Hoặc kẻ bên ngoài thì buông lung phóng túng, hạnh lại thô tháo, có ai nhắc nhở cho thì bảo: "Tôi tự giữ bên trong". Thật lầm to! Nếu bên trong đã được thanh tịnh thì cớ gì lại hiện tướng thô tháo? Trừ một vài trường hợp Bồ Tát hiện thân đặc biệt, vì cảm hóa một số người nào đó, còn ngoài ra e rằng chúng ta bị ma mê hoặc mà không hay. Dù quả thật chúng ta có được trong lòng như "Thánh" chăng nữa, xong chung quanh chúng ta bao nhiêu người họ còn đang sống với phàm tình, đâu hiểu thấu được bên trong chúng ta thế nào. Do vậy, thấy hành động chúng ta qua thô, họ đâm ra hủy báng chánh pháp, chê bai Tam Bảo; vô tình chúng ta đưa họ vào con đường tội lỗi càng sâu. Như vậy chúng ta cũng chưa tròn được bản nguyện tự lợi, lợi tha.
HT Thích Thanh Từ
Một hôm Phật bảo các Thầy Tỳ Kheo rằng: Này các Tỳ Kheo! Trong hàng đệ tử của ta có chia làm bốn hạng người. Thế nào là bốn?
- Hạng người ngoài chín trong sống.
- Hạng người ngoài sống trong chín
- Hạng người ngoài sống trong sống
- Hạng người ngoài chín trong chín.
- Thế nào là hạng người ngoài chín trong sống?
Tức là những kẻ tu hành bên ngoài thấy thanh tịnh nghiêm trang mà bên trong thì buông lung, tư tưởng không thể điều phục.
- Thế nào là hạng người ngoài sống trong chín?
Tức là những kẻ bên trong thanh tịnh nhưng ngoài thì hạnh thô tháo phóng túng.
- Thế nào là người ngoài sống trong sống?
Tức là những kẻ trong ngoài đều không thanh tịnh.
- Thế nào là người ngoài chín trong chín?
Tức là những kẻ trong ngoài đều thanh tịnh.
Này các Tỳ Kheo! Chính hạng người sau cùng này mới là hạng thanh tịnh chơn thật, xứng đáng là người giữ gìn gia bảo của Như Lai.
Ðọc qua bốn hạng người trên, chúng ta mỗi người hãy tự kiểm điểm lại xem mình thuộc hạng người nào?
Chúng ta có phải là kẻ chỉ lo trau giồi cái hình tướng bề ngoài cho trang nghiêm thanh tịnh ra dáng tu hành tinh tiến lắm, nhưng trong lòng để rơm rác đầy dẫy, chất chứa bao nhiêu là tư tưởng xấu xa đen tối mà không hề có phút giây chiếu soi trở lại, điều phục lấy mình. Thật hổ thẹn xiết bao! Có biết đâu dối người thì đặng nhưng dối mình thì không thể được. Một khi nhân duyên chín mùi, chiếc áo đẹp bên ngoài rã nát thì những gì chứa ẩn bên trong lâu nay nó bày hiện ra cả, nhân nào quả nấy, chúng ta tự thọ khổ, che đậy được đâu? Ngoài chín mà trong sống không thể dùng được.
Hoặc kẻ bên ngoài thì buông lung phóng túng, hạnh lại thô tháo, có ai nhắc nhở cho thì bảo: "Tôi tự giữ bên trong". Thật lầm to! Nếu bên trong đã được thanh tịnh thì cớ gì lại hiện tướng thô tháo? Trừ một vài trường hợp Bồ Tát hiện thân đặc biệt, vì cảm hóa một số người nào đó, còn ngoài ra e rằng chúng ta bị ma mê hoặc mà không hay. Dù quả thật chúng ta có được trong lòng như "Thánh" chăng nữa, xong chung quanh chúng ta bao nhiêu người họ còn đang sống với phàm tình, đâu hiểu thấu được bên trong chúng ta thế nào. Do vậy, thấy hành động chúng ta qua thô, họ đâm ra hủy báng chánh pháp, chê bai Tam Bảo; vô tình chúng ta đưa họ vào con đường tội lỗi càng sâu. Như vậy chúng ta cũng chưa tròn được bản nguyện tự lợi, lợi tha. Cho nên dù chúng ta có được trong lòng vô sự chăng nữa, nhưng vì lợi tha cần phải cẩn thận oai nghi không thể thô xuất. Ðừng để trong chín mà ngoài sống.
Còn kẻ cả trong lẫn ngoài đều chẳng thanh tịnh thì sao? Hy vọng chúng ta không thuộc hạng này!
Hạng sau cùng, trong tâm sáng ngời với trí tuệ. Ngoài thân giới hạnh tinh nghiêm không chỗ khiếm khuyết gọi là "Như ngọc lưu ly ngậm ánh trăng" suốt cả trong ngoài. Quả thật một bậc trí và hạnh tròn đầy, không để cho thế gian tim thấy lỗi. Ðược như vậy thì khỏi phải cầu Như Lai thọ ký nhưng Thế Tôn đã tán thán lắm rồi! Vậy chúng ta có phải là hạng này chăng?
Xét kỹ lại, bốn hạng trên tuy nói riêng biệt, song nhìn lại trong mỗi chúng ta cũng tự có đủ cả, đâu lạ gì? Lúc ngoài thân thanh tịnh mà trong tâm thô động là hạng thứ nhất chứ gì? Lúc ngoài thân tuy thô động mà trong tâm giữ gìn được thanh tịnh là hạng thứ hai. Lúc cả trong ngoài đều thô động là ở hạng thứ ba. Lúc trong ngoài đều thanh tịnh là ở hạng thứ tư. Ba hạng trước, hai hạng 1 và 3 thì thiếu thật tu, hạng hai có tu nhưng còn khuyết điểm, chỉ hạng thứ tư mới là chơn thật tròn đầy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét