Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Cúng Dường – Hiểu Sao Cho Đúng?



"Nhân dịp xuân về có biết bao điều chúng ta cần phải nhìn lại, thức tỉnh và ước nguyện. Tuy nhiên nếu chúng ta không cùng nhau nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo, tất những sự hiểu lầm của năm cũ sẽ mãi còn tồn đọng và một năm mới đến sẽ còn có những sự không vừa ý với nhau..."




- Bác ơi! Bác làm ơn cho cháu hỏi: Đĩa hoa quả cháu để cúng Phật ở chỗ kia, đâu mất rồi hả bác?
- Cô ơi! Đĩa bánh cháu đem đến để cúng  Phật, vừa rồi còn trông thấy, nhưng bây giờ cháu quay lại lấy lại không thấy đâu nữa?
- Chị ơi! Những đồ chay em mang đến từ nhà để cúng Phật, sao bây giờ không thấy đâu nữa hả chị?
- Chú! Chú làm ơn cho tôi  hỏi: Đồ tôi cất công làm từ nhà, rồi mang tới đây để làm lễ, cúng Phật, định bụng sẽ xin về cho người nhà dùng, sao bây giờ mất tiêu rồi hả chú?
- Em, cho chị hỏi: Đồ mang đến đây cúng, có được lấy lại, mang về nhà không?
- Kỳ cục quá đi! Đồ tôi mang cúng Phật, tôi vừa ra ngoài một chút thôi, trở lại đã thấy mấy tiêu rồi.
- Ơ, đĩa bánh trái, hoa quả tôi để đây, đâu mất rồi? Chị ơi, có biết ai lấy đĩa bánh và hoa quả của em không chị? v.v...

Trên đây chỉ là một trong vô số những câu hỏi tương tự, cùng những cử chỉ, lời nói khá bức xúc được đặt ra từ những người „bị mất đồ“ Cúng Dường Phật.

Nếu để ý đôi chút chúng ta sẽ nhận thấy, thông thường và đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết các Phật tử có tâm thường hay mua hương, hoa quả, hoặc mua, hoặc tự làm bánh trái, đồ chay... rồi mang đến chùa, tịnh xá, thiền viện, niệm Phật đường... để cúng Chư Phật, Chư Bồ Tát và Chư Tăng. Hẳn ai ai cũng đinh ninh (mang trong lòng) một mối hy vọng: Phật, Bồ Tát sẽ hiển linh, sẽ chứng minh cho tấm lòng thành của mình, mà gia hộ cho mình, cho thân quyến... của mình bước sang một năm mới có một cuộc sống thịnh đạt, sung túc và bình an hơn...

http://media.thethaovanhoa.vn/2012/02/04/10/45/Dinhchua.jpg
 Ảnh chỉ mang tính minh hoạ (Nguồn: NET)

Trong những ngày rằm, mùng một, hoặc các ngày Lễ lớn như Phật Đản, hay Vu lan, các Phật Tử đi lễ chùa, mua hương hoa, trà quả về cúng chùa là một điều đáng quý, đáng trân trọng lắm rồi. Tuy nhiên nếu chúng ta không để tâm tìm hiểu kỹ về ý nghĩa đích thực của việc Cúng Dường Chư Phật, tất sẽ có nhiều điều hiểu lầm trong nội tâm xảy ra, từ đó sẽ khiến cho tâm của chúng ta – những người phát tâm đến Cúng Dường Chư Phật (Chư Bồ Tát, Chư Tăng) thêm bức xúc và có những hoài nghi về việc ý nghĩa của việc Cúng Dường cũng như việc làm của chính mình.

Để hiểu rõ ngọn ngành sự việc, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu đôi chút về cụm từ Cúng Dường.
Cúng Dường là gì? Tại sao chúng ta – những người Phật tử lại phải năng làm việc đó; ý nghĩa đích thực và lợi lạc của việc Cúng Dường?

Cúng Dường có nguồn gốc từ hai từ Cung Dưỡng. Cung Dưỡng hiểu giản đơn là sự cung cấp,  nuôi dưỡng. Trước khi thành Phật, Đức Phật là Thái Tử Sĩ Đạt Ta, Ngài rời bỏ cung điện, từ chối ngôi vua, đi vào rừng sâu, một lòng tìm đạo. Ngài chỉ sống bằng sự bố thí cúng dường của những người hảo tâm. Chư Tăng là những đệ tử Ngài cũng theo hạnh của Ngài, đi trì bình khất thực. Ðức Phật dạy cho các Phật tử tại gia có 4 loại vật bố thí để tạo nên phước thiện, gọi là tứ vật dụng cần thiết đối với bậc xuất gia. Bốn loại vật người Phật tử nên thực hành Bố Thí là: Y phục (Y áo, giày, dép…); Vật Thực (đồ ăn, thức uống); Chỗ ở (xây cất am cốc, bệnh xá, chùa, thiền viện…) và thuốc Trị Bệnh.

https://giacngo.vn/UserImages/2012/09/03/11/IMG_8010.JPG
Ảnh mang tính minh hoạ (Nguồn: NET)
 
 Cúng Dường còn mang một ý nghĩa cao đẹp hơn: Cúng dường là một hình thức của sự bố thí. Hạnh Bố Thí là hạnh đầu trong 6 hạnh của Bồ tát ( Lục Độ). Trong đạo Phật Bố Thí là tạo cho chúng ta xả bớt Xan-Tham; biết san sẻ, giúp đỡ, yêu thương người khác, thay vì luôn toan tính, bỏn sẻn, thu gom, làm lợi lạc cho chính mình (Hạnh Bố thí  có thể chữa lành  bệnh tham lẫn). Những người hiện nay giàu có, dư ăn dư để là do kết quả của nhân đời trước đã cúng duờng, bố thí nhiều.
Cúng dường là tạo một cơ duyên với Tam Bảo. Ai tạo được cơ duyên với Tam Bảo sẽ dễ được
hóa độ (vì trong kinh có câu: Phật hóa hữu duyên nhơn).
Muốn tiến bộ trên con dường tâm linh, người Phật tử nên thường hành hạnh bố thí.

Trở lại việc những ngày lễ, ngày Tết… Phật tử chúng ta thường phát tâm mang những hương, hoa quả, bánh trái, hay tài vật đến các Chùa (Thiền viện, Đạo tràng, Niệm Phật Đường…) để cúng Phật, Bồ Tát, Chư Tăng. Hiểu cho đúng nghĩa lời Phật dạy: đó chính là hành động nhớ ơn Phật, nhớ ơn Bồ Tát, nhớ ơn Chư Tăng – Người đã mang ánh sáng, giáo lý Phật pháp để truyền dạy, giúp cho chúng ta có một cuộc sống an lạc, hạnh phúc hơn… Như vậy khi chúng ta cung kính đặt những bình hoa, những đĩa hoa quả, bánh trái, đồ chay… lên bàn thờ Phật, Bồ Tát, đồng nghĩa việc chúng ta tạo cơ duyên với Tam Bảo, muốn xả san tham, cũng như tạo phước báu cho chính bản thân của chúng ta. Hiểu như thế thì tài vật mà chúng ta dâng lên, Cúng Dường đó tất không thể lại tự ý lấy lại mang về nhà để phân phát, hay tự mình hưởng dụng.

Trong những ngày Lễ, Tết… Phật tử khắp nơi thường hành hương về Chùa để dâng hương, và cúng dường tài, vật… rất đông. Vì thế trong các Chùa, hay các Thiền viện… thường có một Ban Hộ Trì Tam Bảo (chuyên lo việc sắp xếp nội sự trong Chánh Điện). Và để tiện cho các Phật tử đến sau có được cơ duyên cùng được vào Chùa, vào Thiền viện… để dâng hương, dâng cúng tài vật, những người trong ban Hộ Trì Tam Bảo phải thường xuyên sắp xếp, bài trí lại bàn thờ Phật, Bồ Tát… cho gọn gàng, trang nghiêm, sạch sẽ hơn. Cũng vì thế những hương, hoa, bánh trái… mà các Phật tử đến trước mang đến Cúng Dường cũng thường xuyên được thu gom lại một nơi. Đây là lý do nhiều Phật tử khi thấy những đồ Cúng Dường của mình bỗng dưng „biến đâu mất“, vì không hiểu rõ ngọn nguồn, nên nhiều khi chúng ta đã tỏ ra quá lo âu, hoảng hốt, rồi có những lời lẽ, hành vi thiếu tế nhị, ngay những nơi trang nghiêm nhất.
Đây là điều chúng ta thực sự nên hiểu rõ ngọn ngành và nên tránh. 

http://a9.vietbao.vn/images/vn901/the-gioi/12956196-tetconrong2.jpg
Ảnh mang tính minh hoạ (Nguồn: NET)

Trong trường hợp chúng ta muốn có một chút lộc mang về tặng người nhà, người thân… làm quà năm mới, chúng ta có thể thưa cùng Chư Tăng, để các Tăng Ni sẽ vô cùng hoan hỉ trao cho chúng ta những món quà, hay lộc xuân để chúng ta mang về nhà hay tặng những người thân không có cơ hội đến chùa. Và như thế món quà (lộc xuân) mà chúng ta mang về lúc này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác: Được sự chứng giám của Tam Bảo và tận tay các Chư Tăng trao tặng.

Tuy nhiên trong kinh Niết Bàn Phật cũng nói có ba sự bố thí không thanh tịnh:
1. Trước nghĩ muốn cho nhiều, đến khi cho lại rút bớt.
2. Chọn vật xấu đem cho người, vật tốt giữ lại cho mình.
3. Đã cho xong, sinh tâm hối tiếc của đã cho.
Những kẻ thí chủ như vậy không thể gặp đức Phật và các bậc Hiền Thánh được.

Một chi tiết tuy nhỏ, nhưng cũng khá vi tế và quan trọng mà chúng ta cũng nên tường tận là trong các dịp Lễ, Tết Phật tử chúng ta vốn thường mang đồ, vật phẩm đến Chùa để Cúng Dường, nhưng nhiều người (có lẽ) vì sơ ý nên đã cài tiền vào những đĩa hoa quả, đĩa bánh trái… để dâng cúng Chư Phật và Chư Bồ Tát. Làm vậy là làm không đúng với  quy định trong Chùa, hay Thiền Viện. Tất cả tịnh tài Cúng Dường nên cho vào phong bì có viết tên họ, hoặc bỏ thẳng vào thùng Cúng dường Tam Bảo. Làm như vậy đã đơn giản, còn làm bớt đi sự hiểu lầm giữa các Phật tử với nhau, và cũng giúp cho những người trong Ban Hộ trì Tam Bảo bớt đi những điều khó xử khi phải tự tay gom tiền, rồi cho vào thùng Cúng dường Tam Bảo. Điều thứ nữa là món Quà Đầu Xuân hay còn gọi là Lộc Xuân, trong các dịp Lễ, Tết, chúng ta thường được các Chư Tăng Ni trao cho những Bao Lì Xì, trong đó có: Một lá Xăm; Một đồng tiền xu nhỏ (1đồng, hay 1Cent…). Lá Xăm nhà chùa lựa từ xăm trung bình đến xăm Thượng có ý muốn chúc lành cho quý Phật tử; Đồng Tiền Xu là biểu tượng cho sự thành đạt cũng như tài lộc trong năm mới. Vì nó mang tính tượng trưng do vậy không thể nói, hay suy luận: Những thứ này sẽ gắn chặt với vận mạng (suy-thịnh, bại-thành, giàu-nghèo…) của mình hay của người thân mình…, bởi thực tế: Sự thịnh-suy, bại-thành, giàu-nghèo, hạnh phúc-bất hạnh, an lạc-bất an… vốn phụ thuộc vào lý nhân quả, những hành vi ứng xử, và những kết quả do thân, khẩu, ý đúng đắn của mỗi chúng ta tạo ra.


http://www.baoquangngai.vn/dataimages/201201/original/images623813_4.JPG
Ảnh mang tính minh hoạ (Nguồn: NET)


Nhân dịp xuân về có biết bao điều chúng ta cần phải nhìn lại, thức tỉnh và ước nguyện. Tuy nhiên nếu chúng ta không cùng nhau nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo, tất những sự hiểu lầm của năm cũ sẽ mãi còn tồn đọng và một năm mới đến sẽ còn có những sự không vừa ý với nhau.
Ôn cố tri tân! Không ngoài ý nghĩa nào khác: mỗi Phật tử chúng ta phải tự tỉnh thức và thay đổi chính mình.
Xin kính chúc quý Phật tử muôn phương cùng gia quyến một năm mới thật nhiều an lạc và dũng tiến trên con đường tu Đạo.
Lập xuân Giáp Ngọ 2014 – Thiện Lợi










Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Thư Chúc Tết Của Ban Hộ Trì Tam Bảo Chùa Phật Huệ



Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ 2014 Ban Hộ Trì Tam Bảo chúng con xin kính chúc Chư Tôn Hoà Thượng, Chư Thượng Toạ, Đại Đức, Tăng Ni một năm mới vô lượng an lạc và kiết tường để tiếp tục dìu dắt Phật tử chúng con trên đường tu học và giải thoát. Và cũng kính chúc quý Đạo hữu, quý Phật tử và quý Đồng hương khắp nơi trên thế giới một năm mới nhiều an vui và hạnh phúc.





Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Xuân Di Lặc (Giáp Ngọ) - Phần 4


"Cho nên mình nghe tiếng chửi, tiếng mắng, tiếng thị phi của người đó thì mình tự nói trong tâm như vầy: “Chính người này không phải thị phi nói xấu, nhưng vì tâm lượng từ bi của mình ít quá, thành ra mình không hóa giải nổi cái này, thì ra mình còn phải tu nhiều nữa”..."


 Tác giả: Thích Tịnh Từ
Xử lý vi tính: Diệu Danh
 
Ngược lại trong gia đình mình mà có nghiệp lành, nghiệp tốt, vấn đề dâu, vấn đề rể nhiều khi mình không chọn nhưng mà những cái nghiệp lành từ trong quá khứ nó tìm tới nó làm dâu, làm con, làm rể chuyện đó không phải chọn theo cặp mắt thường tình mà được, nhưng mà thông thường chúng ta khi đi chọn dâu, chọn con, chọn rể chỉ nhìn bề ngoài mà thôi: nào là có công ăn việc làm, nào là có bằng cấp, nào là mặt mũi sạch sẽ, nào là phải có lễ, có nghi v.v…chỉ nhìn được hình thức bề ngoài mà thôi, còn cái hình thức nghiệp thiện hay nghiệp ác để mà đến với mình thì không thể thấy được.
Trong khi đó hóa thân của Đức Di Lặc hay đến nhà ông Tưởng Tôn Bá (Ma Ha cư sĩ)
Ông Ma Ha cư sĩ nói rằng: “vả chăng giàu sang như lùm mây nổi, như giấc chiêm bao có cái gì lâu bền chắc chắn đâu nên tôi nguyện cho con cháu tôi đời đời được miên viễn mà thôi. (miên viễn là có đạo hạnh, là có phúc đức)” Ngài bèn lấy túi thọc tay vào móc ra, lấy một cái túi nhỏ, một cái hộp và một sợi dây liền cho ông Ma Ha cư sĩ mà nói rằng: “ta cho ngươi vật này và ta sẽ từ biệt, xong căn dặn người phải giữ gìn vật đó cho kỹ càng, đó là điều kín những việc hậu vận của nhà ngươi”. Ông Ma Ha cư sĩ vâng lời lãnh lấy món ấy chẳng rõ được ý gì. Cách vài bữa sau Ngài trở lại nhà ông mà nói rằng: “ngươi có hiểu được ý ta không?”. Ông thưa: “thưa Ngài, đệ tử chẳng rõ”. Ngài nói rằng: “đó là ta cho cái vật muốn cho con cháu nhà người sau này có đạo hạnh và đầy đủ phúc đức”, nói xong rồi Ngài bèn đi. Và quả tình ông cư sĩ này ông đã dạy con dạy cháu không những giàu sang phú quí mà còn có một đời sống đạo đức rất là cao và một số con cháu ông sau này xuất gia làm tu sĩ .
Quí vị chịu khó về đọc cái này nói rất là nhiều, Thầy chỉ nói một vài điểm mà thôi. Không những Ngài giáo hóa ở những người bình dân, người nghèo mà Ngài giáo hóa luôn cả Vua.
Có một hóa thân khác rất là lý thú, có thể nghe một chút. Hồi đời Lục Triều thì Đức Di Lặc lại ứng Tích Đại Sĩ ở chùa Song Lâm một thời kỳ nữa, khi Ngài ra mặt vua Lương Võ Đế, vua liền hỏi Ngài rằng xin đại sĩ cắt nghĩa cho quả nhân nghe làm sao được gọi là đạo? Ngài liền bạch rằng: “tâm thiện là đạo, tôi xin chứng nghiệm như vầy, xin bệ hạ lắng nghe, như khi bệ hạ chưa lên tại điện này thì trong tâm lúc ban đầu chưa khởi niệm, bổn trí vẫn tự nhiên mà được diệu tịnh quang huy bác, sáng suốt hiện buổi nay rực rỡ đến thuở trước và đầy lấp tất cả thái hư. Khi tịnh quang ấy muôn đời không sinh vĩnh kiếp không diệt, chẳng phải thánh chẳng phải phàm không thúc phược mà cũng không giải thoát đó là tâm thể rất màu nhiệm và rất vắng lặng Ngài không có tâm nào phân biệt nữa vì thế cho nên mới gọi là tâm đạo. Vua Lương Võ Đế hỏi rằng: “vậy chớ Đại Sĩ tôn ai làm thầy không?” Nói: “Thầy thì không có ai làm thầy của bần đạo, còn tôn thì bần đạo cũng không tôn ai hết đến việc tùng sự thì cũng không tùng sự với người nào cả. Vua Lương Võ Đế nghe Ngài nói như vậy biết đây là một vị Bồ Tát lâm phàm nên càng tôn quí Ngài một cách đặc biệt. Đoạn nói rồi Ngài thưa rằng: “Bệ Hạ ngày nay đặng phước tôn vinh như vậy nguyên nhân cũng là một vị Bồ Tát giáng thế cứu quần sanh, vậy xin Bệ Hạ phải mở thông lý địa nên tự lượng nơi mình tâm để cho thanh tịnh đừng trước nhiễm vật gì lấy đó làm căn bản, rồi cần nhất là phải làm chỗ hư linh cơ sở cầu cho đạt được Niết Bàn diệu quả. Nếu Bệ Hạ thi thố những phương pháp trị quốc thì phải dùng chánh pháp mà sửa trị thế gian và thi hành những điều nhân đức đặng cho lê dân cảm hóa, trong triều thì trọng dụng những người hiền tài mà trừ khử mấy kẻ cưu lòng gian nịnh. Còn ngoài thì lấy nhân chính để hướng dẫn những kẻ cô độc, bỏ hình phạt trừng trị nặng nề và ban lệnh, chánh lịnh cho nghiêm mật để mà giữ dân trị nước. Nếu Bệ Hạ trị vì trong thiên hạ và thi nhân bố đức được như thế thì kẻ xa người gần đều thuần gội ân đức vô cùng tận, chừng đó việc can quan phải dứt mà trong đội ngũ lại ninh bình thì ngôi trời được hùng tráng, am hiểu như thế thì Bệ Hạ thiên cơ đã thành diệu lại còn nối ngôi Phúc Tổ được lâu dài, đó là bần đạo hy vọng Bệ Hạ nên làm như thế, và Vua Lương Võ Đế đã xây chùa, đã nuôi tăng độ chúng mà ông làm rất nhiều việc mà chính là một trong hóa thân của Ngài Di Lặc đã giáo hóa cho ông.

Nhưng mà ở trong truyện, nhất là quí vị đã đọc kinh Lương Hoàng Sám cũng có nói vua Lương Võ Đế thì rất là hiền đức và có duyên với hóa thân đức Di Lặc, nhưng mà bà vợ không có duyên, nghĩa là vua làm lành bao nhiêu, tu tập bao nhiêu, làm việc Phật sự bao nhiêu thì bà chống đối, bà buồn rầu, bà gây gỗ. Không có duyên! Sau khi bà chết bà làm con mãng xà, rồi sau đó hòa thượng Chí Công là một người đắc đạo trong đương thời mới bàn với Lương Võ Đế lập đàn tràng để giải oan, rồi sau đó con rắn mà thường vô trong cung nó mới giải thoát được. Sau đó Vua cảm nghe được rằng bà đã được giải thoát theo cái phương pháp thiền định. Cho nên cái người mà làm Vua uy quyền như thế mà tu tâm dưỡng tánh rất là sâu sắc gần gũi với chư tăng như thế mà bà vợ bà ấy chống đối. Và vua ngày xưa quyền lắm, vua nói đầu rơi là phải rơi, vua bảo sống là sống, vua bảo chết là chết mà bà vợ bà chống lại đến nỗi vua phải nhường bà nhưng mà đến khi nghiệp quả bà đến thì bà cũng chết làm con rắn, nghiệp quả là như vậy.
Nhân đây nói về Ngài Di Lặc Bồ Tát nhưng mà có liên quan chúng ta cũng biết được cái nhân quả nó rất là thâm diệu, mình không thể coi thường nhân quả, cho nên mình sinh ra đời mà cái nào mình tu chưa giải được hay là cái nào mình ăn ở hiền lành mà người ta đối xử mình không có đàng hoàng thì chớ vội trách, mà nghiệp quả phải trả cho nên phải nhẫn nại đừng có hấp tấp để mà đưa ra tòa án pháp luật rồi kiếp này không trả xong oan nghiệp kéo thêm, kiếp sau tiếp tục trả, bởi vì bà Lương Võ Đế trước kia bà là một con giống con dế ở trong chùa, ở trong một cái chậu như sư bà Đức Viên trồng ngoài đó, khuya khoảng 4 giờ thì nó kêu reng reng như đánh chuông, mọi người ngồi dậy để ngồi thiền tụng kinh, nhưng có một bữa thầy lớn đi nên mấy chú ở nhà nghe con dế nó reo như vậy cho nên bực. Ở chùa nhiều khi làm biếng lắm, thèm ngủ lắm! Thành ra có một cậu làm thủ chúng nghe con dế nó kêu hoài bởi vì không ai chịu dậy tụng kinh hết thành ra ông giận quá, ông ra cầm cái dao, dao mà để cắt bông, ông ra nghe cái chỗ có tiếng kêu, ông xăm xăm làm sao mà đứt cái lưng nó chết. Sau Hòa Thượng về không nghe con dế nó kêu nữa nên ra tìm moi lên thì thấy con dế bị đứt lưng, Ngài mới lấy vải điều bọc nó lại đem chôn và Ngài nói với tăng chúng rằng: “đây là một vong thức rất là lớn, bởi vì kiếp trước cũng đã từng là thầy tu, sau khi bị đọa bây giờ làm con dế để nghe kinh nữa thế mà không may bị chết sớm, nhưng mà nhờ ở trong chùa cũng nghe kinh, được cái công đức là lắc chuông buổi khuya cho chúng đi, thế mà về sau đầu thai làm người con gái rất đẹp và cuối cùng là vợ của vua Lương Võ Đế. Thế mà cái oan nghiệt ngày trước bị một vị tăng đâm ở trên lưng mà thù đến cả Phật giáo, thù luôn đến cả chư tăng, cho nên thấy Chư Tăng là bà không thèm ngó, thấy là bà ghét lắm, thù lắm, bởi vì con dế còn nhỏ thấy người ta giết như vậy nó không biết ai giết nó, cứ nghĩ là mấy ông thầy chùa giết mà thôi; thành ra từ đó người nào đội mũ, mang áo thầy chùa là bà giận rồi, bà không ăn, bà không uống, bà chống đối dữ lắm, cuối cùng vua cũng nể bà quá cho nên phải nhìn nhượng bà bớt, sau đến cái nghiệp bà chết.

 Khi quí vị đọc kinh Lương Hoàng Sám sẽ biết rằng tội phước rất rõ ràng, rất là phân minh và ở đời mình làm nhân gì thì mình gặp quả nấy. Tu thì có quả lành, đi nghe pháp thì thay đổi được tâm tính, uống rượu cờ bạc thì không những thua tiền, mà tâm trí còn lộn xộn và tài sản sẽ mất mát, tan gia bại sản. Cái nhân quả nó rõ như vậy không có gì phải phân vân hết. Bởi vậy mình học Phật nghe pháp là một chuyện rất cần thiết, rất là quí hóa.
  
Câu chuyện đây còn dài lắm quí vị nên về đọc nó hay lắm, hấp dẫn lắm bởi vì lâu này Thầy cũng đọc rất nhiều tài liệu nhưng mà chưa có tài liệu ghi lại đầy đủ về sự tích Đức Di Đà, Đức Di Lặc và các vị Bồ Tát rõ như cuốn này, nên đọc cho kỹ để chiêm nghiệm.

Chúng ta trở lại để đến với quí vị về nụ cười của Đức Di Lặc. Cái bụng của Ngài lớn lắm, tượng trưng cho cái lòng thương rộng lớn thì ví như là nước, nước thì nó có thể ở trong ly, ở trong tô, ở trong ao, ở trong hồ, ở trong sông, ở trong giếng, ở trong biển. Khi cái ly ở trong nước thì nhỏ quá, nếu mình bỏ chất dơ đen vô thì ly nước đen thui, nhưng ví dụ như nước ở trong hồ như vậy nếu mình ném một viên đá, hoặc ném một cục bùn xuống thì hồ đó cáu bẩn hết, nhưng mà trong khi đó mà nước ở trong cái sông lớn ném cục bùn xuống không đủ thiếu gì hết, lượng nước lớn quá đi, nước biển xanh ngắt, bao nhiêu vật dơ cấu ở trên các nẻo đường đều trút về biển, nhưng khi về biển lại thì nó chuyển hóa thành trong xanh, không có cáu đọng. Tại vì sao? Vì cái lượng nước nó lớn quá đi, cho nên cái chất gì dơ bẩn bao nhiêu vào một cái thì nó hóa giải đi hết.
 Thì thưa quí vị cũng như vậy, cái tâm lượng từ bi của mình lớn thì cái thù nào, cái oán nào, cái oan gia nào, cái xấu nào tới thì nó hóa giải hết, thành ra trong hết, thành ra đẹp hết, thành ra dễ thương hết. Như vậy người nào đến với mình không dễ thương mà dễ ghét, thì mình phải hiểu một điều là cái lượng thương yêu của mình nó nhỏ quá, nó ích kỷ quá, nó hẹp hòi quá, cho nên vừa đến một cái thì tự nhiên cái lượng ở nơi thân tâm mình nó bị cáu đục liền. Mình biết được như vậy nên phải tập không nói ra được ngoài thì mình nói trong tâm, người nào đem cái buồn đến cho mình mình nói rằng: “Rất tiếc rằng cái lượng thương yêu của tôi ít quá thành ra cái buồn của chị có đủ thiếu gì đâu, nhưng mà tôi cũng không hóa giải được thành ra tôi thấy tôi phải tu nữa”. Mình tự nói trong tâm như vậy. Cho nên mình nghe tiếng chửi, tiếng mắng, tiếng thị phi của người đó thì mình tự nói trong tâm như vầy: “Chính người này không phải thị phi nói xấu, nhưng vì tâm lượng từ bi của mình ít quá, thành ra mình không hóa giải nổi cái này, thì ra mình còn phải tu nhiều nữa”. Có nói được như vậy mình mới mỉm cười và nói: “Chị la như vậy là oan cho em chứ em không có cái đó đâu”, chứ mình không suy nghĩ được cái lượng từ bi của mình hẹp thì mình nói rằng: “Bộ bà điên hả? Khi không bà tới đây bà gây gổ, đầu năm đầu tháng, bà muốn tui kêu cảnh sát còng tay không?”. Nhưng mà mình biết cái lượng từ bi của mình yếu mình không có gây, mình biết nhìn, cái này gọi là mình biết quán chiếu về cái tâm lượng của mình, thấy rõ bản chất thật của mình và thấy cái điều không hóa giải được là do cái khả năng quá yếu của mình trong cái hạnh phát triển trí tuệ và thương yêu, cho nên mặc dầu không hóa giải được nhưng mà mình không có gây thêm, còn đằng này cái lượng của mình đã không có nhiều về năng lượng thanh tịnh rồi mà cái lượng vô minh của mình nhiều quá cho nên mình chỉ đổ tội cho người kia mà thôi. Nào là: “Khi không tôi không có gây gổ với bà, tôi không có nợ nần bà, tôi không có oan gia với bà, tại sao khi không bà tới đây bà gây gổ? Tại sao vậy? Bà là cái thứ nào?”. Khi mà mình nói như vậy là vì mình giận quá đi.

 Nhưng mà cái nghiệp nó nói rằng bà là oan gia của tôi kiếp trước, bây giờ tôi tới tôi đòi đó, bà không lo tu tôi đòi hoài. Quả tình như vậy! Cho nên ở trong gia đình mình nếu có người mà luôn luôn gây gỗ làm đau đớn cho mình, thì cái người đó thứ nhất mình hiểu họ không có cái phương pháp để tu học, mà mình không có tìm cách để hướng dẫn họ nghe chánh lý, nghe cái nhơn quả thành ra thiếu bổn phận của vợ hay của chồng. Bởi vậy thử hỏi coi, từ khi mình lấy ông ý cho đến hôm nay mình đã hướng dẫn ông ấy đi tu thiền lần nào chưa? Hướng dẫn ông ấy đến chùa Đức Viên nghe giảng được mấy lần? Hướng dẫn ông ấy đi tụng kinh nghe pháp được bao nhiêu? Có vậy thì mình mới nói ông là cái loại nào, chứ mình không có hướng dẫn chi hết, mình không có khuyến khích chi hết mà bây giờ cứ nói rằng: “Trời ơi ngày xưa tui thấy ở Việt Nam được được mà qua đây sao ông mỗi ngày mỗi kỳ cục quá đi”. Qua đây bao nhiêu cái chuyện khó khăn mà bà không hướng dẫn ông ấy đi tu học gì hết, thấy ông đi làm mấy job còn mừng nữa chứ, rồi cười nói: “Ông đi làm mấy job đi để tui đi tu thế cho”. Tu thế sao được! Ông tu thì ông có ý thức tỉnh giác, còn bà tu thì bà tỉnh giác chứ tu thế sao được. Thế mà cứ nói rằng: “Ông cứ đi làm đi để tui tu thế cho”. Không có thế, nói như vậy có nghĩa là: “Thôi, ông nằm chơi để tui ăn dùm cho”. Đâu có được! Thành ra mình đi tu phải hướng dẫn ông đi tu, hay là ông đi tu ông cũng phải hướng dẫn bà đi tu. Không muốn cạo đầu như các ni cô, không muốn cạo đầu như quí thầy, ít nhất phải tu cư sĩ, mà muốn tu cứ sĩ phải nghe kinh, nghe pháp, nghe cái giáo lý đâu ra đó mới phát tâm được.

(còn tiếp)

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Mai Nở Hiên Trăng


"Quan trọng nhất là tin tâm, tin mình có khả tính giác ngộ, thành Phật để vững bước trên lộ trình giải thoát. Niềm tin phải được un đúc và vun bồi đến tịnh tín, bất hoại tín, dù cho mất mạng đi nữa cũng không lay chuyển được niềm tin này. Nếu ai có lòng tin và tin sâu một cách tha thiết như thế thì chắc chắn cánh cửa thiện lành sẽ rộng mở, phúc lạc sẽ tràn trề trong đời này và đời sau..."




Tác giả: Thích Tánh Tuệ

Những ai học Phật đều biết rằng có vô lượng pháp môn tu tập. Tùy theo nhân duyên và biệt nghiệp của mỗi người mà chọn cho mình một pháp môn tu. Như trăm sông đều xuôi về biển cả, như nước trong đại dương chỉ thuần một vị mặn, dù tu tập theo pháp môn nào của Chánh pháp thì đích đến vẫn là giải thoát, an lạc. Trong tiến trình tu tập theo giáo pháp của Thế Tôn, tuy có nhiều cấp độ và cung bậc chứng đạt cao thấp khác nhau nhưng tựu trung có hai mục tiêu căn bản mà trong đời này phải thành tựu. Một là, nếu đời này chưa thành tựu giải thoát thì quyết không rơi vào đường ác mà chỉ một bề theo đường lành (hưởng phước báo trời, người rồi tu tiếp). Hai là, ngay trong đời này, ngang qua các quả vị mà thẳng tiến đến Niết-bàn, thành tựu giải thoát tối hậu (chứng đắc Thánh quả A-la-hán).
Chỉ cần tu tập “một pháp”

Những ai học Phật đều biết rằng có vô lượng pháp môn tu tập. Tùy theo nhân duyên và biệt nghiệp của mỗi người mà chọn cho mình một pháp môn tu. Như trăm sông đều xuôi về biển cả, như nước trong đại dương chỉ thuần một vị mặn, dù tu tập theo pháp môn nào của Chánh pháp thì đích đến vẫn là giải thoát, an lạc. Trong tiến trình tu tập theo giáo pháp của Thế Tôn, tuy có nhiều cấp độ và cung bậc chứng đạt cao thấp khác nhau nhưng tựu trung có hai mục tiêu căn bản mà trong đời này phải thành tựu. Một là, nếu đời này chưa thành tựu giải thoát thì quyết không rơi vào đường ác mà chỉ một bề theo đường lành (hưởng phước báo trời, người rồi tu tiếp). Hai là, ngay trong đời này, ngang qua các quả vị mà thẳng tiến đến Niết-bàn, thành tựu giải thoát tối hậu (chứng đắc Thánh quả A-la-hán). Có điều ít ai ngờ rằng, để thành tựu hai mục tiêu căn bản ấy chỉ cần tu tập “một pháp”, giản đơn và nhẹ nhàng thôi nhưng kết quả thì không thể nghĩ bàn, đó là “lòng tin tha thiết” và “hằng chuyên tâm niệm”. Đức Thế Tôn đã dạy về cách tu tập “một pháp” ấy như sau:
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nếu có Tỳ-kheo tu hành một pháp, chẳng bị bại hoại rơi vào đường ác,
chỉ có một bề theo đường lành, một bề hướng đến Niết-bàn.
- Thế nào là tu hành một pháp chẳng bị bại hoại rơi vào đường ác?
Ðó là tâm dốc lòng tin. Ðúng là tu một pháp này chẳng thể bị bại hoại rơi vào đường ác.
 Thế nào là tu hành một pháp hướng đến chỗ lành? Nghĩa là tâm hành lòng tin tha thiết.
- Thế nào là tu hành một pháp tiến đến Niết-bàn?
Nghĩa là hằng chuyên tâm niệm. Ðó là tu hành pháp này được đến Niết-bàn.
- Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy chuyên ròng tâm ý, nghĩ nhớ các gốc lành.
Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Hộ tâm, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.119)

Chỉ cần “tâm dốc lòng tin”, “tâm hành lòng tin tha thiết” thì đời này “chẳng bị bại hoại rơi vào đường ác” và chắc chắn “một bề theo đường lành”. Không quá khó cho mọi người! Nhưng vấn đề đặt ra là tin ai, tin điều gì, tin như thế nào? Chính là tin sâu Tam bảo, ba ngôi báu Phật-Pháp-Tăng là cội nguồn ánh sáng soi đường cho chúng ta đi về chốn thiện lành. Tin chắc nhân quả không bao giờ sai lệch, thiên vị một ai nên sợ hãi với điều ác, siêng làm việc thiện. Tin vào quy luật duyên khởi, duyên sinh, vô ngã tính của vạn pháp nên thực hành xả buông, vượt thoát mọi chấp thủ, cái tôi còn rơi rụng hà huống gì cái của tôi. Quan trọng nhất là tin tâm, tin mình có khả tính giác ngộ, thành Phật để vững bước trên lộ trình giải thoát. Niềm tin phải được un đúc và vun bồi đến tịnh tín, bất hoại tín, dù cho mất mạng đi nữa cũng không lay chuyển được niềm tin này. Nếu ai có lòng tin và tin sâu một cách tha thiết như thế thì chắc chắn cánh cửa thiện lành sẽ rộng mở, phúc lạc sẽ tràn trề trong đời này và đời sau.

Cao hơn một bước nữa là thực hành “hằng chuyên tâm niệm”, nhiếp tâm vào một đối tượng Chánh pháp như tu tập Lục niệm hay Tứ niệm xứ. Phật  dạy “nghĩ nhớ các gốc lành” chính là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí và niệm Thiên hay niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm, niệm Pháp. Chỉ cần niệm “một pháp” thôi mà “chuyên ròng tâm ý” thì sẽ thẳng tiến đến Niết-bàn. Như niệm Phật chẳng hạn, niệm đến nhất tâm bất loạn thì thể nhập tự tánh Niết-bàn. - Qua pháp thoại này, chỉ cần tu tập “Tín” và “Niệm” thật thâm sâu, thật vững chắc thì những người tu Phật đã có đủ hành trang căn bản để vượt thoát phiền não, sanh tử và thành tựu giác ngộ, giải thoát. 
 Namo Buddhaya
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjrmwhGaOyYVA0PmOmBtoU8zTNHFN-KoHy8jCnoQNGVQlhm41HBnhZcgRHoCOYhHk0LqA3L25Bruf1X79VrJDd40DYOg16-S4aWKTfsAAeZJtO56K8rF-qiyo2k27wB9MQ4RF5KPY_9sfI/s1600/Hinh-nen-hoa-Mai-mung-xuan-2013-+(8).jpg
 


*Quan trọng không phải là sống lâu như thế nào, mà là sống sâu như thế nào.
*Ngày hôm nay, trong cách ứng xử,
 tôi sẽ đặt mình vào vị trí của người đối diện để lắng nghe những cảm xúc của họ,
để hiểu rằng những điều làm tôi tổn thương cũng có thể làm tổn thương đến họ.
*Ngày hôm nay, tôi sẽ an ủi và động viên những ai đang nản lòng.
Một cái siết tay, một nụ cười, một lời nói của tôi có thể tiếp thêm
 sức mạnh để họ vững tin bước tiếp
.




Mai Nở Hiên Trăng

Nửa đêm gió thoảng hiên chùa
Hồ như.. trời đất gọi mùa xuân sang
Nhà sư bước khỏi thiền sàng
Lặng nhìn mấy giọt trăng vàng nhẹ buông.

Tỉ tê giọng dế đêm trường
Ru đời say mộng, phố phường ngủ yên.
Một cành mai nở bên hiên
Chừng như tận cõi vô biên giật mình.

Mênh mang đây chốn hữu tình
Xuân lai, xuân khứ giữa nghìn chiêm bao..
Nửa đêm nhè nhẹ xuân vào

Hiên chùa mai nở ngọt ngào dưới trăng
Nhà sư cười nụ lâng lâng
Hồn tan vỡ mộng bao lần viễn du..
Trong khoảnh khắc, trọn thiên thu
Hạc bay qua lớp sương mù lãng quên.
Thênh thang cõi ấy không tên
Bỗng về giữa cánh mai bên hiên chùa

Mai cười hội ngộ trăng xưa
Sư vừa thoát lũy kiếp mơ , Xuân về!


Thích Tánh Tuệ