Theo Phật giáo thì trong giai đoạn trung gian nếu người quá vãng chưa tìm ra ngay các điều kiện thuận lợi để tái sinh thì cứ bảy ngày lại chết thêm một lần nữa, cho đến khi nào tìm được các điều kiện phù hợp cho sự tái sinh của mình, cứ tiếp tục tất cả bảy lần như thế. Nói một cách khác, trong lúc một chúng sinh chưa gặp được các điều kiện tái sinh thích nghi với xu hướng của mình và ngay trong lúc đó nếu ta làm được một điều gì tốt cho họ và điều đó phải có khả năng tạo ra một tác động thật mạnh thì ta cũng có thể chuyển thể dạng tâm thức của họ sang một hướng tái sinh tốt hơn..."
Dagpo Rimpoché
(Hoang Phong chuyển ngữ)
Đến đây thì cũng nên đề cập đến trường hợp một người Phật giáo lo cho một nguời Phật giáo.
Trong trường hợp này thì phải làm gì ? Thật ra tất cả đều tùy thuộc vào người hấp hối. Nếu đấy là một người đã chuẩn bị cho mình từ trước thì ta chẳng cần phải giúp đỡ. Nếu biết họ hội đủ khả năng thì cứ để cho họ tự thiền định một mình khi ra đi. Tuy nhiên cũng có thể gặp trường hợp một người tu tập chưa được tinh thông thì trong trường hợp này phải giúp đỡ thêm cho họ. Trước hết phải tìm hiểu xem trước đây họ tu tập theo các phương pháp nào. Nếu biết được vị Thần linh hộ mệnh và các phương pháp tu tập của họ thì nên nhắc lại cho họ nghe để theo đó mà họ tự thiền định trong khi quá trình của cái chết đang tiếp diễn. Nếu biết được đúng vị Phật nào hộ mệnh cho họ và các kỹ thuật tu tập trước đây của họ thì tốt nhất, hãy nhắc đến vị Phật ấy và kỹ thuật ấy.
Dù bất cứ trong trường hợp nào thì cũng nên nhớ là cố gắng giúp người hấp hối tạo ra cho họ một tâm thức lợi ích đúng vào lúc trước khi lìa đời. Thể dạng tâm thức ấy có thể là một thể dạng tràn đầy sự tin tưởng, tình thương yêu, lòng từ bi, sự bao dung, hay bất cứ một phẩm tính nào khác. Trong khi ra đi thì thể dạng tâm thức đó phải hiện lên và xâm chiếm tâm thức họ.
Theo Phật giáo thì sự sống tiếp tục kéo dài cho đến khi nào cơ sở vật chất còn đủ sức chống đỡ cho tâm thức. Tất cả mọi sinh linh đều được cấu tạo bằng một số yếu tố vật chất và tâm thần kết hợp với nhau trong giây phút thụ thai. Sau đó thì sự sống sẽ kéo dài cho đến khi nào sự kết hợp đó còn tiếp tục tồn tại. Quá trình của cái chết là sự tan rã của nó.
Vào đúng lúc quá trình của cái chết bắt đầu thì các thành phần tạo ra một cá thể sẽ phân tán. Các thành phần đó gồm có đất (vật liệu cứng), nước, khí và lửa (hơi nóng, sinh khí) và thêm vào đó thành phần tri thức. Thật ra thì đấy chỉ là các thuật ngữ sử dụng nhằm mục đích mô tả hiện tượng tan biến thuộc quá trình của cái chết mà thôi. Các thành phần ấy mất dần khả năng chống đỡ cho tri thức tức là tâm thần của một cá thể con người, đến một lúc nào đó thì thân xác hoàn toàn không còn chống đỡ cho tâm thức được nữa và đấy là giây phút đánh dấu cái chết.
Theo kết quả phân giải của Phật giáo thì thành phần bị mất khả năng trước nhất trong số các thành phần (ngũ uẩn)tạo ra một cá thể là thân xác tức là cấu hợp hình tướng. Sự suy thoái của hình tướng kéo theo sự suy thoái thị giác. Trong khi đó khả năng thính giác vẫn còn duy trì khá tốt. Vì thế trong giai đoạn đầu của quá trình của cái chết người hấp hối vẫn tiếp tục nghe và hiểu được người khác nói. Một trong các dấu hiệu thật đặc biệt xảy ra vào giai đoạn một trên đây - tức là giai đoạn tan biến của cấu hợp hình tướng - là dấu hiệu cho thấy người hấp hối có cảm giác như bị lún sâu xuống đất, tương tợ như bị té từ trên cao và họ phải nhờ người chung quanh nâng đầu mình để đặt lên gối : nên để ý đây là dấu hiệu tiêu biểu nhất trong giai đoạn tan biến đầu tiên. Vì thị giác trở nên suy yếu nhưng thính giác lại còn tốt nên đây là lúc phải sử dụng lời nói để khuyên nhủ người hấp hối. Khi bắt đầu giai đoạn tan rã thứ hai đánh dấu sự tan biến của giác cảm thì thính giác sẽ suy thoái theo và người hấp hối càng lúc càng nghe không rõ, vì thế vào giai đoạn này không còn khuyên nhủ hay trấn an người hấp hối được nữa. Do đó nếu muốn giảng giải gì thêm cho họ về giáo lý hoặc nhắc lại những điều tốt đẹp mà họ đã làm, các phương pháp tu tập của họ trước đây, hay chỉ đơn giản gợi lại cho họ những tư duy tràn đầy yêu thương, từ bi và rộng lương, thì phải thực hiện sớm hơn tức là trong giai đoạn tan biến đầu tiên.
Trong suốt cuộc sống luôn luôn lúc nào cũng có các tiếng ồn ào dai dẳng vang lên trong tâm trí nhưng thường thì ta lại không nghe được hay ý thức được mặc dù các tiếng ồn ào đó lúc nào cũng thường trực. Vào giai đoạn tan biến thứ hai, khả năng thính giác suy yếu dần cho đến một lúc mà ngay cả tiếng ồn ào trong nội tâm cũng im bặt. Tuy nhiên lúc đó tâm thức vẫn tiếp tục hoạt động dưới các thể dạng thô thiển thường nhật của nó (tức là sự suy nghĩ) trong một số giai đoạn thuộc quá trình diễn biến của cái chết, vì thế dù cho không còn nghe được gì cả nhưng người hấp hối vẫn còn suy nghĩ được. Thể dạng tâm thức của họ trong các giai đoạn đó có thể là tích cực, tiêu cực hay trung hòa. Tuy nhiên khi các thành phần cấu hợp khác tuần tự theo nhau mất dần khả năng chuyển tải sự sống thì đến một lúc nào đó các thể dạng tâm thần thô thiển sẽ ngưng hoạt động và tan biến hết, tuy nhiên người chết vẫn chưa phải là chết hẳn. Trong giai đoạn này thể dạng tâm thức thô thiển sẽ tan biến hết và chỉ còn lại phần tâm thức tinh tế. Tâm thức tinh tế sẽ hiển hiện dưới bản thể tự nhiên của nó tức thể dạng trung hòa và người chết đương nhiên cũng rơi vào thể dạng trung hòa đó. Kể từ lúc này thì không còn giúp đỡ gì được cho họ bằng các lời khuyên nhủ nữa.
Vào thời điểm mô tả trên đây thì cái chết thực sự (đúng nghĩa của nó)sẽ xảy ra, và theo quan điểm Phật giáo thì tiếp theo sau đó là một thể dạng gọi là thể dạng trung gian. Trong trường hợp một người hấp hối chết trong tình trạng thiếu tốt đẹp có nghĩa là đang bị dày vò bởi tác động của một tâm thức tiêu cực thì trong thể dạng này có đúng là không còn cách gì giúp đỡ cho người chết nữa ? Phật giáo cho rằng vẫn có thể giúp đỡ trong giai đoạn trung gian trên đây. Người ta vẫn có thể làm cho thể dạng tâm thức cuối cùng của người chết khi họ còn trong tình trạng ý thức trước đây chuyển hướng được. Đấy là cách hồi hướng công đức của mình. Tất cả mọi hành động mà ta thực hiện được từ trước nếu mang ra để hồi hướng đều sẽ mang lại hiệu quả, chỉ cần là các hành động đó được thực thi trong chiều hướng lợi ích. Chẳng hạn như ta từng giúp đỡ những người ốm đau, già yếu, trẻ em trong cảnh khốn cùng, hoặc chia sẻ với thú vật miếng ăn ; hoặc tham gia vào một số nghi lễ nào đó hay chỉ vỏn vẹn tuân thủ đạo đức ; hoặc góp phần xây bệnh viện, đường xá, cầu cống, v.v..., một cách vắn tắt thì đấy là tất cả các hành động có tính cách lợi ích chung hoặc hướng vào một số người nào đó. Ta đem tất cả những gì xứng đáng từ các hành động lợi ích ấy hồi hướng cho người quá cố để nhờ đó mà họ có thể chuyển sự tái sinh của họ theo một chiều hướng thuận lợi hơn. Đấy là cách giúp cho người vừa mất, cách này sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn nữa khi được chính những người thân thuộc đứng ra thực thi, chẳng hạn như cha mẹ, người hôn phối, con cái hay bạn bè của người chết. Tốt nhất là trước đây họ đã từng sống chung với người quá vãng.
Sau đây là trường hợp mà người qua đời trong một thể dạng tâm thức thật tiêu cực và thể dạng trung gian đang hướng họ vào một sự tái sinh vô cùng bất lợi. Nếu muốn giúp họ tức có nghĩa là muốn làm được một cái gì đó lợi ích để hồi hướng cho họ thì sẽ có hai cách. Cách thứ nhất là giúp họ tự tạo ra một thể dạng tâm thức lợi ích cho họ. Theo Phật giáo thì trong giai đoạn trung gian nếu người quá vãng chưa tìm ra ngay các điều kiện thuận lợi để tái sinh thì cứ bảy ngày lại chết thêm một lần nữa, cho đến khi nào tìm được các điều kiện phù hợp cho sự tái sinh của mình, cứ tiếp tục tất cả bảy lần như thế. Nói một cách khác, trong lúc một chúng sinh chưa gặp được các điều kiện tái sinh thích nghi với xu hướng của mình và ngay trong lúc đó nếu ta làm được một điều gì tốt cho họ và điều đó phải có khả năng tạo ra một tác động thật mạnh thì ta cũng có thể chuyển thể dạng tâm thức của họ sang một hướng tái sinh tốt hơn. Vì thế sau khi chết được bảy ngày hay mười bốn ngày... chẳng hạn, thì vào đúng các thời điểm nhất định đó thể dạng tâm thức của họ có thể chuyển đổi để trở thành tích cực hơn.
Tóm lại ta có thể làm được những gì để giúp cho những người đang trong giai đoạn trung gian? Ấy là cầu nguyện, phát lộ ước vọng tốt đẹp hướng vào họ. Ước vọng tốt nhất là cầu mong cho họ sẽ tái sinh làm người. Tuy nhiên không phải chỉ tái sinh làm người là đủ mà phải tái sinh trong những điều kiện thuận lợi, tức được hạnh phúc để sau này còn giúp ích cho thật nhiều người khác.
Trong mỗi gia đình của chúng ta hôm nay cũng có thể có nhiều người thân ra đi từ lâu. Nhiều năm tháng dài chia cách họ với chúng ta, sự chia cách lâu dài đó có phải đã làm cho chúng ta bó tay và không còn làm gì được để giúp đỡ cho họ nữa hay không? Phật giáo cho biết là chúng ta vẫn còn có thể giúp đỡ cho họ, kể cả sau những năm tháng dài chia cách. Nhất định là trong khoảng thời gian trên đây họ có thể đã tái sinh trở lại. Tuy rằng chúng ta không thể biết được kiếp sống mới của họ đã hay sẽ chấm dứt vào lúc nào, nhưng chúng ta vẫn cứ cố gắng giúp đỡ họ giống như chúng ta đang ra sức giúp đỡ những người đang hấp hối bên cạnh chúng ta hôm nay. Chúng ta cứ tưởng tượng ra những người thân đang trong giai đoạn trung gian để tự nguyện hồi hướng những hành động tích cực của mình cho họ, nhất là nên hồi hướng cho cha mẹ chúng ta. Không sớm thì muộn vào một ngày nào đó những người thân của chúng ta cũng sẽ phải đối đầu với một cái chết mới, và những gì mà chúng ta hồi hướng cho họ sẽ giúp cho họ hướng vào những sự tái sinh tốt đẹp hơn.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét