"Nhìn ra một tập thể, cộng đồng, một xã hội và thế giới xung quanh chúng ta, nơi nào cũng tràn lan, đầy rẫy những chuyện thị phi, điên đảo như vậy mà chúng ta lại hy vọng, mong cầu những nơi ấy trở thành thiên đường, âu mới là chuyện nghịch đạo vậy..."
Phật nói: Tướng do tâm sanh, cảnh tuỳ tâm chuyển.
Tất cả những viễn cảnh tối tăm mà chúng ta đang từng ngày, từng giờ, từng giây phải chứng kiến, vốn không xuất phát từ bất cứ một Đấng, một thế lực vô hình, hay sự trừng phạt của Trời, Thượng Đế… như nhiều người suy luận, hay gán ghép. Trái lại, đó chính là tất cả những cảnh giới trong tâm của chúng ta biến hiện và chiêu cảm mà ra.
Tất cả những viễn cảnh tối tăm mà chúng ta đang từng ngày, từng giờ, từng giây phải chứng kiến, vốn không xuất phát từ bất cứ một Đấng, một thế lực vô hình, hay sự trừng phạt của Trời, Thượng Đế… như nhiều người suy luận, hay gán ghép. Trái lại, đó chính là tất cả những cảnh giới trong tâm của chúng ta biến hiện và chiêu cảm mà ra.
Người có tâm bất thiện, tất nơi ấy sẽ hình thành và diễn ra những cảnh giới bất thiện. Người người, nhà nhà… có tâm bất thiện, tất nơi ấy cũng sẽ hình thành và diễn ra trùng trùng những cảnh giới bất thiện. Khi những cảnh giới bất thiện ấy đầy dẫy mọi nơi, mọi chốn, người biết suy luận sẽ phải tự đặt dấu hỏi, rồi lánh xa những nơi chốn ấy; Với người tu Đạo lúc này không chỉ đơn thuần ở việc đặt ra dấu hỏi và lảng tránh, mà phải dũng mãnh để nhận diện: Cái ác, cái bất thiện từ đâu tới? Nguyên nhân nào khiến cái ác, cái bất thiện ngày một nhân rộng? Đặt ra được những dấu hỏi như vậy, tất người Phật tử chân chính sẽ tự có một giải pháp để khắc chế (thay đổi), cải tạo những những cảnh giới bất thiện ấy, rồi biến chúng từ ác, từ bất thiện sang một cảnh giới thiện, lành và an lạc. Đó chính là sự giác ngộ, quán chiếu tâm không ngừng và cũng nhờ sự quán chiếu không ngừng ấy mà những cảnh giới bất thiện đã không còn cơ hội để nảy tồn trong tâm.
Cảnh tuỳ tâm chuyển cũng chính là nghĩa đó.
Trong Kim Cang Đại Thừa Kinh Luận, Đức Phật cũng chỉ rõ cho Ngài Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi một pháp Đà la ni gọi là Kim cang Tâm – Nói cho đúng là Ngài Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi khi thấy bốn chúng trong hội có nhiều điều nghi vấn mà không dám hỏi Đức Phật, thấy vậy nên Ngài bèn từ chỗ ngồi đứng dậy; đến trước đức Phật mà bạch rằng: "Xin đức Thế Tôn mở lòng đại từ, lập những pháp phương tiện chỉ dạy cho những chúng sanh sơ cơ thấy tánh thành Phật, lại vì đời sau những chúng sanh mới bước vào nhà Phật, tìm học mối đạo đặng chánh tri kiến, không bị tà giáo phỉnh hoặc, không dụng công nhiều mà đặng thành đạo quả.
Đức Phật nói: Hay lắm! Hay lắm! Nầy Văn Thù Sư Lợi, ông có phương tiện lớn lao, thỉnh hỏi Như Lai chỉ dạy ba căn và con đường tu hành ngay thẳng cho chúng sanh đời sau mới vào cửa đạo, theo lời ông hỏi ta sẽ nói rõ. Trong đại chúng đều lặng yên để nghe Phật nói pháp.
Đức Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Có một pháp Đà la ni tên là Kim Cang Tâm hay khiến chúng sanh một phen thấy, một phen nghe liền đặng đạo quả. Này thiện nam tử! Thế nào gọi là Kim Cang tâm? Tâm này người người vẫn có không kẻ nào không, nên cái tâm bình đẳng của chúng sanh này tự biết lấy, tự hiểu lấy. Vì sao? Hết thảy việc lành, việc dữ đều tại tâm mình sanh ra. Tâm mình tu việc lành, thân mình được an vui. Tâm mình tạo việc dữ thân mình chịu khốn khổ. Tâm là chủ của thân; thân là dụng của tâm. Tại sao vậy? Bởi vì đức Phật cũng do tâm thành, đạo do tâm học, đức do tâm chứa, công do tâm tu, phước do tâm ra, họa do tâm tạo. Tâm làm ra thiên đường, tâm làm ra địa ngục. Tâm làm ra Phật, tâm làm ra chúng sanh; nếu tâm chánh thì thành Phật, tâm tà thì thành ma. Tâm từ là người của Trời, tâm ác là người của La Sát, nên cái tâm là hột giống cho hết thảy sự tội phước. Nếu người giác ngộ được tâm mình, làm chủ giữ cho chắc chắn, không tạo các sự dữ, thường làm các việc lành, hành trì hạnh nguyện đều y theo Phật.
Phật nói: Người này không bao lâu sẽ được thành Phật; nếu có người trai lành, gái tín muốn cầu Phật đạo, mà không rõ được tâm của mình thì không thể thành Phật. Nếu có người người rõ được tâm, thấy được tánh, y theo Phật dạy tu hành, quyết định thành Phật, còn hơn công đức tụng ba mươi muôn biến kinh Kim Cang cũng không sánh kịp". (Kim Cang Đại Thừa Kinh Luận)
Trong cuộc sống, khi tiếp xúc, giao thiệp với mọi người, chúng ta thường nghe thấy ai đó xì xào, hoặc có những lời bàn tán, dị nghị, đại loại: Khiếp quá, chỗ ý, chỗ nọ, nhà này, nhà kia… chẳng khác gì địa ngục. Hoặc: Trời đất! Nơi ấy, chốn ấy mà đến làm gì? Thanh tịnh, trang nghiêm đâu chẳng thấy, chỉ rặt những chuyện bon chen, mánh mung, trục lợi, hưởng lạc cho riêng mình… Hiểu theo nghĩa thông thường chúng ta ngỡ đó là những lời cảnh báo (vì thiện tình mà nhắc nhở), nhưng nếu dùng giáo lý của Phật để lý giải, để quán chiếu, để soi rọi, chúng ta thấy người đưa ra những nan đề trên đang thực sự có những giằng xé, những mâu thuẫn, và chướng ngại trong tâm khi đối vật, tiếp cảnh. Chính từ những lý do này đã khiến tâm họ luôn luôn cảm thấy bất an, vì vậy họ nhìn đâu, nhìn ai cũng thấy những cảnh giới đó, người đó giống như địa ngục, đều không tốt lành…
Câu hỏi đặt ra là: Địa ngục từ đâu ra? Địa ngục từ đâu mà có? Câu trả lời là: Đều do tâm của chúng ta mà biến hiện ra cả. Chính vì thế Phật mới nói: Tâm này là thiên đường, tâm này là địa ngục. Tâm làm ra Phật, tâm làm ra chúng sanh; nếu tâm chánh thì thành Phật, tâm tà thì thành ma.
Khi ta khởi niệm nghĩ nơi này, nơi kia là (giống) địa ngục, thì ngay chính lúc ấy tâm của chúng ta đã không còn thanh tịnh nữa. Phật nói: Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Vì tâm chúng ta bất tịnh, nên nhìn đời, nhìn vật đều thấy một màu xám, đều thấy thác loạn cả. Vì vậy những cảnh giới hiện ra trước mắt chúng ta lúc ấy đều giống như địa ngục cả. Nói khác đi: tâm của chúng ta cũng đã chao đảo theo những chuyện thị phi của thiên hạ, và bị những chuyện thị phi đó lôi cuốn, chi phối không ngưng nghỉ. Cũng tương tự khi chúng ta đối cảnh, tiếp vật, tiếp người, ta thấy nơi ấy chỉ toàn những chuyện bon chen, trục lợi, hưởng lạc, đấu đá, sát phạt… thì cũng ngay lúc ấy tâm của chúng ta đã bị những chuyện bon chen, trục lợi, hưởng lạc của người đời lôi cuốn, làm cho vẩn đục mất rồi. Bởi người tỉnh giác sẽ phải biết soi rọi, rồi tự gạn đục, khơi trong để mang lại sự tịnh khiết cho tâm mình, thay vì tìm cách khuấy cho bầu không khí xung quanh chúng ta thêm vẩn đục hơn, điên đảo hơn. Làm thế là chính chúng ta khiến mình điên đảo nhưng lại ngỡ, hoặc nghĩ người khác cũng điên đảo như mình. Nhìn ra một tập thể, cộng đồng, một xã hội và thế giới xung quanh chúng ta, nơi nào cũng tràn lan, đầy rẫy những chuyện thị phi, điên đảo như vậy mà chúng ta lại hy vọng, mong cầu những nơi ấy trở thành thiên đường, âu mới là chuyện nghịch đạo vậy.
Trở lại với đề tài: Ngày Tận Thế!
Người Phật tử chúng ta luôn cần phải dũng mãnh để nhận diện và khẳng định: Không có ngày Tận Thế! Đức Phật cũng để lại thông điệp này qua lời nói của Ngài trong Phật Thuyết Kinh Diệt Tận: „Thời kỳ này (thời kỳ đen tối, thời mạt pháp) sẽ kéo dài mười triệu năm. Khi Đức Di-lặc sắp thị hiện ở thế gian để thành vị Phật tiếp theo, các cõi nước đều được hoàn toàn an vui. Khí độc sẽ bị tiêu tán, mưa nhiều và đều đặn, năm thứ cốc loại tươi tốt, cây cối sum suê cao lớn, và loài người sẽ cao đến tám trượng (hơn 24 mét) tuổi thọ trung bình của con người sẽ đến 84.000 năm, chúng sanh được độ khó có thể tính đếm được…“
Nếu tính từ ngày Phật nhập Niết Bàn tới nay mới vào khoảng hơn 2600 năm. Trong khoảng thời gian này cũng đã biết bao lần vật đổi, sao rời, và con người chúng ta cũng đã trầm luân không biết bao lần sanh-tử, tử-sanh… và trong khoảng thời gian 10 triệu năm này nếu như chúng ta – chúng sanh muôn loài không tự nhận diện, không tự quán chiếu được đâu là thiện, đâu là ác, để rồi thiện-ác lẫn lộn, tất những cảnh giới không lành sẽ ập đến, sẽ hiện ra ngay trong từng giây phút, ngay trong đời này, kiếp này chứ không cần phải chờ đến một khoảng thời gian nhất định nào đó Ngày Tận Thế mới xảy ra.
Tâm này là thiên đường, tâm này là địa ngục! Người chuyên hành việc thiện, niệm niệm hành thiện, tất cảnh giới nơi ấy với thiên đường không có gì khác biệt. Ngược lại, người chuyên hành việc ác, niệm niệm nghĩ ác, tất cảnh giới nơi ấy với địa ngục vốn chẳng bao xa.
Thiên đường hay địa ngục, tận thế hay vĩnh hằng phụ thuộc vào Tâm Đạo của chính chúng ta.
Trước thềm năm mới xin cầu chúc mọi người, mọi nhà tâm từ, thiện khởi để nơi đâu cũng là Thế Giới Cực Lạc.
01.2013 Thiện Lợi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét