"Tóm lại, quy y tuy là một hành vi, một quyết tâm, nhưng vẫn còn mang tính cách hình thức và nghi lễ, sự thực hiện và tu tập không được quy định cụ thể và rõ rệt, vì thế hành vi quy y chưa hội đủ những đặc tính cần thiết để xác nhận một người Phật tử đích thực. Có lẽ vì thế mà người ta thường ghép thêm vào hành vi quy năm giới luật tối thiểu phải tuân thủ gọi là ngũ giới. Vậy ngũ giới là gì?..."
Tác giả: Hoàng Phong
Khái niệm về Bốn dấu ấn trong Phật giáo
Câu hỏi nêu lên có vẻ rất đơn giản, nhưng thật ra lời giải đáp khá phức tạp, bởi vì không phải « theo » Phật giáo là đương nhiên trở thành một Phật tử. Có những người chưa bao giờ đến chùa, không ăn chay, cũng chẳng hiểu Đạo Pháp là gì, nhưng vẫn tự nhận là người « theo » Phật giáo, chẳng qua vì họ tự nhận diện dựa vào truyền thống gia đình, hoặc cứ nhận bừa để chọn cho mình một vị trí tín ngưỡng trong xã hội. Cũng có những trường hợp nhiều người tự cho là « theo » Phật giáo, nhưng hành vi, tư tưởng và thái độ của họ hoàn toàn đi ngược với Đạo Pháp. Có những người lúc sinh tiền thì chế nhạo tăng đoàn, chê bai kẻ đến chùa, đến lúc chết người thân chẳng biết phải làm gì khác hơn là « làm đám », mời sư sãi đến tụng niệm, cầu siêu... Những người thuộc các trường hợp trên đây thật rõ ràng không phải là những người « theo » Phật giáo, và nhất định không phải là một Phật tử. Vậy ta thử tìm hiểu những nét đặc thù nào có thể dùng để xác định một Phật tử chân chính.
Nhìn tổng quát về tín ngưỡng trên thế giới
Đối với Thiên chúa giáo, tín đồ phải chịu phép rữa tội, ghi tên vào sổ sách và không được đổi đạo. Đối với Hồi giáo thì khi sinh ra đương nhiên theo đạo của người cha. Đối với Ấn giáo, lúc sinh ra đời phải lệ thuộc ngay vào giai cấp bất di dịch của cha mẹ trong xã hội. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng tuân thủ và thực thi một cách trung thực và nghiêm chỉnh các giáo điều hay giáo lệnh thuộc tôn giáo của họ. Theo thống kê, con số người theo Thiên chúa giáo gồm có Thiên chúa giáo La mã, Chính thống giáo, Tin lành... là hai tỉ người, Hồi giáo một tỉ rưỡi người, Ấn giáo tám trăm triệu người, Phật giáo bảy trăm triệu người. Nếu những con số thống kê trên đây mang ít nhiều chính xác, thì trái lại con số những người thực thi tín ngưỡng của mình một cách rốt ráo và chân thật lại rất mù mờ, dù thuộc vào bất cứ tôn giáo nào cũng vậy.
Trên đây là tình trạng thật tổng quát về xu hướng tín ngưỡng chung trong các xã hội ngày nay. Một cách thiết thực và hạn hẹp hơn, có lẽ những người Phật giáo cũng nên nhìn vào trường hợp tín ngưỡng của mình để tự xác định những điều kiện nào có thể chứng minh một người « theo » Phật giáo đúng với ý nghĩa của nó, tức là một Phật tử đích thực. Thông thường nghi lễ quy y là điều kiện tối thiểu để xác định một Phật tử. Quy y có nghĩa là nương tựa vào Phật, Đạo Pháp tức những lời giáo huấn của Đức Phật, và Tăng đoàn tức tập thể những người đạo hạnh hy sinh đời mình để tu tập trong mục đích hướng dẫn kẻ khác. Trong các nước Phật giáo Nam tông, người ta quy y khá sớm, thông thường từ bảy tuổi trở lên, khi đứa trẻ bắt đầu hiểu được ý nghĩa những lời nguyện khi quy y. Quy y là một quyết tâm, cụ thể hoá bằng bằng một nghi lễ, nhưng thật ra quyết tâm đó có hội đủ điều kiện để xác định một Phật tử hay chưa ? Nếu nhìn xa hơn nữa, ta cũng có thể tự hỏi một người xuất gia, khoác lên người chiếc áo cà-sa, chọn một lối sống xa lìa thế tục, có đương nhiên hội đủ điều kiện để tự xem là một Phật tử chân chính hay không ?
Lạm bàn về quy y
Quy y tiếng Phạn và tiếng Pa-li gọi là sarana,nghĩa từ chương của chữ này là « điểm tựa », « sự che chở ». Điểm tựa ấy và sự che chở ấy là Tam bảo (Triratna) : Phật, Pháp và Tăng. Đối với tất cả các tông phái Phật giáo, quy y có nghĩa là bước vào con đường tu tập Đạo Pháp, hoặc bằng cách xuất gia hoặc có thể vẫn tiếp tục cuộc sống thế tục. Trên căn bản, quy y có nghĩa là tìm một điểm nương tựa để tránh khổ đau một cách rốt ráo và đạt được Giác ngộ.
Thật ra Quy y là một hành vi tự giải thoát cho chính mình khi ý thức được bản chất khổ đau của thế giới luân hồi. Hành vi ấy mang tính cách nội tâm, vì thế mà trước khi tịch diệt Đức Phật còn nhắc nhở các đệ tử của Ngài như sau : « Các con hãy nương tựa nơi chính các con ». Vì thế, nếu hiểu quy y là một sự nương tựa thì chủ yếu của sự nương tựa ấy phải là vị Phật trong tâm thức ta, noi theo chân lý Đạo Pháp mà ta đã chọn lựa, nhìn vào tấm gương của những người đã hy sinh đời mình để bảo vệ Đạo Pháp để bước theo họ. Sự nương tựa ấy nhất định không mang tính cách tiêu cực. Tuy nhiên theo Phật giáo Đại thừa thì chư Phật có thể giúp ta loại bỏ được mọi ảo giác, nhưng ta phải nỗ lực tu tập và noi theo những lời giáo huấn của chư Phật. Tông phái Tịnh độ chủ trương tha lực, tức cầu xin sự giúp đỡ của Đức Phật A-Di-Đà để tái sinh nơi Tây phương Cực lạc, nhưng phải cầu khẩn với sự thành tâm siêu việt và phải hiểu rằng Tây phương Cực lạc không hiện hữu bên ngoài tâm thức ta. Nói chung sự tích cực trong việc tu tập là một đặc thù của Phật giáo.
Không có kinh sách nào ghi chép Đức Phật bày ra nghi lễ gọi là quy y, đó là một thêm thắt về sau này khi Đạo Pháp của Ngài đã trở thành một tôn giáo lớn. Đức Phật chủ trương vô ngã, vì thế cái ngã của Đức Phật cũng không có. Đức Phật cũng từng xác nhận là « các tướng tốt chính và các tướng tốt phụ không phài là Như lai, đấy chỉ là những danh xưng mà thôi và cả tâm thức của Như Lai thì Như Lai cũng đã nhổ bỏ tận rễ từ lâu rồi ». Vì vậy đối với điểm nương tựa thứ nhất thì phải nương tựa như thế nào ? Trong các nước Phật giáo Á châu, nhất là Trung hoa, Việt Nam, Hàn quốc, Nhật bản, người Phật tử quý trọng Đức Phật và có chiều hướng tôn Ngài lên như một vị « Trời », ngang hàng với các vị « Trời » của các tôn giáo khác. Trong khi đó tại một số nước Nam tông và nhất là các nước Tây phương, Đức Phật được xem như một con người, một chúng sinh như tất cả các chúng sinh khác, nhưng là môt chúng sinh Giác ngộ. Sư tôn kính quá đáng hướng vào một biểu tượng bên ngoài có thể che lấp hình bóng của Phật trong tâm thức. Quy y Phật tức nương tựa vào vị Phật đang hiển hiện trong tâm thức ta.
Đối với điểm tựa thứ hai là Đạo Pháp thì Đức Phật đã từng so sánh Đạo Pháp của Ngài như một chiếc bè dùng để vượt sang sông, khi đến được bờ bên kia thì bỏ nó lại, không nên đội lên đầu mà đi. Vậy ta có nên bám víu vào Đạo Pháp như một điểm tựa vĩnh viễn hay không ? Điểm nương tựa thứ ba là Tăng đoàn, gồm những người đại diện cho Phật và tượng trưng cho Đạo Pháp, họ là những con người sống thật, luôn luôn hiện diện bên cạnh ta, hoàn toàn hy sinh vì sự an lành của ta. Tuy nhiên trên thực tế lại có một số người nâng họ lên ngang hàng với Phật, khi lên chùa thì chỉ thấy Tăng nhưng không hề thấy Phật, và cũng chẳng cần hiểu Đạo Pháp là gì. Mặt khác cũng không phải hiếm khi thấy những người trong Tăng đoàn quên mất bổn phận của một người bồ-tát và chỉ biết chờ đợi sự phục vụ tận tình của các Phật tử đến chùa.
Tóm lại, quy y tuy là một hành vi, một quyết tâm, nhưng vẫn còn mang tính cách hình thức và nghi lễ, sự thực hiện và tu tập không được quy định cụ thể và rõ rệt, vì thế hành vi quy y chưa hội đủ những đặc tính cần thiết để xác nhận một người Phật tử đích thực. Có lẽ vì thế mà người ta thường ghép thêm vào hành vi quy năm giới luật tối thiểu phải tuân thủ gọi là ngũ giới. Vậy ngũ giới là gì ?
Lạm bàn về ngũ giới
Ngũ giới là những điều ngăn cấm căn bản và tối thiểu mà người tu tập phải chấp hành. Tuy nhiên người xin quy y có thể nguyện giữ nhiều giới luật hơn : từ 8 đến10 hay 36 giới cấm. Thực ra tùy theo học phái, khi xuất gia người tỳ kheo phải nguyện giữ trọn 227, 250 hay 253 giới luật và người tỳ kheo ni phải giữ 311, 348 hay 364 giới luật. Bài viết này chỉ giới hạn trong việc giữ giới của những người thế tục gọi là « theo » Phật giáo mà thôi.
Năm giới cấm là : không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không nghiện ngập, nhưng thật ra đấy chỉ là những gì tối thiểu và căn bản thuộc nền đạo đức chung của xã hội loài người, vì thế ngũ giới không hẵn là những đặc thù của Phật giáo. Khi ý thức được vị trí của mình đối với thiên nhiên và sự sống, thì bất cứ ai cũng có thể nhận thấy ngũ giới là những điều đạo đức thật cần thiết để bảo vệ sự sống nói chung và xã hội con người nói riêng, không nhất thiết phải là một Phật tử mới biết giữ gìn những điều đạo đức căn bản ấy. Tuy nhiên xã hội ngày nay đã khác hẵn với xã hội của hàng ngàn năm về trươc, ta không thể phát biểu một cách khẳng định : « Tôi không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say xưa...».
Tuy không sát sinh, nhưng ta vẫn hiểu rằng một phần tiền thuế mà ta đóng góp sẽ dùng vào việc chế tạo vũ khí. Dù cho ta không trộm cắp, nhưng ta vẫn gián tiếp chấp nhận các nước giàu có bóc lột các nước kém mở mang qua hệ thống ngân hàng quốc tế, dựa trên nguyên tắc kinh doanh toàn cầu. Ta vẫn chấp nhận và tham gia vào việc tiêu dùng quá độ để giúp kinh tế « phát triển », mặc dù sự tiêu dùng đó là một cách khái thác nhân lực và tài nguyên của các nước kém mở mang, đưa các quốc gia này ngày càng lún xâu vào khó khăn và nghèo đói, đồng thời góp phần vào sự hũy hoại môi sinh của cả hành tinh này. Giới luật không nói dối lại còn khó tuân thủ hơn nữa khi ta sống trong những xã hội chi phối bởi sức mạnh của quảng cáo và tuyên truyền, sử dụng những ngôn từ lắc léo, tinh vi và tận dụng những kỹ thuật truyền tin tân tiến. Tà dâm trong các xã hội ngày nay cũng đã biến dạng thành những hình thức « văn hoá » thật tinh tế. Con người dù cho không say xưa vì rượu chè hay ma túy, nhưng khi bị mê hoặc bởi những hình thức khích động bản năng, bởi những lời tuyên truyền xúi dục mang tính cách cực đoạn, sẳn sàng tự sát trong mục đích giết hại và gây ra tang tóc, thì hậu quả sẽ còn tệ hại hơn nhiều so với rượu chè be bét.
Trong các xã hội sơ khai từ ngàn xưa, vô minh và khổ đau có vẻ đơn giản, nhưng ngày nay tổ chức xã hội đã trở nên tinh vi hơn nhiều, do đó vô minh và khổ đau cũng trở nên phức tạp hơn, được ngụy trang khéo léo hơn, trở nên khó nhận biết hơn. Nhiều hệ thống xã hội được sáng chế và hình thành để quản lý con người bằng sự giả dối. Các trường Đại học kinh doanh và chính trị giảng dạy những mánh lới « hợp pháp » giúp thu hoạch tối đa lợi nhuận, lèo lái và điều khiển quần chúng tinh vi hơn. Kỹ nghệ, kinh tế và chính trị lợi dụng những hình thức văn hoá và nghệ thuật để khái thác những xung năng tiềm ẩn của các tập thề con người trong xã hội, nhắm vào những chủ đích riêng tư.
Tóm lại ngũ giới mất đi phần nào ý nghĩa đơn sơ và mộc mạc của nó và không còn đủ sức để tượng trưng cho hành vi quy y và đạo đức nữa. Trong các xã hội phức tạp ngày nay có mấy ai đủ sức nhận thấy những hành vi của mình có vi phạm vào ngũ giới hay không. Đối với những người tu hành, chỉ cần nhớ hết 253 hay 364 giới cấm ghi chép trong kinh sách cũng đã là một việc không tưởng rồi, huống chi là việc thực thi.
Bures-Sur-Yvette, 07.10.08
Hoàng Phong (còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét