Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Tịnh độ tông với xã hội ngày nay


PDF In E-mail
Viết bởi Tuệ Minh   
 Ý nghĩa văn hóa và phương pháp tu trì của Tịnh độ tông chẳng những có thể đáp ứng mong muốn của con người hiện đại ở trình độ cao mà còn có khả năng chữa trị có hiệu quả những căn bệnh của xã hội ngày nay.
1. Tịnh độ tông phù hợp với cơ duyên của xã hội ngày nay
Tịnh độ tông đối với xã hội ngày nay là vấn đề được rất nhiều người trong và ngoài Phật giáo quan tâm. Tịnh độ tông có tác dụng như một thạch trụ trung tâm của Phật giáo và xã hội hiện tại cũng như tương lai. Có hai lý do chủ yếu sau đây:

Một là sự huyền ký về pháp vận Phật giáo của đức Thế Tôn có tác dụng hưng khởi Tịnh độ tông: Trong kinh “Tượng pháp quyết nghi” và kinh “Đại tập nguyệt tạng” cũng như nhiều kinh điển Đại thừa khác, đem Phật pháp chia làm 3 thời kỳ, đó là: Chính pháp, Tượng pháp và Mạt pháp. Mỗi thời kỳ pháp vận đều đầy đủ những đặc trưng của nó. Trong kinh chép: “Chính pháp 1.000 năm là thời kỳ Trì giới kiên cố; Tượng pháp 1.000 năm là thời kỳ Niệm Phật kiên cố”.
Trong kinh lại nói vào thời kỳ Mạt pháp tuy có ức ức người tu hành, song hiếm có được người nào đắc đạo, duy chỉ có nương theo pháp môn niệm Phật mà được độ thoát khỏi sinh tử luân hồi”. Một đoạn huyền ký của đức Thế Tôn quả thực là đuốc tuệ giữa đêm đen xua tan mọi sự tối tăm, chỉ cho chúng sinh con đường chân chính tốt đẹp, đó cũng chính là động lực làm cho Tịnh độ tông phát triển mạnh mẽ trong thời đại ngày nay.
Người chỉ ra tư tưởng mạt pháp và đề xuất pháp môn Tịnh độ sớm nhất là Đại sư Đạo Xước đời Đường ở Trung Quốc, Ngài đem giáo pháp của đức Phật chia làm 2 môn là Thánh đạo và Tịnh độ. Từ góc độ thời giáo tương ứng thì ngày nay đã trải qua hơn 500 năm đầu của thời kỳ mạt pháp, do vậy nên xả bỏ Thánh đạo môn (dựa vào tự lực đoạn hoặc chứng chân) chuyển hướng về Tịnh độ môn (dựa vào Phật lực đới nghiệp vãng sinh).
Nối tiếp tư tưởng đó là Đại sư Thiện Đạo, chính là người tập đại thành thuyết minh về “tha lực bản nguyện”. Đại sư nhận định rằng: “pháp môn Tịnh độ là pháp môn phương tiện đặc biệt được thiết lập nhằm giúp cho chúng sinh thời mạt pháp ngang vượt ba cõi, viên thành Phật đạo”. Chúng sinh bị chìm đắm, bỏ pháp môn này thì khó có thể ra khỏi đường hiểm sinh tử. Về sau trải qua các đời, các bậc tổ sư Tịnh độ như Đại sư Vĩnh Minh, Đại sư Liên Trì, Đại sứ Ngẫu Ích, Đại sư Triệt Ngộ, Đại sư Ấn Quang… đều kế thừa và phát huy tư tưởng phán giáo dị hành đạo của thời kỳ mạt pháp mà khởi xướng pháp môn Tịnh độ, được đông đảo Tăng Ni Phật tử hưởng ứng cao độ.
Ngày nay xu hướng Phật giáo toàn cầu hóa ngày một phát triển sâu rộng, Tịnh độ tông cũng góp mặt và lưu dấu ấn khắp các nước trên thế giới, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam… cho đến các nước Âu Mỹ, các đoàn thể, hiệp hội, liên xã niệm Phật phát triển mạnh mẽ.
Hai là đặc tính của xã hội hiện đại và đặc điểm đơn giản thẳng tắt của pháp môn Tịnh độ tự nhiên thích ứng với nhau, điều đó chứng tỏ Tịnh độ tông vừa mang tính hiện đại vừa mang tính thời đại. Xã hội hiện đại là xã hội của khoa học kỹ thuật công nghệ cao và kinh tế thị trường, đã đem lại văn minh vật chất cho xã hội loài người, thông tin của xã hội, tri thức của xã hội càng ngày càng tăng lên gấp bội.
Điều đó thúc bách con người hiện đại phải tăng tốc độ kỹ năng nhận thức, tiếp thụ các loại tri thức hiện đại để thích ứng và cải tạo thế giới bên ngoài. Trào lưu toàn cầu hóa, kinh tế thị trường đã làm thay đổi phương thức tư duy của toàn xã hội, đó là chủ nghĩa vật chất thực dụng, phân chia làm hai thái cực giàu nghèo một cách rõ rệt. Dân số ngày một tăng, tài nguyên thiên nhiên lại bị khai thác, phá hoại đến mức cạn kiệt càng khiến cho cuộc đấu tranh sinh tồn của xã hội loài người càng trở nên gay gắt…
Thực tế đó như một lời thách đố trong việc hoằng dương Phật pháp ở thời hiện đại. Cho nên ngày nay muốn tu hành thành tựu liễu sinh thoát tử quả thật là một điều hết sức khó khăn. Do đó các bậc cố đức trong Phật giáo lựa chọn một loại pháp môn thích ứng và chuyển hóa xã hội hiện đại, chính nội hàm và đặc tính của Tịnh độ tông phù hợp với yêu cầu đó của xã hội hiện đại.
Giáo nghĩa và phương pháp tu trì của Tịnh độ tông hết sức phù hợp với cơ duyên của con người, xã hội ngày nay. Con người ngày nay sống và làm việc với nhịp độ cao, tính cạnh tranh quyết liệt, không có thời gian nhàn rỗi để tu tập Phật pháp, song phương thức tu tập của Tịnh độ tông lại rất phù hợp. Nếu hàng ngày không có nhiều thời gian nhàn rỗi thì chỉ cần dùng pháp môn thập niệm là được (chỉ cần 5 phút là đủ).
Các chủng loại, phương thức niệm Phật hết sức linh hoạt không cần phải có đạo tràng, pháp khí trợ giúp mà ở tất cả mọi nơi, mọi lúc, mọi hành vi, cử chỉ đi đứng nằm ngồi đều có thể niệm Phật được mà không hề trở ngại. Con người hiện đại ưa thích ngắn gọn đơn giản, nhanh chóng, Pháp môn niệm Phật cũng đầy đủ đặc tính đó.
Ví dụ bạn đang đối mặt với một vấn đề khó khăn mà phải bó tay, tâm lý rất hoang mang, lúc đó bạn hãy hít thở sâu rồi chú tâm niệm Phật một vài câu, tinh thần liền an định, lý trí sáng suốt để xử lý vấn đề. Nếu bạn gặp phải nghịch cảnh, khi tâm sân hận có thể phát khởi, bạn hãy chú tâm niệm Phật một vài câu thì lửa sân có thể dập tắt, tâm ý sẽ trở nên an lành nhẹ nhàng cho đến cả khi lâm chung, nếu dốc lòng niệm danh hiệu Phật A Di Đà 10 niệm hay thậm chí 1 niệm cũng có thể nhờ Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sinh cực lạc cứu cánh thành Phật. Điều đó chứng tỏ pháp môn niệm Phật sinh Tịnh độ là pháp môn rất phù hợp với tâm lý tiêu dùng của xã hội hiện đại: “Không rời Phật pháp mà hành thế pháp, không bỏ thế pháp mà chứng nhận Phật pháp vậy”.
Tịnh độ tông thể hiện được tinh thần tự do phóng khoáng của tư tưởng Phật giáo Đại thừa, điều đó càng thích hợp với sự tu hành của Phật tử tại gia; tức là ở nơi trần lao mà làm Phật sự, chuyển thế tục thành đạo tràng thanh tịnh, đem phương pháp niệm Phật vào trong mọi sinh hoạt đời thường nhằm thực hiện “niệm Phật sinh hoạt hóa, sinh hoạt niệm Phật hóa”. Như vậy có thể trở thành hạnh phúc mỹ mãn.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử đi tham học với 53 vị Thiện tri thức, trong đó chỉ có 4 vị là người xuất gia, còn lại đều là cư sĩ tại gia đại diện cho các giới, các tầng lớp và làm mọi nghề nghiệp trong xã hội, điều đó chứng tỏ pháp thế gian không làm chướng ngại việc tu trì Phật pháp. Đặc tính giản dị và phóng khoáng của Tịnh độ tông rất phù hợp với tính chất của xã hội hiện nay.
Ngày nay khoa học kỹ thuật và văn minh vật chất phát triển với tốc độ cao, nó làm cho môi trường, hoàn cảnh, lối sống, đạo đức, nhân văn… xuống cấp trầm trọng. Đức Thích Ca đã từng huyền ký: “Sau khi ta nhập Niết Bàn, tới thời mạt pháp, kinh đạo dần dần tiêu diệt, nhân dân giả dối lừa gạt lẫn nhau, lại đua nhau làm các việc ác, bấy giờ năm thứ thiêu đốt, năm thứ khổ đau dần dần thịnh mãn”. Đoạn kinh này chính là tả thực xã hội ngày nay, muốn liễu sinh thoát tử, viên thành Phật đạo thì cần có pháp môn Tịnh độ.

2. Tịnh độ tông với hoàn cảnh sinh thái

Công nghiệp hóa và toàn cầu hóa đồng thời đem lại nền văn minh vật chất, đi theo nó là hoàn cảnh sinh thái môi trường ô nhiễm, xuống cấp nghiêm trọng. Đó là hậu quả do công nghiệp hóa đem lại mà nhân loại không lường trước được. Vấn đề đó đã trở nên nghiêm trọng, làm cho chính phủ các nước có sự quan tâm chú ý. Có nhà khoa học đã từng dự báo: Nếu như con người tiếp tục phá hoại hoàn cảnh sinh thái như tốc độ hiện nay thì 50 năm nữa sẽ không còn chỗ cho con người sinh sống trên trái đất này. Do đó một vấn đề hết sức nghiêm trọng đặt ra trước mắt mọi người đó là: “chúng ta chỉ có một trái đất này, chúng ta phải làm gì để chung sống hòa bình với trái đất này?”.
Muốn hóa giải nguy cơ hoàn cảnh sinh thái xuống cấp một cách hữu hiệu, cần phải chữa trị tận gốc rễ căn bệnh trầm kha của xã hội ngày nay. Phương diện này, giáo nghĩa Tịnh độ có thể vì con người ngày nay mà đề xuất phương pháp hữu ích:
Ý nghĩa văn hóa Tịnh độ chú trọng tịnh hóa thân tâm con người, lấy việc giảm thiểu sự tiêu phí vật chất sẽ đem lại sự tồn tại cho mạng sống, đem lại sự giải thoát tâm linh và tinh thần, cũng như hoàn thiện nhân cách đạo đức cho con người. Tại tiền đề “Mục tiêu cuộc sống” cảm quan hưởng thụ vật chất cần phải đạt đến sự điều tiết hợp lý.
Quan điểm giảm thiểu tiêu dùng vật chất, một mặt sẽ làm giảm bớt sự khẩn trương gấp gáp của cuộc sống, ngăn ngừa tội ác do tham dục phát động, mặt khác sẽ làm giảm bớt sự khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhờ đó thiên nhiên sẽ được bảo vệ, con người thiết lập được mối quan hệ sống hòa hợp với tự nhiên.
Đối với muôn mặt của tự nhiên vạn hữu, văn hóa Tịnh độ bảo đảm duy trì lòng từ bi bình đẳng. Chúng ta chẳng những không tàn hại tính mệnh của chúng để nuôi dưỡng bản thân mình, mà còn phải thiết lập mối quan hệ thân thiện cùng chung sống trong hòa bình với tự nhiên vạn vật.
Trong Phật giáo có 3 loại từ tâm: đó là sinh duyên từ, pháp duyên từ và vô duyên từ, đều cùng là đồng thể đại từ bi. Trong đó pháp duyên từ là chỉ cho vạn pháp cùng một thể tính mà chiêu cảm phát sinh từ tâm đối với khí thế gian (vạn pháp). Xem tất cả địa đại, thuỷ đại là thân trước của ta. “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí” hay “nhất thiết chúng sinh giai cộng thành Phật đạo” đó là quan niệm tuyệt đãi viên dung của Tịnh độ tông. Quan niệm ấy với quan niệm “Thiên nhân hợp nhất” của Nho giáo hay quan niệm “Thiên địa dữ ngã đồng căn, vạn vật dữ ngã đồng thể” của Đạo gia là tương ứng đồng nhất.
Với quan điểm chủ đạo đó, nền tảng sinh tồn tự thân của nhân loại là sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời phải có sự tái tạo các nguồn tài nguyên như trồng rừng, sử dụng hợp lý nguồn nước, bảo vệ các nguồn động thực vật quý hiếm… Còn đối với các nguồn tài nguyên không tái tạo được như khoáng sản, dầu mỏ, kim loại… thì phải hạn chế khai thác, sử dụng khi thật cần thiết và tăng cường chế tạo, sử dụng các vật liệu nhân tạo để thay thế.
Thông qua ý nghĩa “y báo chính báo không hai không khác” của Tịnh độ, chúng ta nhận thấy hoàn cảnh tự nhiên bên ngoài và hoàn cảnh xã hội nhân văn (y báo) với thân tâm con người (chánh báo) là quy luật tương ứng của nhau. Tâm tịnh thì quốc độ tịnh, tâm nhơ thì quốc độ ô nhiễm. Tâm niệm từ bi thanh tịnh thì chiêu cảm pháp giới của Phật, gió đức mưa hoa, đất bằng vàng ròng. Tâm niệm thiện về ngũ thường thế gian (nhân - lễ - nghĩa - trí - tín) thì chiêu cảm cõi nhân gian an lành hạnh phúc; một niệm dâm dục, sân hận phát khởi thì chiêu cảm cảnh giới địa ngục núi đao rừng kiếm, núi lửa vạc dầu…


3. Tịnh độ với hòa bình thế giới

Từ khi có nhân loại đến nay, con người trên trái đất luôn sống trong bóng đen của chiến tranh và sự sợ hãi. Trong 100 năm ngắn ngủi của thế kỷ 20, toàn thế giới đã xảy ra trên 300 cuộc chiến tranh lớn nhỏ khác nhau, ngay đầu thế kỷ 21 đã xảy ra hàng loạt cuộc chiến tranh xâm lược và khủng bố. Các loại vũ khí hiện đại có sức công phá và sát thương hàng loạt ngày càng phát triển.
Hiện nay trên thế giới số lượng vũ khí đạn dược hiện có đã gấp 5.000 lần với số vũ khí được sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai, ngoài ra còn các loại vũ khí nguyên tử, vũ khí sinh học… có nguy cơ huỷ diệt cả thế giới. Đứng trước sự lựa chọn sinh tồn và hủy diệt, các dân tộc, quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều hô hào ủng hộ lập trường “Hòa bình thế giới” mà đề xuất rất nhiều phương án để giảm trừ tai nạn tránh đi những cuộc chiến tranh. Có nhà chiến lược từng nói: “Nguyên tử có thể làm thay đổi toàn thế giới nhưng không thể làm thay đổi được phương thức tư duy của nhân loại, vì thế nhân loại phải hướng đến một thế giới không có tai nạn chiến tranh”.
Muốn hóa giải tai nạn chiến tranh, điều cốt yếu phải cải biến tư duy của nhân loại, đem phương thức tư duy của nhân loại mà trung tâm là tham dục, chiếm đoạt, thù địch và tự ngã ra khỏi đám bùn lầy đen tối đó. Đối với vấn đề này, văn hóa Tịnh độ tông có những biện pháp khả thi hữu hiệu.
Đức Thế Tôn thấu hiểu tận cùng nghiệp tính của chúng sinh cõi Sa Bà luôn bị tham sân si sai khiến, thúc bách mà tạo tác muôn vàn tội ác. Kẻ mạnh lấn lướt kẻ yếu, cạnh tranh chống đối lẫn nhau, tàn hại giết chóc, ăn nuốt lẫn nhau không biết làm việc thiện, về sau phải chịu tai ương hoạn nạn. Chúng sinh ở thế gian này khinh yếu sợ mạnh, chống đối hận thù hung tàn bạo ngược… làm nhiều điều bất thiện. Chúng sinh ngu si một khi đã gieo xuống nhân ác, tự nhiên khó thoát khỏi khổ báo, khi sống gặp phải cảnh oan oan tương báo, lúc chết đi phải đoạ vào ba nẻo ác địa ngục, ngã quỷ, súc sinh.
Luân chuyển trong đó, đời này kiếp khác, không biết đến lúc nào có thể thoát ra được. Đức Thế Tôn thấy vậy dùng tâm đại bi vô tận truyền trao Phật pháp muốn cho chúng sinh là khổ được vui, dạy con người ta lấy tâm từ bi, tâm bình đẳng, tâm công chính mà đãi nhân tiếp vật, lấy tâm khiêm tốn nhẫn nhục để xoá giải xung đột trên thế giới. Chúng sinh đồng một thể, mình và người không khác, lợi người chính là lợi mình, giết hại kẻ khác chính là giết mình.
Cho nên con người phải hiểu rõ lý nhân quả, bỏ ác làm lành như thế ắt được quả lành, lo gì thiên hạ không thái bình. Đúng như lời Phật dạy: “Những nơi Phật đến, làng mạc thành thị đều được thấm nhuần ơn giáo hóa, thiên hạ hòa thuận, nhật nguyệt trong sáng, mưa gió thuận thời, tai nạn dịch bệnh không phát sinh, nước thịnh dân an, các loại vũ khí không còn phải dùng đến, nhân dân sùng mộ đạo đức nhân nghĩa, chỉ chăm làm việc thiện, trong nước không có nạn trộm cắp, không có người bị oan uổng, mạnh không lấn lướt yếu, mọi người đều vui lòng toại ý".
Có thể thấy lý tưởng văn hóa Tịnh độ rất có lợi cho việc kiến tạo hòa bình thế giới, nó cũng phù hợp với lý tưởng “Dĩ hòa vi quý” của nhân dân ta. Chính phủ luôn lấy nguyên tắc hòa bình để đối ngoại và đối nội, nó thể hiện truyền thống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam ưa chuộng hòa bình. Lý tưởng hòa hợp, bình đẳng, từ bi nhẫn nhịn, bác ái của Tịnh độ tông chính là phương thuốc hữu hiệu để chữa trị cơ thể xã hội từng ngày đang bị các thế lực tà ác, cường quyền xâm nhiễm.

4. Tịnh độ tông với việc xây dựng đạo đức nhân văn

Đạo đức là yếu tố không thể thiếu được trong việc ổn định, duy trì và phát triển xã hội. Tình trạng đạo đức và trình độ văn minh của xã hội có quan hệ mật thiết với nhau. Xã hội phong kiến Việt Nam ảnh hưởng văn hóa tư tưởng nho giáo và Phật giáo nên chủ trương “dùng đức trị quốc”. Do đó đạo đức truyền thống của Việt Nam đã có bề dầy lịch sử hàng ngàn năm, cho đến nay những giá trị đạo đức truyền thống bị mai một thay vào đó là tình trạng đạo đức vô lối xuất hiện mà từ trước chưa hề có.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp về đạo đức có rất nhiều, nhưng điều căn bản nhất đó là: Con người ngày nay không tin nhân quả, thậm chí nhạo báng nhân quả, cho rằng thành thực chính là kẻ gốc, gian ác mới là tài cán, thông minh. Do loại tâm lý đó chi phối nên một bộ phận người trong xã hội không hề sợ, không hề kiêng kỵ bất cứ điều gì mà họ không dám làm. Tuy có bị pháp luật nghiêm cấm, trừng trị nhưng không hạn chế được bao nhiêu.
Thêm vào đó là nền kinh tế thị trường và văn minh vật chất là động cơ thúc đẩy tính tham dục và tự ngã của con người ngày càng tăng thịnh, nó từng ngày, từng giờ huỷ hoại, đe doạ con đê đạo đức vốn đã suy yếu. Trước sự thật đó khiến mọi người phải ý thức được rằng: Nếu không khôi phục được văn hóa đạo đức cho xã hội ngày nay, chẳng những quan hệ đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế của nước ta, mà còn liên quan đến sự thịnh suy, tồn vong của đất nước.
Sự hủ bại của tâm lý đạo đức làm đảo lộn những giá trị, tiêu chuẩn, quan niệm về nhân sinh, xã hội và các mối quan hệ. Để cải tiến được tình trạng đó, trước hết phải đề xướng tư tưởng “Thiện ác nhân quả báo ứng”. Trong kinh điển của Tịnh độ đã từng hiểu dụ: “Các loài chúng sinh ở thế gian không biết làm thiện, sau phải chịu tai ương hình phạt; có những kẻ nghèo cùng ăn xin, cô độc, câm, mù, ngọng, điếc, què quặt, điên cuồng… đều do đời trước không tin đạo đức, không chịu làm lành. Lại có những người tôn quý, giàu sang hiền triết, trưởng giả, trí dũng, tài năng… đều do đời trước hiền lương, hiếu thuận, làm lành chứa đức mà có".
Sau khi đã chỉ rõ lý nhân quả đức Phật khuyên chúng sinh nên giữ giới làm lành. Hành giả Tịnh độ nên tu trì “Tịnh nghiệp tam phúc” đó là: Tu tập phúc báo thế gian gồm 4 nội dung: Hiếu dưỡng cha mẹ; tôn thờ thầy dậy; Từ tâm không giết hại; và tu mười thiện nghiệp. Những tội ác, những hành vi đạo đức đồi bại phần lớn không ngoài sát sinh, trộm cướp, dâm dật, lừa gạt nói dối. Nếu như có nhiều người thực hành ngũ giới, thập thiện, thì phong khí đạo đức xã hội sẽ được căn bản hoàn thiện.
Tiến thêm một bước là phát tâm Bồ đề, niệm Phật, tu đức thì xã hội chúng ta đã là Tịnh độ thế gian. Như vậy có thể thấy hiểu và tin nhân quả chính là cơ sở nền tàng căn bản không thể thiếu được để xây dựng đạo đức xã hội, đó cũng là cống hiến của Tịnh độ tông trong việc cải thiện nhân tâm thế đạo. Đại sư Ấn Quang từng chỉ dạy: “Nhân quả chính là nguyên tắc để các bậc thánh thế gian, xuất thế gian bình trị thiên hạ, là đại quyền để độ thoát chúng sinh". Ngày nay nếu không lấy nhân quả làm nhiệm vụ cấp bách để cứu nước cứu dân, thì cái đạo đức, sự khôn khéo cao siêu của các vị chỉ là giả dối.
Những lời thống thiết xuất phát từ lòng từ bi vô lượng của chư Phật, chư tổ chính là kim chỉ nam cho chúng ta cứu vãn, khôi phục và làm rực rỡ nền văn hóa đạo đức truyền thống của dân tộc.
Theo: Nghiên cứu Phật học (Thích Tiến Đạt)

Ăn Chay - Nét đẹp văn hóa mang phong cách Á Đông

Cơm Chay

Khi nói đến ăn chay, không ít người  thường hay nghĩ ngay đó là món ăn dành cho các nhà Sư  - Những người tu hành theo kiểu ép xác, khổ hạnh trong các Đền, Chùa, Miếu, Tự… Làm thế nào để hiểu và nhận diện ý nghĩa của việc Ăn Chay một cách chính xác, cho tới nay vẫn một vấn đề mang tính thời sự,  gây nhiều sự  tranh luận, bàn cãi cả trong Đạo lẫn Đời. Nhưng có một điều ai ai cũng đã dần dần phải nhận thấy: Từ nhiều thập niên tới nay, vấn đề Ăn Chay đang ngày càng được phổ cập hoá trong khuân hình của mọi xã hội (phương Đông và phương Tây), mặc dù hình thức Ăn Chay trong xã hội Đông-Tây vẫn còn có nhiều sự khác biệt, nhưng ý nghĩa tối thượng của Ăn Chay dường như đang dần dần qui về một mối: Tăng trưởng lòng từ bi đối với các chúng sanh; giảm bớt các ác báo nghiệp sát sanh; Giảm bớt sự tham đắm sắc dục và bệnh tật...

 

1. Ăn Chay làm tăng trưởng lòng từ bi với các chúng sanh


Trong Kinh Lăng Già Đức Phật Thích Ca đã nói với Ðại Huệ Bồ Tát như sau: "Những người ăn thịt đoạn hết hạt giống đại từ. Ta xem chúng sanh luân hồi trong sáu nẻo, đời đời làm cha mẹ anh em chồng vợ con cái lẫn nhau. Chúng sanh ăn thịt nhau, toàn là ăn thịt lục thân quyến thuộc của mình. Thế mà loài hữu tình mơ màng không biết, thường sanh lòng giết hại, làm cho nghiệp khổ thêm lớn, khiến nên mãi bị lưu chuyển trong đường sanh tử, không được thoát ly. Kẻ không ăn thịt, sẽ được vô lượng công đức tụ. Nếu tất cả mọi người không ăn thịt, thì không ai giết hại chúng sanh. Do có người ăn thịt tìm hỏi để mua, nên mới có kẻ vì cầu tài lợi giết chúng sanh để bán. Cho nên kẻ ăn thịt cùng người giết chúng sanh để bán thịt, cả hai đều có tội".



Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh giới thiệu cách nấu món chay

Quán chiếu những lời Phật dạy thì từ vô lượng kiếp sanh tử tới nay chúng ta cũng đã từng, hoặc có vô số kiếp từng bị đọa xuống làm súc sanh, rồi cũng từng bị những chúng sanh khác banh da, xẻ thịt hoặc giết hại. Những nỗi khổ và đớn đau ấy chỉ có chúng ta – những kẻ bị giết hại lúc đó mới có thể cảm nhận được. Và điều chắc chắn khi chính mình bị kẻ khác xâm phạm, đày đoạ, đuổi cùng, giết tận ấy, không thể nói trong lòng chúng ta không mảy may không cảm thấy sợ hãi, oán giận và đớn đau. Đây cũng chính là điều mà Đức đã khuyến cáo và nhắc nhở:  "Thế mà loài hữu tình mơ màng không biết, thường sanh lòng giết hại, làm cho nghiệp khổ thêm lớn, khiến nên mãi bị lưu chuyển trong đường sanh tử, không được thoát ly". Và Đức Phật nói: "Kẻ không ăn thịt, sẽ được vô lượng công đức tụ". Tại sao lại có công đức tụ? Phật chỉ ra rằng: "Nếu tất cả mọi người không ăn thịt, tất sẽ không ai giết hại chúng sanh". Không giết hại=không tạo ác nghiệp=không bị lưu chuyển trong đường sanh tử luân hồi. Bởi thế gian còn nhiều người muốn ăn thịt chúng sanh, nên thế gian vẫn còn những người tìm cách phải giết thịt chúng sanh để mưu cầu cuộc sống và danh lợi. Do vậy Phật mới kết luận: Kẻ ăn thịt và kẻ giết thịt chúng sanh, cả hai đều có tội.


Khi nói tới điều này, không ít người sẽ cười và bảo rằng: Cuộc đời ngắn ngủi, có bao thứ được tận hưởng, rượu ngon, thịt bổ tội gì không hưởng lạc; Hoặc: có những loài gia súc, sinh ra là để cho con người giết thịt. Nghĩa là: Số phận của loài súc sanh đó đã được định đoạt như vậy rồi; mình không ăn nó, không thịt, không giết hại nó thì cũng có người khác giết thịt. Vả lại hãy thử hình dung nếu những chúng sanh đó không bị giết thịt, vậy thì trái đất này lấy đâu ra chỗ để chứa những loài gia súc ấy…v.v. Nói như vậy là dùng sự suy xét giản đơn của người đời (người phàm), chứ không dựa  trên cái lý của nhân-quả tuần hoàn mà Đức Phật thường nhắc nhở chúng ta. Điều này có thể lấy ngay chúng ta làm ví dụ: Ai sinh ra rồi cũng già, bệnh tật, rồi chết. Đó là quy luật sanh tử không thể chối từ. Các loài súc sanh cũng không lọt ra ngoài vòng quay đó. Phật nói: Ta là Phật đã thành, tất cả các chúng sanh là Phật sẽ thành. Nếu coi ta (chúng ta) là một chúng sanh=Phật; vậy thì tất cả các chúng sanh khác cũng đều là Phật tương lai cả. Bây giờ Phật-Phật hạ sát, giết thịt lẫn nhau để hưởng lạc, vậy thế gian này đâu còn thiên lý? Đâu còn những chuyện nhân quả báo ứng và sanh tử luân hồi nữa.


2. Ăn Chay là giảm ác báo của nghiệp sát sanh


Trong Kinh Niết Bàn có ghi lại như sau: "Tội sát sanh có ba bậc: thượng, trung, hạ. Nghiệp sát bậc hạ, là giết từ loài kiến cho đến tất cả bàng sanh. Người tạo tội nầy phải bị đọa vào tam đồ, chịu sự khổ về bậc hạ. Tại sao thế? Bởi loài nhỏ dù là con kiến, con muỗi cũng có chút căn lành, nếu giết nó thì phải chịu tội báo. Nghiệp sát bậc trung là giết từ phàm phu trong loài người cho đến bậc A Na Hàm. Người tạo tội nầy phải bị đọa vào địa ngục, ngạ quỉ, bàng sanh, chịu sự khổ về bậc trung. Nghiệp sát bậc thượng là giết từ cha mẹ cho đến bậc A La Hán, Bích Chi Phật. Người tạo tội nầy, phải bị đọa vào đại địa ngục A Tỳ, chịu sự khổ về bậc thượng".


Như vậy cả ba nghiệp sát sanh: Thượng-Trung-Hạ đều là những nguyên nhân để dẫn đến những nghiệp báo sau này cả. Những nghiệp quả nặng hay nhẹ, nhiều hay ít, lành hay dữ… vốn tuỳ thuộc vào những nghiệp sát sanh trước đây mà tính đếm. Câu nói:


Rằng ai muốn biết nhân xưa

Xét xem hoàn cảnh bây giờ chịu đây

Muốn biết quả báo sau này
Xét điều tội phước ta nay đang làm.

Dường như đã nói lên tất cả và đáng để chúng ta phải suy ngẫm.

Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh và Ni Sư Thiền Châu đang chuẩn bị món ăn

3. Ăn Chay để giảm bớt sự tham đắm dục lạc và tật bệnh


Điều này nếu suy ngẫm đôi chút tất ai trong chúng ta cũng đều dễ dàng nhận ra. Khi cuộc sống của con người còn quá khó khăn, vất vả. Những bữa ăn hàng ngày vốn rất thanh đạm, thường chỉ có rau, dưa hay những loại hoa quả thực vật khác… tâm của con người thời ấy dường như tịnh khiết hơn và hiền lương hơn. Nhiều người sẽ bảo: Ăn khổ quá, người thiếu đủ thứ chất, lo tồn tại không xong, còn hơi đâu để suy ngẫm chuyện thế thái nhân tình khác. Thực tế không phải vậy. Bởi ăn khổ hay ăn sướng con người vẫn phải suy nghĩ và hành động. Tuy nhiên, khi những bữa ăn thanh đạm được dần dần thay thế bằng những bữa ăn thịt-cá, rồi nâng cấp đến những bữa ăn đầy đủ các sơn, hải vị... (ăn mặn) khác thì những suy nghĩ và hành động của con người lúc này sẽ không còn thanh tịnh và hiền lương như thủa còn nghèo khó nữa. Nguyên nhân: Những thức ăn mặn đã kích thích sự thụ hưởng dục lạc trong thân thể của con người, từ sự kích thích ấy buộc con người phải không ngừng suy nghĩ, tạo ra mọi phương tiện, của cải, vật chất để đáp ứng cho sự hưởng thụ những dục lạc đó. Dục lạc càng lớn thì các nghiệp  (thân-khẩu-ý) càng thêm nặng và trầm trọng. Đây cũng chính là nguyên nhân tại sao thời nay tội ác, tật bệnh xảy ra càng nhiều, và mức độ mỗi lúc càng thêm gia tăng và nghiêm trọng hơn.




Những giây phút hoan hỉ khi một món ăn được hoàn tất

Sẽ có nhiều người bảo: Đành biết là thế, nhưng mình không ăn thịt chúng sanh thì người khác cũng ăn; Vả lại bao đời nay ăn mặn, rồi ngày ngày bia, rượu, thịt, cơm gà, cá gỏi… nó quen mất rồi, giờ chuyển sang ăn chay, mồm miệng khô khốc như nhai rơm; Rồi ăn chay không đủ chất, lấy đâu ra sức để học tập, lao động…. Hơn thế, nhiều người ăn chay, người ngợm, mặt mũi xanh rờn như tàu lá, sống thế nào được. Những kiến định trên không phải không có cơ sở, tuy nhiên nó mới chỉ dừng lại ở những kiến định mang tính cá nhân, thiếu sự xét đoán sâu sắc. Nghĩa là: nhìn vào thói quên, tập tục xa xưa, sự thất bại của người xung quanh, rồi lấy đó làm động cơ cho chính mình.


Thực ra ăn chay vốn không hề làm giảm sức khoẻ và trí tuệ như nhiều người thường suy luận và lo sợ. Vậy thực chất của Ăn Chay là gì? Làm thế nào để mọi người thực hiện Ăn Chay mà không ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt cá nhân, gia đình và xã hội? Đây là một đề tài vô cùng lớn và phong phú và cũng vô cùng quan trọng, bởi người Ăn Chay phải ý thức được: Ăn Chay để làm gì? Ăn Chay như thế nào mới đúng? Làm thế nào để Ăn Chay trở thành những nét đẹp trong sinh hoạt, ăn uống trong từng cá nhân và mọi nhà…


Xuất phát từ những ý nghĩa tối thượng trên mà từ hơn 4 năm nay, hàng năm tại Chùa Phật Huệ, đường Hanauer Landstr.443, 60413 Frankfurt am Main Germany, Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh, Trụ trì Chùa Phật Bảo Barntrup đều tổ chức những khoá dạy học "Nấu Đồ Ăn Chay + Phương Pháp Định Tâm" để tạo những cơ duyên cho tất cả đại chúng người Việt cũng như người bản xứ có được cơi hội tham gia, học hỏi và nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc Ăn Chay trong cuộc sống đời thường.


Trong khoá học và hướng dẫn "Nấu Đồ Ăn Chay + Phương Pháp Định Tâm" tổ chức vào lúc 11:00 giờ đến 14:30 giờ ngày thứ bảy, 05.11.2011 tại chùa Phật Huệ lần này đã có gần 20 người Đức tham gia.


Sau đôi phút giới thiệu và làm quen, Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh đã giới thiệu đôi nét sơ lược về Chùa Phật Huệ, về ý nghĩa quan trọng của việc Ăn Chay trong cuộc sống thường nhật, đặc biệt là trong cuộc sống của thời công nghiệp hiện đại này nay… Kế đó Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh đã cùng với các Chư Tăng Ni Chùa Phật Huệ đã giới thiệu cho các khách chúng người Đức hiểu tường tận về những gia liệu, cách thức để chế biến những món Ăn Chay đơn giản, nhưng cũng vô cùng cầu kỳ và quan trọng hơn cả là vẫn giữ được nét độc đáo – Những món ăn truyền thống mang đậm hình ảnh của dân tộc Việt nhưng cũng mang đầy hương vị thanh tao của văn hoá Đạo Phật.


Sau hơn hai tiếng được chứng kiến tận mắt, lại được sự hướng dẫn tận tình của Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh cùng sự hỗ trợ đắc lực của các Chư Tăng Ni trong chùa Phật Huệ, các khách chúng người Đức đã tự tạo được cho mình những món Ăn Chay rất đơn giản, nhưng lại rất đẹp mắt và thơm ngon. Rồi lại tự thưởng thức những món ăn do chính bàn tay mình vừa tạo ra.


Nhìn gương mặt các khách chúng người Đức khi thưởng thức những món Ăn Chay vừa đẹp mắt, vừa thơm ngon, nóng, ròn được các Chư Tăng Ni lần lượt chuyển ra, mặc dù không hỏi, nhưng ai cũng có thể nhận ra được sự rạng rỡ, vô cùng hoan hỉ và sự cảm thụ tinh thông những món Ăn Chay đặc sắc này.


Khoá dạy "Nấu Đồ Ăn Chay" đã được khép lại sau gần 2 tiếng thực hành và thưởng thức những món ăn do chính mình tạo ra. Các chúng khách người Đức hoan hỉ bước vào Chánh Điện để Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh hướng dẫn thêm về cách Toạ Thiền và Phương Pháp Định Tâm nhằm giảm bớt những áp lực trong cuộc sống sinh hoạt trong gia đình cũng như cuộc sống lao động đời thường.


Đúng 14:30 giờ cùng ngày, các chúng khách người Đức đã chia tay và ra về trong tâm trạng thực sự hoan hỉ và an lạc.


Hy vọng những món Ăn Chay mang đậm quốc hồn, quốc tuý của dân tộc, đặc biệt là những nét đẹp thanh tao của văn hoá Đạo Phật sẽ mãi mãi in đậm, nhân rộng trong lòng khách chúng người Đức và trong lòng người con dân đất Việt.


Để đại chúng cùng được thưởng thức những món Ăn Chay đơn giản nhưng cũng rất kỳ công và hấp dẫn này, Ban Tri Sự Chùa Phật Huệ xin đăng tải cụ thể những giản liệu và cách thức nấu ăn, trình bày để quí vị cùng có cơ hội thưởng thức những món Ăn Chay này.


Các món ăn gồm: Phở; Gỏi cuốn bánh phồng tôm; Chả giò chiên; Cơm gạo tẻ với đậu hũ chiên nước sốt gừng


1. Món Phở


Gia liệu: Củ cải trắng; Xu hào; Đậu rá; Hành củ; Hành lá; Rau ngò; Húng quế; Cà rốt; Gừng; Quế; Hoa hồi, Bánh phở; Ớt tươi; Chanh tươi; Súp rau xanh; Dầu thực vật.

Chuẩn bị: Đổ hai lít nước vào nồi. Kế đó cho củ cải trắng, xu hào và cà rốt đã gọt vỏ sẵn, thái nhỏ, cho vào nồi, luộc chín, kế đó hầm nhừ, nhỏ lửa. Trong lúc chờ hầm nồi nước phở, ngâm bánh phở trong nước ấm. Gừng tươi sát mỏng, thái vừa nhỏ, quế, hành củ thái mỏng, cùng hoa hồi, kế đó nướng trên mặt bếp cho tới lúc có màu nâu đen (lưu ý: không bị cháy đen).


Sau 15-20 phút, cho các gia vị vừa nướng cùng gia vị phở, muối, súp rau xanh và dầu thực vật vào vào nồi nước phở đang hầm, rồi nếm nước gia vị.  Nếu nước gia vị đạt yêu cầu, đun tiếp nồi nước phở khoảng chừng 5 phút nữa.


Trong lúc chờ nước phở, đổ nước vào một nồi khác, đun sôi, sau đó cho bánh phở đã ngâm sẵn trong nước ấm vào nồi nước đang sôi, luộc bánh phở chừng 10 phút, kế đó phải đổ bánh phở vào một chiếc rá, để bánh phở ráo nước.


Chuẩn bị ăn:  Nếm lại nước phở. Kế đó thái nhỏ rau ngò, húng quế, hành lá để chuẩn bị cho bữa ăn. Khi nồi nước phở đạt yêu cầu, cho bánh phở vào bát, cho rau gia vị đã thái nhỏ cùng rá đỗ lên trên bánh phở, rồi chêm nước dùng vào bát. Để bát phở được thơm, ngon theo ý muốn, quí vị có thể dùng thêm chanh, ớt vắt thêm vào bát nước phở.


2. Chả giò chiên


Nguyên liệu:


1. Bánh tráng (bánh đa nem)


2. Mộc nhĩ (nấm tai mèo)


3. Một bìa đậu hũ (đậu phụ)


4. 500g cà rốt


5. 800g bắp cải trắng


6. Hành khô, chiên sẵn


7. 25g miến


8. Hai muỗng đường


9. Một chút hạt tiêu


10. Hai muỗng dầu thực vật


11. Hai muỗng bột canh Đài Loan


Chuẩn bị:


 Mộc nhĩ và miến ngâm trong nước sôi khoảng 20 phút. Trong khi chờ đợi, thái nhỏ cà rốt và bắp cải trắng thành sợi dài. Rán bìa đậu hũ, kế đó để nguội rồi bóp nhỏ. Mộc nhĩ và miến thái, cắt nhỏ rồi cho các gia vị vào chậu, trộn đều.


Cuốn bánh tráng:


Bánh tráng để lên một vỉ nhựa khô, kế đó cho nhân vào giữa bánh tráng rồi cuốn tròn lại. Cuốn xong, cho lên chiên ròn cùng dầu.


3. Cơm gạo tẻ cùng đậu hũ chiên với nước sốt gừng

Nguyên liệu:

Đậu hũ; Gừng; Hạt mè trắng; Nước tương; Đường; Dầu; Tỏi tây và hành lá.


Chuẩn bị:


- Cơm nấu sẵn.


- Đậu hũ thái thành từng lát hoặc hình hộp nhỏ, kế đó cho dầu vào chảo, chiên ròn. Khi chín vàng, vớt ra, để ráo dầu rồi xếp lên đĩa.


- Hành lá, tỏi tây thái nhỏ, sào với dầu, nêm chút gia vị lên cho thơm.


- Gừng giã nhỏ, cho vào bát, pha với nước tương, chanh, đường.


- Múc cơm và xếp đậu chiên lên đĩa. Cho hành lá cùng tỏi tây đã sào thơm lên trên cơm, rắc hạt mè đã rang chín, rồi thưởng thức cùng với nước sốt gừng.

4. Gỏi cuốn bánh phồng tôm
 

Nguyên liệu: Bánh phồng tôm; Cà rốt; Bắp cải trắng; Chanh tươi; Đường, Muối; Hành; Rau bạc hà; Gừng; Dầu ô lưu; Dầu mè; Rong biển.


Chuẩn bị:


- Bánh phồng tôm chiên sẵn.


- Các loại rau xanh rửa sạch và thái dạng sợi nhỏ, kế đó trộn lẫn cùng các gia vị có sẵn rồi nêm thử cho đạt yêu cầu rồi thưởng thức cùng với bánh phồng tôm.


Trên đây là những món Ăn Chay đơn giản lại dễ thực hiện, nhưng cũng không kém phần tinh khiết. Hy vọng những món ăn này sẽ góp phần tạo nên những món Ăn Chay thông thường trong mỗi gia đình người Việt cũng như trong những dịp hội hè, hay lễ Tết.

Để biết thêm về những món Ăn Chay và cách chế biến, quí Phật tử có thể liên lạc trực tiếp với Ni Sư Thích Nữ Diệu Hạnh qua số điện thoại:


Telefon: 069-48449812 / 069-48449819

hoặc liên lạc theo địa chỉ hòm thư điện tử của Chùa Phật Huệ:
chuaphathue2010@yahoo.com

Lược ghi: Thiện Lợi