, đặc biệt: “Trá” (詐) là dối gạt, “hiện” (現) là cố ý biểu diễn cho khác với mọi người. Mục đích là cầu được người khác cung kính, cúng dường.
2. Tự khen công đức: Đối với sự tu trì của chính mình, chẳng biểu hiện chân thật, cũng là vì tiếng tăm, lợi dưỡng.
3. Coi tướng, đoán cát hung: Dùng thủ đoạn xem tướng, đoán mạng để tiếp xúc đại chúng, mong được kẻ khác cung kính, cúng dường, xem ta như thần minh.
4. Lớn tiếng ra oai: Ăn to nói lớn để tỏ oai thế nhằm cầu lợi dưỡng. Nghe nói có những kẻ xuất gia thích chửi bới người khác, thường ra vẻ bề trên giáo huấn người khác. Những bậc thiện tri thức như Chương Gia đại sư và thầy Lý Bỉnh Nam đối với bất cứ ai đều hòa nhã, vui vẻ, chẳng có tí ti hống hách nào. Các vị giáo huấn một người nào, nhất định sẽ gọi học trò vào phòng, răn trách người ấy. Giáo huấn một người chính là thật sự xem trọng người ấy.
5. Nói những món lợi mình đã có để lung lạc lòng người khác.
Năm điều trên đây trong Phật môn gọi là “tà mạng”. Chúng ta phải dùng cái tâm thanh tịnh để xa lìa năm thứ tà mạng. “Trụ thanh tịnh chánh mạng trung”, tức là sống đúng đắn để duy trì mạng sống của chính mình thì gọi là Chánh Mạng. Khẩn yếu nhất là phải siêng năng, tiết kiệm, cuộc sống càng đơn giản càng hay. Nhu cầu ít ỏi sẽ dễ dàng đạt được, cho nên chẳng cần phải tham cầu. Trong xã hội này, muốn gìn giữ nếp sống an định, chẳng gặp những chuyện ngang trái lớn, nhỏ thì chớ nên tạo ác nghiệp. Dẫu đời trước trót tạo ác nghiệp, đời này đừng làm các điều ác, sẽ không có ác duyên, chẳng hứng chịu kết quả. Đấy chẳng phải là lời nói xuông! Trong một đời, tận hết sức Tu Thiện, phước đức ngày ngày tăng trưởng, oán gia trái chủ chẳng thể thừa dịp [làm hại được]. Làm lành chẳng cần phải rêu rao để khỏi bị kẻ ghen ghét gây chướng ngại. Người học Phật toàn tâm làm lành, hãy nên tam luân thể không, chẳng cầu mong gì thì mới là chánh đạo. Khi Phật còn tại thế, em họ của Phật là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) nghĩ đủ mọi phương pháp để hại Phật, tự mình muốn chiếm lấy [địa vị Phật] để thay thế. Trong các đệ tử Phật, cũng có những kẻ chuyên môn gây rối, phá hoại Tăng Đoàn. Tại Trung Quốc, trường hợp rõ ràng nhất là khi Ngũ Tổ truyền y bát cho Huệ Năng, rất nhiều kẻ không phục, chẳng những muốn đoạt y bát đem về mà còn muốn làm hại Huệ Năng! Tâm người đời Đường thuần hậu mà còn có tình trạng như thế! Chúng ta vô phước vô đức, chẳng tranh với người khác, chẳng mong gì nơi đời. Người đời tranh giành tiếng tăm, lợi dưỡng, chứ chúng ta trọn chẳng cần. Cái chúng ta muốn là thật thà niệm Phật, chứ bọn họ đâu có muốn, đôi bên chẳng trở ngại nhau.
(Giải) Dĩ vô lậu huệ tương ứng, cần tinh tấn, tu Niết Bàn đạo, danh Chánh Tinh Tấn.
(解) 以無漏慧相應。勤精進。修涅槃道。名正精進。
(Giải: Do tương ứng với vô lậu huệ mà siêng năng tinh tấn, tu Niết Bàn đạo, thì gọi là Chánh Tinh Tấn).
Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta “tịnh niệm tiếp nối”. Có thể đạt được tịnh niệm tiếp nối thì tự nhiên sẽ có thể “nhiếp trọn sáu căn”. Chữ Niệm (念) do hai chữ Kim (今) và Tâm (心) ghép thành, tức là cái tâm hiện tiền. Văn tự Trung Quốc đầy ắp trí huệ. Tịnh là thanh tịnh. Trong tâm thanh tịnh chẳng có một tạp niệm nào. “Chẳng xen tạp” chính là không có Kiến Tư, Trần Sa phiền não. “Chẳng hoài nghi” là không có vô minh, đây chính là tịnh niệm tiếp nối. Trong quá trình tu học, dùng một câu Phật hiệu để làm phương tiện tấn tu. Câu Phật hiệu này chính là danh xưng tổng quát của mọi tánh đức vốn sẵn có trong tự tánh. Nói cách khác, một câu A Di Đà Phật có thể đánh thức tự tánh của chúng ta, danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn. “Cầu sanh Tịnh Độ” chính là “tu Niết Bàn đạo”.Đấy gọi là Chánh Tinh Tấn.
(Giải) Dĩ vô lậu huệ tương ứng, niệm chánh đạo cập trợ đạo pháp, danh Chánh Niệm.
(解)以無漏慧相應。念正道及助道法。名正念。
(Giải: Do tương ứng với vô lậu huệ nên niệm chánh đạo và pháp trợ đạo thì gọi là Chánh Niệm).
Liên Trì đại sư nói: “Tín nguyện trì danh là chánh đạo mà cũng là trợ đạo”. Trong kinh này, kinh Vô Lượng Thọ và Quán Kinh, chư Phật, Bồ Tát còn có nhiều phương pháp tu hành, nhưng những phương pháp ấy đều thuộc về pháp trợ đạo nhằm giúp cho công phu Niệm Phật thành tựu. Trong cuộc sống thường ngày, năm kinh một luận là đủ dùng rồi. Học nhiều quá đâm ra tạo thành chướng ngại. Tổ sư, đại đức khai thị, chỉ dạy chúng ta, lấy kinh điển làm Cương, lấy ngữ lục của tổ sư đại đức làm Mục thì sẽ chẳng loạn. Nhất là bộ Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, trong thời cận đại bộ sách này khế cơ nhất, vì thời của Ngài gần gũi với chúng ta nhất. Ngài thấy tình trạng xã hội suy đồi trong lúc ấy cũng rất giống với thời hiện tại.
(Giải) Dĩ vô lậu huệ tương ứng nhập Định, danh Chánh Định.
(解) 以無漏慧相應入定。名正定。
(Giải: Do tương ứng với vô lậu huệ nên nhập Định thì gọi là Chánh Định)
Định có tà và chánh, có rốt ráo và không rốt ráo, đấy là so sánh về tánh chất. Định trong pháp Đại Thừa đều thuộc về Chánh Định. Nhà Phật thường nói “có tám vạn bốn ngàn pháp môn”. Pháp là phương pháp, Môn là cửa nẻo, đường lối, đều là tu Định. Tổng cương lãnh tu hành của Phật pháp là Tam Học, tức Giới, Định, Huệ; do Giới sanh Định, do Định khai Huệ. Pháp môn bình đẳng không có cao hay thấp. Trong rất nhiều phương pháp như vậy thì tín nguyện trì danh là vô lậu huệ. Đấy chính là sự lựa chọn bằng trí huệ chân thật của các vị đại Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền. Lựa chọn bằng trí huệ chân thật thì chắc chắn chẳng có nghi hoặc, cũng tuyệt đối chẳng xen tạp; do vậy, sẽ thành công rất nhanh. Vấn đề lớn của chúng ta trong hiện thời là chọn lựa hoàn toàn không sai lầm, nhưng không tương ứng. Do chẳng tương ứng với tâm của chính mình nên tâm chúng ta không thanh tịnh. Vì thế, vẫn còn có hoài nghi. Suốt đời tu hành chỉ dựa vào một bộ kinh là đủ đảm bảo chúng ta thành Phật viên mãn ngay trong một đời. Nếu vẫn còn mong biết nhiều bộ kinh khác, tuy vẫn có thể vãng sanh, nhưng phẩm vị cũng không cao cho lắm.
(Giải) Thử đẳng đạo phẩm, y Sanh Diệt Tứ Đế nhi tu, tức Tạng Giáo Đạo Phẩm. Y Vô Sanh Tứ Đế nhi tu, tức Thông Giáo Đạo Phẩm. Y Vô Lượng Tứ Đế nhi tu, tức Biệt Giáo Đạo Phẩm. Y Vô Tác Tứ Đế nhi tu, tức Viên Giáo Đạo Phẩm.
(解) 此等道品。依生滅四諦而修。即藏教道品。依無生四諦而修。即通教道品。依無量四諦而修。即別教道品。依無作四諦而修。即圓教道品。
(Giải: Những đạo phẩm này, nương theo Sanh Diệt Tứ Đế mà tu thì là Đạo Phẩm trong Tạng Giáo; nương theo Vô Sanh Tứ Đế mà tu thì là Đạo Phẩm trong Thông Giáo; nương theo Vô Lượng Tứ Đế mà tu chính là Đạo Phẩm trong Biệt Giáo; nương theo Vô Tác Tứ Đế để tu thì là Đạo Phẩm trong Viên Giáo).
Theo sự phán giáo của tông Thiên Thai, Thiên Thai đại sư đem hết thảy kinh điển do Phật Thích Ca đã nói trong bốn mươi chín năm chia thành tứ giáo là Tạng, Thông, Biệt, Viên. Trong lần kết tập kinh điển sớm nhất tại Ấn Độ, chỉ là đem những lời Phật đã nói ghi chép lại, biên tập thành kinh điển để lưu thông, chứ hoàn toàn không phân loại tỉ mỉ. Sau khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc, vào thời Tùy - Đường, nhằm dạy học thuận tiện, tổ sư đại đức các tông các phái đã phân loại kinh điển. Do căn tánh của mỗi hạng người (tức đối tượng được đức Phật nhắm đến để thuyết giảng (đương cơ) trong mỗi kinh) khác nhau, [nên chư Tổ phân chia kinh điển] từ cạn đến sâu.
Tạng Giáo là Tiểu Thừa, nương theo kinh, luật, luận do đức Phật đã giảng như bốn kinh A Hàm là Kinh Tạng, Tỳ Nại Da là Luật Tạng, A Tỳ Đàm là Luận Tạng. Tam Tạng Tiểu Thừa đã được dịch sang Hán văn khá hoàn chỉnh. Những kinh điển được truyền sang những nước như Thái Lan, Tích Lan (Sri Lanka) v.v... dùng văn tự Pali. Đem những kinh ấy so với kinh Tiểu Thừa trong Đại Tạng Kinh thì kinh điển của họ chỉ nhiều hơn kinh của chúng ta năm mươi mấy bộ, đủ thấy kinh điển được phiên dịch ở Trung Quốc khá hoàn chỉnh. Dưới đời Đường, kinh Tiểu Thừa từng hưng thịnh một thời, về sau suy vi là vì lời dịch [trong các kinh Tiểu Thừa] không đẹp đẽ, mà nghĩa lý cũng không thông suốt, trôi chảy. Lý do khác nữa là đa số những người xuất gia phần nhiều đã có cơ sở vững vàng nơi Nho và Đạo, rất gần Đại Thừa, chẳng kém gì nghiên cứu, đọc tụng kinh điển Tiểu Thừa. Hơn nữa, Tiểu Thừa giảng về Sanh Diệt Tứ Đế, hoàn toàn dốc công trên mặt sự tướng.
Thông Giáo là khởi đầu của Đại Thừa, trước là thông với Tiểu Thừa, sau là thông với Biệt Giáo và Viên Giáo. Biệt Giáo là Đại Thừa thuần túy, Viên Giáo là viên dung rốt ráo. Tứ Đế và ba mươi bảy đạo phẩm là cương yếu của hết thảy Phật pháp, là pháp thuộc Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa. Ba mươi bảy đạo phẩm là Tứ Đế khai triển. Tứ Đế gồm Khổ, Tập, Diệt, Đạo, trong phần trước tôi đã nói qua. Khổ - Tập - Diệt - Đạo là chân tướng của hết thảy sự lý thế gian lẫn xuất thế gian. Hết thảy các pháp do đức Phật chẳng có gì khác, chỉ là giảng rõ chân tướng của nhân sinh và vũ trụ mà thôi! Người thế gian không ai có thể nói được. Tuy có không ít nhà tôn giáo cũng từng nói đến nhân quả thế gian, nhưng họ chỉ biết những lẽ đương nhiên chứ không biết được nguyên do. Vì vậy, đức Thế Tôn chẳng thể nào không xuất hiện trong thế gian, vì chúng sanh nói rõ chân tướng. Tuy đức Phật giảng giải cặn kẽ, mục đích vẫn nhằm làm cho chúng ta đích thân chứng nhập. Sự tu học trong Phật pháp gồm bốn giai đoạn: Tín, Giải, Hành, Chứng, trọn chẳng phải chỉ có Tín là coi như xong, vẫn cần phải dựa vào phương pháp, lý luận để thực hiện, dùng hành trì để chứng minh hiệu quả.
Loại thứ nhất là Tạng Giáo, dựa theo Sanh Diệt Tứ Đế để tu. Nếu nói theo quả báo thế gian thì hữu tình chúng sanh có sanh, lão, bệnh, tử. Hết thảy những phàm phu không thiện, không ác sau khi mất, trong vòng bốn mươi chín ngày sẽ thác sanh làm người, sanh tử luân hồi không ngơi. Những tôn giáo khác nói đến “sự sống đời đời” chỉ là sanh lên trời thọ mạng dài lâu mà thôi! Rốt cuộc tướng Ngũ Suy[16]cùng hiện, trọn chẳng phải là thật sự sống đời đời. Tập là khởi Hoặc tạo nghiệp, chẳng hiểu rõ chân tướng sự thật, liền sanh vọng tưởng, phiền não; do vậy, tạo nghiệp. Nghiệp có thiện và ác, cho nên có sáu thứ quả báo, ba loại trên là ba thiện đạo, tức Thiên, A Tu La và nhân. Ba loại dưới là ba ác đạo, tức địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh, đều là quả báo được cảm thành do mê hoặc tạo nghiệp, tự làm, tự chịu. Đấy gọi là Tập.
Diệt là diệt trừ cái nhân của tam giới lục đạo, diệt phiền não, diệt vọng tưởng. Diệt là quả báo xuất thế gian. Diệt còn được dịch là Viên Tịch hoặc Niết Bàn. Niết Bàn (Nirvāna)là tiếng Phạn dịch âm, có nghĩa là chết. “Viên tịch”: Viên (圓) là viên mãn, Tịch (寂) là tịch diệt, tịch diệt viên mãn vọng tưởng, phiền não và sanh tử luân hồi. Sự chứng đắc của Tiểu Thừa La Hán được gọi là Niết Bàn. Cái nhân của tam giới lục đạo đã bị diệt, đương nhiên quả báo cũng chẳng còn nữa. Vì vậy, vượt thoát tam giới, nhưng vẫn chưa diệt rốt ráo. La Hán chỉ diệt một trong ba loại phiền não lớn là Kiến Tư phiền não, vẫn còn có Trần Sa và Vô Minh chưa phá nên chỉ có thể vượt thoát tam giới, do chưa minh tâm kiến tánh nên gọi là Tiểu Thừa Niết Bàn.
Nếu muốn đạt đến hiệu quả Diệt thì phải tu Đạo. Đạo là nhân của Diệt, Diệt là quả của Đạo. Nói đơn giản, Đạo là ba mươi bảy đạo phẩm, mà cũng chính là vô lượng pháp môn do đức Phật đã nói. Đối với vô lượng pháp môn ấy, hãy nên dựa trên căn tánh và điều kiện sống của chính mình để làm tiêu chuẩn chọn lựa. Đức Phật dạy rất nhiều phương pháp, [tu theo phương pháp nào là] do chúng ta chọn lựa. Có rất nhiều người vẫn còn tập khí Tiểu Thừa, khá bảo thủ, coi trọng những nghi thức thuộc mặt Sự. Đại Thừa thường chẳng câu nệ tiểu tiết, như Nam Truyền Phật giáo so với Phật pháp Đại Thừa tại Trung Quốc khác biệt rất rõ rệt. Căn tánh Tiểu Thừa nương theo Sanh Diệt Tứ Đế để tu hành nên thuộc Tạng Giáo Đạo Phẩm.
Loại thứ hai là Thông Giáo, là bắt đầu của Đại Thừa. Có những người hết sức hâm mộ, yêu thích Tiểu Thừa, nhưng đối với Đại Thừa cũng rất hâm mộ, ưa thích. Người thuộc căn tánh này chiếm đại đa số. Vì thế, Thông Giáo thông với Tiểu Thừa ở phần trước và Đại Thừa trong phần sau. Căn tánh của những người [thuộc Thông Giáo] thông minh hơn những người trong phần trước (Tạng Giáo), sức lãnh ngộ mạnh mẽ. Họ dựa vào Khổ Đế, có thể tùy duyên buông xuống, thấy thấu suốt. Đối với Tập Đế, họ khởi tâm động niệm đều bất khả đắc, xem nhẹ pháp thế gian hơn người thông thường, có ích rất lớn cho sự tu học. Đối với Đạo Đế, kinh Bát Nhã thường nói “bất nhị pháp môn”, cũng như huyễn, như hóa giống như Tập Đế. Diệt Đế cũng chẳng có tướng sanh diệt; bởi lẽ, đức Phật đã nói Bồ Đề và Niết Bàn cũng như huyễn, như hóa. Người niệm Phật có căn cơ giống như thế, nhất định sẽ nương theo Thông Giáo Đạo Phẩm để tu học. Thông Giáo và Tạng Giáo Đạo Phẩm cần phải có thầy tốt, được thầy chỉ điểm sẽ dễ thành tựu. Trong Thông Giáo, sợ nhất là tẩu hỏa nhập ma, trở thành cuồng huệ. Sợ nhất là không có trí huệ chân thật, lạc vào ác kiến, chấp Không.
Loại thứ ba là Biệt Giáo, là pháp Đại Thừa Bồ Tát thuần túy, chẳng thông với Tạng Giáo mà cũng chẳng thông với Thông Giáo, bao hàm vô lượng vô biên pháp môn. Nội dung của Biệt Giáo là Vô Lượng Tứ Đế. Khổ Đế có vô lượng tướng, quả báo trong mười pháp giới khác nhau. Kinh Hoa Nghiêm có phẩm Tứ Đế, nội dung phẩm ấy hoàn toàn giảng về Vô Lượng Tứ Đế của Biệt Giáo. Hoa Nghiêm là pháp để dạy Đại Thừa Bồ Tát trong Viên Giáo. Viên Giáo bao gồm cả Biệt Giáo, Thông Giáo và Tạng Giáo, quả báo đã vô lượng vô biên, đương nhiên nhân duyên cũng vô lượng vô biên. Phiền não vọng tưởng, chấp trước, phân biệt của hết thảy chúng sanh mỗi người mỗi khác, pháp môn vô lượng; vì thế, đạo phẩm cũng vô lượng. Tạng Giáo có Tạng Giáo Phật (quả vị Phật trong Tạng Giáo); trong Thông Giáo và Biệt Giáo cũng đều có [quả vị] Phật, chỉ có cảnh giới nơi quả vị là chẳng giống nhau. Tạng Giáo Phật cao hơn địa vị La Hán, nhưng vẫn chẳng bằng Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Sơ Trụ Bồ Tát kiến tánh, nhưng Tạng Giáo Phật chưa kiến tánh. A La Hán trong Tạng Giáo bằng với địa vị Thất Tín Bồ Tát trong Viên Giáo. Tạng Giáo Phật chỉ bằng với Bát Tín hoặc Cửu Tín [trong Viên Giáo] mà thôi, nên chưa kiến tánh. Thông Giáo Phật cũng chưa kiến tánh, Biệt Giáo Phật bằng với địa vị Nhị Hạnh Bồ Tát trong Thập Hạnh của Viên Giáo. Bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân. Biệt Giáo Phật (quả vị Phật trong Biệt Giáo) chỉ phá được mười hai phẩm vô minh trong bốn mươi mốt phẩm vô minh, chưa đoạn hoàn toàn, kể như đã kiến tánh, còn Viên Giáo Phật phá hoàn toàn bốn mươi mốt phẩm vô minh.
Đại chúng tu Tịnh Độ nếu thuộc căn tánh Biệt Giáo thì đại đa số sẽ nương theo Vô Lượng Tứ Đế để tu, có khi học trọn khắp kinh luận Đại Thừa. Nếu thật sự là bậc lợi căn thì sau một thời gian, người ấy sẽ quay đầu. Lịch đại tổ sư như Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư từ Thiền Tông mà quay đầu lại, có lẽ thuộc căn tánh Thông Giáo, nhưng Ngài học hỏi pháp Đại Thừa rất rộng. Thông Giáo nói Không, Biệt Giáo nói Có, chẳng phải hoàn toàn nói là Không. Lại như Liên Trì, Ngẫu Ích và Ấn Quang đại sư lúc trẻ đều học hỏi rất nhiều môn Đại Thừa Phật pháp, quá nửa là căn cơ Biệt Giáo, nhưng đến lúc xế bóng, căn tánh đã chín muồi, buông toàn bộ sở học xuống, chuyên học pháp môn Niệm Phật. Đấy là hễ chuyên thì sẽ biến thành Viên Giáo. Do đây có thể biết rằng: Căn tánh Viên Giáo có thể vun bồi. Do vậy, Liên Trì đại sư đến tuổi già đã nói: “Tam Tạng mười hai bộ kinh nhường cho người khác ngộ, tám vạn bốn ngàn hạnh để cho người khác hành”. Chính mình chỉ một bộ A Di Đà Kinh, một câu A Di Đà Phật. Các vị Ngẫu Ích, Ấn Quang cũng giống như vậy. Quay đầu càng nhanh, càng thù thắng, tương lai phẩm vị ắt cao. Thật sự biết thế giới này là khổ, ắt phải cầu thoát lìa, trừ một câu Phật hiệu ra, không có chuyện gì khác, đấy mới là người thật sự giác ngộ.
Loại thứ tư là Viên Giáo, giảng về Tam Đế viên dung, viên tu, viên chứng. Họ thấy pháp Tứ Đế là Vô Tác Tứ Đế, chân và vọng như một, Tánh và Tướng chẳng hai, tâm địa thật sự thanh tịnh, tự tánh Bát Nhã trí huệ hiện tiền, nhìn vũ trụ nhân sinh quả thật chẳng giống với người khác, họ thấy được cái gọi là “Thật Tướng của các pháp”. Tâm Kinh chép: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời”, “hành” tức là “dụng”, dùng trí huệ sâu nhất để quán sát vũ trụ và nhân sinh. Ngũ Uẩn đều là không, tướng của hết thảy vạn sự, vạn vật đều do Ngũ Uẩn hợp thành, cũng có nghĩa là vạn pháp đều là Không. “Không” hiện thành Tánh, “Sắc” là nói về Tướng. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Tánh và Tướng như một; Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Lý và Sự chẳng hai. Phiền não chính là Bồ Đề, sanh tử chính là Niết Bàn. Phàm phu thấy là sanh tử, Viên Giáo Bồ Tát thấy là Niết Bàn. Phàm phu thấy là sanh diệt, Viên Giáo Bồ Tát thấy là bất sanh bất diệt. Hiện tại, khoa học kỹ thuật phát triển, có một số những cảnh giới được nói trong kinh Phật đã được chứng minh rất rõ. Các nhà khoa học nói vật chất bất diệt, tinh thần cũng bất diệt. Viên Giáo Bồ Tát thấy hết thảy pháp là duyên tụ, duyên tán. Pháp Đại Thừa coi trọng duyên sanh. Duyên tụ thì sanh, duyên tán thì diệt. Thật ra, duyên tụ cũng chẳng sanh mà duyên tán cũng chẳng diệt. Đấy là sự thật. Ví như cuốn sách này, nhiều trang giấy được đóng thành cuốn thì gọi là sách, tướng sách hiện tiền. Tách rời từng trang ra thì sách không còn nữa. Thật ra, nó chẳng diệt. Chẳng qua là hiện tượng duyên tán hay duyên tụ mà thôi. Nếu chấp trước vào tướng của sách sẽ sai lầm. Kinh Kim Cang giảng thế giới là “nhất hiệp tướng”. “Nhất” là vật chất cơ bản, kinh Phật gọi nó là “vi trần”.Tướng không có sanh diệt, tâm tánh cũng vô sanh vô diệt. Đại Bồ Tát thị hiện thần thông, nên dùng thân nào để độ được liền hiện thân ấy để thuyết pháp. Hiểu rõ đạo lý này nên có thể khống chế hoàn cảnh, có thể tùy theo lòng muốn mà biến hóa, đó gọi là “thần thông”.
Hiện thời, các nhà khoa học nói Năng (năng lượng, công năng) và Chất (vật chất) có thể biến đổi lẫn nhau. Năng là công năng của Chất, Chất là vật chất của Năng. Tâm có thể thao túng vật chất, từ trong Thiền Định rất sâu có thể đắc thần thông, tùy theo lòng muốn mà khống chế vật chất và năng lượng. Hiện tại, khoa học gia còn chưa thể nghiên cứu tới, chưa thể đột phá tâm năng (công năng, năng lượng của tâm). Nói đến Đạo thì thiên (lệch lạc, chấp vào một bên) hay tà đều là trung, chánh, không có đạo để tu, tu nhưng không tu, không tu mà tu. Diệt Đế: Sanh tử tức Niết Bàn, vô chứng mà chứng, chứng nhưng vô chứng. Học nhân Tịnh Tông nếu thuộc căn tánh Viên Giáo, sẽ thiên trọng Vô Tác Tứ Đế để tu, tức là Viên Giáo Đạo Phẩm. Có thể biết rằng: Tịnh Tông bao gồm Tạng, Thông, Biệt, Viên, các thứ căn tánh và tầng lớp khác nhau, bao gồm viên mãn hết thảy các pháp môn.
PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ KINH YẾU GIẢI GIẢNG KÝ
Phần 5 hết
[1] Trong các bản kinh Nhật Tụng lưu hành hiện thời, đôi khi chữ “diễn sướng” này bị sửa thành “diễn xướng” khiến cho ý nghĩa vi diệu của từ ngữ này bị mất hẳn, tức là lầm lẫn giữa chữ Sướng (暢) và Xướng (唱), chúng tôi xin mạn phép ghi lại lời giảng của pháp sư Bân Tông trong cuốn Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Thích (bản in của Cao Hùng Nhân Sinh Thư Cục, trang 137) về hai chữ này như sau:“Có thể diễn nói pháp âm vi diệu khiến cho tâm hành giả sanh khoan khoái, vui vẻ thì gọi là Diễn Sướng. Lại nữa, giải nói phân minh cặn kẽ là Diễn, những pháp được nói ra đều thông đạt, không trệ ngại thì gọi là Sướng. Tuy âm thanh [của các loài chim ấy] khiến cho con người sảng khoái, vui thích, nhưng không mê đắm, khác với âm thanh trong cõi tục, khiến cho người nghe sanh huệ, tư, tu, tăng trưởng đạo tâm”.
[2] Đây chính là lời phản bác những cách diễn giải sai lạc lời tán thán cõi Cực Lạc của pháp sư Khuy Cơ trong bộ Phật Thuyết A Di Đà Kinh Thông Tán Sớ. Trong bộ sách ấy, pháp sư Khuy Cơ đã viết như sau: “Hoa khai kim phố, hóa sanh vi thiên thự chi tình. Điểu thê quỳnh lâm, Bồ Tát tác thời hôn chi tướng” (Hoa nở đất vàng, kẻ hóa sanh còn mang ý niệm trời vừa rạng sáng. Chim đậu rừng quỳnh, Bồ Tát ngỡ là trời đã tối). Ở đây, pháp sư Khuy Cơ không hề giải thích khi hoa khép, chim đậu là trời tối, mà chỉ nhằm nói lên một sự kiện: Những người vãng sanh trong cõi Đồng Cư Tịnh Độ, do đới nghiệp vãng sanh, còn mang nhiều tình kiến nên có những ý niệm sáng tối, chứ thật ra cõi Cực Lạc không hề sáng hay tối, ngày hay đêm v.v...
[3] Đây là lời giải thích ý nghĩa chữ Xá-lợi trong bộ Tây Trai Thi của ngài Sở Thạch Phạm Kỳ.
[4] Tam Tụ Tịnh Giới gồm:
1. Nhiếp Luật Nghi Giới: Còn gọi là Luật Nghi Giới, hoặc Tự Tịnh Giới. Nhiếp có nghĩa là thâu tóm trọn vẹn. Nhiếp Luật Nghi Giới gồm tất cả những giới cấm nhằm mục đích tích thiện, ngừa ác như Cụ Túc Giới, Ngũ Giới, Thập Giới v.v...
2. Nhiếp Thiện Pháp Giới: Còn gọi là Thiện Pháp Giới, bao gồm những giới nhằm thệ nguyện thực hiện tất cả hết thảy thiện pháp.
3. Nhiếp Chúng Sanh Giới: Còn gọi là Chúng Sanh Giới, Tiếp Sanh Giới, hoặc Lợi Chúng Sanh Giới, bao gồm những giới nhằm lợi lạc chúng sanh. Chẳng hạn như Bồ Tát Địa Trì Kinh nói mười một giới như: Hễ chúng sanh làm những chuyện lợi ích bèn cùng góp sức, đối với chúng sanh bị bệnh hoặc chưa bệnh, hoặc chăm sóc bệnh nhân đều góp sức v.v...
[5] Tăng Tàn (Sanghāvasesa): Còn phiên âm là Tăng Gia Bà Thi Sa, gồm những trọng tội ở mức độ thấp hơn Tứ Ba La Di (giết, trộm, dâm, dối), là một trong bảy tụ giới (Cụ Túc Giới gồm bảy loại lớn, bảy loại lớn ấy được gọi là Thất Tụ). Nếu ai phạm phải những giới này giống như người bị chém, nhưng còn chút mạng tàn, phải gấp bổ cứu, nương theo Tăng Đoàn sám hối, trừ khử tội khiên. Đối với Tăng, Tăng Tàn Giới gồm 13 điều, Ni gồm 17 điều. Ở đây, Hòa Thượng chỉ nói theo Cụ Túc Giới của Tăng nên nói “trong 250 giới, chỉ có 17 điều thật sự là giới luật”.
[6] Nguyên văn là “nhập cảnh tùy tục” (vào nước nào theo phong tục nước đó), chúng tôi tạm dùng thành ngữ tương đương là “nhập gia tùy tục” cho dễ hiểu và gợi cảm giác thân thiết.
[7] Thoạt đầu, Ngũ Tứ Vận Động là một phong trào của thanh niên học sinh Trung Hoa, về sau lôi cuốn nhiều tầng lớp dân chúng, ngay cả thị dân, công nhân cũng tham gia. Lúc ban đầu, phong trào này chỉ hạn chế trong khuôn viên các trường đại học. Ngày Bốn tháng Năm năm 1919, hơn 3.000 sinh viên học sinh thuộc ba trường đại học lớn tại Bắc Kinh tập trung tại quảng trường Thiên An Môn, đả đảo những điều kiện bất bình đẳng trong hiệp ước Versailles, khiến cho công chúng chú ý và hưởng ứng rầm rộ. Liên tiếp các hình thức đấu tranh như ký tên thỉnh nguyện, biểu tình, bãi khóa, bãi công, thậm chí bạo động được tiến hành, nhằm đả đảo nền tảng học vấn, đạo đức truyền thống của Trung Quốc, đòi hỏi chính quyền ra sắc lệnh hoàn toàn phế bỏ nền tảng học vấn đạo đức cũ. Nguyên nhân gần của cuộc vận động này là sự bất mãn của dân chúng sau khi nhà Thanh bị lật đổ, Trung Hoa bị xâu xé thành nhiều mảnh bởi các thế lực quân phiệt thời ấy, hoàn toàn bị các đế quốc Tây Phương và Nhật Bản khống chế. Sự bất mãn lên đến cao độ khi Thế Chiến thứ nhất chấm dứt. Trước đó, Trung Hoa tham gia phe Đồng Minh chống lại Đức, nhưng sau khi phe Đồng Minh thắng trận, trong hội nghị Versailles nhằm ký kết những hiệp định giữa phe Đồng Minh và kẻ chiến bại, các nước Âu Tây tự tiện chuyển giao tô giới Sơn Đông của Đức cho Nhật, mặc kệ những phản kháng yếu ớt từ phía đại diện chánh quyền Quốc Dân Đảng. Giai cấp trí thức đổ lỗi sự suy yếu của chánh quyền và hiện tình rối rắm của đất nước là do những truyền thống đạo đức cũ cũng như những định chế cũ gây nên, tấn công Nho Học kịch liệt. Những trí thức nổi tiếng thời ấy như Hồ Thích, Trần Độc Tú v.v... là những người hô hào lớn tiếng nhất. Phong trào này đi đến những biện pháp quá khích như cấm sử dụng Văn Ngôn trong học đường, cấm đọc sách Nho, thậm chí cấm đọc các loại sách viết bằng thể loại Văn Ngôn trong nhà trường v.v... Họ chủ trương để nâng cao dân trí, phải hoàn toàn học theo cách giáo dục và văn hóa Tây Phương, đoạn tuyệt hoàn toàn với nền văn hóa cũ. Không những Nho Giáo bị đả kích mà Phật Giáo và Đạo Giáo cũng bị coi là những chướng ngại cho sự canh tân Trung Hoa.
[8] Đây là một trong những khẩu hiệu do Hồ Thích đề xướng thời trong giai đoạn Ngũ Tứ Vận Động (từ tháng Chín năm 1915 đến tháng Bảy năm 1921). “Khổng gia điếm” có nghĩa là “tiệm bán hàng của nhà họ Khổng”, một từ ngữ mang tính cách miệt thị Nho học.
[9] Tứ Khố Toàn Thư là tổng tập bao gồm những tác phẩm trọng yếu của Trung Hoa, cũng như những tác phẩm nổi tiếng của Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam được biên soạn và ấn hành dưới thời Càn Long từ năm Càn Long 38 (1773) đến năm Càn Long 43 (1778) hoàn thành bản cảo. Hoàn tất giảo duyệt, san định và chỉnh lỗi vào năm Càn Long 52 (1781). Tứ Khố Toàn Thư gồm hơn 3.503 thể loại khác nhau, được chia thành bốn loại chính là Kinh, Sử, Tử, Tập, dày đến 230 vạn trang, ước chừng 800 ngàn chữ do hoàng tử Vĩnh Dung chịu trách nhiệm chính, Nội Các Đại Học Sĩ Vu Mẫn Trung làm Tổng Tài (chủ biên), Kỷ Quân (Kỷ Hiểu Lam) làm Tổng Toản Tu (tổng biên tập). Nhân viên biên tập huy động đến hơn 3.600 đại học sĩ, danh nho, học giả thời ấy và 3.800 thư ký.
Tứ Khố Hội Yếu (tên đầy đủ là Tứ Khố Toàn Thư Hội Yếu) được biên tập theo lệnh vua Càn Long nhằm tóm gọn những điểm trọng yếu của mỗi tác phẩm trong Tứ Khố Toàn Thư, cũng do nhóm Vu Mẫn Trung, Vương Tế Hoa v.v... biên soạn.
[10] Như Ý là một vật trang trí, thoạt đầu là dụng cụ để gãi lưng, về sau dùng để tượng trưng cho những điều tốt lành, chúc tụng. Như Ý làm bằng xương, sừng, trúc, gỗ quý, ngọc, đá, đồng, sắt v.v... có cán dài chừng ba tấc, hơi uốn cong trông như như chữ S bị kéo dài ra. Đầu to có uốn cong lên hơi hướng về phía cán, chạm hình nấm Linh Chi hoặc áng mây, ở giữa thường gắn ngọc hay đá quý, hoặc chạm tổ nhiều vờn mây uốn lượn, bao quanh một chữ Thọ, Phước, Lộc v.v... khắc theo kiểu chữ triện. Chỗ tay cầm cũng làm hơi to ra, thường khắc chữ Tâm, chữ Phước, hoặc chữ Thọ, hoặc không khắc chữ. Trong nhà Phật cũng thường dùng Như Ý làm pháp khí để vị pháp sư chủ pháp cầm trong các pháp hội như Du Già Diệm Khẩu hoặc Thủy Lục. Đối với những cây Như Ý dùng trong các nhà phú quý, cán thường gắn thêm một đôi tua kết bằng chỉ màu đỏ hoặc vàng. Đây cũng là vật dụng mà vua thường ban tặng cho các quan trong những dịp khánh hạ, nhất là ban cho mẹ hay phu nhân của các quan lại cao cấp.
[11] Mê cung (labyrinth, maze) là một thứ kiến trúc phức tạp, nhiều đường vòng, nhiều lối rẽ, nhiều ngõ cụt, khiến ai lạc vào đó sẽ khó thể biết lối ra. Theo thần thoại Hy Lạp, Daedalus đã xây dựng mê cung cho vua Minos ở đảo Crete để nhốt con quái vật Minotaur (thân người, đầu trâu mộng). Theseus nhờ Aridne giúp đỡ (trao cho chàng cuộn chỉ để đánh dấu lối ra) đã vào tận trung tâm mê cung, giết được Minotaur.
[12] Đại Châu Hòa Thượng chính là ngài Huệ Hải, sống vào thời Đường. Sư xin xuất gia với pháp sư Đạo Trí tại chùa Đại Vân (Việt Châu). Về sau đến Giang Tây, tham học với Mã Tổ Đạo Nhất. Chỉ trong sáu năm đã đại ngộ, trở về Việt Châu, soạn cuốn Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận được Mã Tổ khen ngợi: “Đại châu viên minh” (viên châu lớn tỏa sáng trọn vẹn). Do vậy, Ngài được người đời gọi là Đại Châu Hòa Thượng.
[13] Lượng (量) là so lường, là tiêu chuẩn. Có nghĩa là những tiêu chuẩn để phân định sự hiểu biết là chân hay ngụy, gồm ba tiêu chuẩn như sau:
1. Hiện Lượng (Pratyakśa-pramāna): Còn gọi là Chân Hiện Lượng. Dùng sự nhận biết sự vật trực tiếp của Ngũ Căn để biện định. Hiện Lượng chỉ có thể áp dụng cho bậc Bồ Tát từ Sơ Địa trở lên. Từ Địa Tiền Bồ Tát (những địa vị Bồ Tát chưa chứng Sơ Địa) trở xuống, sự nhận biết sự vật của Ngũ Căn đều là hư giả, lệc lạc, không thể gọi là Hiện Lượng được.
2. Tỷ Lượng (Anumāna-pramāna): Dùng so sánh để suy luận. Tức là đem những điều đã biết chắc chắn để so sánh với những điều chưa biết.
3. Thánh Giáo Lượng (còn gọi là Thánh Ngôn Lượng, Chánh Giáo Lượng): Dùng những lời dạy của bậc Nhất Thiết Trí để biện định.
[14] Chữ “chế độ” ở đây không có nghĩa là một chánh thể như dân chủ, độc tài, phong kiến, tư bản, cộng hòa v.v... mà có nghĩa là những phép tắc, khuôn khổ quy định cung cách ứng xử đúng mức trong sinh hoạt thường nhật.
[15] Hiểu theo nghĩa hẹp, “tiết tháo” có nghĩa là giữ vững những nguyên tắc, nguyên lý đạo đức, phẩm tánh của chính mình, không bị khuất phục, thay đổi trước bạo lực, cường quyền. Theo nghĩa rộng, “tiết tháo” là giữ vững phẩm tánh, khí tiết, đạo đức, nguyên tắc sống, không vì hoàn cảnh dụ dỗ mê hoặc, hoặc vì bị sức ép của xã hội hay đồng bạn mà thay đổi, biến chất.
[16] [Ghi chú của cư sĩ Lưu Thừa Phù]: Ngũ Suy là một thuật ngữ trong nhà Phật. Khi một vị trời sắp chết sẽ hiện ra năm thứ tướng suy. Kinh Đại Niết Bàn chép: “Thích Đề Hoàn Nhân (chúa cõi trời Đao Lợi, gọi tắt là Đế Thích), khi sắp mạng chung, có năm tướnghiện. Một là xiêm áo nhơ bẩn, hai là hoa trên đầu héo, ba là thân thể hôi dơ, bốn là dưới nách toát mồ hôi, năm là chẳng thích tòa của mình”. Có năm tướng này thì chư thiên liền biết là sắp chết, lại phải theo nghiệp vào luân hồi.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét