Ở nơi nào cũng có tình yêu thương...
Nếu lấy quê hương là cội nguồn của dân tộc thì mái chùa cũng chính là cội nguồn của tình yêu thương..."
Nhiều người hỏi: Phật Huệ xuân về có gì không? Câu hỏi dường như là một sự nao nức và cũng ẩn chứa nhiều niềm ước vọng...
Ở nơi nào cũng nhớ về quê hương
Ở nơi nào cũng có tình yêu thương...
Nếu lấy quê hương là cội nguồn của dân tộc thì mái chùa cũng chính là cội nguồn của tình yêu thương.
Quê hương – Mấy ai đi xa mà không nhớ, không khắc khoải, mong chờ, đặc biệt là mỗi độ xuân về...
Những ngày này, khi mùa xuân đang về trên quê hương mỗi lúc một thêm gần thì nỗi nhớ trong những người con xa quê chúng ta lại càng một thêm dâng đầy...
Mái chùa – Nhiều người thường nghĩ: đó là nơi Chay-Tịnh, nơi dành cho các Chư Tăng, nơi ngày đêm vang lên câu kinh, tiếng mõ... hiểu như thế thật là một định kiến sai lầm. Bởi:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ Tông
Muốn biết mái chùa có phải là nơi chở che, mang quốc hồn, quốc túy của dân tộc hay không, chúng ta chỉ cần dành một chút thời gian để vãn cảnh chùa, cho dù đó là mái chùa nơi quê hương, hay đó là những mái chùa nơi quê người, đất khách. Chắc chắn ai trong mỗi chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra được không gian, cảnh sắc của quê hương, của dân tộc vẫn luôn bừng khắp ngay cả những chốn thiền môn, tịnh lặng này…
Phật Huệ – Những ngày vào xuân cũng rộn ràng, nao nức như thế. Không rộn ràng, náo nức sao được khi đây là cơ hội duy nhất trong năm, giúp cho các Phật tử xa gần có được cơ hội sống lại với những không gian, cảnh sắc của đất trời quê hương, ngay giữa cảnh trời Âu xa lắc này.
Có lẽ từ lâu lắm… chùa Phật Huệ – những ngày xuân về đã trở thành một quê hương khép nhỏ…
- Đẹp quá! Nhiều người lắm, những giây phút trước giờ giao thừa bâng khuâng đứng trước những cành mai, cành đào xuân - đại diện cho hương sắc đất trời của hai miền Nam-Bắc đang chúm chím nụ hoa, rạng bừng khắp nơi trong Chánh điện cho tới khuân viên của chùa, đã xúc động thốt lên như vậy.
Nếu ai một lần xa quê, mới thấu và cảm nhận được chọn vẹn những nỗi niềm bâng khuâng của người xa xứ đó khi được tiếp cận, được sống lại, được hòa mình trong không gian của quê hương trước giây phút giao mùa…
Ý tưởng của BTC là tạo một góc vườn quê với khóm chuối, rặng tre, với những cỏ, hoa, đào, mai, với một hồ nước, với dòng thác đổ xuống từ trên cao cùng róc rách tiếng bọt nước như tiếng suối reo đổ xuống mặt hồ trong, lung linh, gợn sóng cùng đôi chú cá vàng tung tăng bơi lượn bên chân tháp chùa cổ kính… được khéo léo tạo nên ngay bên phải, kế cận cửa ra vào của Chánh điện, khiến ai ai khi bước vào Chánh điện cũng đều cảm thấy tâm hồn mình thư lắng lại, và ngỡ như mình đang được rạo bước, vãn cảnh xuân ngay chính xóm quê nơi quê hương vậy. Và cũng nhờ thế Chánh điện chùa Phật Huệ năm nay dường như rộng, thênh thang hơn mọi năm…
Công việc chuẩn bị cho giờ phút giao thừa và đón năm mới cũng thật khẩn trương và vất vả. Dẫu không nói thành lời, nhưng BTC, Ban Hộ Trì Tam Bảo và những Phật tử thiện nguyện dường như ai ai cũng đều tự nhủ: Phải ráng hết sức mình, để làm sao giây phút giao thừa mọi người đến đây đều được chọn hưởng không gian mùa xuân thật chan hòa, ấm cúng...
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét