Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Thư cảm tạ của hội từ thiện chùa Phật Huệ Chance to Grow e.V.


"Số tiền này sẽ đuợc hội từ thiện chuyển về cho Ni Sư Như Minh chùa Tây Linh , Thành Phố Huế, dành cho việc trang bị 10 máy vi tính cho trường dạy nghề miễn phí cho các thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn..."








Trong dịp lễ Phật Đản ngày 08.6.2013 vừa qua hội từ thiện Chance to Grow  đã nhận đuợc số tiền quyên góp là:
1)    483,60 Euro từ quầy Infostand
2)    320,00 từ quầy bán bánh và waffel
 Số tiền này sẽ được hội chuyển đến cô nhi viện Ưu Đàm Thành Phố Huế do sư cô Phước Thiện phụ trách, để ủng hộ cho cô nhi viện trong việc mua thực phẩm và sữa uống hàng ngày cho 50 em cô nhi hiên đang sống tại đây.
 (Trong đó có sự đóng góp của : gia đình cô Lê Thị Nguyệt - 50 €;  gia đình cô Nguyễn Thị Hồng – 50 €;  chị Trần Thị Mạnh, Würzburg – 50 € ; chú Nguyễn Văn Tâm; cô Nguyễn Thị Bỉ – 10 €- và tất cả các vị ân nhân khác)
3)    Đặc biệt hơn nữa, trong đêm văn nghệ, với sự kêu gọi của thầy trụ trì Thích Thiện Sơn, của ca sĩ Ngọc Huyền, của ca sĩ Thế Sơn, hội từ thiện Chance to Grow  e.V.  chùa Phật Huệ đã nhận đuợc số tiền quyên góp là 3.334 Euro.
( Trong đó có sự đóng góp của  Sư cô Diệu Linh 500 €, ca sĩ Ngọc Huyền 300 € )
Thượng Toạ Thích Thiện Sơn và ca sĩ Ngọc Huyền trong buổi quyên góp tiền từ thiện 08.06.2013

Số tiền này sẽ đuợc hội từ thiện chuyển về cho Ni Sư Như Minh chùa Tây Linh , Thành Phố Huế, dành cho việc trang bị 10 máy vi tính cho trường dạy nghề miễn phí cho các thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.

Tổng cộng trong mùa lễ Phật Đản năm nay hội từ thiện Chance to Grow e.V. đã thu đuợc số tiền quyên góp tổng cộng là:
                                      483,60+ 320,00+ 3334,00 : 4.137,60 Euro.   
Hội từ thiện Chance to Grow e.V. của chùa Phật Huệ xin chân thành cảm tạ sự giúp đở và kêu gọi của Sư Diệu Linh, Ca sĩ Ngọc Huyền, Ca sĩ Thế Sơn, cũng như lòng hảo tâm của quý phật tử , của quý khán giả trong đêm Văn nghệ và kính chúc quý vị cùng gia quyến luôn được dồi dào sức khoẻ.

Thượng tọa Thích Thiện Sơn

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Thế Nào Mới Gọi Là Một Phật Tử - Phần I



"Tóm lại, quy y tuy là một hành vi, một quyết tâm, nhưng vẫn còn mang tính cách hình thức và nghi lễ, sự thực hiện và tu tập không được quy định cụ thể và rõ rệt, vì thế hành vi quy y chưa hội đủ những đặc tính cần thiết để xác nhận một người Phật tử đích thực.  Có lẽ  vì thế mà người ta thường ghép thêm vào hành vi quy năm giới luật tối thiểu phải tuân thủ gọi là ngũ giới. Vậy ngũ giới là gì?..."


Tác giả: Hoàng Phong


Khái niệm về Bốn dấu ấn trong Phật giáo

Câu hỏi nêu lên có vẻ rất đơn giản, nhưng thật ra lời giải đáp khá phức tạp, bởi vì không phải « theo » Phật giáo là đương nhiên trở thành một Phật tử. Có những người chưa bao giờ đến chùa, không ăn chay, cũng chẳng hiểu Đạo Pháp là gì, nhưng vẫn tự nhận là người « theo » Phật giáo, chẳng qua vì họ tự nhận diện dựa vào truyền thống gia đình, hoặc cứ nhận bừa để chọn cho mình một vị trí tín ngưỡng trong xã hội. Cũng có những trường hợp nhiều người tự cho là « theo » Phật giáo, nhưng hành vi, tư tưởng và thái độ của họ hoàn toàn đi ngược với Đạo Pháp. Có những người lúc sinh tiền thì chế nhạo tăng đoàn, chê bai kẻ đến chùa, đến lúc chết người thân chẳng biết phải làm gì khác hơn là « làm đám », mời sư sãi đến tụng niệm, cầu siêu... Những người thuộc các trường hợp trên đây thật rõ ràng không phải là những người « theo » Phật giáo, và nhất định không phải là một Phật tử. Vậy ta thử tìm hiểu những nét đặc thù nào có thể dùng để xác định một Phật tử chân chính.


Nhìn tổng quát về tín ngưỡng trên thế giới

Đối với Thiên chúa giáo, tín đồ phải chịu phép rữa tội, ghi tên vào sổ sách và không được đổi đạo. Đối với Hồi giáo thì khi sinh ra đương nhiên theo đạo của người cha. Đối với Ấn giáo, lúc sinh ra đời phải lệ thuộc ngay vào giai cấp bất di dịch của cha mẹ trong xã hội. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng tuân thủ và thực thi một cách trung thực và nghiêm chỉnh các giáo điều hay giáo lệnh thuộc tôn giáo của họ. Theo thống kê, con số người theo Thiên chúa giáo gồm có Thiên chúa giáo La mã, Chính thống giáo, Tin lành... là hai tỉ người, Hồi giáo một tỉ rưỡi người, Ấn giáo tám trăm triệu người, Phật giáo bảy trăm triệu người. Nếu những con số thống kê trên đây mang ít nhiều chính xác, thì trái lại con số những người thực thi tín ngưỡng của mình một cách rốt ráo và chân thật lại rất mù mờ, dù thuộc vào bất cứ tôn giáo nào cũng vậy.

Trên đây là tình trạng thật tổng quát về xu hướng tín ngưỡng chung trong các xã hội ngày nay. Một cách thiết thực và hạn hẹp hơn, có lẽ những người Phật giáo cũng nên nhìn vào trường hợp tín ngưỡng của mình để tự xác định những điều kiện nào có thể chứng minh một người « theo » Phật giáo đúng với ý nghĩa của nó, tức là một Phật tử đích thực. Thông thường nghi lễ quy y là điều kiện tối thiểu để xác định một Phật tử. Quy y có nghĩa là nương tựa vào Phật, Đạo Pháp tức những lời giáo huấn của Đức Phật, và Tăng đoàn tức tập thể những người đạo hạnh hy sinh đời mình để tu tập trong mục đích hướng dẫn kẻ khác. Trong các nước Phật giáo Nam tông, người ta quy y khá sớm, thông thường từ bảy tuổi trở lên, khi đứa trẻ bắt đầu hiểu được ý nghĩa những lời nguyện khi quy y. Quy y là một quyết tâm, cụ thể hoá bằng bằng một nghi lễ, nhưng thật ra quyết tâm đó có hội đủ điều kiện để xác định một Phật tử hay chưa ? Nếu nhìn xa hơn nữa, ta cũng có thể tự hỏi một người xuất gia, khoác lên người chiếc áo cà-sa, chọn một lối sống xa lìa thế tục, có đương nhiên hội đủ điều kiện để tự xem là một Phật tử chân chính hay không ?


Lạm bàn về quy y

Quy y tiếng Phạn và tiếng Pa-li gọi là sarana,nghĩa từ chương của chữ này là « điểm tựa », « sự che chở ». Điểm tựa ấy và sự che chở ấy là Tam bảo (Triratna) : Phật, Pháp và Tăng. Đối với tất cả các tông phái Phật giáo, quy y có nghĩa là bước vào con đường tu tập Đạo Pháp, hoặc bằng cách xuất gia hoặc có thể vẫn tiếp tục cuộc sống thế tục. Trên căn bản, quy y có nghĩa là tìm một điểm nương tựa để tránh khổ đau một cách rốt ráo và đạt được Giác ngộ.

 Thật ra Quy y là một hành vi tự giải thoát cho chính mình khi ý thức được bản chất khổ đau của thế giới luân hồi. Hành vi ấy mang tính cách nội tâm, vì thế mà trước khi tịch diệt Đức Phật còn nhắc nhở các đệ tử của Ngài như sau : « Các con hãy nương tựa nơi chính các con ». Vì thế, nếu hiểu quy y là một sự nương tựa thì chủ yếu của sự nương tựa ấy phải là vị Phật trong tâm thức ta, noi theo chân lý Đạo Pháp mà ta đã chọn lựa, nhìn vào tấm gương của những người đã hy sinh đời mình để bảo vệ Đạo Pháp để bước theo họ. Sự nương tựa ấy nhất định không mang tính cách tiêu cực. Tuy nhiên theo Phật giáo Đại thừa thì chư Phật có thể giúp ta loại bỏ được mọi ảo giác, nhưng ta phải nỗ lực tu tập và noi theo những lời giáo huấn của chư Phật. Tông phái Tịnh độ chủ trương tha lực, tức cầu xin sự giúp đỡ của Đức Phật A-Di-Đà để tái sinh nơi Tây phương Cực lạc, nhưng phải cầu khẩn với sự thành tâm siêu việt và phải hiểu rằng Tây phương Cực lạc không hiện hữu bên ngoài tâm thức ta. Nói chung sự tích cực trong việc tu tập là một đặc thù của Phật giáo.

Không có kinh sách nào ghi chép Đức Phật bày ra nghi lễ gọi là quy y, đó là một thêm thắt về sau này khi Đạo Pháp của Ngài đã trở thành một tôn giáo lớn. Đức Phật chủ trương vô ngã, vì thế cái ngã của Đức Phật cũng không có. Đức Phật cũng từng xác nhận là « các tướng tốt chính và các tướng tốt phụ không phài là Như lai, đấy chỉ là những danh xưng mà thôi và cả tâm thức của Như Lai thì Như Lai cũng đã nhổ bỏ tận rễ từ lâu rồi ». Vì vậy đối với điểm nương tựa thứ nhất thì phải nương tựa như thế nào ? Trong các nước Phật giáo Á châu, nhất là Trung hoa, Việt Nam, Hàn quốc, Nhật bản, người Phật tử quý trọng Đức Phật và có chiều hướng tôn Ngài lên như một vị « Trời », ngang hàng với các vị « Trời » của các tôn giáo khác. Trong khi đó tại một số nước Nam tông và nhất là các nước Tây phương, Đức Phật được xem như một con người, một chúng sinh như tất cả các chúng sinh khác, nhưng là môt chúng sinh Giác ngộ. Sư tôn kính quá đáng hướng vào một biểu tượng bên ngoài có thể che lấp hình bóng của Phật trong tâm thức. Quy y Phật tức nương tựa vào vị Phật đang hiển hiện trong tâm thức ta.

Đối với điểm tựa thứ hai là Đạo Pháp thì Đức Phật đã từng so sánh Đạo Pháp của Ngài như một chiếc bè dùng để vượt sang sông, khi đến được bờ bên kia thì bỏ nó lại, không nên đội lên đầu mà đi. Vậy ta có nên bám víu vào Đạo Pháp như một điểm tựa vĩnh viễn hay không ? Điểm nương tựa thứ ba là Tăng đoàn, gồm những người đại diện cho Phật và tượng trưng cho Đạo Pháp, họ là những con người sống thật, luôn luôn hiện diện bên cạnh ta, hoàn toàn hy sinh vì sự an lành của ta. Tuy nhiên trên thực tế lại có một số người nâng họ lên ngang hàng với Phật, khi lên chùa thì chỉ thấy Tăng nhưng không hề thấy Phật, và cũng chẳng cần hiểu Đạo Pháp là gì. Mặt khác cũng không phải hiếm khi thấy những người trong Tăng đoàn quên mất bổn phận của một người bồ-tát và chỉ biết chờ đợi sự phục vụ tận tình của các Phật tử đến chùa. 

Tóm lại, quy y tuy là một hành vi, một quyết tâm, nhưng vẫn còn mang tính cách hình thức và nghi lễ, sự thực hiện và tu tập không được quy định cụ thể và rõ rệt, vì thế hành vi quy y chưa hội đủ những đặc tính cần thiết để xác nhận một người Phật tử đích thực.  Có lẽ  vì thế mà người ta thường ghép thêm vào hành vi quy năm giới luật tối thiểu phải tuân thủ gọi là ngũ giới. Vậy ngũ giới là gì ?


Lạm bàn về ngũ giới

 Ngũ giới là những điều ngăn cấm căn bản và tối thiểu mà người tu tập phải chấp hành. Tuy nhiên người xin quy y có thể nguyện giữ nhiều giới luật hơn : từ 8 đến10 hay 36 giới cấm. Thực ra tùy theo học phái, khi xuất gia người tỳ kheo phải nguyện giữ trọn 227, 250 hay 253 giới luật và người tỳ kheo ni phải giữ  311, 348 hay 364 giới luật. Bài viết này chỉ giới hạn trong việc giữ giới của những người thế tục gọi là « theo » Phật giáo mà thôi.
Năm giới cấm là : không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không nghiện ngập, nhưng thật ra đấy chỉ là những gì tối thiểu và căn bản thuộc nền đạo đức chung của xã hội loài người, vì thế ngũ giới không hẵn là những đặc thù của Phật giáo. Khi ý thức được vị trí của mình đối với thiên nhiên và sự sống, thì bất cứ ai cũng có thể nhận thấy ngũ giới là những điều đạo đức thật cần thiết để bảo vệ sự sống nói chung và xã hội con người nói riêng, không nhất thiết phải là một Phật tử mới biết giữ gìn những điều đạo đức căn bản ấy. Tuy nhiên xã hội ngày nay đã khác hẵn với xã hội của hàng ngàn năm về trươc, ta không thể phát biểu một cách khẳng định : « Tôi không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say xưa...». 

Tuy không sát sinh, nhưng ta vẫn hiểu rằng một phần tiền thuế mà ta đóng góp sẽ dùng vào việc chế tạo vũ khí. Dù cho ta không trộm cắp, nhưng ta vẫn gián tiếp chấp nhận các nước giàu có bóc lột các nước kém mở mang qua hệ thống ngân hàng quốc tế, dựa trên nguyên tắc kinh doanh toàn cầu. Ta vẫn chấp nhận và tham gia vào việc tiêu dùng quá độ để giúp kinh tế « phát triển », mặc dù sự tiêu dùng đó là một cách khái thác nhân lực và tài nguyên của các nước kém mở mang, đưa các quốc gia này ngày càng lún xâu vào khó khăn và nghèo đói, đồng thời góp phần vào sự hũy hoại môi sinh của cả hành tinh này. Giới luật không nói dối lại còn khó tuân thủ hơn nữa khi ta sống trong những xã hội chi phối bởi sức mạnh của quảng cáo và tuyên truyền, sử dụng những ngôn từ lắc léo, tinh vi và tận dụng những kỹ thuật truyền tin tân tiến. Tà dâm trong các xã hội ngày nay cũng đã biến dạng thành những hình thức « văn hoá » thật tinh tế. Con người dù cho không say xưa vì rượu chè hay ma túy, nhưng khi bị mê hoặc bởi những hình thức khích động bản năng, bởi những lời tuyên truyền xúi dục mang tính cách cực đoạn, sẳn sàng tự sát trong mục đích giết hại và gây ra tang tóc, thì hậu quả sẽ còn tệ hại hơn nhiều so với rượu chè be bét.
Trong các xã hội sơ khai từ ngàn xưa, vô minh và khổ đau có vẻ đơn giản, nhưng ngày nay tổ chức xã hội đã trở nên tinh vi hơn nhiều, do đó vô minh và khổ đau cũng trở nên phức tạp hơn, được ngụy trang khéo léo hơn, trở nên khó nhận biết hơn. Nhiều hệ thống xã hội được sáng chế và hình thành để quản lý con người bằng sự giả dối. Các trường Đại học kinh doanh và chính trị giảng dạy những mánh lới « hợp pháp » giúp thu hoạch tối đa lợi nhuận, lèo lái và điều khiển quần chúng tinh vi hơn. Kỹ nghệ, kinh tế và chính trị lợi dụng những hình thức văn hoá và nghệ thuật để khái thác những xung năng tiềm ẩn của các tập thề con người trong xã hội, nhắm vào những chủ đích riêng tư.
Tóm lại ngũ giới mất đi phần nào ý nghĩa đơn sơ và mộc mạc của nó và không còn đủ sức để tượng trưng cho hành vi quy y và đạo đức nữa. Trong các xã hội phức tạp ngày nay có mấy ai đủ sức nhận thấy những hành vi của mình có vi phạm vào ngũ giới hay không. Đối với những người tu hành, chỉ cần nhớ hết  253 hay 364 giới cấm ghi chép trong kinh sách cũng đã là một việc không tưởng rồi, huống chi là việc thực thi.

Bures-Sur-Yvette, 07.10.08
  Hoàng Phong


(còn tiếp)

THÔNG BÁO - TU BÁT QUAN TRAI 06-07.07.2013



Vì  trùng hợp với những ngày Seminar trong Tu Viện Phật Đạo nên ngày Huân Tu Đại Bi Thứ Bảy 27.07.2013 sẽ được thay thế bằng ngày Thọ Bát Quan Trai vào ngày Thứ Bảy 06.07...




Vì  trùng hợp với những ngày Seminar trong Tu Viện Phật Đạo nên ngày Huân Tu Đại Bi Thứ Bảy 27.07.2013 sẽ được thay thế bằng ngày Thọ Bát Quan Trai vào ngày Thứ Bảy 06.07 vào lúc 14:00 giờ và kết thúc lúc 14:00 giờ ngày Chủ Nhật 07.07.2013.

Quý Phật tử ở xa xin hoan hỉ mang theo túi ngủ và vật dụng cá nhân. 


Xin thông báo và mời Quý vị Phật tử về chùa tham dự đông đủ .




Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

Đại Lễ Phật Đản 2557 – Thông Điệp Hoà Bình


"Giá trị cao cả và đích thực của Phật pháp không ngoài mục đích mang lại sự hỉ lạc và giác ngộ trong tâm để tiến tới giải thoát cho mỗi người Phật tử . Vì thế người Phật tử đứng trước vạn vật, nên lắm chăng cần phải có cách suy nghĩ và tầm nhìn một cách sâu xa và khoáng đạt hơn..."



Sau những ngày tháng gấp rút vào gian lao chuẩn bị, ngày 08.06.2013 Đại Lễ Phật Đản 2637, PL 2557 do chùa Phật Huệ tổ chức đã chính thức khai mạc.

Vì số lượng Phật tử về chùa tham dự Đại Lễ Phật Đản quá đông, nên mùa Phật Đản 2557 năm nay BTC đã quyết định tổ chức Đại Lễ trên một địa điểm khác cách chùa Phật Huệ không bao xa. Đây là khuân viên trực thuộc Cung trượt băng thể thao của thành phố Frankfurt am Main - một địa điểm thông thoáng, rộng rãi trên 10000m2 và thuận tiện đường đi lại. 

Những ngày cận kề Đại Lễ công việc chuẩn bị càng thêm phần gấp rút, vất vả và đồ sộ hơn. Ước nguyện của BTC là làm sao tạo được một không gian thông, thoáng nhưng vẫn không kém phần uy nghi, tráng lệ, để khi các Phật tử về tham dự Đại Lễ đều cảm thấy như đang được sống lại, được hòa mình vào những khung cảnh đầy tịnh lạc trong ngày Đức Phật Đản Sanh. Điều này các Phật tử có thể dễ dàng nhận thấy. Ngay trước cửa Chánh Điện là hai tôn tượng Đức Phật Đản Sanh theo hình cỡ khác nhau. Tay mặt chỉ thiên, tay trái chỉ địa. Dưới chân Ngài là một hồ nhỏ với những lẵng hoa đủ sắc màu được đan kết xung quanh hồ. Ẩn hiện trong mặt hồ vắt trong là nhấp nhô những đóa sen đang tỏa hào quang như đang nâng, đỡ từng bước chân của Đức Phật khi Ngài rời thân thể mẹ… Con đường chính dẫn vào Chánh Điện một tôn tượng Đức Phật Thích Ca đang Tọa Thiền mặt hướng về nơi xa, được đặt trên độ cao chừng 3m, xung quanh tôn tượng là những chậu hoa, lẵng hoa nhiều màu sắc kết thành. Từ tầm cao ấy quý Phật tử từ nơi xa đã có thể nhận ra, và nếu ai có thể dừng lại phút giây trước tôn tượng của Ngài, chắc hẳn sẽ nhận thấy: Dường như Phật Thích Ca đang ngồi đó, nhưng ánh hào quang, ánh mắt của Ngài vẫn đang không ngừng dõi theo từng bước chân chúng sanh muôn loài.
Ý tưởng của BTC thật ý nghĩa và đầy thi vị…

Thứ Bảy, 08.06.2013
Ngay từ sáng sớm Thầy Trụ Trì cùng các Chư Tăng và các Phật tử thiện nguyện đã có mặt tại nơi tổ chức để gấp rút hoàn tất nốt những khâu chuẩn bị cuối cùng, trước khi tiến hành Đại Lễ. 


10 giờ – Khai mạc Đại lễ Phật Đản 2557
Các Phật tử trên khắp mọi miền nước Đức đã tề tựu đông đủ trước Chánh Điện để cung nghinh Phái đoàn Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni vào Đại hùng Bảo điện để làm lễ khai mạc Đại Lễ Phật Đản PL 2557. Trong không khí trang nghiêm và đầy cảm xúc, Chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni đã hướng dẫn các Phật tử tụng kinh Phổ Môn để nguyện cầu cho quốc thái, dân an và chúng sanh muôn loài đều được sống trong an lạc, hạnh phúc.

Để làm sống lại không khí thời Phật còn tại thế và giúp cho các Phật tử có được cơ hội tri ơn công đức và cúng dường Chư Tăng, vào lúc 11:30 giờ, phái đoàn Chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni đã biểu diễn pháp Khất Thực xung quanh địa điểm tổ chức Đại Lễ Phật Đản. Có lẽ đây là lần đầu tiên các Phật tử của Chùa mới có cơ hội để tận mắt chứng kiến khung cảnh các Chư Tăng đi khất thực, vì thế ai ai cũng nô nức, mong muốn có được cơ hội để được tiếp xúc và cúng dường Chư Tăng. Nhìn phái đoàn Chư Tăng hai tay môm bình bát, rồi người nối người, khuân mặt an nhiên, tự tại, chân thong rong rảo bước dọc các lộ trình… và các Phật tử gương mặt hân hoan, sắp hàng cung đón dọc đường để mong được tự tay mình đặt vào bình bát của các Chư Tăng những vật dụng đã được công phu chuẩn bị… Dẫu không nói thành lời, nhưng nếu ai được hòa mình trong khung cảnh ấy, chắc chắn mọi người đều cảm thấy đó là những hình ảnh đầy thanh tao và xúc động vô cùng. Nhiều Phật tử đứng tận nơi xa e ngại phái đoàn Chư Tăng không ghé tới khất thực nơi mình đang đứng nên vội vàng hướng về Phái đoàn Chư Tăng chắp tay, cung kính mời các Chư Tăng đến khất thực nơi chúng con đang đứng để chúng con được cơ hội cúng dường…






























12:00 giờ - Cúng Dường Trai Tăng.
Đây là một nghi lễ đầy trang nghiêm và trang trọng và cũng rất đỗi công phu. Để chuẩn bị cho nghi lễ này các Phật tử Huệ Phú, Diệu Từ cùng nhiều Phật tử khác đã hối hả chuẩn bị ngay từ ngày hôm trước. Hai gian lều Cúng Dường Trai Tăng cũng vì thế được những bàn tay khéo léo của các Phật tử sắp xếp, bài trí thật trang nghiêm và chu đáo. Đúng 12:00 giờ, nghi thức Cúng Dường Trai Tăng đã diễn ra. Sau phần các Chư Tăng thọ Trai, các Phật tử đã cùng nhau cung kính tặng quà cúng dường các Chư Tăng.



13:00 giờ - Quy Y Tam Bảo
Tại sao chúng ta cần phải Quy Y Tam Bảo? Quy Y là gì? Tam Bảo là gì? Tại sao người Phật tử phải thường Thọ Trì Ngũ giới? Thượng Tọa Trụ Trì Thích Thiện Sơn đã có những lời khai thị thật tỉ mỉ giúp cho các Phật tử nhận thức rõ rệt tầm quan trọng cũng như hành động Quy Y Tam Bảo của mình, đó cũng là bước kế tiếp giúp cho các Phật tử thêm dũng mãnh và tinh tấn hơn trên bước đường tu học.  

14:00 – Cử Hành Nghi Thức Đại Lễ Phật Đản
Đúng 14:00 cùng ngày, các Phật tử khắp nơi đã quy tụ về nơi Chánh Điện rồi vai kề vai cùng nhau hát vang bài hát: Kính Mến Thầy để cung nghinh phái đoàn Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni vào nơi Đại Hùng Bảo Điện để cử hành Nghi Thức Đại lễ Phật Đản. Trong không khí trang nghiêm, Đại Đức Thích Chúc Toàn và Đại Đức Thích Nghiêm Tín đã thay mặt BTC chùa Phật Huệ giới thiệu sự hiện diện của phái đoàn bao gồm 30 Chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni từ các Đạo Tràng đến từ mọi miền nước Đức và một số nước lân cận.

Đại Đức Thích Nghiêm Tín đã có đôi dòng khái lược về con người, cuộc đời, sự dấn thân cao cả cũng như sự nghiệp thuyết pháp của Đức Phật Thích Ca trong suốt 49 và trong suốt hành trình Ngài tại thế… Sau phần Nghi thức, các Chư Tăng đã cử hành làm lễ tắm Phật và kế đó các Phật tử hàng nối hàng, người nối người cung kính làm lễ tắm Phật.

15:00-16:00 Thuyết Pháp Song Ngữ Đức-Việt
Tại khu vực sân khấu dành cho Đêm Văn Nghệ, Thượng Tọa Thích Thiện Sơn đã có một bài Pháp song ngữ dành cho các Phật tử Đức-Việt. Từ nhiều năm nay, trong các buổi sinh hoạt Phật sự hay trong các khóa tu học, các dịp Đại Lễ, Thượng Tọa Trụ Trì Thích Thiện Sơn thường có những bài pháp song ngữ Đức-Việt dành cho các Phật tử cũng như Đại chúng người bản xứ nói chung và các thế hệ Việt sanh ra tại nước Đức nói riêng. Đây là một công đức vô cùng to lớn mà Thượng Tọa Trụ Trì luôn luôn quan tâm mỗi khi nhân duyên tròn đầy, nhằm đem ánh sáng Phật pháp thâm nhập vào cuộc sống của người dân bản xứ nơi này, giúp cho mọi người, mọi nhà đều thấy được giá trị đích thực của cuộc đời cũng như Đạo Phật. Qua đó cũng giúp người dân bản xứ nơi đây hiểu biết hơn về cuộc sống, phong tục tập quán cũng như truyền thống Đạo Phật của đất nước và con người Việt Nam, dẫu cho mọi người phải sống xa cách quê hương, xứ sở, nhưng mọi giá trị vẫn luôn luôn tỏa sáng và duy trì.

17:00 -24:30 Đêm Văn Nghệ Mừng Đại Lễ Phật Đản 2557
Trong các sinh hoạt Phật sự của Chùa Phật Huệ tổ chức hầu như đều có gắn kết với những tiết mục hay những Đêm Văn Nghệ nhằm mang những lời ca, tiếng hát của các ca sĩ được đông đảo khán giả muôn phương mến mộ cũng như những ca sĩ „cây nhà lá vườn“ đến với Đại chúng. Đây là một hình thức nhằm Nối Vòng Tay Lớn để cùng mang những lời ca, tiếng hát về thế thái nhân tình, về Đạo pháp – Giống như một thông điệp, một hình thức „kết duyên“ hay „thông điệp hòa bình“ gửi tới tất cả các trang thiện nam, tín nữ, không phân biệt màu da, tôn giáo, chủng tộc. 
                                             TT Thích Thiện Sơn khai mạc Đêm Văn Nghệ

Đêm Văn Nghệ mừng Đại Lễ Phật Đản 2557 vừa qua cũng không vượt ra ngoài tôn chỉ đó. Trong bài diễn văn khai mạc và chào mừng Đêm Văn Nghệ 08.06.2013, Thượng Tọa Thích Thiện Sơn cũng hoan hỉ diễn giải về ý nghĩa cao, xa và tốt đẹp này.  BTC chùa Phật Huệ cũng luôn luôn mong mỏi trong những sinh hoạt Phật sự của Chùa, những Đêm Văn Nghệ không phải đơn thuần là tạo thêm không khí sôi động của những sinh hoạt Phật sự. Trái lại, người Phật tử, Đại chúng nên có sự nhìn nhận ở một tầm xa hơn thế. Giá trị cao cả và đích thực của Phật pháp không ngoài mục đích mang lại sự hỉ lạc và giác ngộ trong tâm để tiến tới giải thoát cho mỗi người Phật tử . Vì thế người Phật tử đứng trước vạn vật, nên lắm chăng cần phải có cách suy nghĩ và tầm nhìn một cách sâu xa và khoáng đạt hơn.
Đời-Đạo, Đạo-Đời vốn luôn song hành là vậy…


Đại Lễ Phật Đản 2637 PL 2557 đã được khép lại bằng Đêm Văn Nghệ mừng Đức Phật Đản Sanh vào lúc 1:00 giờ sáng ngày 09.06.2013. 

Nhân đây BTC xin thành kính tri ân công đức của các Tổ chức, Hội đoàn, cũng như cá nhân, gia đình người Đức-Việt đã không quản ngại thời gian, đường xá xa xôi, về đóng góp tịnh tài, công sức, góp phần thành công cho Đại Lễ Phật Đản 2557.


Mùa Phật Đản đã qua, nhưng những dư âm sẽ còn lắng đọng mãi mãi trong lòng người Phật tử muôn phương…
Ghi nhận từ Đại Lễ Phật Đản 2557, 08.06.2013 – Thiện Lợi.



 
Click lên ảnh để xem toàn bộ Album