" Những người này họ vốn không có phước báu. Những phước báu này không phải Đức Phật hay ai đó đã cướp đi của họ, trái lại, chính họ đã tự cướp đi (đánh mất) phước báu của chính mình..."
Có thể nói sau đại Lễ Vu lan và Phật Đản, Pháp hội Dược Sư 2556 được tổ chức vào ngày 17-18.11.2012 vừa qua tại chùa Phật Huệ là một trong những Pháp sự lớn và quan trọng trong năm.
Thời tiết những ngày lập thu mặc dù không được thuận lợi như ý muốn, nhưng ngay từ những phút đầu chuẩn bị cho giờ khai mạc Pháp Hội Dược Sư, các Phật tử Việt-Đức đã cùng với thân quyến của mình nô nức về chùa để tu học.
Theo lịch trình đã định, vào lúc 10:30 giờ ngày 17.11.2012, các Phật tử đã cung tựu đầy đủ và trang nghiêm trong Chánh điện để cung nghinh Thượng Toạ chủ Trì Thích Thiện Sơn cùng Tăng Đoàn chùa Phật Huệ bước vào Chánh điện để chủ trì và làm lễ khai Đàn Pháp Hội Dược Sư 2556.
Khung cảnh Chánh Điện chùa Phật Huệ trong Pháp Hội Dược Sư
Sau những giây phút linh thiêng và trang trọng, TT Thích Thiện Sơn cùng Tăng Đoàn đã hướng dẫn đại chúng tụng Kinh Dược Sư để nguyện cầu cho thế giới hoà bình, dân sinh an lạc.
Sau phần Khai Đàn Dược Sư, TT Thích Thiện Sơn đã thay mặt BTC chùa Phật Huệ giản lược đôi nét cùng đại chúng về ý nghĩa cao cả của Pháp Hội Dược Sư, kế đó TT chủ Trì cùng Tăng Đoàn đã hướng dẫn đại chúng về phương pháp quán tưởng và trì Chú Dược Sư.
Thượng Toạ Chủ Trì Thích Thiện Sơn cùng Tăng Đoàn làm lễ Khai Đàn Dược Sư 2556
Sau khi nắm vững được những kiến thức cơ bản về pháp quán tưởng, và trì chú, các Phật tử đã cùng với Tăng Đoàn thực nghiệm tại chỗ Pháp quán tưởng Dược Sư Phật và cùng nhau trì chú Dược Sư trong suốt hai tiếng đồng hồ để nguyện cầu quốc thái, dân an, chúng sanh vạn vật muôn loài đều được sống trong hoà bình, an lạc…
Trong phần hai của ngày đầu Pháp Hội Dược Sư, TT Thích Thiện Sơn đã dành hơn hai tiếng đồng hồ để giới thiệu tới các Phật tử, đặc biệt là các Phật tử người Đức và nước ngoài đến tham gia Pháp sự cùng được hiểu rõ và tường tận hơn về ý nghĩa của Pháp Hội, sự tích và đặc biệt là 12 Đại nguyện cao cả của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật:
12 Bổn Nguyện
của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật:
của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật:
Nguyện thứ nhất: "Ta nguyện đời sau, khi chứng được quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác, thân ta có hào quang sáng chói, chiếu khắp vô số thế giới, khiến cho chúng hữu tình đều có đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu và tám mươi tướng vẻ đẹp trang nghiêm như thân của Ta vậy."
Nguyện thứ hai: "Ta nguyện đời sau, khi đặng Đạo Bồ Đề(14), thân ta như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, không có chút nhơ bợn, ánh quang minh chói lọi khắp nơi, công đức cao vòi vọi và an trú giữa từng lưới dệt bằng tia sáng, tỏ hơn vầng nhật nguyệt. Chúng sanh trong cõi U minh đều nhờ ánh sáng ấy, tâm trí được mở mang, muốn đi đến chỗ nào để làm nên sự nghiệp, sẽ được như ý."
Nguyện thứ ba: "Ta nguyện đời sau, khi đặng Đạo Bồ Đề, dùng trí huệ, và phương tiện vô lượng vô biên, độ cho chúng hữu tình, khiến mọi người có đủ các vật dụng, không ai phải chịu sự thiếu thốn."
Nguyện thứ tư: "Ta nguyện đời sau, khi đặng Đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình tu theo tà đạo(15), ta khiến họ quay về an trụ trong Đạo Bồ Đề. Hoặc có những người tu theo hạnh Thinh Văn(16), Độc Giác, thì ta cũng dùng giáo lý Đại Thừa mà giảng dạy cho họ."
Nguyện thứ năm: "Ta nguyện đời sau, khi đặng Đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình, nhiều vô lượng, vô biên ở trong giáo pháp của ta mà tu-hành theo hạnh thanh tịnh thì ta khiến cho tất cả đều giữ được giới pháp hoàn toàn đầy đủ cả tam-tu tịnh giới(18). Nếu có người bị tội hủy phạm giới pháp, nghe được danh hiệu Ta, người đó sẽ được thanh tịnh, khỏi sa vào đường ác."
Nguyện thứ sáu: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào thân hình hèn hạ, các căn(19) không đủ, xấu xa, khờ khạo, tai điếc, mắt đui, nói năng ngọng liệu, tay chân tật nguyền, lác hủi, điên cuồng, chịu những bịnh khổ ấy, nếu nghe danh hiệu Ta, liền được thân hình đoan chánh, tâm tánh khôn ngoan, các căn đầy đủ, không còn những bịnh khổ ấy nữa."
Thượng Toạ Thích Thiện Sơn khai thị 12 Đại nguyện của Đức Dược Sư
Nguyện thứ bảy: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào bị những chứng bệnh hiểm nghèo không ai cứu chữa, không ai để nương nhờ, không gặp thầy, không gặp thuốc, không bà con, không nhà cửa, chịu nhiều nỗi nghèo hèn khốn khổ, nếu nghe danh hiệu Ta một lần, tất cả những bịnh hoạn khổ não đều tiêu trừ, thân tâm an lạc, gia quyến sum vầy, của cải sung túc, cho đến chứng được đạo quả vô thượng Bồ Đề."
Nguyện thứ tám: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Đạo Bồ Đề, nếu có những phụ nữ nào bị trăm điều hèn hạ khổ sở, buồn rầu, bực tức, sanh tâm nhàm chán, muốn bỏ thân ấy, nếu nghe danh hiệu Ta, được chuyển thân gái thành thân trai, có đủ hình tướng trượng phu, cho đến chứng được đạo quả vô thượng Bồ Đề."
Nguyện thứ chín: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Đạo Bồ Đề, dẫn dắt chúng hữu tình ra khỏi vòng lưới ma nghiệp, được giải thoát tất cả sự ràng buộc của ngoại đạo. Nếu có những kẻ sa vào rừng ác kiến(20), Ta nhiếp dẫn họ trở về với chánh kiến(21), và dần dần dạy họ tu tập theo các hạnh Bồ Tát(22) đặng mau chứng Đạo Chánh đẳng Bồ Đề."
Nguyện thứ mười: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào bị nhà vua xiềng xích, đánh đập, hoặc bị giam giữ trong chốn lao tù, hoặc bị chém giết, hoặc bị nhiều tai nạn nhục nhã, thân tâm chịu những nỗi khổ, buồn rầu, bứt rứt, nếu nghe danh hiệu Ta, nhờ sức oai thần phước đức của Ta, đều được giải thoát tất cả những nỗi ưu khổ ấy."
Nguyện thứ mười một: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào bị sự đói khát hoành hành, vì tìm miếng ăn phải tạo các nghiệp dữ, nếu nghe danh hiệu Ta, chuyên niệm thọ trì, trước hết Ta dùng các món ăn ngon ban bố cho họ được no đủ, và sau ta đem giáo pháp nhiệm mầu kiến lập cho họ cảnh giới an lạc hoàn toàn."
Nguyện thứ mười hai: "Ta nguyện đời sau, khi chứng Đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào nghèo đến nỗi không có áo che thân, bị muỗi mòng cắn đốt, nóng lạnh giãi dầu, ngày đêm khổ bức, hễ nghe danh hiệu ta và chuyên niệm thọ trì thì Ta sẽ giúp cho người đó được như ý muốn: Các thứ y phục tốt đẹp, bảo vật trang nghiêm, tràng hoa, phấn sáp thơm ngát, trống nhạc ca múa, muốn thưởng thức thứ nào cũng được thỏa mãn cả."
Đại chúng chăm chú lắng nghe lời khai thị của TT Thích Thiện Sơn
Đan xen những lời giải nghĩa về 12 bổn nguyện cao cả của Đức Phật Dược Sư, TT chủ Trì đã kể lại những câu chuyện vui nhưng cũng đầy khúc triết, đầy trăn trở của Đoàn Phật tử chùa Phật Huệ trong hành trình viếng thăm nước Phật do TT chủ Trì hướng đạo trong hai tuần đầu tháng 11.2012 vừa qua.
Khi nói về tấm lòng từ bi của Đức Phật Dược Sư trong bổn nguyện thứ 3: "Ta nguyện đời sau, khi đặng Đạo Bồ Đề, dùng trí huệ, và phương tiện vô lượng vô biên, độ cho chúng hữu tình, khiến mọi người có đủ các vật dụng, không ai phải chịu sự thiếu thốn." TT Thích Thiện Sơn đã kể lại một tiết chuyện nhỏ nhân một ngày phái đoàn Phật tử của chùa Phật Huệ mang bánh mì tới Bồ Đề Đạo Tràng để phân phát cho những người nghèo.
Bồ Đề Đạo Tràng là nơi vô cùng linh thiêng, nơi đánh dấu sự thành đạo của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nhưng một điều khiến tất thảy những ai đến viếng thăm nơi đây cũng đều sửng sốt, là nơi này người nghèo, bần cùng tụ tập lại nhiều vô số kể. Công việc chính của họ là xin ăn. Khi phái đoàn Phật tử do Thầy chủ Trì dẫn đầu mang theo một số lượng bánh mì được chuẩn bị khá nhiều và kỹ lưỡng, với ước nguyện tới nơi này phái đoàn sẽ được tự tay hoan hỉ để phân phát những chiếc bánh thô mọn đến tận tay những người nghèo khó… Nhưng rồi hôm đó khi phát hiện thấy phái đoàn của Thầy chủ Trì xuất hiện, cả đoàn người ăn xin, trong đó phần lớn là các trẻ nhỏ và thiếu niên đã cùng nhau đồng lượt ào lên để tranh cướp, xin ăn.
TT Thích Thiện Sơn cùng Phật tử đoàn
viếng thăm nơi Đức Phật nhập Niết Bàn (Nguồn: www.phathue.de)
Mọi người trong đoàn, kể cả Thầy chủ Trì đều không có dự tính trước và cũng không thể hình dung tình huống này sẽ xảy ra, vì vậy khi thấy đám trẻ ăn xin cùng nhau ào lại, rồi đứa với tay, người giật, kẻ xông, nhao lên cướp bánh, rồi có những đứa trẻ khi cướp được bánh mì, nó vội nhét đầy vào miệng, nhai ngấu nghiến; có những đứa khác cướp được bánh, cũng vội nhét bánh vào miệng, rồi vừa nhai nhồm nhoàm, vừa xông lên tiếp tục cướp; cũng có đứa lại nhét vội bánh chiếc bánh vừa cướp được vào túi; kẹp chặt bánh vào nách, hay nắm chặt trong tay, hoặc găm vào bất cứ chỗ nào trên thân thể, rồi cứ thế lại tiếp túc nhao, nhảy lên để xin (nói cho đúng) là cướp bánh…
TT Thích Thiện Sơn cùng Phật tử đoàn chùa Phật Huệ trước khuân viên
ngôi chùa Tây Tạng tại Bod Gaya (Nguồn: www.phathue.de)
Trước cảnh tượng như thế, mọi người trong đoàn đều trở nên hụt hẫng. Mọi sự chuẩn bị, ý định từng người, từng người sắp theo hàng, hoan hỉ phân phát từng chiếc bánh nhỏ bé vào tay những người ăn xin trước cửa Bồ Đề Đạo Tràng bỗng vụt tan biến. Thế vào đó là những hành động phải né tránh, tự vệ, giằng co… để cố giữ lại những chiếc bánh còn lại ít ỏi, phân chia cho những người già, tàn tật không có cơ hội xông lên cướp bánh như tụi trẻ.
Thầy chủ Trì bùi ngùi tâm sự: Không cứ gì những người trong đoàn, ngay cả Thầy cũng đều rất hoan hỉ khi chuẩn bị cho chuyến phát quà tại Bồ Đề Đạo Tràng này. Nhưng khi nhìn thấy các Phật tử bị đám trẻ ăn xin xô đẩy, lấn lướt, nhiều người tưởng chừng tới té nhào, trước trùng trùng đoàn trẻ ăn xin cùng lượt nhao tới cướp đồ ăn, lúc này hình như nỗi hân hoan, lòng từ bi của mọi người đột nhiên đều biến mất. Ngay cả Thầy trước nghịch cảnh như vậy cũng buộc phải tự vệ bằng cách: Cố giơ thật cao những túi bánh còn lại, rồi nghiêng người, né, tránh để gắng gượng giữ lại một số bánh ít ỏi, để phân phát cho những người mù, già cả và tàn tật ngồi ở góc khác của Bồ Đề Đạo Tràng. – Vậy là… - Thầy chủ Trì xúc động nói: Lòng từ bi của mọi người lúc ấy đột nhiên không còn nữa. Không phải vì mọi người không thương xót tụi trẻ ăn xin, trái lại, nhìn thấy ai họ cũng động lòng, nhưng trước những hành động cướp giật quá dũng mãnh của tụi nhỏ, khiến mọi người, vì muốn xan sẻ chút bánh ít ỏi cho những người khác, mà buộc lòng mọi người trong đoàn đã phải gồng mình lên để tự vệ. Hành động ấy, dù giải thích thế nào chăng nữa, cũng không thể nói nó còn mang trọn vẹn ý nghĩa của lòng từ bi được…
Phật tử đoàn chùa Phật Huệ viếng thăm ngôi chùa Việt Nam tại vùng Lumbini (Nguồn: www.phathue.de)
Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao trước một nơi thánh thiện, linh thiêng, tôn quý và trang nghiêm như thế mà lại trở thành một nơi tụ họp những người ăn xin đủ mọi thành phần? Thầy chủ Trì giải thích: Những người này họ vốn không có phước báu. Những phước báu này không phải Đức Phật hay ai đó đã cướp đi của họ, trái lại, chính họ đã tự cướp đi (đánh mất) phước báu của chính mình. Bởi như đoàn Phật tử được biết: mặc dù những người ăn xin này đều biết đằng sau họ, chỉ cách vài bước chân thôi là Bồ Đề Đạo Tràng, là nơi Đấng Chí Tôn, Bậc Tôn Sư của chúng sanh muôn loài đã tu học và thành đạo, vậy nhưng hình như không một ai trong số đó mảy may nghĩ tới một điều đơn giản: Bước vào Bồ Đề Đạo Tràng để cung kính thắp một nén hương, hay đảnh lễ bậc Tôn Sư. Hành động ấy, đủ thấy họ – những người nghèo khó đang khiến mình thêm tiếp tục nghèo khó hơn; vô phước hơn. Nói khác đi: Họ đang tự đoạn tuyệt, đánh mất đi những phước báu của chính mình.
Đây cũng là điều khiến cho các Phật tử đang tham dự Pháp Hội nói riêng và cũng là điều mà các Phật tử nói chung nên có sự nhìn nhận và cân nhắc lại về hành vi, sự dấn thân cho con đường tu học của chính mình.
Trong phần 3 của đêm Pháp Hội Dược Sư, TT chủ Trì cùng Tăng Đoàn đã hướng dẫn các Phật tử phương pháp toạ thiền, trì chú và quán Đảnh Dược Sư Phật. Mục đích của pháp toạ thiền, trì chú và quán đảnh Dược Sư Phật là giúp cho các Phật tử có thể an trụ tâm, loại bỏ những tạp niệm… rồi tiến tới có thể tự điều trị những tâm bệnh của chính mình để có một cuộc sống an lạc hơn.
TT Thích Thiện Sơn và Đại Đức Thích Trung Lưu làm lễ quán Đảnh Dược Sư cho các Phật tử
Sang ngày 18.11.2012, sau phần công phu khuya và tụng kinh Dược Sư, các Phật tử đã được TT Thích Từ Trí hướng dẫn cách trì Chú Dược Sư và kết chỉ ngũ sắc (còn gọi là kết chỉ Dược Sư).
Ý nghĩa của việc trì chú và kết chỉ Dược Sư là mọi người cùng nhau phát tâm, hướng nguyện đem đến những lợi ích, an lạc không chỉ hướng về những người thân, mà đem lòng hướng nguyện tới tất thảy những chúng sanh muôn loài khác đang sống trong khổ đau, bất hạnh… trong đó có cả những người không có được cơ hội đến chùa tu học, hoặc chưa có cơ duyên đến với Phật pháp.
Mười hai gút chỉ Dược Sư được kết nguyện bằng hồng danh của 12 vị Đại Tướng Dược Soa:
Phạt Chiếc La đại tướng,
Mê Súy La đại tướng,
An Để La đại tướng,
Át Nể La đại tướng,
San Để La đại tướng,
Nhơn Đạt La đại tướng,
Ba Di La đại tướng,
Ma Hổ La đại tướng,
Chơn Đạt La đại tướng,
Chơn Đạt La đại tướng,
Tỳ Yết La đại tướng.
Trong kinh Dược Sư ghi lại rằng: 12 vị đại tướng sau khi được nghe Phật Thích Ca thuyết Dược Sư Kinh đã đồng tâm phát nguyện: "Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay, chúng tôi nhờ oai lực của Phật, được nghe danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, không còn sợ sệt các đường ác thú nữa. Chúng tôi đồng một lòng trọn đời quy y Phật, Pháp, Tăng, thề sẽ gánh vác cho chúng hữu tình, làm việc nghĩa lợi đưa đến sự nhiêu ích an vui. Trong làng xóm, thành, nước, hoặc trong rừng cây vắng vẻ, nếu có kinh nầy lưu bố đến, hay có có người thọ trì danh hiệu Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai và cung kính cúng dường Ngài, chúng tôi cùng quyến thuộc đồng hộ vệ người ấy thoát khỏitất cả ách nạn và khiến họ cầu việc chi cũng được thỏa mãn. Nếu có ai bị bệnh hoạn khổ ách, muốn cầu cho khỏi, nên đọc tụng kinh nầy và lấy chỉ ngũ sắc gút danh tự chúng tôi, khi đã được như lòng mong cầu thì mới mở gút ra."
Cũng vì ý nghĩa cao cả này mà trong các Pháp Hội Dược Sư hàng năm, BTC chùa Phật Huệ đều có một khoá hướng dẫn tường tận cho các Phật tử về cách thức và hành theo những đại thiện nguyện này.
Pháp Hội Dược Sư 2556 đã được khép lại hoàn mãn vào lúc 16 giờ ngày 18.11.2012.
Ghi nhận từ Pháp Hội Dược Sư 17-18.11.2012 – Thiện Lợi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét