Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Y Pháp Bất Y Nhân - Phần II


"Chùa – Nhiều người cứ nghĩ: Chùa là chùa, nhà là nhà. Thực tế thì chùa và nhà cũng là một. Phật nói: Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Khi tâm mình, và những người trong gia đình mình không tịnh, đầy cấu uế, tham-sân-si… thì ngay tại gia, lúc ấy là địa ngục; ngược lại, nếu tâm mọi người đều thanh tịnh, không nhơ, thì lúc ấy tại gia cũng là Tịnh Độ..."




Huệ Tâm
 


Chồng chị bạn cãi lại:
- Bà đừng chủ quan quá. Không phải tôi không đến chùa là tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Bà thử cho tôi biết, bà đến chùa, bà được những gì? Tôi thấy hễ các bà không gặp nhau thì thôi, nhưng hễ gặp nhau là y như có động đất.
Chị bạn tôi lườm lườm chồng:
- Này, ông đừng nói xiên xỏ nghe! Tôi biết ông đang định nói gì đấy. Tôi đến chùa, tôi biết tôi nên nói gì, nên làm gì, và tôi có thể làm được những gì. Tôi thấy Sư Cụ bữa đó khuyên tôi một câu rất chí lý: Con cứ hoan hỉ và tùy duyên mà làm. Việc chùa thì có làm cả đời cũng chẳng hết… Tại sao Sư Cụ lại bảo “con cứ hoan hỉ và tuỳ duyên mà làm?”
- Bà giải thích đi! Chồng bạn chị bạn tôi nhổm người, nói như khiêu khích.
- Ông cứ suốt ngày chỉ lo nhậu với xem bóng đá, làm sao mà hiểu được Sư Cụ nói gì.
- Thế Sư Cụ nói gì? Chồng chị bạn hiếng mắt, nhìn vợ, giọng hoài nghi, hỏi.
- Ông làm sao thế? Hôm nay lại có tâm muốn nghe pháp cơ à? Sư Cụ nói vậy cũng giống như một lời cảnh tỉnh mình: Các con đến chùa hãy mang theo cái tâm thật hoan hỉ của mình mà đến, chứ đừng mang theo cái tâm tật đố, tâm bỏn xẻn, tâm đố kỵ, tâm ganh ghét, tâm chấp trước, tâm sân hận. Bởi nếu đem cái tâm ấy vào chùa, vô tình các con đã khiến cho cảnh giới của chùa mất đi sự trang nghiêm và thanh tịnh. Mà chính các con cũng không đem lại lợi ích gì cho bản thân.
Còn “việc chùa” các ông có hiểu thâm ý của Sư Cụ muốn dạy điều gì không?
- Ôi dào! Việc chùa với việc nhà cũng thế. Ở đâu mà chả có? Ở đâu mà chả phải làm? Chồng chị bạn đáp.
Chị bạn tôi nhìn chồng, thoáng thở dài, đáp:
- Nói như ông chỉ đúng được khía cạnh nhỏ. Nhưng hai chữ "việc chùa" mà Sư Cụ nói ở đây nó không hàm nghĩa những công việc đơn thuần trong sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày, sâu xa hơn Chùa chính là Đạo tràng; là chân tâm của chúng sanh, nó là sự giác ngộ, sự tu học, sự quán chiếu tâm của mình. Chùa – Nhiều người cứ nghĩ: Chùa là chùa, nhà là nhà. Thực tế thì chùa và nhà cũng là một. Phật nói: Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Khi tâm mình, và những người trong gia đình mình không tịnh, đầy cấu uế, tham-sân-si… thì ngay tại gia, lúc ấy là địa ngục; ngược lại, nếu tâm mọi người đều thanh tịnh, không nhơ, thì lúc ấy tại gia cũng là Tịnh Độ. Như vậy Chùa (Đạo tràng) mà Sư Cụ nói cũng là nhà và nhà mình cũng chính là chùa (là Đạo tràng). Vì mình có tâm phân biệt, tâm chấp chước nên mình cứ rạch ròi chùa là chùa, nhà là nhà. Khi lên chùa thì mình có tâm (hoặc cố vẻ) thành kính, nhưng khi ra khỏi chùa, về tới nhà, ra công sở, ra nơi công cộng… thì tâm chúng sanh (tật đố, tham-sân-si…) lại trỗi dậy. Sư cụ đã cắt nghĩa cho tôi hiểu về hai chữ Đạo Tràng trong Kinh Duy Ma Cật như thế này: "Trực tâm là đạo tràng vì chẳng hư giả. Khởi hạnh là đạo tràng vì hay làm việc. Thâm tâm là đạo tràng vì tăng trưởng công đức. Bồ Ðề tâm là đạo tràng vì chẳng sai lầm. Bố thí là đạo tràng vì chẳng mong quả báo. Trì giới là đạo tràng vì được mãn nguyện. Nhẫn nhục là đạo tràng vì đối với chúng sanh tâm chẳng chướng ngại. Tinh tấn là đạo tràng vì chẳng giải đãi. Thiền định là đạo tràng vì tâm điều hòa dịu dàng. Trí huệ là đạo tràng vì thấy ngay các pháp. Từ là đạo tràng vì chúng sanh bình đẳng. Bi là đạo tràng vì chịu sự khó nhọc. Hỉ là đạo tràng vì vui thích chánh pháp. Xả là đạo tràng vì đoạn dứt yêu ghét. Thần thông là đạo tràng vì thành tựu lục thông. Giải thoát là đạo tràng vì hay nghịch tà bỏ vọng. Phương tiện là đạo tràng vì giáo hóa chúng sanh. Tứ nhiếp là đạo tràng vì nhiếp những chúng sanh khó độ. Ða văn là đạo tràng vì hành đúng theo sở văn do Phật dạy. Hàng phục tâm là đạo tràng vì chánh quán các pháp. Ba mươi bảy phẩm là đạo tràng vì xả bỏ pháp hữu vi. Tứ đế là đạo tràng vì chẳng dối lầm thế gian. Duyên khởi là đạo tràng vì thập nhị nhân duyên đều vô tận. Phiền não là đạo tràng vì chứng biết đúng như thật. Chúng sanh là đạo tràng vì chứng biết vốn vô ngã. Tất cả pháp là đạo tràng vì chứng biết pháp tánh vốn không. Hàng ma là đạo tràng vì chẳng bị lay động. Tam giới là đạo tràng vì chẳng có chỗ xu hướng. Sư tử rống là đạo tràng vì sức vô úy nên vô sở úy. Pháp bất cộng là đạo tràng vì chẳng có lỗi lầm. Tam minh là đạo tràng vì chẳng còn chướng ngại. Một niệm biết tất cả pháp là đạo tràng vì thành tựu nhất thiết chủng trí". Như vậy hai chữ "việc Chùa" (Đạo tràng) hiểu đúng lời Sư Cụ, nó chính là sự quán chiếu tâm hàng ngày của mình, chứ chẳng phải là những công việc, sinh hoạt, sự sống đơn thuần. Đó cũng là chân nghĩa mà Ngài Duy Ma Cật đã dạy…
Hôm đó, khi tôi trở về, Sư Cụ dường như biết cả mọi chuyện, nên mới gọi tôi lại, rồi nhỏ nhẹ nói:
- Con ở xa về mà biết đường đến chùa để làm công đức, đó là điều quý hiếm lắm. Không phải mấy ai cũng có và biết nắm bắt được cái cơ duyên đó. Nhiều người nhà kề cận chùa thật đấy nhưng cả đời họ chẳng hề nghĩ tới chuyện bước chân vào chùa để thắp một nén hương cúng Phật; Cũng có người đến chùa nhưng chỉ muốn chứng tỏ mình trước mọi người; cũng lại có người đến chùa vì cầu tài, cầu lộc; vì thăng quan, tiến chức; rồi cũng lại có người vì chuyện nọ, chuyện kia… nghĩa là tâm của mỗi người đến chùa đều mang theo những chủ đích khác nhau, do vậy những chuyện xảy ra như hôm nay, thật là khó tránh khỏi. Người thực tâm đến chùa thời nay thật là ít ỏi. Nhưng những người muốn mang sự nhiễu nhương ngoài đời vào chùa, rồi muốn chùa trở thành nơi sinh hoạt ngoài đời thì lại rất nhiều. Nếu con là người thực tâm muốn tìm Đạo, học Đạo thì con phải biết nhẫn và có lòng từ bi, bởi có từ bi con mới nhìn thấy, mới cảm được những sự khổ đau những người xung quanh con và của chúng sanh muôn loài con ạ; Có nhẫn, con mới có thể dễ dàng vượt qua được những chướng duyên trong đời. Người thực Tu là người dám làm những việc người khác không thể làm; dám gánh chịu những chuyện mà người khác lẩn tránh; và có thể chịu đựng được những chuyện mà người đời không thể chịu đựng. Hôm nay có nhiều người đến đây làm công đức, nhưng thực là công đức họ làm được thì rất ít, trái lại họ đánh mất công đức của chính mình lại quá nhiều. Con có biết công đức từ đâu mà có không?
Chị bạn tôi bảo: Bữa đó đang chăm chú nghe Sư Cụ nói Pháp, đột nhiên Sư Cụ dừng lại hỏi, vậy là tôi ngồi thộn một đống. Sư Cụ mới nhìn tôi, rồi tủm tỉm nói:
Công đức phải tu hành mới có được con ạ. Ngày xưa có người hỏi Tổ Huệ Năng: “Để tử nghe Tổ Đạt Ma khi mới đến vua Lương Võ Đế, vua Võ Đế liền hỏi: “Trẫm một đời cất chùa, độ tăng, bố thí thiết trai có những công đức gì?”. Khi ấy Tổ Đạt Ma bảo: “Thật không có công đức”. Vậy con có biết Tổ Huệ Năng khi ấy nói gì không?
Chị bạn tôi bảo: Sư Cụ thấy tôi ngẩn người, nên bèn cười, rồi nói tiếp: Tổ nói: “Thật không có công đức. Võ Đế tâm tà không biết chánh pháp, cất chùa, độ tăng, bố thí, thiết trai đó gọi là cầu phước, chớ không thể đem phước đổi làm công đức. Công đức là ở trong pháp thân, không phải tu phước mà được”. Tổ nói về công đức như thế này: “Thấy tánh là công, bình đẳng là đức, mỗi niệm không ngưng trệ, thường thấy bản tánh, diệu dụng chân thật gọi là công đức.  Trong tâm khiêm hạ là Công, bên ngoài hành lễ phép là Đức. Tự tánh dựng lập muôn pháp là công, tâm thể lìa niệm là đức. Không lìa tự tánh là công, ứng dụng không nhiễm là đức. Nếu tìm công đức pháp thân, chỉ y nơi đây mà tạo là chân công đức. Nếu người tu công đức, tâm tức không có khinh, thường hành khắp kỉnh. Tâm thường khinh người, ngô ngã không dứt tức là không Công, tự tánh hư vọng, không thật tức tự không Đức, vì ngô ngã, tự đại thường khinh tất cả. Này Thiện Tri Thức mỗi niệm không có gián đoạn là công, tâm hành ngay thẳng là đức. Này Thiện Tri Thức, công đức phải là nơi tự tánh mà thấy, không phải do bố thí, cúng dường mà cầu được. Ấy là phước đức cùng với công đức khác nhau”. Con trở về ta không có gì tặng con nên ta tặng con hai câu này làm hành trang tu đạo:
Càng buông bỏ dưới chân này
Ấy là chỗ đứng càng ngày càng cao.
 Bữa ấy tôi hỏi Sư Cụ về ý nghĩa hai câu kệ trên, nhưng Sư Cụ chỉ cười, rồi nhỏ nhẹ nói:
Y Pháp Bất Y Nhân
Y Nghĩa Bất Y Ngữ
Y Trí Bất Y Thức
Y Liễu Nghĩa Bất Y Bất Liễu Nghĩa.
Nếu con tu đúng pháp tự con sẽ biết câu trả lời.
19.01.2013 Huệ Tâm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét