Phật Học - Tịnh Độ Tông
Giác Ngộ - Người Việt Nam tu pháp môn Tịnh độ, chủ yếu theo kinh Tiểu bổn Di Đà và chuyên tâm niệm Phật để cầu vãng sanh về Tịnh độ là thế giới Tây phương Cực lạc của Đức Phật Di Đà. Và ngày 17 tháng 11 là ngày vía Đức Phật Di Đà, nên được coi là ngày quan trọng nhất của những hành giả tu theo pháp môn Tịnh độ.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu về pháp môn Tịnh độ, chúng ta thấy có nhiều kinh mà Đức Phật Thích Ca nói về Tịnh độ Tây phương và giới thiệu về hành trạng của Đức Phật Di Đà, như kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ. Và về sau, ngài Thái Hư đại sư triển khai pháp môn Tịnh độ bằng cách gộp thêm hai bộ kinh nữa là Hoa Nghiêm và Thủ Lăng Nghiêm; như vậy, tổng cộng có năm bộ kinh giảng giải về Tịnh độ của Phật Di Đà, mà Ngài gọi là Tịnh độ ngũ kinh.
Nếu căn cứ theo các bộ kinh nói trên, chúng ta tu hành còn phải lập hạnh từ các kinh Nguyên thủy. Cũng như Đức Phật Di Đà cũng phải căn cứ vào các Tịnh độ của chư Phật mười phương mà hình thành nên thế giới Cực lạc ở phương Tây của Ngài.
Ngoài ra, trên bước đường tiến tu đến quả vị Toàn giác, để kiến tạo Tịnh độ cho mình, hành giả cần phải đạt đến đỉnh cao nhất gọi là "Duy tâm Tịnh độ", nhằm mục tiêu làm cho tâm của hành giả được hoàn toàn thanh tịnh, thì Tịnh độ mới hiện ra và kỳ diệu thay, bấy giờ đó cũng là Tây phương Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà vậy. Hay nói cách khác, đó cũng là Tịnh độ ở cõi Ta bà mà Đức Phật Thích Ca đã thể hiện sâu sắc cho tất cả đệ tử Ngài an trú từ khi Ngài còn hiện hữu trên cuộc đời này và Tịnh độ đó vẫn hằng hữu cho đến ngày nay và mãi cho đến tận vị lai kiếp vẫn ngời sáng.
Thể hiện tinh thần sâu sắc của yếu nghĩa Tịnh độ Tây phương, Tổ Pháp Huệ đã dạy rằng:
Phật hiệu Di Đà Pháp Giới Tạng Thân tùy xứ hiện
Quốc danh Cực Lạc Tịch Quang chơn cảnh cá trung quyền.
Nhân ngày vía Đức Phật Di Đà, chúng tôi mong các hành giả suy nghĩ thấu đáo về Tịnh độ, để xây dựng được cho mình một Tịnh độ ngay trong cuộc sống hiện tại này và tùy nguyện mà thâm nhập được Tây phương Tịnh độ sau khi mãn duyên cõi hồng trần. HT.Thích Trí Quảng
(Trang nguồn: Giác Ngộ Online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét